Tranh luận về thơ mới – thơ cũ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phan khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên báo chí đầu thế kỷ XX (Trang 63 - 66)

Phong trào thơ mới ra đời là một tất yếu của lịch sử. Từ mầm mống trước hàng chục năm, nhưng phải đợi đến sự khơi mào của Phan Khôi với bài Một lối thơ

mới trình chánh giữa làng thơ đăng trên Phụ nữ tân văn, số 122, ngày 10-3-1932, thì

cuộc chiến giữa thơ cũ và thơ mới mới chính thức bắt đầu. Cuộc chiến này kéo dài đến chục năm với sự tham gia của nhiều học giả, văn nghệ sĩ, với chiến thắng thuộc về phái thơ mới với một phong trào đầy sôi động, thay cho những bài tranh luận vất vả buổi đầu.

3.3.1. Tình già – bài thơ mở đầu cho cuộc tranh luận

Là người từng kêu gọi “trong sự làm thơ làm văn có một điều cốt nhất là phải cho mới”, hay “trong làng thơ văn ta, tôi chỉ thấy phần nhiều là thứ "hàng tầm tầm" ở Hà Nội, hay thứ "hàng lạc xon" ở chợ Mới Sài Gòn. Tôi rất mong cho người ta mới đi! mới đi!” (Thơ văn Xuân, phải cho mới – Đông Tây số 151, ngày 2-3-1932), Phan Khôi đặc biệt ưa chuộng cái mới trong thơ. Mới trong nội dung không đủ, ông còn đề nghị mới ở hình thức, mà “thơ mới” chính là một khái niệm mà ông là người đầu tiên sáng tạo, nhắc tới. “Là nhà nho, từng làm thơ chữ Nho, thơ chữ Nôm theo thể cũ không đến nỗi tồi, đã từng bao nhiêu năm chuyên đọc thơ cũ, khen thơ cũ, vậy mà đánh rầm một cái, đầu năm 1932, ông tuyên bố sự phá sản của thơ cũ và đề ra một lối thơ mới” [44; tr. 270].

Bài tổng luận Một thời đại trong thơ ca - Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh năm 1942 ghi nhận: “Nhưng một ngày kia cuộc cách mệnh về thơ ca đã nhóm dậy.

Ngày ấy là ngày 10-3-1932. Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận…” [67; tr.18].

Khác với những cuộc tranh luận mà Phan Khôi tham gia bút chiến đến nảy lửa khác, với cuộc tranh luận giữa thơ cũ – thơ mới, Phan Khôi có công khơi mào, để từ đó cuộc chiến quan trọng nhất của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX được bắt đầu.

Giãi bày lòng mình, mở đầu Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ (đăng trên Đông Tây số Tết Nhâm Thân năm 1932), Phan Khôi than thở, dù không có tên tuổi trong làng thơ nhưng mỗi năm trước đây ông cũng làm được vài bài nghe được, vậy mà nay ông không làm được nữa. “Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh, thì cái hồn thơ của tôi như nó lúng túng, chẳng khác nào cái thân của tôi là lúng túng. Thơ chữ Hán ư? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ Nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực tôi, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra, thì lại bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!”[12; tr.178-179].

Phan Khôi nhận thấy thơ hiện thời có một điều “đáng khinh bỉ” là bài nào cũng giống nhau, không biết hay ở đâu. “Bởi vậy tôi rắp toan bày ra một lối thơ mới. Vì nó chưa thành thực nên chưa có thể đặt tên kêu là lối gì được, song có thể cử cái đại ý của lối thơ mới này ra, là: Đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần, mà không phải bó buộc bởi những niêm luật gì hết” [12; tr.180].

Sau khi trình bày bài thơ Tình già với câu cú dài lượt thượt mà Thanh Lãng

từng nhận xét là “táo bạo hơn cả những thơ mới ra đời sau đấy xét cả về cách gieo vần, cách đặt điệu, cách dùng tiếng… gần văn xuôi hơn cả các thơ tự do ngày nay”[44; tr.177], Phan Khôi tự tin đặt tên cho lối thơ đó là “một lối thơ mới”: “Chẳng phải là tôi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh địa của thơ cũ, tôi phải đi kiếm đất mới; mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có ở được không, nên mới

đem ra mà trình chánh giữa làng thơ. Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ của ta đã hết chỗ hay rồi, dường như một nơi đế đô mà cái vượng khí đã tiêu trầm rồi, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi đây sẽ thất bại lần nữa; nhưng tôi tin rằng sau này có người sẽ làm như tôi mà thành công” [12; tr.181].

