Tranh luận về Truyện Kiều

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phan khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên báo chí đầu thế kỷ XX (Trang 66 - 74)

Trong cuộc tranh luận về Truyện Kiều kéo dài hơn 20 năm, Phan Khôi không phải người khơi nguồn, cũng không có bài viết trực tiếp chủ đích bàn giải về Truyện Kiều, nhưng những chủ kiến của Phan Khôi đóng góp cho cuộc tranh luận này lại rất có ý nghĩa.

của phía bảo thủ, Phan Khôi đã đưa ra những phúc đáp thực tế, có sức nặng; cuối cùng, ông đưa ra sự cắt nghĩa nguồn gốc những phản đối dai dẳng từ phía giới nhà nho đối với Truyện Kiều và việc phổ biến Truyện Kiều – ấy là di sản của tình trạng độc tôn ý thức hệ nho giáo. Chính ý thức hệ ấy đã cấp cho nhà nho cái vũ khí để họ vô hiệu hóa tất cả những gì khác với tôn chỉ nho gia, ngay khi nho giáo đã lỗi thời cũng vẫn cố chấp quay lưng với thực tế, với mọi sắc thái mới của đời sống.

3.4.1. Buộc tội “học phiệt” Phạm Quỳnh

Vào năm 1924, nhân ngày giỗ thi hào Nguyễn Du, Hội Khai trí tiến đức tổ chức lễ kỷ niệm tôn vinh tác giả truyện thơ “Đoạn trường tân thanh”, với hơn hai ngàn người tham dự. Tại lễ kỷ niệm này, Phạm Quỳnh đọc diễn văn tôn vinh thiên tài Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều”, với tinh thần đặt niềm tin sự phát triển văn hóa dân tộc vào văn quốc ngữ, chữ quốc ngữ. Nhiều tác giả đương thời như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam… vào dịp đó đều có những bài viết đề cao giá trị Truyện Kiều.

Tuy nhiên, Ngô Đức Kế với bài “Luận về chính học cùng tà thuyết. Quốc

văn – Kim Vân Kiều – Nguyễn Du”(Hữu thanh”, số 21, ngày 1-9-1924) đã phản đối

Phạm Quỳnh, cho rằng trong bối cảnh lịch sử lúc ấy, khi mà nền chính học đang sa sút, thì việc đề cao Truyện Kiều sẽ khiến tà thuyết có cơ hội lưu hành. Theo Ngô Đức Kế, đó chỉ là một truyện phong tình, là tà thuyết mê hoặc dân chúng, là thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời “chứ không phải là một thứ văn chương chính đại theo đường chính học”.

Ngô Đức Kế lên tiếng hạ thấp giá trị Truyện Kiều không chỉ từ quan niệm nhà nho, đề cao văn chương đạo lý, hạ thấp văn chương phong tình; mà còn bộc lộ một tương quan đối nghịch giữa hai bộ phận kẻ sĩ trí thức người Việt đương thời, một bộ phận hợp tác với chính quyền thực dân, một bộ phận khác thì bất hợp tác, công kích tất cả những đối tượng hợp tác với chính quyền thực dân như Tạp chí “Nam phong” hay Hội khai trí tiến đức mà Phạm Quỳnh là người đứng đầu.

Phạm Quỳnh lại dùng cách im lặng trước sự đả kích của Ngô Đức Kế. Cho đến 6 năm sau, sau khi Ngô Đức Kế vừa mất, lúc đó, Phan Khôi luận bàn cùng Trần Trọng Kim về các vấn đề Nho giáo, trước thái độ nhã nhặn khi thảo luận của ông Trần, Phan Khôi nhớ lại sự im lặng của Phạm Quỳnh trước đây, và viết bài “Sau khi

đọc bài trả lời của Trần Trọng Kim tiên sinh: Cảnh cáo các nhà “học phiệt” (Phụ

nữ tân văn, số 62, ngày 24-7-1930). Phan Khôi cho rằng Phạm Quỳnh là một dạng học phiệt, khi dư luận công kích chính đáng mà lại làm thinh, tỏ ra không thèm nói. Phan Khôi chỉ ra rằng, chỉ có tranh luận mới là “vàng”, là cần thiết cho học thuật.

Phan Khôi đã làm cho Phạm Quỳnh phải lên tiếng giải thích, và sau đó, Huỳnh Thúc Kháng muốn chiêu tuyết cho người quá cố vì cho rằng lời giải thích của Phạm Quỳnh có những chỗ xúc phạm ông Ngô. Rồi Phan Khôi cũng thêm mấy lần ý kiến với Phạm Quỳnh và Huỳnh Thúc Kháng về các vấn đề trong tranh luận, với các bài:

Về cái ý kiến lập hội “chấn hưng quốc học” của ông Phạm Quỳnh (Phụ nữ tân văn, số 70, ngày 18-9-1930); Đọc bài “Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩ” của ông Huỳnh Thúc Kháng đăng trên Trung Lập 3 số 6266, 6267, 6268, từ ngày 7-10-1930

đến ngày 9-10-1930.

