Biểu trưng của gà qua hành động, tình huống cụ thể:

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đối chiếu thành ngữ hàn việt có yếu tố chỉ tên gọi động vật (nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn hóa) (Trang 62 - 64)

- Gà trụi lông biểu trưng cho hình thức xấu

Ví dụ: 털뜬 꿩 → Gà lôi trụi lông

Ý nghĩa của thành ngữ này là để nói về những người có vẻ ngoài xấu xí đến mức thảm hại. Ý nghĩa này có được xuất phát từ một sự quan sát thực tế là gà lôi có bộ lông sặc sỡ và loài vật này có vẻ đẹp là nhờ bộ lông đó. Vì thế mà, khi bị trụi lông, bộ phận duy nhất mang lại vẻ đẹp cho gà không còn nữa, chúng trở nên vô cùng xấu xí và thảm hại. Do đó, hình ảnh gà lôi trụi lông được chọn làm biểu trưng cho hình thức xấu. - Gà mái gáy sáng biểu trưng cho người phụ nữ lấn át chồng

Ví dụ: 빈계지신 → Như gà mái gáy sáng

Về ý nghĩa, thành ngữ này dùng để nói về những người phụ nữ làm những việc không thuộc thiên chức của mình. Theo tự nhiên, chỉ có gà trống là gáy và chủ yếu gáy vào lúc trời sáng. Việc gà mái gáy sáng là hành động trái với tự nhiên, là việc làm trái khoáy, đụng chạm vào chức năng của gà trống. Hành vi này được chọn làm biểu trưng cho người phụ nữ lấn át quyền của người chồng, tự ý thay mặt người chồng làm những việc không phải chức năng của mình. Đây là điều tối kỵ trong xã hội phong kiến, khi quyền của người phụ nữ được quy định rất ít và thấp, chỉ trong phạm vi cái bếp. Như vậy, về mặt văn hóa gà mái còn biểu trưng cho thân phận người phụ nữ bị hạ thấp, bị cho là không thể/ không có quyền làm những việc đàn ông có thể làm.

Theo nghiên cứu của Trịnh Cẩm Lan qua thành ngữ Việt, gà có những biểu trưng chung như:

- Biểu trưng cho mức độ chửi với thành ngữ: Chửi như mất gà (chửi dai dẳng,

thậm tệ, như các bà nhà quê chửi khi bị người khác bắt mất gà nhà mình).

- Biểu trưng cho sự xấu xa, ích kỷ với các thành ngữ: Gà tức nhau tiếng gáy (những người hay ghen tị, hay gành đua, tức tối trước hành động của người khác), Gà nhà lại bươi bếp nhà, Chân gà lại bới ruột gà...

Đặc biệt, khác với người Hàn, người Việt sử dụng rất nhiều những hành động, tình thế của gà để biểu trưng cho những hành động và tình thế của con người. Đây là kết quả của sự quan sát cụ thể và tỉ mỉ, chẳng hạn:

- Gà mắc tóc biểu trưng cho tình thế lúng túng: Lúng túng như gà mắc tóc.

- Gà mất mẹ biểu trưng cho cảnh tan tác, đáng thương của những đứa trẻ: Tan tác

như gà lạc mẹ, Chít chiu như gà con mất mẹ...

- Gà buổi tối biểu trưng cho sự chậm chạp: Lờ đờ như gà ban hôm.

Trên đây chúng tôi đã trình bày những biểu trưng nổi bật nhất của gà trong thành ngữ Hàn - Việt. Về cơ bản, gà trong thành ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt có nhiều biểu trưng tương đồng nhau, chủ yếu theo xu hướng tiêu cực. Tuy nhiên, có thể do hướng khai thác ngữ liệu của hai cộng đồng sáng tạo - người Hàn và người Việt, các thành ngữ tiếng Hàn mà chúng tôi thu thập được về gà về cơ bản không giống với các thành ngữ về gà phổ dụng trong tiếng Việt. Sự quan sát của hai chủ thể sáng tạo cũng có phần khác nhau: nếu người Hàn nhìn gà chủ yếu ở những đặc tính chung của giống loài thì người Việt lại thiên nhiều hơn về những quan sát cụ thể. Thành ngữ Hàn cũng có những biểu trưng cụ thể của gà nhưng không phải được khai thác từ những hình ảnh, tình thế cụ thể của gà dựa trên những quan sát tỉ mỉ trong đời sống. Điều này có thể biểu hiện một mức độ nhất định sự gần gũi của người Việt đối với loài vật này. Hai biểu trưng cụ thể của gà trong thành ngữ Hàn thì lại gần với những biểu trưng chung hơn và có những nét đặc biệt của người Hàn mà người Việt không có. Chẳng hạn gà lôi là một loài gà xứ lạnh không có ở một xứ sở nóng và ẩm như Việt Nam, còn hình ảnh gà mái gáy sáng là biểu trưng cho những người phụ nữ làm sai thiên chức thì cũng là một điều được người Hàn chú ý hơn người Việt do đây là đất nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Nho giáo hơn Việt Nam.

3.3.1.3. Các biểu trưng của ngựa

Theo tư liệu của chúng tôi, có 19/387 thành ngữ có liên quan đến ngựa.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu đối chiếu thành ngữ hàn việt có yếu tố chỉ tên gọi động vật (nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn hóa) (Trang 62 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)