2.2.5 .Âm lượng của tiếng động trong các tác phẩm phát thanh
2.4. Hiệu quả sử dụng tiếng động
Qua khảo sát, phân tích chất lượng tiếng động trong 100 tác phẩm có sử dụng tiếng động (trên tổng số 150 tác phẩm được lựa chọn ở mục 2.3.1), kết quả cho thấy có 91 tác phẩm có chất lượng tiếng động tiếng động tốt, phù hợp với nội dung tác phẩm, 9 tác phẩm sử dụng tiếng động không đạt hiệu quả do thời lượng tiếng động dài bằng thời lượng toàn bộ tác phẩm gây nhàm chán cho người nghe, tiếng động quá to, tiếng động quá ngắn gây hụt hẫng cho người nghe. Ví dụ, trong phóng sự Hiện tượng mê tín quá mức ở nhiều lễ hội đầu xuân, địa điểm di tích hay cơ sở thờ tự (Diễn đàn các vấn đề xã hội, ngày 28/2/2018, VOV2), tác giả sử dụng tiếng động ở một lễ hội với tiếng ồn ào và tiếng nhạc lễ hội trong toàn bộ tác phẩm gây ra sự nhàm chán cho người nghe. Để làm sáng tỏ hiệu quả sử dụng tiếng động trong các tác phẩm phát thanh trên kênh VOV1 và VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả luận văn tổ chức thảo luận nhóm. Nhóm thính giả 5 người là viên chức đang công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao quận Hà Đông, Hà Nội được nghe lại các chương trình phát thanh ghi âm gồm: tác phẩm phóng sự "Lang Chánh, Thanh Hoá: Mang sức trẻ về xây dựng quê hương" (phát sóng trong chương trình Nông nghiệp - Nông thôn ngày 26/3/2018 trên kênh VOV1) và
tác phẩm tin Lạng Sơn: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, quá khổ trong dịp tết (phát sóng trong chương trình Thời sự 18h ngày 21/2/2018 trên VOV1). Tác phẩm phóng sự có tổng thời lượng 7 phút, tác giả đã sử dụng tiếng động nền với tổng thời lượng 2 phút 3 giây đi kèm lời dẫn phóng viên và lời phát biểu của nhân chứng đó là tiếng động của đàn gà, tiếng chim chóc, tiếng các em học sinh trong trường học... Trong tác phẩm tin
Lạng Sơn: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, quá khổ trong dịp tết, có thời lượng 2 phút 39 giây, tiếng động nền đi kèm lời phát biểu nhân vật có thời lượng 50 giây. Sau khi nghe ghi âm 2 tác phẩm, 5 thính giả đã thảo luận và cho ý kiến nhận xét, đánh giá về chất lượng tiếng động được sử dụng trong chương trình: về vai trò, tác dụng của tiếng động trong tác phẩm, chất lượng tiếng động có phù hợp với nội dung bài viết không; mức độ khách quan, chân thực của thông tin trong tác phẩm có tiếng động và những hạn chế của tiếng động được sử dụng trong tác phẩm [Phụ lục 1, tr105].
Kết quả thảo luận cho thấy, 4/5 thính giả cho rằng tiếng động trong tác phẩmđạt chất lượng tốt, phù hợp với nội dung bài viết, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của thính giả.
Về tác dụng, hiệu quả của tiếng động trong tác phẩm, thính giả thứ nhất đánh giá: tiếng động được sử dụng với âm lượng hợp lý, vị trí sử dụng vừa là tiếng động độc lập vừa sử dụng đồng thời với lời phát biểu của nhân chứng diễn tả hiện thực cuộc sống tại nơi phóng viên có mặt: "Tôi thấy tiếng động trong chương trình phát thanh này đều là những tiếng động của tự nhiên: tiếng đàn gà, tiếng chim chóc, âm thanh của các em học sinh trong lớp học, tiếng âm thanh tươi vui cuộc sống, âm thanh huyên náo của người dân... Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng âm nhạc là các đoạn nhạc dạo đồng quê... minh họa
cho chủ đề của bài viết. Những âm thanh tự nhiên đã được phóng viên thu kèm theo ý kiến phát biểu của các nhân chứng, nhân vật"
Thính giả thứ hai cho rằng, tiếng động trong chương trình phát thanh này có vai trò tạo ra hơi thở và nhịp điệu của cuộc sống. Nó còn làm tăng tính chân thật, xác thực của thông tin sự việc. Nhờ đó mà thính giả có thể xác định được không gian thời gian và hình dung ra bối cảnh của vấn đề sự kiện.
