Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất huyện lương tài, tỉnh bắc ninh (Trang 53 - 58)

Phần 4 Kết quả và thảo luận

4.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội huyện Lương Tài

4.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế xã hội

4.1.2.1 Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

a) Tăng trưởng kinh tế

Tình hình phát triển kinh tế của huyện năm 2016 đạt mức khá cao vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề, đạt > 8%, trong đó nông nghiệp đạt 2,2%, công nghiệp đạt 10% và dịch vụ thương mại đạt 12,7%.

b) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã đạt được những kết quả nhất định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực trong các khu vực và từng ngành kinh tế. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ tăng. Tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thủy sản giảm trong khi đó giá trị sản xuất tuyệt đối của nông nghiệp - thủy sản hàng năm đều tăng.

4.1.2.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế

a) Khu vực kinh tế nông nghiệp

Nông nghiệp tiếp tục phát triển, nhất là nâng cao hiệu quả chuyển dịch những vùng trũng thấp sang nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi những khu vực lúa năng suất thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.

Trong những năm qua nhiều giống lúa chất lượng cao đã được đưa vào sử dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Năng suất lúa bình quân năm 2016 đạt 63,1 tạ/ha, tăng đáng kể so với năm 2015. Cơ cấu ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm trồng lúa, tăng cây hoa màu và chăn nuôi.

b) Khu vực kinh tế công nghiệp

Công nghiệp đang trên đà phát triển, bước đầu có những chuyển biến tích cực tạo sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng đáng kể so với năm 2010. Dự kiến năm 2015 đạt 765 tỷ đồng.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp được khuyến khích phát triển. Tính đến nay ngành công nghiệp - TTCN toàn huyện có trên 130 doanh nghiệp. Tổng giá trị sản xuất năm 2016 ước đạt 1.274 tỷ đồng tăng 10,4% so với năm 2015.

Tổng số lao động thường xuyên làm trong các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện khoảng 4.500 lao động.

c) Khu vực kinh tế dịch vụ

Trong những năm qua việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ làm chủ đạo đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và tăng nhu cầu giao dịch, trao đổi hàng hóa. Các ngành thương mại, dịch vụ có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong những năm gần đây đã phát triển ở tất cả các thành phần kinh tế.

Nhìn chung, ngành dịch vụ du lịch mới phát triển, quy mô đang còn nhỏ, cơ sở vật chất chưa được đầu tư thỏa đáng. Năm 2016 ước tính tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 700 tỷ đồng tăng 12,7% so với năm 2015.

4.1.2.3. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập

a) Dân số

Theo số liệu thống kê, dân số của huyện Lương Tài đến năm 2016 là trên 102.000 người, trong đó nam 49.717 người (chiếm 49%) và nữ 51.747 người (chiếm 51%), mật độ dân số khoảng 950 người/km2. Dân số phân bố không đồng đều giữa các địa bàn trong huyện tập trung nhiều nhất ở thị trấn Thứa và xã Trung Kênh, thấp nhất ở xã Trừng Xá.

b) Lao động, việc làm

Theo số liệu thống kê toàn huyện có 57.190 người trong độ tuổi lao động, chiếm 57% dân số. Trong đó: lao động phi nông nghiệp khoảng 17.110 người chiếm 28% tổng số lao động; lao động nông nghiệp khoảng 43.509 người chiếm 72% tổng số lao động, tập trung nhiều ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp thuần tuý.

Nhìn chung nền kinh tế của huyện phát triển chưa đồng đều giữa các xã, còn ít các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp của tỉnh của trung ương mà chủ yếu là hợp tác xã sản xuất, sản xuất hộ gia đình, kinh tế cá thể. Chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật còn ít, mức sống dân cư còn thấp.

c) Thu nhập

Nhìn chung, tình hình thu nhập và mức sống hiện nay của nhân dân trong huyện đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn thấp so với mức bình quân chung của tỉnh. Sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 2016 là 650 kg/người/ năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là khoảng 30 tiệu đồng/ người; mức sống dân cư được nâng lên rõ rệt. Các hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6% năm 2010 xuống 3,5% năm 2014 và dưới 3% năm 2016. Toàn huyện không còn hộ đói.

4.1.2.4. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn

a) Thực trạng phát triển đô thị

Thị trấn Thứa là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện với tổng diện tích là 710,18 ha, dân số >9330 người. Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cơ sở hạ tầng, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, phúc lợi được đầu tư. Chất lượng sống ở thị trấn ngày càng được nâng cao.

Đồng thời các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển góp phần quan trọng và việc thúc đẩy kinh tế thương mại – dịch vụ của huyện.

Ngoài ra các vấn đề xử lý rác thải đô thị, cấp thoát nước sinh hoạt cũng khá bức xúc cần được đầu tư xây dựng.

b) Thực trạng phát triển các khu dân cư nông thôn

Các khu dân cư nông thôn tập trung ở 13 xã, có 90.388 người, chiếm 90,6% dân số toàn huyện. Các khu dân cư nông thôn thường được hình thành và phát triển từ lâu đời, gắn với làng nghề truyền thống, ổn định qua nhiều thế hệ. Tập quán cư trú và phân bố theo làng xóm, sống theo dòng họ, nét văn hóa sân đình, nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Tổng diện tích đất khu dân cư là 2.331,94 ha, chiếm 22,07% diện tích tự nhiên của huyện. Một số khu dân cư tập trung theo các tuyến giao thông, ngoài đê sông Đuống, kênh mương không thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Nhìn chung khu vực dân cư nông thôn tương đối ổn định, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay song cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, nhất là vấn đề về môi trường, nước sạch, thoát nước, bãi rác, khu sản xuất cho các làng nghề, khu chăn nuôi vẫn chưa được quy hoạch còn mang tính tự phát.

