Tiền thân của phong trào Isson-Ippin: Phong trào NPC ở thị trấn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) isson ippin và vai trò trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn nhật bản giai đoạn 1980 2000 (Trang 28 - 35)

6. Kết cấu luận văn

1.3. Sự ra đời của phong trào Isson-Ippin

1.3.1. Tiền thân của phong trào Isson-Ippin: Phong trào NPC ở thị trấn

Oyama là thị trấn nằm ở phía Tây của tỉnh Oita, tiếp giáp với thành phố Hita là một trong những thành phố trung tâm của tỉnh, phía Bắc của thị trấn giáp với tỉnh Fukuoka, phía Nam giáp tỉnh Kumamoto. Năm 2005, trong đợt sát nhập các quận

huyện trên toàn quốc, thị trấn Oyama đã sát nhập vào thành phố Hita. Tổng diện tích của thị trấn là 45,72 km2, trong đó gần 80% diện tích đất là đồi núi và đất rừng, đất canh tác chỉ chiếm gần 8% diện tích. Đặc biệt, diện tích đất ở của thị trấn chỉ chiếm khoảng 1,6% với dân số rất thưa thớt.

Dân số của thị trấn năm 1960 là 6.168 người và có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 1980, dân số của thị trấn chỉ còn 4.716 người (giảm 1.452 người trong vòng 20 năm). Thêm vào đó, trong cơ cấu dân số phân theo nhóm tuổi của thị trấn, tỷ lệ người già trên 65 tuổi có xu hướng tăng dần qua các năm, tăng từ 14,7% năm 1980 lên 15,5% năm 1985. Điều này cho thấy rõ sự ảnh hưởng của quá trình già hoá dân số ở khu vực nông thôn ngày càng trầm trọng, kéo theo hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội cần được quan tâm giải quyết [48, tr.262].

Trong cơ cấu dân số phân theo các ngành nghề, năm 1960, số lao động trong ngành nông nghiệp của thị trấn là 2.095 người, chiếm 70,1% tổng số lao động trong các ngành kinh tế của thị trấn. Tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng giảm mạnh qua các năm, giảm từ 70,1% năm 1960 xuống còn 34% năm 1980 (tức giảm gần 40% trong 20 năm). Mặt khác, tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ có chiều hướng tăng mạnh (tham khảo thêm ở Bảng 2, Phụ lục, tr.114). Bên cạnh đó, số lao động trẻ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần trong 5 năm (1975-1980), lao động từ 16~19 tuổi giảm từ 133 người xuống còn 124 người, lao động từ 30~59 tuổi (lao động chủ lực) giảm từ 557 người xuống còn 523 người. Trong khi đó, lao động cao tuổi (lao động trên 60 tuổi) hoạt động sản xuất nông nghiệp trong 5 năm đã tăng gần gấp đôi từ 244 người lên 424 người. Điều này càng phản ánh rõ tình trạng già hoá dân số, suy giảm lao động trầm trọng trong ngành nông nghiệp không chỉ ở thị trấn Oyama mà còn phản ánh tình hình chung tại các vùng nông thôn khác của Nhật Bản những năm 1960-1980.

Nguồn: [48, tr.289-291]

Đứng trước những khó khăn trên, đầu những năm 1960, chính quyền thị trấn Oyama đã tiến hành cải cách nông nghiệp, xây dựng nhiều kế hoạch, chính sách để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tiêu biểu và gây tiếng vang lớn trong những năm 1960-1970 là phong trào cải cách nông nghiệp nông thôn (thường được gọi tắt là phong trào NPC) của thị trấn với ba giai đoạn, do thị trưởng Yahata Harumi khởi xướng.

(1) Phong trào NPC lần thứ nhất (New Plum and Chestnus)

Phong trào NPC được thị trưởng Yahata Harumi khởi xướng lần đầu tiên năm 1961, còn gọi là Phong trào Trồng mới mơ và hạt dẻ (New Plum and Chestnus).