Thính giả thứ 4 nhận xét: Trong chương trình phát thanh này tôi thấy tiếng động tự nhiên được sử dụng khá triệt để. Nó có vai trò rất lớn mang giá trị thông tin trực tiếp, tăng tính chân thật, xác thực để thông qua đó người nghe có thể xác định được không gian thời gian và hình dung ra bối cảnh của vấn đề sự việc. Nó giúp thính giả nhận biết mở rộng phạm vi quan sát tăng cường hiểu biết, giúp cho các chương trình phát thanh thực sự hấp dẫn thu hút thính giả, đồng thời đem lại cảm giác gần gũi thân mật, đáp ứng nhu cầu thông tin mới mẻ chính xác đa dạng của người nghe.
Theo nhận xét chung của 5 khách mời, việc đưa tiếng động hiện trường cho thấy phóng viên đã có mặt tại hiện trườngđưa tin bài về, chínhđiềuđótạo cho thính giả sự tin tưởng, đồng thời những tiếng động chân thựcở miền quê vùng nông thôn rất đời thường, giản dị cho người nghe cảm nhận không gian thanh bình yên ả nơi đồng quê. Điều này tạo nên sự sinh động, hấp dẫn cho tác phẩm phát thanh.
Nhận xét về chất lượng tiếng động và sự phù hợp với nội dung bài viết, thính giả thứ nhất cho rằng:chất lượng tiếng động trong chương trình rất tốt, âm thanh không có tạp âm. Tất cả tiếng động trong chương trình rất phù hợp với nội dung, chủ đề bài viết, mang lại hiệu quả rất lớn đến với thính giả và nhằm phục vụ hiệu quả nhất cho bài viết.
Khách mời 4 cho biết: "Nghe những tiếng động trong chương trình tôi hình dung ra mình đang trực tiếp được chứng kiến, được mắt thấy tai nghe
vậy. Thực sự âm thanh trong bản tin rất sinh động, rõ ràng. Vị trí, phóng viên để tiếng động trong bài viết cũng khá hợp lý".
Về mức độ khách quan, chân thực của thông tin trong tác phẩm có tiếng động, thính giả thứ nhất cho rằng: Trong nội dung ghi âm 1 và 2, tiếng động đã đóng vai trò thay cho miêu tả của nhà báo về khung cảnh quê hương Lang Chánh và bản Cơn. Nó đem đến những thông tin khách quan sinh động về những tấm gương làm kinh tế giỏi, chuyển đổi mô hình cây trồng vật nuôi ở vùng quê nghèo để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Thính giả thứ 2 nhận xét: Tiếng động góp phần làm tăng tính chính xác khách quan của thông tin mà nhà báo đề cập. Không sai khi nói, trong nhiều tình huống một tiếng động chân thực có sức nặng hơn chục câu diễn giải. Như ví dụ trên đây: khi phóng viên nói hãy theo chân chúng tôi về huyện Lang Chánh, Thanh Hoá... thì tiếng xao xác kêu của hàng trăm con gà chính là bằng chứng cho sự có mặt của tác giả. Nhờ đó những miêu tả về trang trại gà, về đàn gà, người chủ trại mà tác giả đề cập trong bài viết chắc chắn sẽ tạo đc sự tin tưởng ở người nghe. Ngược lại, nếu bài viết này thiếu đi âm thanh xao xác của bầy gà, tiếng gà vỗ cánh, tiếng gáy, tiếng cục tác, tiếng chiêm chiếp của gà con gọi mẹ… thì thính giả có thể sẽ đặt dấu hỏi: liệu nhà báo có xuống trang trại gà thật không? Liệu hình ảnh mà tác giả mô tả về trang trại gà có đúng hay không?
Theo thính giả thứ 4, tiếng động trong chương trình phát thanh vẽ lên trong tâm trí người nghe bức tranh cuộc sống hiện thực sinh động, chân thực. Không chỉ hỗ trợ cho thông tin, làm tăng tính chân xác của thông tin, tiếng động còn góp phần tạo nên hình ảnh cho một bài viết trên sóng phát thanh. Nghĩa là, tiếng động chuyên chở hình ảnh, tạo ra những hình ảnh của cuộc sống hiện thực sinh động trong tâm trí người nghe.
Thính giả thứ 5 cho biết: trong đoạn viết về ngôi trường mới ở Bản Cơn tôi thấy bài viết chỉ vài phút, được lấp đầy bởi tiếng động: tiếng trẻ em trong trẻo đọc bài, tiếng giảng bài của cô, tiếng ồn ào giờ ra chơi, tiếng hò reo khi tan học… Những âm thanh của cuộc sống hiện thực tràn vào, đầy ắp trong bài viết. Bằng việc sử dụng tiếng động tự nhiên hỗ trợ cho ngôn từ, tác giả vẽ lên trong trí tưởng người nghe bức tranh về ngôi trường mới đầy nắng vàng và cây xanh, về những gương mặt, những ánh mắt, những nụ cười trẻ thơ, về khung cảnh sân trường náo nhiệt trong phút giải lao, trong giờ tan học... Mặc dù chưa một lần đặt chân lên vùng đất xa xôi ấy, mà người nghe cảm thấy rất gần gũi, rất thân thuộc.
