Nghiên cứu về lượng hóa mức độ ảnh hưởng môi trường của hoạt động kha

Một phần của tài liệu Luận án nghiên cứu mức độ ảnh hưởng môi trường của hoạt động khai thác cát và nạo vét luồng vùng biển ven bờ hải phòng (Trang 48 - 50)

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN KHU VỰC VÀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. Tổng quan nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường của các hoạt động khai thác cát

1.2.5. Nghiên cứu về lượng hóa mức độ ảnh hưởng môi trường của hoạt động kha

thác cát và nạo vét luồng hàng hải

Để lượng hóa các mức độ tác động, ảnh hưởng hoặc đánh giá hiệu quả của quá trình quản lý, tính bền vững của HST, sử dụng hợp lý tài nguyên [85-86] ... người ta xây dựng các tiêu chí, chỉ thị và chỉ số đánh giá. Trong nghiên cứu sử dụng hợp lý tài nguyên biển và ven bờ, chỉ thị và chỉ số đã được xây dựng và áp dụng nhiều trên thế giới và Việt Nam [87-90].

Tiêu chí có thể được hiểu là những chuẩn mực cụ thể được đặt ra và dùng để đưa ra các đánh giá cụ thể và khách quan nhất về một sự vật hay sự việc bất kỳ nào đó. Các chuẩn mực đó có thể là những chuẩn mực về thời gian, chuẩn mực về năng suất, chuẩn mực về mặt chất lượng, cùng với đó chính là việc xem xét về sự tuân thủ theo đúng các quy định đã được đề ra. Kết quả được đưa ra cuối cùng sẽ phản ánh sự bền vững cũng như tính hiệu quả của những tiêu chí được sử dụng trong quy trình đánh giá. Một cách ngắn gọn và chính xác hơn thì tiêu chí sẽ là những chuẩn mực về các yêu cầu khác nhau được đưa ra nhằm mục đích phân tích và đánh giá về một sự vật hay sự việc bất kỳ nào đó được quan tâm. Kết quả của quá trình đó sẽ phản ánh những tiêu chí được sử dụng có thực sự hiệu quả và có tính bền vững hay không. Hiện nay, tiêu chí được sử dụng trong tất cả mọi lĩnh vực của con người. Mỗi một lĩnh vực khác nhau thì các tiêu chí được đưa ra đều có sự khác nhau để có thể đánh giá và phản ánh được đúng bản chất, tình hình của mỗi sự việc, sự vật trong từng giai đoạn cụ thể. Các tiêu chí có thể được xem xét thay đổi trong những giai đoạn cụ thể. Điều này sẽ phụ thuộc vào thời gian, hoàn cảnh xã hội cũng như năng suất trung bình ở thời điểm đó của từng lĩnh vực cụ thể. Mọi sự thay đổi của tiêu chí đều cần phải phản ánh đúng bản chất của tình hình xã hội thời điểm được thay đổi nhằm đảm bảo tính khách quan cũng như chính xác nhất của tiêu chí cho việc đánh giá.

Đối với hoạt động khai thác cát và nạo vét luồng hàng hải, các đánh giá mức độ ảnh hưởng môi trường thường tập trung vào đánh giá tác động của chúng đối với HST

biển (san hô, cỏ biển) hoặc đối với chất lượng môi trường nước tại điểm khai thác/nạo vét. Việc lượng hóa tác động của hoạt động khai thác cát bằng phương pháp tiêu chí/ chỉ số/ chỉ thị còn ít được nghiên cứu và sử dụng các phương pháp tiếp cận khác nhau. Santo và nnk, 2002 đã xác định một số chỉ thị tác động môi trường của hoạt động khai thác cát bằng phương pháp ứng dụng GIS và ảnh máy bay.

Đánh giá tác động môi trường là công cụ chủ đạo trong quy hoạch và đánh giá tác động của con người đến môi trường. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động sinh thái ít được quan tâm trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của một dự án [91]. Theo cách truyền thống, các đánh giá tác động sinh thái được xây dựng dựa trên sự tổng hợp kiến thức về cách HST phản ứng với những xáo trộn do con người gây ra. Các nguy cơ ảnh hưởng xấu đến HST do hoạt động của con người gây ra được đánh giá dựa trên điều kiện hiện tại của môi trường về khả năng chống chịu được các tác động giả định được so sánh và vì vậy nó khó cho được kết quả cụ thể và lượng hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp chỉ thị/chỉ số thì có thể khắc phục được hạn chế này. Mặc dù có những chỉ trích về tính chủ quan trong đánh giá tác động bằng phương pháp tiêu chí/ chỉ số, tham vấn chuyên gia song vẫn không thể phủ nhận được tính hiệu quả của phương pháp trong đánh giá tác động môi trường và hỗ trợ ra quyết định [91]. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, sử dụng phương pháp đánh giá mức độ ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát/nạo vét luồng hàng hải thông qua tiêu chí, chỉ số phù hợp hơn trong việc đánh giá tác động sinh thái [92].

Như vậy, Chương 1 trình bày các nội dung hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn để tiến hành nghiên cứu đề tài luận án, tóm tắt như sau.

Lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên, địa kinh tế và địa chính trị của Hải Phòng tạo cho thành phố có điều kiện phát triển mạnh về kinh tế - xã hội đồng thời với việc bảo tồn thiên nhiên các giá trị đa dạng sinh học cao, đặc biệt ở vùng bờ biển. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển cảng và hàng hải cũng như đô thị hóa với nhu cầu vật liệu san lấp để xây dựng và mở rộng các khu dân cư, cơ sở du lịch, khu công nghiệp... ở vùng bờ biển của thành phố đã có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và sinh thái. Các công trình nghiên cứu về khai thác cát ven bờ và nạo vét luồng hàng hải nói chung cho thấy: khai thác các mỏ cát ở vùng nước nông ven bờ trong điều kiện nguồn bùn cát cung cấp từ các sông suy giảm sau khi xây dựng các đập ở thượng nguồn, đồng thời xây mới, mở rộng, duy trì các luồng hàng hải và cảng biển gây nên các tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, bao gồm: sự thay đổi độ sâu (ở

vị trí khai thác cát/nạo vét và nhận chìm), thay đổi chế độ dòng chảy, vận chuyển bùn cát, thay đổi cân bằng bùn cát và biến động bồi xói ở các vùng khai thác cát và nạo vét luồng, chất lượng môi trường nước biển và hệ sinh vật biển.

Ở Việt Nam, hiện nay nghiên cứu về ảnh hưởng môi trường một cách tổng quan của các hoạt động phát triển ở vùng bờ và biển nói chung và khai thác cát ven bờ biển cũng như nạo vét luồng hàng hải (bao gồm cả hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển) nói riêng đã được quan tâm trong những năm gần đây, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường, sinh thái vùng bờ và biển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lượng hóa mức độ ảnh hưởng môi trường và xây dựng công cụ đánh giá định lượng mức độ này của các hoạt động này còn rất hạn chế trên qui mô quốc gia và chưa có công trình nghiên cứu nào ở khu vực Hải Phòng. Thực trạng này dẫn đến những khó khăn và bất cập trong hoạch định chính sách, lập kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường sát với thực tế theo định hướng phát triển bền vững của cả nước và của thành phố Hải Phòng nói riêng.

Một phần của tài liệu Luận án nghiên cứu mức độ ảnh hưởng môi trường của hoạt động khai thác cát và nạo vét luồng vùng biển ven bờ hải phòng (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(160 trang)
w