Mục tiêu của phong trào NPC lần thứ nhất là nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường lao động cũng như nâng cao đời sống cho người dân.

Những năm 1960, để đảm bảo an ninh lương thực và thực phẩm cho người dân, chính sách phát triển nông nghiệp của Nhật Bản vẫn đặc biệt chú trọng sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi và đất rừng, diện tích đất canh tác hẹp, không thể thực hiện cơ giới hoá để tăng năng suất lúa và cây trồng, chính quyền thị trấn Oyama đứng đầu là thị trưởng Yahata Harumi đã quyết định cải cách nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương. Thị trấn chủ trương chú trọng phát triển các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian lao động và thu hoạch ngắn, chất

124 133 523 557 424 244 1980 1975

Biểu 1.7: Tình hình lao động phân theo nhóm tuổi trong ngành nông nghiệp của thị trấn Oyama giai đoạn 1975-1980

(Đơn vị: người)

lượng tốt, mang đặc trưng của vùng như mơ, hạt dẻ, nấm kim châm,... Để hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thống nhất, chính quyền thị trấn đã xây dựng cơ chế hoạt động nông nghiệp theo nhóm, cải cách và đa dạng hoá phương thức lưu thông hàng hoá như thống nhất kỹ thuật canh tác và cơ chế xuất bán sản phẩm, thiết lập cơ chế lưu thông hàng hoá tín nhiệm.

Giai đoạn đầu của phong trào, việc thuyết phục người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thuyết phục những vị cao niên của thị trấn vốn gắn bó lâu dài với những loại cây trồng truyền thống là lúa và hoa màu. Để phong trào hoạt động hiệu quả, thị trưởng Yahata Harumi đã cùng các cán bộ chuyên trách tập trung vào sự ủng hộ, đồng thời định hướng vai trò chủ lực quyết định sự thành bại của phong trào chính là tầng lớp thanh niên của thị trấn. Năm 1963, Hội Thanh niên nghiên cứu Nông nghiệp (大山農業青年研究会) của thị

trấn được thành lập và đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các hoạt động của phong trào đến người dân.

Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân, doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp của thị trấn đã tăng mạnh qua các năm. Doanh thu từ thu hoạch mơ của thị trấn đã tăng gần 90 lần trong vòng 20 năm từ 200 vạn yên lên 1 triệu 750 vạn yên năm 1985. Doanh thu từ nấm kim châm tăng hơn 16 lần trong vòng 10 năm từ 8 nghìn 300 vạn yên năm 1975 lên 13 triệu 700 vạn yên năm 1985. Doanh thu từ các sản phẩm nông nghiệp tăng mạnh đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, khẳng định sự đúng đắn về đường lối cũng như mục tiêu của phong trào. Chính vì vậy, phong trào ngày càng nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của người dân.

Bên cạnh đó, năm 1966, sau 4 năm khởi xướng phong trào, để khích lệ người dân tích cực tham gia phong trào hơn nữa, ngoài việc tiếp tục thực hiện công tác vận động, tuyên truyền về kế hoạch cũng như phương châm hoạt động tới các tầng lớp người dân, thị trưởng Yahata Harumi còn phát động chương trình tham quan, học tập tại nước ngoài với tên gọi Hãy trồng mơ và hạt dẻ để đi du lịch Hawai (ウ

メ・クリ植えてハワイへ行こう). Năm 1967, một năm sau khi phát động chương trình

Hãy trồng mơ và hạt dẻ để đi du lịch Hawai, chuyến du lịch Hawai đầu tiên dành

cho 16 nông dân đã được tổ chức. Vào thời điểm những năm 1960, việc tham quan học tập, du lịch nước ngoài vẫn còn khá hiếm với người dân không chỉ ở các đô thị lớn của Nhật Bản thì việc những người nông dân ở một thị trấn miền núi còn nhiều khó khăn như Oyama, bằng những nỗ lực lao động, phát triển nông nghiệp đã thực hiện được giấc mơ đi du lịch nước ngoài, điều này đã gây chú ý mạnh mẽ trên truyền thông Nhật Bản. Năm 1971, trong lễ kỷ niệm 10 năm hoạt động phong trào NPC, bộ phim tư liệu Thị trấn xanh của chúng tôi (我が愛する緑の町) đã được phát sóng trên truyền hình cả nước. Sau đó, bộ phim được Đài truyền hình NHK của Nhật Bản biên tập và giới thiệu với tên gọi Thị trấn của chúng tôi, xóm làng của chúng tôi (我が町、我が村) đã đưa hình ảnh của thị trấn Oyama được biết đến rộng khắp toàn quốc.

