Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng mua bán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán (Trang 41 - 45)

Chương 1 : LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN

2.1. ĐIỀU KIỆN PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM

2.1.2. Có lỗi của bên vi phạm hợp đồng mua bán

Nguyên tắc áp dụng yếu tố lỗi của bên vi phạm hợp đồng là căn cứ bắt buộc phải có để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Theo nguyên tắc chung thì lỗi là điều kiện cần thiết để áp dụng trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán nói riêng và nghĩa vụ dân sự nói chung. Chính vì vậy, mà trong quy định về trách nhiệm dân sự phải có lỗi của bên vi phạm nghĩa vụ đã được đưa vào Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định tại Điều 309 và Điều 308 BLDS năm 2005, trong đó đều nhấn mạnh lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm hợp đồng nói riêng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trong các ấn phẩm pháp lý các tác giả đã định nghĩa về lỗi do vi phạm hợp đồng mua bán có sự khác nhau nhưng nhìn chung được hiểu là trạng thái, tâm lý và mức độ nhận

thức của một người đối với hành vi của họ và hậu quả của hành vi đó. Căn cứ vào mức độ nhận thức, trạng thái, tâm lý và hậu quả do hành vi vi phạm hợp đồng mua bán gây ra mà khoa học luật dân sự chia lỗi ra làm hai loại đó là lỗi cố

ý và lỗi vô ý theo Khoản 2 Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2005 “lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho ngươi khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra”[9]. Còn lỗi vô ý gây thiệt được hiểu như sau: Tại khoản 3 Điều 308: “là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được”[19]. Nói rộng ra,

theo đúng tinh thần của Bộ luật, thì dù là lỗi cố ý hay lỗi vô ý, khái niệm chung về lỗi luôn là một phạm trù tâm lý, vì nó được biểu hiện thông qua trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của con người đối với những hành vi của họ và hậu quả của những hành vi ấy.

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện hợp đồng nhưng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng thì bị coi là có lỗi. Bên có lỗi đã không thực hiện những cam kết có hiệu lực pháp luật, thì phải chịu các chế tài dân sự.

Xét về mặt lý thuyết thuần túy, cách tiếp cận khái niệm lỗi của Bộ luật Dân sự Việt Nam tự thân nó cũng không hẳn hoàn toàn sai. Nhưng nếu xét đến vai trò của nó đối với đời sống dân sự thì cách tiếp cận này còn một số hạn chế.

Thứ nhất, liệu có nhất thiết phải áp dụng khái niệm lỗi của luật hình sự, khi mà trong dân luật, lỗi mang một ý nghĩa khác với trong hình luật (nếu trong hình luật, lỗi quyết định đến việc định tội danh và lượng hình, thì trong dân luật, lỗi chỉ phục vụ cho việc xác định căn cứ của trách nhiệm, chứ không

phục vụ cho việc xác định các biện pháp (hình thức) trách nhiệm cũng như mức độ trách nhiệm, ngoại trừ một số trường hợp riêng biệt). Và liệu Bộ luật Dân sự hiện hành có thiếu tính thực tiễn, khi mà trọng tâm chứng minh lại là trạng thái tâm lý của người có nghĩa vụ mà không phải là thái độ hay sự tận tâm của người có nghĩa vụ đối với chính công việc và những nghĩa vụ mà họ phải thực hiện. Đó là chưa kể trong thực tiễn xét xử những năm qua, hầu như chưa bao giờ vấn đề kiểm tra, xem xét trạng thái tâm lý của người vi phạm nghĩa vụ đối với hành vi thực hiện và hậu quả của hành vi thực hiện được đặt ra một cách nghiêm túc, cả từ phía Tòa án lẫn từ phía những người tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, ngay trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành cũng đã bắt đầu xuất hiện một số văn bản pháp luật chuyên ngành trong đó từ bỏ cách tiếp cận khái niệm lỗi truyền thống của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Ví dụ, theo quy định tại khoản 1 Điều 164 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 quy định: “người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra do vận chuyển chậm, trừ trường hợp chứng minh được mình, nhân viên đại lý của mình không thể áp dụng hoặc đã áp dụng mọi biện pháp để tránh thiệt hại nhưng thiệt hại vẫn xảy ra”[26] hoặc theo quy định của khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005 quy định“người vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại đối với mất mát, hư hỏng hàng hóa do tàu không đủ khả năng đi biển, nếu chứng minh được rằng mình đã thực hiện một cách mẫn cán các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật”[27].

