Chƣơng 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Các khái niệm liên quan tới đề tài nghiên cứu
1.2.2. Đặc điểm tâm lý của trẻ giai đoạn THCS
1.2.2.1. Đặc điểm trẻ tuổi vị thành niên
Tuổi THCS tương ứng với học sinh đang theo học các lớp từ lớp 6 tới lớp 9, theo chương trình riêng cho các em trong độ tuổi từ 12 tuổi tới 15 tuổi. Nếu tuổi vị thành niên ở nước ta quy định là nằm trong độ tuổi từ 10-19 tuổi thì giai đoạn THCS được gọi là giai đoạn đầu và giữa của độ tuổi vị thành niên hay còn gọi là độ tuổi thiếu niên. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi nhi đồng sang tuổi thanh niên để bước vào tuổi trưởng thành. Giai đoạn lứa tuổi này có sự thay đổi to lớn cả về thể
chất cũng như mặt tâm lý xã hội và nó mang tính khủng hoảng cao, các nhà tâm lý học phát triển gọi đây là độ tuổi chuyển tiếp, tuổi khủng hoảng hay là “bão tố”.
Tuổi thiếu niên là thời kỳ thay đổi về mặt sinh học vô cùng nhanh chóng tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cả về chiều cao, thể lực và tỉ lệ cơ thể. Giai đoạn này trẻ trở nên độc lập hơn và muốn tách mình ra khỏi sự bao bọc của cha mẹ, các em phát triển hơn và tự ý thức về cá nhân mình, đặc biệt cảm giác mình là người lớn và luôn muốn chứng tỏ cũng như là muốn được công nhận điều đó từ phía mọi người ở trẻ tương đối mạnh mẽ.
Trẻ có hai mối quan hệ được xem là quan trọng nhất trong giai đoạn này: quan hệ với gia đình và quan hệ với bạn bè. Cảm giác mình là người lớn và sự trưởng thành trong giao tiếp được xem là nét đặt trưng của trẻ trong giai đoạn này, nó được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau: các em muốn được tôn trọng, muốn được bày tỏ quan điểm riêng, cần được lắng nghe, được độc lập không muốn bị phụ thuộc, chi phối trong các hoạt động học tập lao động. Đặc biệt, giai đoạn này các em đòi hỏi mối quan hệ đối xử bình đẳng như người lớn và không muốn bị can thiệp tỉ mỉ vào cuộc sống cá nhân các mối quan hệ với bạn bè. Biểu hiện rõ nhất khi các mong muốn, nhu cầu trên không được đáp ứng là sự nổi loạn, chống cự và không phục tùng của trẻ với những yêu cầu của người lớn. Việc không thay đổi thái độ của người lớn dẫn tới những đụng độ, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái ở giai đoạn này tương đối sâu sắc, các em chống đối thậm chí xa lánh cha mẹ mình.
Theo phần lớn các nghiên cứu, ông bà dường như là người thân thiết, gắn bó và ở bên trẻ từ khi còn nhỏ cho tới trưởng thành mà trẻ có thể tin tưởng, đồng thời là người mà có nhiều kinh nghiệm sống và là tấm gương trong mắt cháu. Họ là người chỉ đường cho các cháu nhưng lại không làm nhiệm vụ giám sát hay chịu trách nhiệm dạy bảo nghiêm khắc như cha mẹ, và dù trẻ ở giai đoạn này có nhiều mâu thuẫn với cha mẹ, thì ông bà lại có thể giúp cháu hòa giải mối quan hệ giữa trẻ với cha mẹ của chúng cũng như giải thích với trẻ về cách cư xử của cha mẹ đối với trẻ. Ông bà thường luông chiều cháu hơn con của họ trước kia, thậm chí bao che những lỗi lầm của cháu với cha mẹ chúng đồng thời cũng là người luôn lắng nghe, chia sẻ mọi chuyện với trẻ, điều này có ý nghĩa quan trọng giúp trẻ phát triển và định hướng tốt hơn trong giai đoạn khủng hoảng này của các em.