Phong trào NPC lần thứ nhất không chỉ đạt được mục tiêu cải cách cơ cấu cây trồng nông nghiệp, cải thiện môi trường sản xuất, tăng thu nhập cho người dân mà còn thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp, giúp người nông dân gắn bó và tự tin làm giàu bằng việc phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.

(2) Phong trào NPC lần thứ hai (Neo Personality Combination)

Nhận thức rõ vai trò và động lực quan trọng của nguồn lực con người, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương, từ năm 1965, bên cạnh các mục tiêu được đề ra và thực hiện từ phong trào NPC lần thứ nhất là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân thì vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài tiếp tục là mục tiêu quan trọng thứ hai và cũng là động lực thúc đẩy hoạt động của phong trào NPC lần thứ hai với tên gọi Phong trào Xây dựng Con người mới (Neo Personality Combination). Mục tiêu của phong trào NPC lần

thứ hai là xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng của người dân, đào tạo nguồn nhân lực có sức khoẻ, nhiệt huyết và trí tuệ để xây dựng và phát triển quê hương.

Để thực hiện các mục tiêu trên, chính quyền thị trấn đã tích cực khôi phục các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hoá, xây dựng và tổ chức các chương trình, sự kiện trong năm, tạo sân chơi cũng như cơ hội giao lưu, tìm hiểu và trao đổi thông tin cho người dân, qua đó bồi đắp tinh thần đoàn kết cộng đồng. Các hoạt động tiêu biểu trong phong trào như Lễ Mừng năm mới (拝賀式 - ngày 1 tháng 1), Lễ Trưởng

thành (成人式 - ngày 15 tháng 1), Kỷ niệm ngày Quốc khánh (建国記念日- ngày 11

tháng 2), Ngày Tết thiếu nhi (子供の日 - ngày 5 tháng 5), Ngày Kiểm điểm (反省の日

- ngày 15 tháng 8),... Ngoài các hoạt động và sự kiện tổ chức định kỳ trong năm như trên, thị trấn còn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như hoạt động khám và hiến máu nhân đạo, hoạt động quyên góp từ thiện, hoạt động hỗ trợ những nạn nhân bị hoả hoạn rủi ro,... Để tăng cường thêm tinh thần đoàn kết, chia sẻ tri thức cũng như mở rộng giao lưu, thị trấn còn tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí và văn hoá khác như ngày hội thể thao, lớp múa nghệ thuật, lớp học Anh ngữ, cung cấp xe bus văn hoá (カルチャーバス) để người dân có thể đi lại, tham gia các sự kiện thể thao, văn hoá ở các thành phố khác như thành phố Oita, Fukuoka,...

Ngoài ra, tiếp nối các hoạt động tham quan học tập nước ngoài từ phong trào NPC lần thứ nhất, từ năm 1969, chính quyền thị trấn tiếp tục thúc đẩy hoạt động tham quan học tập tại Kibbutz (Israel). Năm 1974, các thành viên từng tham gia tham quan, học tập tại Kibbutz đã thành lập Hội tìm hiểu thế giới (世界を知ろう会).

Các thành viên của hội chủ yếu là tầng lớp thanh niên trẻ, được lĩnh hội những tri thức ở nước ngoài, sau khi trở về thị trấn đã tuyên truyền, phổ biến, đồng thời vận dụng những kiến thức đã được học tập vào thực tiễn, trở thành lực lượng quan trọng góp sức vào quá trình xây dựng và phát triển thị trấn.