Như vậy, có thể thấy rằng cách tiếp cận khái niệm lỗi dựa trên trạng thái, tâm lý của người vi phạm nghĩa vụ của Bộ luật Dân sự năm 2005 phần nào mang tính khiên cưỡng, không đem lại lợi ích đáng kể nào trên phương diện thực tiễn.

Thứ hai, điều bất cập không chỉ dừng ở đó. Điều bất cập còn thể hiện ở chỗ: So với Bộ luật Dân sự năm 1995 (Điều 309), Bộ luật Dân sự năm 2005

(Điều 308) đã bác bỏ một số nguyên tắc có giá trị phổ quát: nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ. Chúng ta nói “phổ quát” là bởi vì nguyên tắc suy đoán lỗi của người vi phạm nghĩa vụ là một giá trị đã được cuộc sống sàng lọc và kiểm nghiệm, dù ở La Mã cách đây hàng ngàn năm hay ở bất kỳ nơi nào trên trái đất này trong thời đại hiện nay. Các giá trị phổ biến luôn mang trong mình thông điệp của cả cộng đồng văn minh, vì thế, một quy tắc xử sự dù đặc thù đến đâu không thể tách rời hoàn toàn truyền thống và di sản pháp luật nhân loại. Không thể đơn giản bỏ đi một quy tắc xử sự mà không dựa trên căn cứ nào, và cũng không thể xây dựng một quy tắc xử sự mới mà không dựa vào những gì hoàn toàn chưa từng tồn tại trước đó. Một chế định pháp luật dựa theo cách tiếp cận như vậy tự nó sẽ mất đi sức sống. Tuy nhiên, không phải tất cả những sửa đổi, bổ sung về chế định lỗi trong quan hệ hợp đồng được tiến hành trong thời gian vừa qua đều bất hợp lý. Nghiên cứu chế định về lỗi hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005, có thể tìm thấy không ít những điểm được sửa đổi, bổ xung rất đáng khích lệ, mà đáng kể nhất có lẽ là việc bãi bỏ quy định của khoản 4 Điều 230 Luật Thương mại năm 1997, trong đó xác định yếu tố lỗi là căn cứ phát sinh trách nhiệm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại. Căn cứ theo quy định tại điều 294 Luật Thương mại năm 2005 về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm và quy định tại Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, có thể dễ dàng nhận thấy Luật Thương mại năm 2005 đã có cách nhìn mới về trách nhiệm hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, theo đó trách nhiệm hợp

đồng được hiểu là loại trách nhiệm “khách quan” loại trách nhiệm không dựa

trên yếu tố lỗi, tức là loại trách nhiệm phát sinh ngay cả khi bên có nghĩa vụ không có lỗi trong việc vi phạm hợp đồng. Những quy định tại Điều 294 và Điều 303 Luật Thương mại năm 2005 phản ánh một xu hướng phổ biến khá

rõ nét trên thế giới, đó là xu hướng tăng cường trách nhiệm hợp đồng của thương nhân, phải chịu những rủi ro trong quá trình kinh doanh. Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy rằng sau một thời gian đổi mới, chế định hợp đồng của nước ta đã và đang bắt đầu vượt qua các thói quen và cách tư duy truyền thống để nhanh chóng hòa nhập vào quá trình toàn cầu hóa hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng mua bán (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)