4.1.1. Phương pháp tư tưởng và trục logic trong tranh luận
4.1.1.1. Ý thức luôn tìm đến cái mới
Những năm 20, 30 của thế kỷ XX là giai đoạn giao thời mà Hoài Thanh gọi là “Cuộc biến thiên vĩ đại”: giai đoạn xảy ra cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây. Phan Khôi là một trong những người đi tiên phong trong “Cuộc biến thiên vĩ đại” đó của lịch sử văn hóa. Vấn đề cấp thiết đặt ra lúc đó đối với cả nền văn hóa là muốn tồn tại thì phải “duy tân”, tức là “đổi mới”. Phan Khôi nhận thức: “Muốn duy tân cải cách thì phải bắt đầu từ học thuật tư tưởng mà duy tân cải cách trước”.
Là người tò mò, hay hoài nghi, thích đặt lại vấn đề, thường băn khoăn tìm tòi cái mới, cuộc đời cầm bút của Phan Khôi là một chuỗi thử nghiệm liên tục. Trước năm 1930, trong giới cầm bút Việt Nam, đặc biệt giới biên khảo, hiếm, nếu không nói là không có ai độc đáo và ưa sự mới mẻ bằng ông.
Các bài báo của ông luôn thể hiện một sự độc lập trong suy nghĩ. Trong các cuộc tranh luận ông tham gia, nếu là đề tài ông khơi gợi thì thường rất mới và độc đáo, còn là bài bút chiến ông can dự thì thường có lối suy nghĩ rất mới.
Từ chỗ nhìn thẳng vào thực tế như vậy, ông là người đi tiên phong đổi mới trên nhiều lĩnh vực: ngay từ năm 1929, ông là người đầu tiên ở nước ta đặt vấn đề nam nữ bình quyền. Trước Khái Hưng, Nhất Linh của Tự lực văn đoàn, từ 1931, ông đã công kích chế độ gia đình phong kiến, chống lại sự cưỡng bức hôn nhân. Sau đó, với bài viết: Một lối thơ trình chánh giữa làng thơ cùng với bài thơ Tình già, ông đã khởi phát cuộc cách mạng trên lĩnh vực thi ca: khai sinh ra phong trào Thơ mới.
Bên cạnh đó, có thể nói Phan Khôi là một trong những người khai sơn phá thạch ra loại hình phê bình văn học ở nước ta, một hoạt động không thể thiếu vắng trong một nền văn học mới, đầy biến động của thời kỳ hiện đại.
Chính vì vậy mà chúng ta không ngạc nhiên khi nhiều người có tư tưởng đổi mới thời bấy giờ cũng phải thốt lên rằng: Phan Khôi mới quá! Cái đặc biệt ở Phan Khôi là chống công thức (non conformiste). Những cái gì người ta cho là phải, là đúng thì ông đưa ra những lý luận, trưng ra những bằng chứng để đi tới kết luận là trái và sai.
Tuy nhiên, ông cũng có tật là được mới nới cũ. Cái học cũ là cái học căn bản của ông. Nhờ cái học mới mà ông thấy được những nhược điểm và khuyết điểm của cái học cũ. Nhưng ông không thoát ly được khỏi cái học căn bản nó đã đi sâu vào máu huyết, xây dựng nên con người của ông. Do đó mà ông không thể đi xa được trên con đường tân học.
4.4.1.2. Chống Nho, hướng Tây
Trong cuộc đụng độ tư tưởng và văn hóa giữa Đông và Tây đầu thế kỷ XX, dù thừa nhận ưu thế của văn minh phương Tây nhưng hầu hết tri thức thời ấy cho rằng phải hài hòa, phải giữ lấy quốc hồn quốc túy An nam, không thể vứt bỏ nền văn hóa phương Đông. Chủ trương tân cựu điều hòa, thổ nạp Á Âu được nhiều người tán thưởng. Tuy nhiên, Phan Khôi lại phản đối tư tưởng này,
Phan Khôi phê phán Nho giáo ở không ít bài viết, bài tranh luận với các nhà nho đương thời như Trần Trọng Kim, Tản Đà. Ở những bài đối chiếu chế độ gia đình ở xã hội người Việt với luân lý Khổng Mạnh, Phan Khôi cho rằng so với “ngũ luân” (của Khổng Mạnh) thì “tam cương” (của Hán nho) mới thật sự nghiệt ngã. Bởi vì, theo Phan Khôi, “ngũ luân” còn gắn với không khí “bách gia tranh minh” của thời đại Xuân Thu Chiến Quốc; đến Hán nho thì nó lệch hẳn về phía bảo vệ chế độ quân chủ. Chính sự độc tôn Nho giáo như ý thức hệ chính thống suốt hai ngàn năm quân chủ Trung Hoa đã dẫn tới những chủ trương cực đoan kỳ thị nữ giới, ví dụ Tống nho xem “chết đói là việc nhỏ, thất tiết mới là việc lớn”, đòi hỏi người phụ nữ chết chồng gặp
cảnh đói kém phải chịu chết đói chứ không được đi lấy chồng khác. Phan Khôi đã chỉ trích quan niệm này, nên trong cuộc tranh luận với Tản Đà, một nhà nho cùng thời nhưng còn nặng lòng với Nho giáo, Phan Khôi đã bị bài bác rất kịch liệt, bị xem là “cái tai nạn của Nam Kỳ”.
