b. Biểu trưng của bò trong những tình thế, hành động cụ thể
3.3.2.2. Các biểu trưng của chim
Theo tư liệu của chúng tôi, các thành ngữ tiếng Hàn có thành tố cấu tạo liên quan đến chim có số lượng là 37/387 thành ngữ. Tuy nhiên, chim được nói đến ở đây gần như với tư cách một danh từ chỉ loại hơn là một danh từ định danh một sự vật cụ thể. Những thành ngữ về chim nói chung ở cả tiếng Hàn lẫn tiếng Việt đều không nhiều, chủ yếu là những thành ngữ về những loài chim cụ thể. Trong thành ngữ Hàn, những loài được nói đến bao gồm: nhạn, thiên nga, én, sẻ, hồng, hạc, vẹt, bồ câu,
phượng hoàng, chim sẻ… trong đó, phượng hoàng, bồ câu, én, sẻ... là những loài được nói đến nhiều hơn, những loài còn lại được nhắc đến ít hơn. Trong thành ngữ Việt thì khác, những loài xuất hiện nhiều thường là cò, quạ, cú..., những loài xuất hiện ít thường là cắt, mỏ khoét, chích choè... Sự xuất hiện này, có lẽ, cũng liên quan phần
nào đến mức độ gần gũi giữa con người với các loài chim đó. Theo chúng tôi, điều này có liên quan chặt chẽ tới những đặc điểm của vùng khí hậu, đặc điểm này quy định hệ sinh thái khác nhau với những động thực vật đặc trưng khác nhau. Chẳng hạn, khí hậu lạnh khô của xứ Hàn phương Bắc quy định sự xuất hiện phổ biến của các loài chim xứ lạnh như phương hoàng, bồ câu, én..., còn khí hậu nóng ẩm của đất Việt phương Nam thì lại quy định sự xuất hiện phổ biến của các loài chim phương Nam như cò, vạc, quạ, cú... Tất nhiên, bên cạnh đó còn là những đặc trưng liên quan đến nền văn hoá gốc của mỗi dân tộc. Chẳng hạn, văn hoá nông nghiệp lúa nước khiến người nông dân Việt Nam gần gũi hơn với các loài chim nước có lối sống lưỡng cư như cò, vạc, mòng két, bồ nông... Vì số lượng các loài được sử dụng phong phú nên chúng tôi chỉ đưa ra một số loài tiêu biểu dưới đây và khái quát biểu trưng cho cả nhóm. Chúng tôi thấy, mỗi loài có những biểu trưng rất riêng, cụ thể.
(1) Các loài chim xuất hiện nhiều và biểu trƣng của chúng trong thành ngữ Hàn
a. Phượng hoàng
- Biểu trưng cho giá trị tốt, quý báu.
Ví dụ: 천마리 참새가 한마리 봉만 → Ngàn sẻ không bằng một phượng hoàng. - Biểu trưng cho khả năng vượt đường xa
Ví dụ: 붕정만리 → Phượng hoàng vạn lý.
Phượng hoàng là loài chim có hình thức to lớn, đẹp và khỏe mạnh. Hơn thế, phượng hoàng còn là một loài chim quí. Vì vậy, phượng hoàng được chọn làm biểu
trưng cho những đặc điểm tốt, quý hiếm, cao sang. Cũng nhờ tầm vóc to lớn, đôi cánh dài mà phượng hoàng có thể bay rất xa. Vì thế, phượng hoàng còn được dùng để biểu trưng cho khả năng vượt khoảng cách.
b. Chim sẻ
- Biểu trưng cho năng lực tiềm ẩn
Ví dụ:
참새가 작아도 알만 잘깐다 → Chim sẻ nhỏ nhưng đẻ giỏi - Biểu trưng cho sự cơ hội
Ví dụ:
참새는 방앗간을 그냥 지랴 → Chim sẻ không bỏ qua nơi xay giã gạo Chim sẻ là loài chăm chỉ kiếm mồi và đẻ nhiều trứng trong một lứa. Do đặc điểm tự nhiên, chim sẻ có khả năng sinh sản tốt và đặc điểm sinh học này đã được vận dụng làm biểu trưng cho những khả năng tiềm ẩn so với hình thức bé nhỏ, khiêm tốn của chúng. Bên cạnh đó, cũng có thể do sự khôn ngoan của loài chim này mà con người đã gán cho chúng một tính cách rất xấu: tính cơ hội.
c. Bồ câu
- Biểu trưng cho sự bé nhỏ, yếu ớt Ví dụ:.
