.1 Cái đẹp bất tử, cái đẹp cứu vớt thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 58 - 62)

Cái đẹp có quyền tuyệt đối tồn tại phát triển gắn liền với sự phát triển của loài người. Cái đẹp là chuẩn mực, thước đo để định giá và định hướng đạo đức, là lý tưởng thẩm mỹ mang tính phổ biến trong mọi lĩnh vực sống của con người nói riêng, của xã hội nói chung. Trong nghệ thuật, cái đẹp càng hiện ra đầy đặn, rực rỡ càng có sức lôi cuốn, cổ vũ, cảm hóa mạnh mẽ. Cảm thụ cái đẹp là cảm thụ đặc biệt tích cực, khoái cảm. Trước cái đẹp, là niềm hân hoan, sự say mê lâu bền. Xét ở góc độ thẩm mỹ, cái đẹp trong nghĩa đầy đủ và sâu sắc nhất của nó dường như là cái cốt lõi của nhân bản, gốc rễ của chất người, bởi vì con người sáng tạo thế giới và sáng tạo mình "theo quy luật của cái đẹp". Tuy nhiên quan niệm về cái đẹp không như nhau. Nếu phương Tây thường tìm tới cái đẹp trong sự phóng khoáng, hùng vĩ, thì phương Đông tìm trong sự tinh tế, tỉ mỉ.

Xuất phát trên quan niệm thẩm mĩ của người phương Đông cùng với quan niệm thẩm mĩ giai đoạn trung cổ của dân tộc mình, nhà văn Murasaki đã xây dựng Genji thành một nhân vật lí tưởng. Nhân vật có vẻ đẹp toàn vẹn từ ngoại hình đến tài năng. Ở chàng hội tụ nhiều vẻ đẹp của mẫu người đàn ông lí tưởng. Vẻ đẹp ấy cũng chỉ là một sinh vật đang vận

động trong không gian ở “kiếp này” mà thôi. Nó cũng chịu sự chi phối của số mệnh, quy luật của cuộc sống. Tuy nhiên bản thân nó khi đang tồn tại vẫn có một uy lực nhất định khiến nhân gian luôn phải xao xuyến, cúi đầu. Vậy nên sự xuất hiện của chàng hoàng tử Heian là một niềm vui, tươi mới, tắm mát cả không gian và thời gian. “Chàng đến nơi này mang một niềm vui thú. Lúc này mảnh trăng hạ tuần đang còn chiếu sáng trên bầu trời buổi bình minh làm tăng vẻ đẹp của ban mai. Bầu trời tuy dửng dưng nhưng lúc này, tuỳ theo người ngắm mà nó tỏ ra thân ái hay buồn bã”.[10,54]. Vẻ đẹp như cơn mưa mùa hạ khiến vạn vật như được tái sinh. Một cái đẹp mang lại ảnh hưởng to lớn, có ý nghĩa đối với cuộc sống biết nhường nào. Bởi vậy mà chàng lôi cuốn đến mê hoặc các thiếu nữ từ “dáng điệu cử chỉ của chàng dịu dàng quyến rũ khiến yêu tinh quỷ sứ cũng không thể cưỡng lại chàng”[10,64] đến “những lời nói ngọt ngào vẫn tuôn tràn xen vào những câu châm ngôn bùi tai khiến cho một người phụ nữ dễ dàng đầu hàng”[10,65]. Cũng vì thế mà “người ta nói nếu thấy được chàng thì ngay một vị thánh cũng trút bỏ được những tục luỵ trần gian và cảm thấy như thể sống thêm nhiều năm”[10,123]. Quả thật, vẻ đẹp của Genji hào quang như chính tên gọi của chàng, chiếu rọi khắp thế gian và làm cho con người sống có ý nghĩa hơn, thanh sạch hơn khi tiếp xúc với chàng.