Khi Huỳnh Thúc Kháng và Lưu Trọng Lư tranh luận về Truyện Kiều, Phan Khôi chỉ ra nguyên do khiến các nhà nho phản đối Kiều: “Trong nhà nho nhiều kẻ giả hình: ngoài mặt làm bộ đạo đức mà trong bụng trổ trời; lúc đèn còn sáng thì mô phạm nghiễm nhiên, mà lúc tắt đèn rồi thì lê la quá con chuột dù. Nhưng hạng ấy không kể. Những người đạo mạo thật, thì lại vì họ mực thước quá, thành ra coi đời cái gì cũng là bậy bạ”. (Rìu búa của nhà Nho - [13; tr.210]).
Theo quan điểm của Phan Khôi, người Tây phương có tinh thần cái nào cũng lấn hơn của Đông phương, dù không hơn cũng bằng, chứ không kém: “Cái tinh thần ở trong cõi văn học, họ hơn Đông phương; trong cõi chánh trị, họ hơn Đông phương; trong cõi kinh tế, họ hơn Đông phương…” (Bác cái thuyết văn minh vật chất và văn
minh tinh thần - [13; tr.133]).
Phan Khôi sùng bái Tây phương đến độ, ngay cả quan điểm về nhân sinh quan, ông cũng cho rằng phương Tây tiến bộ hơn phương Đông: “…nhân sanh quan của người phương Đông khác, của người phương Tây khác. Tức như về phụ nữ, cái nhân sanh quan về họ của người phương Tây ngày nay đã nhắc lên một bậc cao rồi, không giống với phương Đông chúng ta, mà nhứt là người Việt Nam chúng ta” (Vấn
đề phụ nữ giải phóng với nhân sanh quan - [12; tr.147].
Bởi vậy, trên báo Tao đàn số 4, ngày 16-4-1939, Lưu Trọng Lư từng nhận xét về Phan Khôi là một người: “…xưa nay hâm mộ đến cực điểm cái trí thực tiễn và cái phương pháp làm việc của người phương Tây…”.
Từ việc chống Nho, hướng Tây, Phan Khôi thể hiện một tinh thần đổi mới mạnh mẽ cùng với cái nhìn vượt thời đại, thể hiện trước hết ở chỗ tự đánh giá, tự nhận thức về chính đất nước mình, dân tộc mình. Chống lại những người tự tôn dân tộc một cách thiếu cơ sở, ông cho rằng thực tế dân tộc mình chưa có một nền quốc
học. Tranh luận về triết học, ông chỉ ra cho mọi người thấy là trình độ của người mình đang ở đâu: “Chúng ta, người Việt Nam đây, phải tỉnh ngộ lại, phải thành thật nhận mình là thua kém, thua kém về vật chất là bởi thua kém về tinh thần. Ta nên biết cái trình độ của ta nằm vào khoảng Trung thế kỷ của châu Âu, còn tối tăm lắm, còn vụng dại lắm, chẳng có tinh thần gì đâu mà làm phách! Nghe lời ba cái anh nói dóc ấy mà thêm hại” (Bác cái thuyết văn minh vật chất với văn minh tinh thần - [12; tr.147]).
Phan Khôi đưa ra những lập luận chặt chẽ, bàn luận, trao đổi để tìm ra những câu hỏi cho những vấn đề lớn đang đặt ra trong xã hội, được công chúng quan tâm. Ông so sánh đặc điểm tư tưởng phương Đông và phương Tây, khẳng định việc lớn trước mắt phải làm ở phương Đông, ở châu Á là phải "Âu hoá", phải học văn minh phương Tây để đưa xã hội mình lên trình độ của thế giới hiện đại, như ở các bài: “Học thuyết cũ với vận mạng mới nước Tàu” (Đông Pháp thời báo, số 748, ngày 26- 7-1928); “Mấy lời kết luận về Cô Hồng Minh và cái thuyết Âu châu sắp tan nát” (Đông Pháp thời báo, số 769, ngày 15-9-1928); “Tư tưởng của Tây phương và Đông
phương” (Đông Pháp thời báo, số 774, ngày 27-9-1928); “Bác cái thuyết tân cựu điều hoà” (Đông Pháp thời báo, số 776, ngày 2-10-1928).