햇비둘기 재넘을 까 → Bồ câu mới sinh qua đồi
Bồ câu cũng như những loài lông vũ khác không thể bay ngay sau khi ra đời mà phải trải qua một quá trình gọi là “ra ràng”, sau đó mới có thể bay nên bồ câu mới sinh được người Hàn coi là biểu trưng cho sự yếu ớt.
d. Én, sẻ, hồng, hạc
Ví dụ:
물찬 제비같다 → Như én gánh nước
Én, sẻ, hồng, hạc đều là các loài chim có hình thức rất nhỏ, mỏng manh nên làm con người liên tưởng đến vẻ đẹp đài các có phần yếu ớt của các cô gái có xuất thân cao quý xưa.
Ngoài việc sử dụng những hình ảnh cụ thể của từng loài làm biểu trưng, nhóm thành ngữ nói về chim còn có những biểu trưng khác không sử dụng hình ảnh biểu trưng cụ thể mà chỉ nói một cách chung là chim. Đây chủ yếu là các biểu trưng về tình
cảm yêu thương của cha mẹ đối với con cái, hay tình cảm của con người đối với quê hương đất nước.
Ví dụ:
자식둔 부모는 알둔새와 같다 → Cha mẹ giữ con như chim giữ trứng Các loài chim có quá trình sinh sản gồm hai giai đoạn đẻ trứng và ấp trứng. Thời gian ấp trứng tùy theo loài nhưng trong thời gian này, có một điểm đặc biệt là cả chim mái và chim trống cùng tham gia ấp và thay nhau đi kiếm mồi (Đây là điểm khác với các loài vật khác, chức năng sinh sản và chăm sóc con cái chủ yếu do con mái đảm nhận). Do đó, có thể đặc điểm này, về mặt văn hóa thì rất gần gũi với con người, cha mẹ cùng nhau chăm sóc con cái, nên hành vi giữ trứng của chim đã được con người
mượn để làm biểu trưng cho những tình cảm yêu thương của cha mẹ đối với những đứa con của mình.
(2) Các loài chim xuất hiện nhiều và biểu trƣng của chúng trong thành ngữ Việt
a. Cò: là loài được nói đến nhiều hơn cả, trong đó có những biểu trưng sau:
- Cò biểu trưng cho kẻ xấu, cơ hội với các thành ngữ Đục nước béo cò (cảnh rối ren nội bộ khiến kẻ xấu, kẻ cơ hội lợi dụng để kiếm chác những cái có lợi cho mình), Cốc
mò cò xơi (những kẻ chuyên cướp những thành quả lao động của người khác để nuôi
béo thân mình), Chơi cò cò mổ mắt (Nuôi cò cò mổ mắt)...
- Cò biểu trưng cho thân phận vất vả với các thành ngữ như Thân cò cũng như thân chim (những người có cùng thân phận, cảnh ngộ vất vả), Năm vạc tháng cò (cuộc đời
vất vả, long đong quanh năm suốt tháng).
- Cò còn có những biểu trưng trong những trường hợp cụ thể như: cò con biểu trưng cho lối làm ăn nhỏ (kiểu cò con), cò bay biểu trưng cho khoảng cánh dài (cò bay thẳng
cánh)...
b. Quạ:
- Quạ biểu trưng cho những kẻ lừa bịp, giả dối với các thành ngữ như Quạ đội lốt
công, Quạ ăn dưa bắt cò phơi nắng...
- Trường hợp cụ thể: Mồm quạ cái biểu trưng cho khẩu khí đàn bà với câu Mồm như
quạ cái.
Trong nhiều trường hợp, biểu trưng này được dùng nhưng không phải bằng câu thành ngữ trên mà biểu tượng quạ cái được dùng thẳng để chỉ những người đàn bà nanh nọc, độc mồm độc miệng. Trong trường hợp đó, người ta không còn nhận rõ một sự chuyển hoá tên gọi trên cơ sở của biểu trưng nữa. Biểu tượng đó hàm chỉ một sự so sánh nhưng là so sánh ở mức độ cao mà ở mức độ này, biểu tượng và tên gọi đã gần như trở nên đồng nhất.
Một vài ví dụ trên đây đã cho thấy phần nào sự khác biệt giữa thành ngữ Hàn và thành ngữ Việt trong việc sử dụng những hình ảnh biểu trưng liên quan đến các loài chim và như chúng tôi đã phân tích, sự khác biệt này có nguồn gốc từ đặc điểm tự nhiên và văn hoá của hai dân tộc.