Trả lời Phạm Quỳnh, Phan Khôi tiếp tục tranh luận về thái độ với dư luận, ông cho rằng, bất kỳ dư luận nào, nếu là việc chung của xã hội, thì thức giả không nên làm thinh, không nên có thái độ tiêu cực để dư luận trôi mặc, mà ngược lại, phải làm hướng đạo cho dư luận, làm “ngự sử” cho dư luận.

3.4.2. Không đáng công kích nếu ủng hộ Truyện Kiều “vị nghệ thuật”

Dù Huỳnh Thúc Kháng có bài Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩđể bác những điều giải thích của Phạm Quỳnh, Phan Khôi tuy đã có hai bài phản đối Phạm Quỳnh, nhưng lại tiếp tục có bài bác lại cả Huỳnh Thúc Kháng. Với Đọc bài “Chiêu

tuyết cho một nhà chí sĩ” của ông Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi nhắc đến một số

sơ suất của ông Huỳnh khi tranh luận với Phạm Quỳnh, đồng thời cũng có bàn luận đến Truyện Kiều. Phan Khôi không đồng tình với việc Huỳnh Thúc Kháng mạt sát Truyện Kiều và đổ tội những ai tán dương Truyện Kiều, cho rằng vì đọc Kiều mà xã

hội ngày nay say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội.

Phan Khôi đưa ra một quan niệm mới để xem xét vấn đề, mà cái thuyết này sau đó vài năm mới xuất hiện ở cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, đó là, muốn đánh giá Truyện Kiều và văn chương Nguyễn Du, thì trước hết phải hiểu trong văn học ngày nay có hai khuynh hướng trái nhau mà cũng có thế lực ngang nhau, đó là một phái trọng nhân sinh; một phái trọng về nghệ thuật: “Hai phái ấy phái nào cũng có cái lý thuyết của mình đủ mà thành lập, không ai nhượng ai. Bởi vậy, các nhà văn học trong các nước ngày nay tùy mình muốn ngả về phái nào thì ngả, và cả hai đều có giá trị hết.” (Đọc bài “Chiêu tuyết cho một nhà

chí sĩ” của ông Huỳnh Thúc Kháng - Trung lập, số 6268, ngày 9-10-1930).

Theo đó, Phan Khôi cho rằng những người tán dương Truyện Kiều cũng là vì sùng bái cái đẹp mà thôi, chứ chẳng thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội: “Tôi không rõ lúc bấy giờ ông Phạm Quỳnh có bảo đem Truyện Kiều mà làm “sách học” không, có coi Truyện Kiều như sách giáo khoa không; nếu vậy thì đáng công kích thật; còn như lấy danh nghĩa “Văn học ban” của hội “Khai trí tấn đức”, khuynh hướng về cái thuyết “nghệ thuật vì nghệ thuật” mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, thì tôi chẳng thấy chỗ nào đáng công kích hết, mà tôi cho là việc ai thích thì làm, chẳng hại gì cả.

Phan Khôi xếp Huỳnh Thúc Kháng cùng giống như Hàn Dũ, Tăng Củng bên Tàu, lấy cái thuyết của phái nhân sinh làm chủ đạo, “lấy cái quan niệm về văn học đời xưa mà bắt thiên hạ phải theo một khuôn mẫu như mình, hầu cho duy trì phong hóa mà vãn hồi thế đạo nhân tâm”. Khẳng định quan niệm như vậy không còn hợp thời nay, Phan Khôi cho rằng, trong văn học mà khuynh hướng thuần về nghệ thuật là một sự chánh đáng thì không nên ngăn cản hay hủy diệt, vì đó là một việc làm vô ích mà có hại.

Muốn duy trì phong hóa thì kiếm cách mà duy trì; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì cứ việc mà vãn hồi; còn Truyện Kiều, nếu đã nhìn nó là một thứ mỹ văn học

thì phải để cho nó tự do phát triển. Chỉ có khi nào đủ tang chứng nói được rằng Truyện Kiều quả đã làm hại cho phong hóa, cho thế đạo nhân tâm, thì khi ấy hãy nên cấm hẳn đi mà thôi” – Phan Khôi kết luận. Đồng thời ông bày tỏ không tin lời Huỳnh Thúc Kháng khi cho rằng, Truyện Kiều làm dứt cả nề nếp gia đình, trật tự xã hội, và đề nghị ông Huỳnh lập biểu, thống kê con số cụ thể về tình hình tội ác trước và sau phong trào Truyện Kiều được tán dương thì mới tin được.

