Điểm mạnh, điểm yếu trong việc khai thác phát triển sản phẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch cà phê thành một trong những thương hiệu chính của du lịch đăk lăk (Trang 44 - 48)

6. Cấu trúc của đề tài

2.3. Thực trạng sản phẩm du lịch Đăk Lăk

2.3.5. Điểm mạnh, điểm yếu trong việc khai thác phát triển sản phẩm

Đăk Lăk nói chung và Buôn Mê Thuột nói riêng, chiếm vi trí trung tâm của Tây Nguyên với giao thông thuận tiện, đất đai phì nhiêu, khí hậu mát mẻ, với nền văn hóa bản địa giàu bản sắc...thành phố Buôn Mê Thuột có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, trên bản đồ du lịch Việt Nam, vùng Tây Nguyên là điểm đến có số lượng khách ít nhất cả nước, do đó ngành Du lịch Tây Nguyên nói chung và du lịch Đăk Lăk nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng, khai thác các sản phẩm để thu hút khách du lịch.

+Điểm mạnh

- Tiềm năng du lịch phong phú về tự nhiên và nhân văn

Đăk Lăk là địa phương hiếm trên cả nước có nhiều thác nước đẹp, nhiều hồ chứa nước lớn. Hệ sinh thái đa dạng của các khu rừng nguyên sinh nơi đây vẫn ẩn chứa nhiều nét thú vị để khám phá. Con sông lớn nhất có tên Sêrêpôk chảy qua địa phận tỉnh chứa đựng nhiều vết tích của thời kỳ huyền thoại...

Các công trình kiến trúc tôn giáo như: chùa, đền, nhà thờ...ở Đăk Lăk cũng có những nét độc đáo riêng và đẹp mắt; Những di tích lịch sử văn hóa, cách mạng... gắn với thời kỳ lịch sử của dân tộc như: nhà đày Buôn Ma Thuột, Biệt điện vua Bảo Đại...vẫn còn đó như là một chứng tích lịch sử của thời đại hào hùng của người Việt xưa. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc nghệ thuật đã và đang xây mới cũng tạo thêm những điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách khi đến đây.

Trên địa bàn thành phố Buôn Mê Thuột vẫn còn nhiều buôn làng người Êđê với các ngôi nhà sàn dài truyền thống cùng với các phong tục đẹp, độc đáo được nỗ lực giữ gìn. Họ cũng là một trong những chủ nhân của “Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

- Vị trí địa lý và điều kiện khí hậu

Đăk Lăk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong đó thành phố Buôn Mê Thuột được xem là nơi trung chuyển của toàn vùng. Với bề dày lịch sử, văn hóa, tuy là phố núi nhưng có địa hình bằng phẳng nhất so với các trung tâm khác trong vùng. Khí hậu hai mùa rõ rệt, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai, không gian đô thị thành phố xanh sạch đẹp với môi trường không khí trong lành, mát mẻ cùng nhiều đặc sản cây trái, ẩm thực phong phú...

- Điều kiện giao thông

Phương tiện giao thông phong phú, thuận tiện để kết nối với các điểm du lịch lớn như: Nha Trang, Đà Lạt, Gia Lai, Kon Tum và đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Sân bay Buôn Mê Thuột với quy mô mỗi năm có thể đón 1 triệu lượt khách được xem rất có tiềm năng.

Dịch vụ phục vụ khách du lịch luôn có sự ổn định về giá cho dù là mùa cao điểm hay thấp điểm thì giá cả vẫn ổn định.

- Năng lực và uy tín

Đăk Lăk cũng là nơi đăng cai, tổ chức có hiệu quả nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, hội chợ mang tầm quốc gia và khu vực, đặc biệt là lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột được tổ chức hai năm một lần.

+ Điểm yếu

Thành phố Buôn Mê Thuột – Đăk Lăk có dân số thuộc hàng đông nhất so với các tỉnh, thành Tây Nguyên khác. Người dân sống chủ yếu nhờ trồng trọt cây công, nông nghiệp. Khoảng 80% dân cư tập trung tại thành thị, vấn đề chất lượng dân số cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Đội ngũ nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng.

