III. THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI CỦA KEM WALL’S
4. Bài học kinh nghiệm:
Unilever chính thức hoạt động tại Trung Quốc vào năm 1986. Bảy năm sau – 1993 - họ mới đưa thương hiệu kem Wall’s vào chiếm lĩnh thị trường. Trong khi ở Việt Nam, Unilever bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 1995. Nhưng chỉ sau một năm – 1996 - họ đã tung kem Wall’s vào thị trường một cách rầm rộ rồi đột ngột âm thầm rút lui. Unilever đã áp dụng chiến lược kinh doanh “one-size-fit-all” dựa trên những điểm tương đồng về văn hóa địa lý và sự thành công của nhãn hàng tại Trung Quốc, để rồi nhận thấy thất bại vì quên mất rằng việc xác định đúng thời điểm và nghiên cứu kĩ những nhu cầu của người tiêu dùng để tung sản phẩm vào thị trường là cực kì quan trọng.
Đối với một công ty nước ngoài, nội địa hóa trở thành một công cụ tiếp thị không thể thiếu. Tận dụng nguồn nhân lực địa phương vừa tiết kiệm chi phí vừa khai thác sự hiểu biết về văn hóa và nhu cầu của người tiêu dùng bản địa.
Hiểu biết thói quen, tập quán của người tiêu dùng là then chốt. Thấu hiểu thói quen kinh doanh của nhà bán lẻ cũng hết sức quan trọng, nếu chuỗi mắt xích này bị lơi là thì toàn bộ hệ thống bị sụp đổ.
Bí quyết công nghệ là một trong những chìa khóa cạnh tranh trên thị trường để tạo sự khác biệt. Unilever đã sai lầm trong việc chuyển giao công nghệ cho Kinh Đô.
Có một câu nói nói rằng: “Thất bại là mẹ thành công”. Thực vậy, không phải thất bại lúc nào cũng là điều tồi tệ, quan trọng là chúng ta học được gì từ những lần vấp ngã đó. Unilever là một minh chứng điển hình cho việc khắc phục được những hạn chế của chính mình. Công ty đã nhanh chóng nhìn ra dược những điểm sai sót và đã thay đổi kịp thời. Nhờ đó mà công ty luôn dẫn đầu trong chiến lược kinh doanh quốc tế và đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới của một quốc gia và phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Những gì mà bài nghiên cứu này mang đến là kinh nghiệm và hoạt động kinh doanh quốc tế của một công ty đa quốc gia điển hình là Unilever. Từ đó muốn đưa ra một bài học chung cho những công ty đã đang và sẽ tham gia hoạt động kinh doanh quốc tế là phải biết nhìn nhận kịp thời những khuyết điểm của mình, phải biết tận dụng điểm mạnh của công ty, từ đó chúng ta sẽ đạt được thành công mà ta mong muốn.