Nhận xét về những hạn chế mà tiếng động được sử dụng trong tác phẩm này gặp phải, các thính giả cho rằng: nhà báo cần chú ý đến sự đồng đều của âm thanh tiếng động trong cùng một tác phẩm, tránh để tiếng động quá to còn lời của phóng viên hoặc nhân chứng thì quá nhỏ. Tiếng động trong nội dung 2 tác phẩm khá hợp lý và hiệu quả, nhưng nếu như tác giả tiết chế một chút, giảm một chút và dùng vào những chỗ đắt giá hơn thì hiệu quả truyền thông còn cao hơn nữa. Thính giả thứ 5 nhận xét hạn chế là tác giả đã để tiếng động hơi dài, gây nhàm chán cho người nghe.
Để khảo sát sự đánh giá của công chúng Hà Nội về hiệu quả sử dụng tiếng động trong các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả luận văn đã phát phiếu điều tra đối với 200 thính giả ở Hà Nội” [Phụ lục 1, tr103].
Kết quả điều tra cho thấy:
- Lý do khiến khán giả yêu thích các chương trình phát thanh: 31% thính giả yêu thích vì nội dung thông tin thời sự, hấp dẫn, 45% thính giả thích giọng đọc BTV hay, cuốn hút, 24% thính giả yêu thích chương trình vì có tiếng động tự nhiên chân thực, sinh động.
- Về mức độ phù hợp giữa nội dung tiếng động với chủ đề tác phẩm: 83% thính giả đánh giá nội dung tiếng động phù hợp với nội dung tác phẩm phản ánh, 12% cho rằng không phù hợp và 5% thính giả có ý kiến khác.
Nguồn: Khảo sát của tác giả luận văn 6 tháng đầu năm 2018
Như vậy cho thấy, đa số thính giả (83%) hài lòng với chất lượng nội dung tiếng động trong các tác phẩm, nội dung tiếng động phù hợp với chủ đề của tác phẩm, tức là tiếng động trong tác phẩm mang tính đặc trưng cho sự kiện, sự việc được phản ánh. Tiếng động có thời lượng, âm lượng và vị trí xuất hiện hợp lý, từ đó phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của thính giả. 12% đánh giá không phù hợp với nội dung, 5% ý kiến khác. Căn cứ vào kết quả phân thích nội dung tác phẩm của tác giả, đánh giá của thính giả xuất phát từ nguyên nhân tiếng động không rõ, không mang tính đặc trưng cho nội dung tác phẩm, âm lượng tiếng động và thời lượng tiếng động không phù hợp. Ngoài ra, còn có nguyên nhân thính giả không muốn nghe tiếng động mà chỉ có nhu cầu tiếp nhận nội dung thông tin qua lời nói.
- Về tác dụng của tiếng động trong các tác phẩm phát thanh: có 32% thính giả cho rằng tiếng động giúp cho thông tin trong tác phẩm khách quan, chân thực, 24% thính giả có cảm giác được trải nghiệm sự kiện khi nghe được tiếng động trong tác phẩm, 18% thính giả cho rằng tiếng động có tác dụng gợi mở không gian, thời gian của sự kiện, 26% thính giả đánh giá tiếng động làm cho tác phẩm, chương trình sinh động hấp dẫn.
Nguồn: Khảo sát của tác giả luận văn 6 tháng đầu năm 2018
- Về mức độ tin cậy của thính giả đối với thông tin trong những tác phẩm có sử dụng tiếng động: có 68% thính giả đánh giá là rất tin cậy, 15% thính giả đánh giá ở mức độ tin cậy, 17% thính giả đánh giá có thể tin cậy
Nguồn: Khảo sát của tác giả luận văn 6 tháng đầu năm 2018
Như đề đề cập ở trên, tiếng động trong các tác phẩm báo chí phát thanh là tiếng động thật, tiếng động tự nhiên được phát ra trong cuộc sống được nhà báo ghi âm lại. Vì vậy, nó phản ánh hiện thực cuộc sống, bổ trợ cho thông tin trong tác phẩm. Kết quả khảo sát cho thấy có 83% thính giả rất tin cậy và tin cậy đối với những thông tin mà các tác phẩm phát thanh có tiếng động đem lại. Khác với các loại hình văn học nghệ thuật, báo chí mang tính khách quan, chân thực, trong phát thanh, bên cạnh nội dung thông tin chính xác thì tiếng động mang lại sự khách quan, chân thực cho thông tin, đem đến sự tin tưởng đối với công chúng.