3.3.2. “Bất điều đình” với thơ cũ

Báo Đông tây số 147 ra ngày 17-2-1932 có bài của Thượng Minh “Đôi lời về

lối thơ mới của Phan Khôi”, trong đó ủng hộ Phan Khôi “thực có thấy khoái như được bàn tay tiên gãi hộ vào chỗ ngứa” [12; tr.861] khi thơ được cởi trói khỏi niêm luật. Nhưng Thượng Minh có ý muốn “điều đình” với Phan Khôi khi đề xuất thơ mới “cần có quy tắc nhất định, bắt chữ thứ mấy câu trên, cùng vần với chữ thứ mấy câu dưới”, hay “trong một bài, câu nào cũng chỉ có từng nấy chữ mà thôi”, “mỗi câu ít nhất là phải có mấy chữ, mà nhiều nhất chỉ được bao nhiêu chữ là cùng” [12; tr.861]. Và người này đã xin phép đổi bài thơ Tình già của Phan Khôi ra một bài thơ lục ngôn.

Phan Khôi đáp lại ý kiến này trong bài “Về lối thơ mới sau bài Tình già” đăng trên Đông tây số 154, ngày 12-3-1932, thể hiện sự tức mình mà cho rằng “Vừa mở ra đã có người lo cột lại”, và gọi đây là sự “lôi kéo nhùng nhằng”. Phan Khôi thẳng thắn đề nghị, “Lối thơ mới ấy, một là Thượng Minh phản đối, một là Thượng Minh tán thành và cổ động cho nó, chỉ có hai lẽ ấy mà thôi; chứ còn làm như Thượng Minh là không có nghĩa”. Phan Khôi cho rằng, Thượng Minh yêu cầu về thơ như vậy cũng như bắt người ta trả nợ mà không đưa văn tự ra, toàn cái sự không có lý! Sau cùng, Phan Khôi đề nghị “Tôi xin các ông đi, đừng có làm như Thượng Minh nữa. Lối thơ mới ấy của tôi, có đứng được thì để, không đứng được thì bỏ đi, chớ đừng có điều đình, tôi đã "bất điều đình" mà!

Là người đầu tiên hăng hái hưởng ứng Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, trên Phụ Nữ Tân Văn số 153 đầu tháng 6-1932, có thư trách Phan Khôi đã đánh trống bỏ dùi khi “trình chánh giữa làng thơ một lối thơ mới… nhưng không thấy có ai nối gót, mà chính tiên sinh hình như cũng không muốn giở dói việc ấy nữa”. Lưu Trọng Lư

không đồng tình với việc tạm xếp lại, đợi khi khác lại mang ra, và hối thúc Phan Khôi tiếp tục mạnh dạn kêu gọi đổi mới phong trào thơ ca, bởi “Thi ca ta ngày nay đang lúc ngấp ngoải, không còn có lấy một chút sinh khí. Nếu không xoay phương cứu chữa gấp, thì ôi thôi, còn chi là tính mạng của thi ca?” Lưu Trọng Lư dù băn khoăn, không biết lối thơ mới sau này có thành công hay canh tân thất bại, dù đó là bí mật lịch sử văn hóa mai sau, nhưng ông khẳng định, thì dù thế nào, thơ mới cũng có giá trị giúp cho sự tự do phát triển của thi ca, là một tiếng chuông cảnh tỉnh làng thơ đang trong “cõi chết”.

Khác với Lưu Trọng Lư đánh giá cao Phan Khôi với lối thơ trình chánh mới, Vân Bằng, trên An Nam tạp chí số 39, ra ngày 30-4-1932, trong bài “Tôi thất vọng vì

Phan Khôi” đã mỉa mai Phan Khôi: “Vừa đây, ông lại ra công "sáng chế" ra một lối thơ "tân thời, tự do đặc biệt", không cần niêm luật, tự ý vắn dài, làm cho nhiều người "hoài cổ" phải ngậm ngùi thương tiếc "tám vế" luật Đường! - có lẽ vì sự phát minh lối thơ mới này mà phải mai một đi chăng?”.

Từ đây, cuộc chiến giữa hai phái chính thức bắt đầu, với rất nhiều bài báo tranh luận qua lại thu hút sự quan tâm của dư luận. Những năm 1932-1933 có thể coi là những năm gian nan nhất của phong trào thơ mới, nhưng đến năm 1934-1936, ưu thế của phái thơ mới dần được khẳng định khi lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, nhiều tác phẩm có giá trị ra đời. Từ năm 1936 trở đi, cuộc luận chiến đi vào phương diện khác khi việc bênh vực thơ cũ đã trở nên vô nghĩa, và xuất hiện nhiều tác phẩm thơ mới có giá trị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phan khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên báo chí đầu thế kỷ XX (Trang 63 - 66)