- Tính mùa vụ

Lượng mưa trung bình năm cũng rất lớn trên 2.000mm mang lại nhiều lợi ích cho người trồng trọt nhưng lại ảnh hưởng lớn đến du lịch, vì mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 10 trùng với mùa du lịch hè của người Việt Nam nên du khách thường ít chọn nơi đây để tham quan du lịch mà ưu tiên các điểm đến khác. Mùa mưa cũng là lúc phong cảnh rất đẹp, là lúc nhu cầu đi du lịch của khách nội địa tăng nhưng lại vắng khách. Trong khi mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, là dịp đón khách quốc tế thì thời tiết khí hậu rất nắng nóng, khô cằn làm mất đi nhiều vẻ đẹp của núi rừng như: sông, hồ, thác, ghềnh...

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật

Việc thi công quốc lộ 14 quá chậm trễ cũng làm mất đi một lượng lớn khách du lịch từ thị trường truyền thống ở các tỉnh phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo giao thông nội thành còn nhiều hạn chế, không rõ ràng trong việc chỉ dẫn hướng các điểm tham quan du lịch, làm cho tài xế lái xe lúng túng, e ngại khi đưa khách đi tham quan du lịch.

Các cơ sở lưu trú tuy đã được đầu tư xây dựng nhiều hơn nhưng vẫn chưa đảm bảo chất lượng. Ngoài hệ thống nhà hàng khách sạn đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, cũng còn đó nhiều nhà hàng khách sạn chưa đạt chuẩn, thiếu chuyên nghiệp, thậm chí một số đơn vị không có hóa đơn tài chính.

- Năng lực phát triển về sản phẩm và hoạt động du lịch

Sản phẩm du lịch hiện nay của Đăk Lăk còn khá nghèo nàn, kém hấp dẫn, chưa thật sự chú trọng khai thác các thế mạnh tài nguyên phục vụ phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt trong vấn đề xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang phong cách đặc trưng của vùng. Những sản phẩm tập trung khai thác hiện nay còn nhiều trùng lặp và khá đơn điệu.

Các hoạt động văn hóa ban đêm hầu như không có để thu hút khách du lịch mặc dù khu chợ đêm đã được thành phố xây dựng, song hiện nay hầu như không hoạt động. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các tỉnh, thành, những trung tâm du lịch cả nước. Các điểm du lịch còn ít, chưa được đầu tư bài bản, thiếu hẳn các khu vui chơi giải trí tầm cỡ, quy mô lớn để thu hút khách trước tiên là người dân địa phương.

Các buôn làng ngay tại trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột đã thưa dần hoặc chỉ còn lác đác vài căn nhà dài truyền thống. Bên cạnh đó, các nghi thức tín ngưỡng gắn liền với văn hóa tâm linh, sinh hoạt trồng trọt cũng mai một nhiều. Một số người trẻ trong cộng đồng dân tộc ít quan tâm tới giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của dân tộc mình nên việc duy trì, truyền lại và phát huy các phong tục tập quán hay, đặc biệt là các bài chiêng truyền thống cũng gặp nhiều khó khăn và đáng báo động...

+ Đánh giá chung

Mặc dù địa phương có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng thế nhưng việc khai thác và tận dụng nguồn lợi thế sẵn có vẫn còn khó khăn vì điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu thốn, điều kiện khí hậu thời tiết đặc thù cũng gây trở ngại nhất định. Bên cạnh đó, tình hình khai thác rừng làm thủy điện, xây đập chứa nước, phá rừng...vẫn còn diễn ra chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mức độ đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phát triển sản phẩm chưa cao; Năng lực quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng các sản phẩm thiếu đặc sắc...

Tiểu kết chƣơng 2

Thông qua các nội dung vừa trình bày có thể nhận thấy, tiềm năng khai thác phát triển các sản phẩm du lịch ở Đăk Lăk là rất lớn. Tuy nhiên, vấn đề làm sao để biến những hạn chế và khó khăn như hiện nay trở thành lợi thế rõ nét, làm động lực thúc đẩy quá trình xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch vừa đa dạng vừa có chất lượng và mang nhiều giá trị đặc trưng mới là điều quan trọng đối với ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.

CHƢƠNG 3. TIỀM NĂNG KHAI THÁC VÀ NHU CẦU THỊ TRƢỜNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM DU LỊCH GẮN VỚI TÌM HIỂU CÀ PHÊ

Ở ĐĂK LĂK

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch cà phê thành một trong những thương hiệu chính của du lịch đăk lăk (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)