Cái đẹp có thể cảm hoá lòng người, cải tạo tâm ý: “diện mạo đẹp tuyệt vời, và giá như nàng có oán hận gì thì nó cũng tan biến đi ngay”[10,285]. Chính vì khi sinh ra chàng đã mang vẻ đẹp rạng ngời của một bậc đại nhân, cho nên mọi người rất lo lắng cho chàng. Khi bị đày đi Suma, chàng đến thăm Bố vợ để chia tay, mọi người nhìn chàng “nghĩ đến sự phù sinh”. Vẻ đẹp gắn liền với sự vô thường. Số phận của cái đẹp chóng tàn lụi trên nhân gian nhưng hình ảnh của nó vẫn còn lưu giữ trong lòng người, cho nên nó tồn tại mãi mãi. Chính sự vô thường của tạo hoá cũng là

một cái đẹp để con người trân trọng nâng niu thời khắc đẹp đẽ ấy. Vẻ đẹp không chỉ mang lại cho con người sự ưu ái của tạo hoá mà còn đọng lại trong vạn vật thiên nhiên.

Khi ở trên núi chữa bệnh, sau cái chết của người tình hoa phấn và tâm bệnh không ổn định, sau bao ngày vật vã với nỗi đau, hoảng loạn dày vò, lần đầu tiên Genji nhìn thấy “Bầu trời bình minh dày đặc, chim cất tiếng hót văng vẳng từ đâu xa. Những cây trổ hoa và cỏ giăng trải như tấm thảm phía trước mặt chàng. Chàng lấy làm lạ lùng và thích thú ngắm con nai khi thì dừng lại gặm cỏ lá gần nhà, khi thì đi lang thang đây đó. Chàng hầu như quên ốm đau”[10,129]. Ở ngọn núi này tất cả cảnh vật như chậm rãi sinh sôi. Thiên nhiên thanh tịnh, ôn hoà và đẹp khiến lòng người cũng cảm thấy thanh thản, an lành. Sự vật làm cho lòng người quên đi mọi ưu phiền, nâng đỡ lấy một tâm hồn tội lỗi.

Cái đẹp tồn tại nhiều nơi và cũng có khi trên má hồng của người thiếu nữ khiến Genji không thể không thốt nên lời: “Ôi! Quyến rũ biết bao nhiêu, giá như ở nơi đây có một cô nàng xinh đẹp để người ta chỉ triền miên với những ý nghĩ ưu ái, để hàng ngày khao khát được gặp nàng! Nếu thế, chàng có thể quên đi mối tình vô vọng, bị cấm đoán của mình”[10,170]. Sự khao khát của trái tim biết chiếm lĩnh và thưởng thức cái đẹp khiến Genji không thể nào nguôi muốn kiếm tìm cho mình những nguồn vui mới. Những người đẹp có thể làm chàng tạm thời quên đi nỗi buồn riêng. Nhưng chính bản thân chàng cũng đã đủ để vẻ đẹp thiên nhiên phải ghen tị, bị lu mờ. Cho nên “Ở gần chàng các bông hoa bị mất đi vẻ tươi thắm rực rỡ”[10,209]. Hay khi chàng nhảy điệu “làn sóng xanh” thì “một cơn rùng mình như từ thế giới bên kia lướt qua đám đông…chàng đem lại niềm vui trong con mắt, sự thanh thản cho tâm hồn.”[10,182].

hình tượng hoàn mĩ như thế, nhà văn không ngừng ca ngợi nhưng cũng có khi bà tỉnh táo nói rằng: “Có thể tôi nhận xét quá thường xuyên về điều này, nhưng biết sao được, khi mà cứ mỗi lần tôi thấy chàng thì vẻ đẹp của chàng lại đập vào mắt tôi”. Vẻ đẹp tạo nên một ám ảnh trong tâm tưởng, định hình rất rõ, chỉ cần nhắc tới là có thể hình dung ra ngay như một cái khuôn đã định sẵn trong kí ức. Khao khát tìm kiếm một người đàn ông lí tưởng trong đời nhưng sự đời không như nữ sĩ mong muốn đã thôi thúc tâm trí nhà văn luôn nghĩ về hình bóng giai nhân tuyệt mĩ đó. Người đàn ông mà bao nhiêu phụ nữ hằng mong muốn có thể trong đó có bà.Ngoài ra cách miêu tả cố ý lặp lại trong tác phẩm không hết các lời ca ngợi của tác giả cũng là phương thức thể hiện quan niệm về cái đẹp của nhà văn đối với cuộc sống.

