Một vài vấn đề tồn tại của phong trào Isson-Ippin

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) isson ippin và vai trò trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn nhật bản giai đoạn 1980 2000 (Trang 98 - 101)

6. Kết cấu luận văn

3.3. Một vài vấn đề tồn tại của phong trào Isson-Ippin

Đến nay, phong trào Isson-Ippin đã phát triển qua ba mươi năm. Với những thành công to lớn, phong trào đã góp phần đem lại diện mạo mới cho tỉnh Oita cũng như đúc kết được bài học thành công cho nhiều địa phương và khu vực khác học tập. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và thế giới không ngừng thay đổi như hiện nay, phong trào Isson-Ippin cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức mới.

Thách thức đầu tiên chính là việc duy trì những thành quả đã đạt được của phong trào. Đối với những thành quả kinh tế, quá trình phát triển của phong trào đã xây dựng được nhiều thương hiệu sản phẩm đặc trưng và nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được người tiêu dùng trên thế giới biết đến như sản phẩm nấm Shiitake, chanh Kabosu,… Tuy nhiên, thành công của phong trào cũng thúc đẩy nhiều địa phương trong và người nước học tập và vận dụng theo mô hình phát triển của phong trào. Các địa phương sau khi học hỏi mô hình này đều tích cực xây dựng các sản phẩm của địa phương mình, đem đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nảy sinh vấn đề cạnh tranh sản phẩm gay gắt giữa các địa phương. Khi đó, dù là các sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu thì việc cạnh tranh với các sản phẩm tương tự hay các sản phẩm mới cũng là một vấn đề khó khăn. So với thời kỳ đầu mới khởi xướng phong trào thì hiện nay các sản phẩm tương tự với sản phẩm của Oita ngày càng nhiều hơn như sản phẩm nấm

khô, ô mai,… Với các sản phẩm truyền thống thì vấn đề vừa cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng vừa giữ được đặc trưng của sản phẩm là vấn đề luôn được chú trọng. Thực tế cho thấy quá trình gia công chế biến luôn tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng hiện nay, ngoài việc duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống, người sản xuất cần tích cực tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm mới an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Mặt khác, các thành quả của phong trào cần được mở rộng hơn nữa đến mọi tầng lớp người dân cũng như cần thu hút và vận dụng nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác. Điều này sẽ góp phần tạo ra nhiều động lực thúc đẩy cho phong trào, giúp cho phong trào đạt được hiệu quả toàn diện hơn. Ông Mitoma Yasuhiko, một nông dân trồng nấm trong phong trào NPC ở thị trấn Oyama cho biết:

“Mặc dù hầu hết nông dân ở Hợp tác xã Nông nghiệp Oyama đều tham gia vào các hoạt động của phong trào NPC nhưng ngoài nông dân còn nhiều thành phần kinh tế khác. Những người này chưa tham gia vào phong trào thì họ sẽ hiểu về phong trào như thế nào là vấn đề mà các lãnh đạo phong trào cần quan tâm hơn” (trích kết quả ghi âm phỏng vấn của tác giả ngày 27/08/2015).

Mục tiêu của phong trào là thúc đẩy sản xuất, trong đó chủ yếu tập trung vào phát triển nông nghiệp, do đó vẫn còn nhiều thành phần kinh tế và nhiều nguồn lực khác chưa được tận dụng và phát huy. Vì vậy, để duy trì và nâng cao thành quả đã đạt được, phong trào cần chú trọng phát triển đồng đều các ngành nghề, tận dụng tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác vào quá trình xây dựng và phát triển địa phương.

Ngoài ra, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao và gắn bó với quê hương cũng là vấn đề cần được quan tâm. Dù nền kinh tế địa phương đã được phục hồi và phát triển mạnh hơn, thu nhập người dân được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần đều được cải thiện nhưng tình hình người trẻ di cư ra lập nghiệp tại

các thành phố vẫn gia tăng. Điều này cho thấy thế hệ trẻ vẫn không mấy mặn mà với việc gắn bó và làm giàu ở địa phương. Hầu hết người tham gia phỏng vấn cũng đều cho rằng vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực kế thừa và tiếp tục các hoạt động của phong trào là vấn đề khó giải quyết ở địa phương. Ông Sugawara Katsushi, nông dân trồng mơ ở thị trấn Oyama đã chia sẻ băn khoăn:

“Tôi nghĩ là phong trào NPC, sau này là phong trào Isson-Ippin ra đời đã đem lại nhiều thành quả to lớn cho địa phương. Vấn đề là số thanh niên ở khu vực nông thôn thì ở đâu cũng vậy, ngày càng ít đi. Sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, không có người kế tiếp. Vậy thanh niên và những người trẻ ở đâu? Hầu như là tập trung ở các thành phố. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để thu hút thanh niên quay về địa phương lập nghiệp” (trích kết quả ghi âm

phỏng vấn của tác giả ngày 27/08/2015).

Việc sát nhập các địa phương trên toàn quốc năm 2005 cũng khiến cho cơ cấu quản lý hành chính trong tỉnh nói chung và các địa phương thay đổi. Nhiều bộ phận phụ trách phong trào tại các địa phương bị giải thể hoặc sát nhập khiến cho việc lưu giữ các tài liệu của phong trào làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu và học tập gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau khi hợp nhất, việc xây dựng kế hoạch hoạt động độc lập, tự chủ, phù hợp với tình hình của từng địa phương vốn là một trong những nguyên nhân tạo nên thành công của phong trào cũng gặp nhiều trở ngại. Ông Nitta Kozo, Trường phòng phát triển tổng hợp thị trấn Oyama cho biết:

“Trước khi tiến hành sát nhập vào thành phố Hita, trong cơ cấu tổ chức

của thị trấn có các bộ phận xúc tiến phát triển nông nghiệp nông thôn hoạt động khá độc lập với Phòng phát triển nông nghiệp của thành phố. Nhưng từ khi sát nhập, các bộ phận này bị giải thể hoặc hợp nhất một phần, số lượng cán bộ phụ trách cũng giảm đi khiến cho việc duy trì và tiếp tục các hoạt động của phong trào ngày càng khó khăn” (trích kết quả ghi âm phỏng vấn của tác

giả ngày 28/08/2015).

Ngoài ra, những lãnh đạo, tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia phong trào từ giai đoạn đầu, những người đã trải qua những biến đổi của thời đại trước, làm nên

thành công to lớn cho phong trào đều đã có tuổi, việc làm thế nào để đào tạo những thế hệ kế cận giữ lửa, tiếp thu được tinh thần, kinh nghiệm, cũng như các giá trị cốt lõi của phong trào là một thách thức không hề nhỏ cho những lãnh đạo của phong trào hiện nay. Mặt khác, để tiếp tục tồn tại và phát triển, phong trào cũng cần phải có sự đổi mới như thay đổi mục tiêu, chiến lược cũng như phương hướng để đáp ứng với nhu cầu mới trong môi trường toàn cầu hoá. Việc mở rộng ảnh hưởng của phong trào ra các nước trong khu vực và trên thế giới đòi hỏi phong trào phải có chiến lược rõ ràng cũng như nêu cao hơn nữa trách nhiệm của mình với khu vực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) isson ippin và vai trò trong phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn nhật bản giai đoạn 1980 2000 (Trang 98 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)