Trước những phản hồi của Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục có bài “Biện chánh lại mấy lời phê bình của ông Phan Khôi” [4; tr.968-979] và cho rằng đây là cuộc biện chánh có ý nghĩa nên cần tiếp tục lên tiếng. Huỳnh Thúc Kháng vẫn một mực khẳng định Truyện Kiều có hại cho tư tưởng thanh niên, khiến nền đạo đức suy sụp, dù không làm thống kê ra mà đếm được.

3.4.3. Cắt nghĩa những phản đối của nhà nho với Truyện Kiều

Cuộc tranh luận về Truyện Kiều một thời khiến dư luận chao đảo khi bị đặt trước câu hỏi về đạo đức nhân vật Kiều. Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục tranh luận với Lưu Trọng Lư khi viết bài “Mấy lời chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều” đăng trên Phụ nữ thời đàm số 13, ngày 10-12-1933, công kích thái độ của Huỳnh Thúc Kháng trong chùm thơ “Vịnh Kiều” đăng trên Tiếng dân” ngày 1-11-1933. Lưu Trọng Lư nhìn nhận, muốn xét thân thế Kiều, không nên đứng hẳn trong những lễ giáo nghiêm ngặt chật hẹp của nho giáo. Ông Huỳnh đáp lại những lời này, và cho rằng, đối với ông, ông Lưu chẳng qua đang trong cơn mê của người mê tiểu thuyết, mê tuồng hát, thế thôi. (“Mê người trong tiểu thuyết cùng mê người trong tuồng hát”. Thuyết chiêu tuyết cho Vương Thúy Kiều của ông Lưu Trọng Lư với anh học trò mê kép đóng vai Tần Cối - Tiếng dân” ngày 24-1-1934).

Ngay sau khi cho đăng bài của Lưu Trọng Lư, chủ bút Phan Khôi đưa đăng tiếp bài của chính mình (“Rìu búa của nhà nho” - Phụ nữ thời đàm, số 17, ngày 7-1- 1934 [13; tr205-210]). Phan Khôi nhìn nhận, Lưu Trọng Lư không quê mùa gì mà đi chiêu tuyết cho một nhân vật trong tiểu thuyết, mà “giá đó mà đánh chỗ khác”; chỗ khác ấy, là nhắm vào nhà nho, trong đó có ông Huỳnh là một. Những sự “tàn nhẫn”

thể hiện trong thơ vịnh Kiều của họ Huỳnh, được Lưu Trọng Lư nhận định: “Cái lòng người ta có là sắt đá lắm mới thở ra cái giọng tàn nhẫn như thế được…”, và: “Chỉ có những người nhác nhớn, buồn rầu, bi quan mới hay ghen ghét quạu quọ…” - Nhận định này, Phan Khôi cho rằng họ Lưu nhắm vào giới nhà nho. Phan Khôi đồng tình với ý kiến này, từ đó giúp truy tìm cái căn cứ, cái cơ sở của việc một bộ phận nhà nho nối tiếp nhau muốn phủ định giá trị của kiệt tác này.

Phan Khôi nhìn nhận, “nhà nho từ Mạnh Tử về sau ai nấy đều có một cái tâm lý chung, là: không dung nạp kẻ khác với mình. Việc họ làm có giống với đức Khổng chăng thì không biết; duy người nào đã làm cái việc như thế thì cũng vin lấy đức Khổng, mượn bửu bối của kinh Xuân thu. Kỳ thực thì cái áo hoa cổn ngài dùng để đôi khi ban thưởng cho người đời, họ đành bỏ mốc meo ra, mà chỉ chăm một sự dùng rìu búa để chặt người này, bổ trên đầu người khác”. Từ đó, Phan Khôi truy tìm được tận nguồn gốc cái cơ sở tư tưởng tâm lý của giới nhà nho trong hành động của họ công kích Truyện Kiều và những ai cổ xúy phổ biến Truyện Kiều, đó là để bảo vệ sự độc tôn ý thức hệ nho giáo, nhà nho thường cự tuyệt, công kích mọi tư tưởng, mọi lối sống khác. Ngay khi Nho giáo đã suy tàn, nhà nho vẫn cố chấp, thu mình lại trước mọi đổi thay: “Cái tâm lý ấy thấm mỗi ngày một sâu vào đầu kẻ học, tự nhiên luyện nên cái tánh hay gây, hay đỗ cáu, không chịu “hẩu” với đời. Người ta ở đời, có thể sống một trăm cách, một nghìn cách khác nhau; nhưng theo ý nhà nho, chỉ muốn ai ai cũng sống một cách như mình. Không cần xét đến lý, cứ hễ ai sống khác mình thì ấy là dị đoan, là tà thuyết, là dâm hạnh, tương rìu búa ra mà trị nó chết đi cho rảnh”.