Trong bài viết “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương” (Đông Pháp thời báo, số 774, ngày 27-9-1928), Phan Khôi đã nêu ra ba điểm khác nhau cơ bản của phương Đông và phương Tây với sự phân tích rõ ràng, dễ hiểu đối với công chúng đông đảo: Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học; Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc; Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận. Tuy nhiên, khi kêu gọi phải tiếp thu văn minh phương Tây thì Phan Khôi lại rất cực đoan: “Xem ba điều trên đây thì thấy ra hai cái tư tưởng Đông và Tây nó phản đối nhau như phương nam với phương bắc, như mặt trăng với mặt trời. Nay ta nếu muốn theo cách sanh hoạt mới của Tây phương, mà ta lại còn giữ cả tư tưởng cũ của Đông phương thì quyết không có thể được. Âu là phải dứt bỏ tư tưởng cũ của ta mà theo tư tưởng của Tây phương, thì mới hiệp với cách
hai lối sống như trên, Phan Khôi đi tới kết luận: “phương Đông muốn tiến bộ thì phải học theo tư tưởng và lối sống Tây phương, phải “Âu hoá”.
Lúc đó Phan Khôi chưa thể lý giải một cách biện chứng mối quan hệ giữa “truyền thống và cách tân” như hiện nay. Chính vì thế mà Phan Khôi đã phản đối quyết liệt chủ trương “tân cựu điều hòa” của Phạm Quỳnh bằng bài viết “Bác cái
thuyết tân cựu điều hòa” (Đông Pháp thời báo, số 776, ngày 02-10-1928) mà ngay
mở đầu đã phản bác rõ ràng: “Mấy năm gần đây, ở nước ta có một số ít người bàn luận đến cái vấn đề tư tưởng cũ và tư tưởng mới, thì hầu hết đều chủ trương cái thuyết điều hòa, nghĩa là đem tư tưởng cũ và tư tưởng mới mà trộn lộn cùng nhau. Cái thuyết ấy mới nghe qua dường như có lẽ lắm, dễ nghe lắm, mà nghiền ngẫm cho kỹ, gạn hỏi cho cùng, thì gần thành ra vô nghĩa, không có thể đem mà thiệt hành ra được”.
Là một trong những người dẫn đầu đổi mới tư tưởng xã hội, Phan Khôi nhìn rõ khác biệt Đông - Tây không phải chủ yếu là khác biệt về bản sắc dân tộc hay vùng đất mà chính là khác biệt về trình độ phát triển; văn minh Âu Mỹ chính là văn minh mới mẻ nhất của nhân loại đương thời, với các đặc tính khoa học, dân chủ, tự do là tiêu biểu cho xu thế tiến bộ của thời đại. Do đó “Âu hóa”, học theo văn minh Tây phương chính là chuyển mình sang thời hiện đại.
Thiếu Sơn, trong Phê bình và cảo luận đã nhận xét về Phan Khôi: “Ông nhờ có chuyên thêm về Tây học mà văn ông mới được rõ ràng khúc chiết, không có cái vẻ bóng bẩy, mơ màng, tối tăm, lộn xộn như mấy ông đồ cổ. Đây là ông được nhờ về cái phương pháp khoa học; song ông quá say mê nó, cứ theo nó riết, hầu như muốn bỏ hẳn cả cái Nho học ông sở hữu. Nho học đối với ông là một người vợ tao khang đã từng gắn bó lâu rồi, cái ảnh hưởng đối với ông hẳn cũng thân thiết lắm chớ. Tây học đối với ông chỉ là một người tình mới có, cái tư tưởng, cái tánh tình, cái tinh thần, bổn sắc của nó ông chắc đã thâm hiểu được chưa?” [82; tr.23].
Do Phan Khôi duy lý tới mức cực đoan và quá sùng bái logic hình thức, ông đã tỏ ra thiên lệch, khiên cưỡng khi lý giải những hiện tượng phức tạp. Ông chỉ thấy
mặt đối lập, tính dị biệt mà không thấy yếu tố có thể giao lưu, trao đổi giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, giữa truyền thống và cách tân…
Dù vậy, Lưu Trọng Lư trên Tao đàn, số 4, ngày 16-4-1939 lại nhìn nhận về Phan Khôi và lý giải những mặt đối lập trong tư tưởng của ông: “Dù là một nhà nho đã phụ bạc một cách tàn nhẫn nho học để đi theo tây học, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, “chứ trong tinh thần, cốt cách, ông vẫn là một nhà nho – cái ông nhà nho có góc cạnh, khó lòng mà chịu ăn khớp vào một khuôn sáo nào. Thực ra những tư tưởng của tiên sinh đã Âu hóa một cách cực đoan, nhưng những tư tưởng ấy không phải là ông Phan Khôi, tất cả ông Phan Khôi. Ông Phan Khôi cắt cái búi tó, hay mặc bộ đồ tây, ông Phan Khôi vẫn là một nhà nho đặc biệt. Ông say mê văn minh Âu Mỹ, ông cũng không thể đổi được ông. Cái tinh thần nho học ấy, ông đã có từ trong máu”.