4.1.2.5. Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng

a) Giao thông

Lương Tài là huyện có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận tiện cho nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Mạng lưới giao thông đường bộ toàn huyện có 699,28

km, mật độ đường 6,61 km/km2, thuộc loại cao so với bình quân chung toàn tỉnh

và cả nước.

Mạng lưới đường tỉnh lộ và huyện lộ, đường nông thôn hiện có tuy bước đầu đã được đầu tư nâng cấp, nhưng nhìn chung chất lượng còn thấp, hư hỏng nhiều, mặt cắt ngang của đường hẹp, gây khó khăn cho giao thông trong huyện và nội tỉnh.

b) Thủy lợi

Thuỷ lợi là biện pháp hàng đầu để phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định. Trong nhiều năm qua các công trình thuỷ lợi của huyện đã được làm mới và nâng cấp cải tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp như: Tạo ra cơ cấu cây trồng thay đổi, diện tích đất một vụ bị thu hẹp, năng suất cây trồng tăng, hệ số sử dụng đất tăng,…

Theo số liệu thống kê toàn huyện hiện có 71 trạm bơm tưới tiêu do Nhà nước và nhân dân đầu tư xây dựng và 124 máy các loại đảm bảo tưới, tiêu cho khoảng 5.750 ha. Hệ thống kênh mương tưới tiêu khá hoàn chỉnh.

Kênh tiêu cấp 2 có 29 tuyến dài 39 km. Kênh tiêu cấp 1 có chiều dài 40,5 km. Kênh tưới cấp 2 có chiều dài 91,8 km.

Nhìn chung công tác thuỷ lợi trong những năm qua được đầu tư lớn. Trong giai đoạn 2006 – 2010 huyện đã đầu tư kiên cố hóa được 32,3 km kênh cấp 3. Song do địa hình của huyện đã ảnh hưởng tới việc tưới tiêu ở một số xã thuộc phía Đông của huyện nên hàng năm tình trạng ngập úng cục bộ vẫn xảy ra ở các địa phương trên, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.

c) Giáo dục và Đào tạo

Công tác giáo dục đào tạo ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển. Công tác xã hội hoá giáo dục ngày càng cao dẫn đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng hiện đại. Đến năm 2016 toàn huyện có 33 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất cơ bản được đầu tư nâng cấp và kiến cố hoá 90% cấp mầm non, 100% cấp tiểu học, 96,5% cấp trung học cơ sở và 100% cấp trung học phổ thông.

d) Y tế

Nhìn chung mạng lưới cơ sở y tế của huyện tương đối hoàn chỉnh, 100% xã, thị trấn có trạm y tế. Cơ sở vật chất trang thiết bị ngày càng được đầu tư, nâng cấp, các dịch vụ y tế được mở rộng. Chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân được nâng lên; 100% xã, thị trấn được công nhận chuẩn Quốc gia về công tác y tế cơ sở.

Thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, phát hiện xử lý kịp thời các dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Phòng chống hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp, dịch cúm gia cầm. Triển khai các chương trình y tế quốc gia phòng chống HIV/AIDS, bệnh lao,… đạt kết quả tốt, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng hàng năm đạt 98%.

e) Văn hóa

Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác văn hoá còn hạn chế nhưng vẫn đảm bảo phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương và đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân. Văn nghệ quần chúng ngày càng đa dạng và phong phú. Đặc biệt hoạt động văn nghệ quần chúng cấp huyện được duy

trì và phát triển. Thiết chế văn hoá cơ sở được tăng cường. Phong trào xây dựng làng văn hoá, cơ quan văn hoá, xây dựng nếp sống văn hoá đã được đẩy mạnh.

f) Thể dục - thể thao

Phong trào thể dục thể thao quần chúng được duy trì và có bước phát triển mới cả về chất và lượng. Số lượng người thường xuyên tập TDTT ngày càng

tăng, đặc biệt là hoạt động thể thao quần chúng (môn cầu lông) phát triển mạnh

mẽ. Các cuộc thi đấu gắn liền với các lễ hội truyền thống (môn vật truyền thống)

tạo nên không khí sôi nổi thi đua tập luyện, giao lưu đoàn kết.

g) Năng lượng

Nguồn năng lượng sử dụng hiện nay của huyện chủ yếu là điện năng. Hiện nay 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; có trên 500 km đường dây truyền tải điện trung thế, hạ thế; có trên 121 trạm biến áp, cơ bản đã đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

h) Bưu chính, viễn thông

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành bưu chính viễn thông trong những năm qua đã tăng nhanh chóng. Thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt 24/24 giờ cho 14 xã, thị trấn, riêng tại bưu điện huyện liên lạc quốc tế thuận tiện, nhanh chóng và thông suốt liên tục, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất và đáp ứng tốt nhu cầu về thông tin liên lạc của nhân dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch sử dụng đất huyện lương tài, tỉnh bắc ninh (Trang 53 - 58)