Phan Khôi đặt câu hỏi: Cũng như nàng Kiều, một người con gái lỡ bước, có việc gì mà phải mắng? Có phải chăng, cự Dương, Mặc, tịch Phật, Lão thì mình mới trở nên á thánh đại nho, và mắng Thúy Kiều thì mới tỏ ra mình là chánh nhân quân tử? Và Phan Khôi liên tưởng một cách mỉa mai, “ông Lưu Trọng Lư chỉ rõ ra rằng cái thân thế nàng Kiều cũng chẳng khác nào cái thân thế Huỳnh tiên sanh, hai bên cùng một số phận với nhau thì sao bên này lại khắc với bên nọ?

Mắng Vương Thúy Kiều là mục đích của nhà nho để duy trì phong hóa – như cái rìu búa hộ phù cho “những kẻ giả hình” – Phan Khôi đã phân tích sâu xa và chỉ ra rõ nguyên nhân của việc nhiều nhà nho phản đối Truyện Kiều là như vậy.

Tiểu kết chương 3

Đọc về các cuộc tranh luận của Phan Khôi về các vấn đề học thuật, có thể thấy điều đáng quý nhất ở ông chính là tinh thần tích cực “xông pha”, không ngại tranh luận, không ngại thử nghiệm những điều mới mẻ. Đó chính là tư duy phản biện rất cần thiết để phát triển một nền học thuật vững chắc và theo kịp với thời đại.

Những vấn đề học thuật được Phan Khôi bàn luận tương đối rộng và phong phú. Tranh luận về Quốc học, ông đưa ra khái niệm Quốc học mới để khẳng định nước ta từ xưa đến nay chưa bao giờ có một nền Quốc học thực sự đồng thời ông cũng chỉ ra những phương cách thiết thực để xây dựng nền Quốc học của nước nhà. Bàn về sử học, ông đưa ra quan điểm “xưa nay chưa từng có”: Lịch sử Việt Nam chưa từng trải qua chế độ phong kiến. Ông cũng phản bác ý kiến của một số nhà sử học cho rằng nước Pháp từng đem quân đội và vũ khí đến giúp Việt Nam thời Gia Long. Với thơ ca, ông không có những tác phẩm thực sự có giá trị về nội dung và nghệ thuật nhưng bài thơ “Tình già” minh hoạ cho bài viết “Một lối thơ mới trình

chánh giữa làng thơ” của ông đã là phát súng làm thức tỉnh cả một thế hệ những nhà

thơ mới và mở ra “một thời đại mới” trong thi ca. Trong cuộc tranh luận về Truyện Kiều kéo dài hơn 20 năm, Phan Khôi đã có những bàn luận đích đáng, chỉ ra được nguyên nhân sâu xa của cuộc tranh luận này. Ông cũng quyết liệt bày tỏ sự phản đối với những học giả (mà ông gọi một cách mỉa mai là “học phiệt”) không chịu tranh biện, tỏ thái độ thờ ơ, làm thinh, không thèm trả lời khi có ý kiến phê bình như Phạm Quỳnh. Theo ông, thái độ thờ ơ đó sẽ là hết sức tiêu cực và có hại cho nền học thuật. Tư tưởng này của ông đến nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc.

Những quan điểm về học thuật của Phan Khôi, có quan điểm đã được thời gian khẳng định giá trị như quan điểm về thơ mới - thơ cũ hay những phân tích sâu xa về cuộc “bút chiến” quanh nàng Kiều và Truyện Kiều, cũng có những quan điểm cần

phải xem xét lại một cách kĩ lưỡng hơn từ phía các nhà nghiên cứu chuyên ngành như quan điểm về sử học. Tuy nhiên, bất luận thế nào, tinh thần phản biện tích cực, thái độ phản biện nghiêm túc cùng với sự sắc sảo, uyên bác của Phan Khôi đã thực sự thúc đẩy sự phát triển của nền học thuật nước nhà.

Chương 4

MỘT SỐ NHẬN XÉT VÀ VẬN DỤNG KINH NGHIỆM TRANH LUẬN CỦA PHAN KHÔI VÀO THỰC TIỄN BÁO CHÍ HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phan khôi và một số cuộc tranh luận tiêu biểu trên báo chí đầu thế kỷ XX (Trang 66 - 74)