Có thể thấy, thông qua các chuyến tham quan học tập tại nước ngoài, sau đó là vận dụng các mô hình phát triển kinh tế, xã hội phù hợp vào thực tiễn địa phương, điển hình là mô hình sinh hoạt cộng đồng từ Kibbutz đã từng bước giúp người dân ở thị trấn Oyama thay đổi thế giới quan, có cái nhìn so sánh giữa thế giới bên ngoài

với khu vực và cộng đồng mình đang sống. Qua đó, người dân nhận ra được những thế mạnh, những nguồn lực tiềm năng chưa được vận dụng cũng như những vấn đề cần khắc phục, từ đó xây dựng hướng phát triển phù hợp và hiệu quả hơn.

(3) Phong trào NPC lần thứ ba (New Paradise Community)

Tiếp nối những thành quả của phong trào NPC lần thứ nhất và thứ hai, năm 1969, thị trấn Oyama tiếp tục triển khai Phong trào NPC lần thứ ba với tên gọi

Phong trào Xây dựng cộng đồng mới (New Paradise Community). Mục tiêu của

phong trào NPC lần thứ ba là xây dựng môi trường sống lý tưởng, tiện lợi, ổn định nhằm thu hút thế hệ trẻ quay về sinh sống, xây dựng và làm giàu tại địa phương. Chỉ sau hai năm triển khai phong trào NPC lần thứ ba, thị trấn Oyama đã được Bộ tự trị (自治省, nay là 総務省, tức Bộ Nội vụ và Truyền thông) công nhận là một trong

những địa phương có mô hình phát triển cộng đồng điển hình của Nhật Bản.

Để thực hiện các mục tiêu mà phong trào đã đề ra, một mặt thị trấn tăng cường xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, hệ thống nước máy, nước ngầm,... Mặt khác, vận dụng học tập mô hình phát triển cộng đồng văn hoá nông thôn từ Kibbutz, thị trấn đã đầu tư xây dựng trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, khu tập luyện thể dục thể thao, nhà thiếu nhi, công viên vui chơi cho trẻ em,... tại 8 khu vực và cụm dân cư. Trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang dấu ấn của khu vực đồng thời là nơi người dân tổ chức hội họp, đưa ra ý kiến về định hướng phát triển của khu vực mình. Việc phát huy tinh thần nỗ lực và tự chủ của người dân ở Oyama được coi là tiền đề cho chính sách phát triển khu vực ở phong trào Isson-Ippin sau này.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân tài của thị trấn vẫn được duy trì. Năm 1974, thị trấn tiếp tục tổ chức cho thanh niên và người dân tham quan, học tập tại Israel lần thứ hai. Sau đó, các thành viên của Hội tìm hiểu thế giới với nòng cốt là tầng lớp thanh niên đã thành lập bộ phận chuyên trách về công, thương nghiệp, với chức năng vừa là cầu nối kỹ thuật, vừa là cầu nối lưu thông hàng hoá cho người dân.

Như vậy, phong trào NPC được chia làm ba giai đoạn với ba mục tiêu khác nhau nhưng có liên hệ chặt chẽ về nội dung và có giai đoạn thực hiện song song các

mục tiêu. Năm 1979, Thống đốc tỉnh Oita, ông Hiramatsu Morihiko, khi đó còn là phó Thống đốc Oita đã có cuộc gặp gỡ và toạ đàm với thanh niên của thị trấn Oyama. Thống đốc đã rất xúc động với câu chuyện về sự ra đời cũng như những thành quả mà phong trào NPC đem lại cho người dân ở thị trấn. Sau đó, mô hình phát triển kinh tế xã hội ở thị trấn Oyama đã trở thành mô hình mẫu được Thống đốc tỉnh mở rộng ra phạm vi cả tỉnh trong phong trào Isson-Ippin.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) isson ippin và vai trò trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn nhật bản giai đoạn 1980 2000 (Trang 28 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)