Tuy nhiên, những tư tưởng của Phan Khôi thể hiện trong những bài bút chiến là cú hích quan trọng góp phần thúc đẩy tư tưởng học thuật, thúc đẩy nền văn hóa, văn học Việt Nam tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa.
4.4.1.3. Lấy cá nhân làm trung tâm
Phan Khôi rất chú trọng làm rõ hàm nghĩa các phạm trù xã hội của văn minh phương Tây như chủ nghĩa cá nhân, nền dân trị. Nhờ căn bản Nho học và những gì thu nạp được từ học thuật Tây phương, Phan Khôi có lối chơi cá nhân riêng biệt, tạo cho ông một địa vị đặc biệt trong làng báo. Những gì ông nói ra, viết ra đều do ông suy nghĩ theo sự độc lập và bướng bỉnh riêng của cá nhân ông, nên nó khác với mọi người.
Đã có lần Phan Khôi bút chiến với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh nói tới tuổi tác của cụ, Phan Khôi trả lời là đừng nêu vấn đề tuổi tác ra, cãi nhau là để làm sáng tỏ chân lý, ai đuối lý là thua, không cần biết người đó lớn hay nhỏ, trẻ hay già.
Phan Khôi còn giữ vững căn bản nhà Nho nên vẫn sống “độc thiện kỳ thân” nghĩa là giữ lấy nhân cách của mình, không ăn gian, nói dối, không xu phụ quyền thế, không lệ thuộc vào ai. Ông nhiễm được phần nào tư tưởng phương Tây nên không cố
Trong các cuộc tranh luận, Phan Khôi luôn thể hiện một thái độ dứt khoát, với một cá tính mạnh mẽ. Khi Nguyễn Trọng Thuật có ý muốn hòa giải, “điều đình cái án quốc học”, Phan Khôi khảng khái phản đối, ông không muốn điều đình: “Tôi xin hô lớn lên rằng: Bất điều đình! Mọi việc trong thế gian, nhất là việc học, ai muốn ngả về mặt nào thì ngả, chẳng có điều đình gì hết; cũng không ai cầu ai điều đình làm gì”. (Bất điều đình - [5; tr.271]).
4.1.2. Nghệ thuật tranh luận
4.1.2.1. Chọn ý tưởng độc đáo
Bướng bỉnh, ngang tàng, trong tranh luận, Phan Khôi thường chọn cho mình những góc nhìn độc đáo, khác người, đôi khi gây “sốc” cho công chúng. Thông thường người ta nghĩ “một đằng”, thể nào Phan Khôi cũng tìm ra cách nghĩ “một nẻo”, tức là người ta mà nói xuôi thì ông phải nói ngược.
Phan Khôi từng tự nhìn nhận mình: “Thấy nói có người cho tôi là hay nói bướng. Thà là phê bình tôi như vậy mà tôi không trách, vì tôi biết rằng người ấy chẳng hiểu tôi chút nào, thôi, có trách làm chi! Nhưng lại nói thấy có người cho tôi là hay lập dị (nghĩa là làm cho mình ra lạ, khác với người ta), người nầy thì tôi xin trách. Tôi trách rằng chỉ nên nghe lời tôi mà đoán cho là phải cùng chẳng phải, chớ còn sự lạ với thường, chẳng nên kể đến. Dầu cho những lời của tôi là lạ, khác với người ta, song nếu nó là phải, thì tôi há chẳng đáng nói sao? người ta há chẳng đáng nghe điều phải ấy sao? Cho nên, chỉ có phải cùng chẳng phải là thành ra vấn đề;còn lạ với không lạ, cái đó chẳng thành ra vấn đề vậy. Lấy cái bất thành vấn đề mà phê bình tôi, tôi đâu có phục? Tôi trách là đáng”. (Trả lời cho mấy vị độc giả hỏi
về bài “Thân oan cho Võ hậu” - [4; tr.66]).
Trong cuộc tranh luận thân oan cho Võ hậu, Phan Khôi khơi gợi cho độc giả một hướng nhìn hoàn toàn mới khi ông nhìn nhận Võ hậu là một người đàn bà kỳ kiệt ở trong lịch sử loài người, thông minh, có tài chính trị, có khí anh hùng ít ai bì kịp, trong khi người đời ngàn năm đã luôn chỉ thấy Võ hậu là người đàn bà dâm đãng, tàn ác, ham vương quyền, danh lợi.
Từ đó, một mình ông đã dám đứng lên phản đối dư luận đã quá bất công với