Vi phạm pháp luật của công ty chứng khoán

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về xử lý vi phạm của công ty chứng khoán ở việt nam (Trang 27 - 30)

1.2.1. Khái niệm

Vi phạm pháp luật là hành vi có tính chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho xã hội, có lỗi, do chủ thể có năng lực hành vi (năng lực trách nhiệm pháp lý) thực hiện [1, tr412].

Vi phạm pháp luật của công ty chứng khoán là các hành vi trái pháp luật của công ty chứng khoán xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán xác lập và bảo vệ. Chủ thể này phải chịu trách nhiệm pháp lý do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật chứng khoán.

1.2.2. Đặc điểm

Thứ nhất, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là các công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán là các tổ chức trung gian của thị trường giao dịch tập trung nên trong hoạt động kinh doanh chứng khoán sẽ phát sinh những vi phạm như giao dịch nội gián, các điều kiện hành nghề của tổ chức kinh doanh chứng khoán như vốn điều lệ thực có chưa bằng vốn pháp định, nhân viên công ty chứng khoán chưa có chứng chỉ hành nghề...

Thứ hai, việc vi phạm pháp luật này xuất phát từ những lợi ích vật chất. Các quan hệ được thiết lập trên thị trường chứng khoán đều là các quan hệ kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường hoặc quan hệ quản lý kinh tế giữa các chủ thể tham gia thị trường và các chủ thể quản lý thị trường. Các mối quan hệ được thiết lập đều nhằm đạt được lợi ích kinh tế nhất định do vậy mục đích lợi ích vật chất hay lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu.

Nhằm đạt đến mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận và lợi ích vật chất nên CTCK đã thực hiện những hành vi vượt quá ranh giới quy định của pháp luật, từ đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan và ảnh hưởng đến sự bình ổn của thị trường.

Thứ ba, hầu hết các vi phạm pháp luật đều được thực hiện do lỗi cố ý. Công ty chứng khoán khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đều ý thức được hậu quả của những hành vi này. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lợi ích kinh tế, họ có thể vượt qua những rào cản của pháp luật. Do vậy, có thể nói các hành vi vi phạm pháp luật phát sinh trong lĩnh vực này đều được thực hiện một cách cố ý.

Thứ tư, xác định được hành vi của công ty chứng khoán này rất khó và phức tạp. Có những hành vi vi phạm trực tiếp có thể xác định rõ ràng, cụ thể. Có những hành vi vi phạm gián tiếp, thông qua nhiều hành vi hợp pháp và thông qua nhiều chủ thể khác nhau do đó nhận dạng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này đòi hỏi phải có sự nhạy bén, tinh tế của cơ quan có thẩm quyền hay nói cách khác là cần phải có những công cụ, biện pháp mang tính chuyên nghiệp, nghiệp vụ cao để đưa ra những cách thức xử lý thích hợp và hiệu quả.

Thứ năm, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán có tính đặc thù là phát sinh nhanh, nằm ngoài sự kiểm soát của các quy định pháp luật do bản thân các hoạt động của CTCK tham gia trên thị trường phát triển rất năng động. Vì vậy, cần có biện pháp giải quyết kịp thời để tránh gây hậu quả tiêu cực, tác

động đến sự bình ổn của toàn thị trường. Hầu như các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đều bắt nguồn từ việc lợi dụng những khe hở của pháp luật, có những nội dung, những mối quan hệ pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh hoặc chưa đề cập đến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi phạm xuất hiện mà vẫn né tránh được các quy định của pháp luật.

1.2.3. Phân loại các vi phạm

(i) Căn cứ vào hành vi thực hiện, vi phạm pháp luật của Công ty chứng khoán bao gồm:

Vi phạm nhóm quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng với các hành vi như bảo lãnh phát hành chứng khoán vượt quá quy định; vi phạm quy định về giấy phép thành lập và hoạt động; vi phạm nhóm quy định về tổ chức thị trường giao dịch với các hành vi như không công khai địa chỉ và cách thức giao dịch, không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ báo cáo, vi phạm các quy định về hoạt động của Công ty chứng khoán…

(ii) Căn cứ vào mức độ vi phạm: Có thể chia vi phạm pháp luật của Công ty chứng khoán thành vi phạm pháp luật dân sự, vi phạm pháp luật hành chính và vi phạm pháp luật hình sự.

Vi phạm pháp luật dân sự của CTCK: là những hành vi trái pháp luật, có lỗi, gây thiệt hại về tài sản đối với chủ thể là tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán. CTCK phải chịu trách nhiệm dân sự về những hành vi vi phạm này.

Vi phạm hành chính được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính [20, Điều 2.1].

Từ đó, vi phạm pháp luật hành chính của CTCK là hành vi của CTCK thực hiện do lỗi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán được xử lý

theo các quy phạm pháp luật hành chính, các vi phạm này chưa đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vi phạm pháp luật hình sự của CTCK hay còn gọi là tội phạm chứng khoán là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực pháp luật hình sự gây ra, do lỗi cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác và làm ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.

(iii) Căn cứ vào nghiệp vụ, lĩnh vực kinh doanh của CTCK: Vi phạm pháp luật của CTCK được chia thành vi phạm trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Trong khuôn khổ của luận văn, tác giả đi sâu nghiên cứu các hình thức xử lý vi phạm của CTCK căn cứ vào mức độ vi phạm và sẽ được nghiên cứu cụ thể ở Chương 2.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về xử lý vi phạm của công ty chứng khoán ở việt nam (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)