Murasaki Shikibu cũng dành sự ca ngợi cho vẻ đẹp của các cô gái, đặc biệt là hình bóng một người phụ nữ luôn trung thành với chàng và đắm say chàng đó là Murasaki no Ue. Nàng xinh đẹp, trong sáng, thuỷ chung, tinh tế, sâu sắc, dịu hiền khiến cho bất kì ai nhìn thấy nàng cũng cảm thấy cuộc đời này đáng để sống hơn. Ở nàng có sức lôi cuốn lạ lùng và dễ cảm hoá lòng người không chỉ vẻ đẹp bề ngoài mà còn vì tố chất bên trong phát tiết những phẩm chất cao quý của một người phụ nữ, người vợ.

Sau này khi cưới nàng công chúa Ba xinh đẹp, yêu kiều Genji đã nhìn thấy tội lỗi của mình trong tội lỗi của nàng. Tuy nhiên khi nhìn thấy công chúa Onna xinh đẹp, ngây thơ khiến Genji “mọi ý nghĩa về lòng không chung thuỷ của nàng biến tan khỏi tâm hồn chàng. Với vẻ đẹp như thế, mọi sự đều có thể dung thứ.” Vẻ đẹp hoá giải lòng người rộng lượng và vị tha hơn. Chính vì thế biết rằng nàng Onna xinh đẹp kia có con với người khác Genji vẫn gồng mình, âm thầm chịu đựng và cũng tự dằn vặt mình.

phối của quan niệm về cái đẹp của mỗi thời đại, cách cảm nhận cái đẹp của chủ thể thẩm mĩ đó. Vậy nên cái đẹp trong văn hoá Heian không nằm ngoài cảm quan Phật giáo và quan niệm truyền thống của dân tộc. Một dân tộc luôn trân trọng nâng niu, gìn giữ vẻ đẹp của tạo hoá. Vẻ đẹp cũng rất thiêng liêng, bản thân nó có sức mạnh ghê gớm có thể xoá bỏ hận thù, cứu rỗi tâm hồn…Mãnh lực của cái đẹp được con người nâng lên một cấp độ cao hơn để tôn sùng nó. Do vậy người Nhật trong vẻ đẹp đơn sơ, thanh nhã của việc uống Trà đã nâng lên thành Trà đạo. Cách cắm hoa, thưởng thức vẻ đẹp của hoa được nâng lên thành Hoa đạo…Đó là cách một dân tộc luôn khẳng định giá trị của cái đẹp ở đời. Bởi vậy, hơn ai hết, người Nhật là một dân tộc sùng bái cái đẹp đến mức cao nhất và cái đẹp có tác dụng sâu bền nhất đối với cuộc sống của họ. Vẻ đẹp không mất đi trong họ khi tâm hồn còn biết lay động với cuộc sống.

Nhà văn Nhật Chiêu khi bàn về cái đẹp đã cho rằng “cái đẹp thì bất tử nhưng những hiện thân của nó thì phù du, chỉ là những khoảnh khắc, là vô thường”[5,119] và “Sự vô thường của thế gian là nỗi buồn vừa là vẻ đẹp. Vô thường là đẹp. Tác phẩm Genji monogatari là tiếng hát về niềm bi cảm đầy nghịch lí ấy.”[5,120]. Quả thực đúng như vậy. Vẻ đẹp không thể tồn tại theo dạng sinh học mãi mãi, mà nó sẽ mất đi theo thời gian. Nó xuất hiện có thể chỉ trong khoảnh khắc để toả sáng rồi biến mất. Và chính sự phù du đó của cái đẹp tạo nên sự nuối tiếc cho người cảm nhận nó và để lại ấn tượng không thể tàn phai, để lại nỗi buồn, niềm vương vấn. Và đó cũng chính là vẻ đẹp bất tử.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 58 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)