.2 Thiên nhiên bi cảm với nỗi niềm hoài cổ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 86 - 91)

Trong tác phẩm Truyện Genji, Murasaki Shikibu đã mang đến cho độc giả nhiều bất ngờ. Nhà văn đã để lại những thành tựu đáng kể cho tiểu thuyết hiện đại. Về sau, khi tiếp nối cách khai thác truyện trên cơ sở dòng ý thức, Kawabata đã có những thành công nhất định. Một trong những yếu tố làm nên thành công đó cũng nhờ vào việc khai thác nội tâm nhân vật trong dòng chảy của cảm xúc, thường là sự hoài niệm về quá vãng xa xôi trong mối liên hệ với hiện tại. Dường như hai nhà văn gặp nhau ở đặc điểm tạo ra vật khơi mào cho nỗi niềm hoài cổ chính là ở thiên nhiên. Nó như là biểu trưng cho số phận con người, cho nên hễ bắt gặp hình ảnh thiên nhiên ấy thì mọi cảm xúc nhanh chóng bộc lộ. Và khi con người đang trong thời gian trở về với kí ức thì mọi cảnh vật như được tắm táp bởi tâm trạng.

Trong cảnh mùa đông khắc nghiệt, “tuyết rơi chồng chất, không gian u ám, gió gào giận dữ. Khi đèn tắt, không có ai để thắp lại. Chàng nghĩ đến cái đêm cuối cùng ở với nàng Hoa Phấn.” Cái đêm khiến chàng bao đắng cay, hoang mang về cái chết của nàng. Một cái chết đầy bí ẩn như chính thân phận nàng. Chàng nhớ lại ngôi nhà điêu tàn của nàng nhưng không cô đơn như hiện tại. Hiện tại thì không ấm cúng như khi ở bên nàng ngày xưa. Cảm xúc tình cảm lại về khi hiện tại đang diễn ra khiến tâm lí nhân vật thêm xáo trôn và có sự so sánh. Dường như thiên nhiên gợi lại bao nỗi niềm. Chỉ cần đồng cảnh sắc khiến con người vốn nhạy cảm suy tư ngay về quá khứ buồn đau và tội lỗi.

Trong toàn bộ năm mươi bốn chương của tác phẩm, chương Genji ở Suma gợi nên nhiều trắc ẩn nhất. Lúc này Genji đang ở giai đoạn giao thời giữa con người trẻ tuổi bồng bột và con người chính chắn, chững chạc. Sự giao thoa trong thời điểm này khiến chàng luôn ý thức về mình trong mối quan hệ xung quanh về cách sống, thái độ sống. Chỉ có ở Suma Genji mới hiểu được vai trò và trách nhiệm của mình đối với triều đình. Chàng đang

dần dần hoàn thiện mình sau cú vấp váp này để chuẩn bị đạt đến giai đoạn vinh quang nhất của cuộc đời. Bên cạnh đó chàng cũng không quên hâm nóng trái tim. Dưới ánh trăng hạ tuần với mùi thơm hoa cam thoang thoảng bay, chàng nghĩ đến Murasaki và người tình vườn cam với biết bao niềm mong nhớ. Hình ảnh hoa cam và mùi thơm của nó là đặc trưng cho số phận người con gái trong khu vườn ngày xưa chàng xăm xăm băng lối đi tìm. Mỗi hình ảnh thiên nhiên gợi nên bao nỗi niềm tâm sự.

Vào mùa thu, ánh trăng thu gợi nhớ những đêm hoà nhạc ở triều đình. Nhìn ánh trăng, chàng nghĩ về những người mình thương nhớ chắc cũng đang ngắm trăng và nhớ đến chàng. Sự mong mỏi ngóng trông hình bóng chốn kinh thành khiến chàng luôn đau đáu trong lòng một nỗi nhớ. Cũng là mùa thu nhưng sự ra đi của Fujitsubo làm cho Genji không thể quên. Một không gian mùa thu gợi nên bao nhiêu điều tâm sự. “Mưa mùa thu rơi lâm thâm. Các luống hoa gần hiên ngả màu sắc lộn xộn được mưa làm dịu đi và lần lượt gợi về trong tâm trí Genji những hoài niệm của quá khứ khiến mắt chàng mờ lệ…Chàng nói với nàng chỉ qua một bức mành ”.[10,442]. Hoa của ngày xưa và hoa của bây giờ có khác gì đâu nhưng đời người đã sang trang. Cảnh đấy còn người đâu nỗi sầu khôn tả. “Thế đấy hoa mùa thu lại nở nhưng còn dở dang. Một năm khá đáng sợ, nhưng thấy chúng trở lại cũng khuây khoả được phần nào, không hoa nào quên thời điểm thích đáng của nó”[10,442]. Trông hoa lại ngẫm đến người mà lòng Genji buồn khôn tả. Nàng như bong hoa mùa thu nở muộn màng chóng tàn phai bởi cơn gió thu. sự dở dang đó có phải do cuộc đời trớ trêu mang lại hay là kiếp phù du của loài hoa? Có lẽ cả hai. vậy nên con người làm sao không buồn khi nhìn thấy cảnh hoa dang dở. Nỗi sầu bi lên tận trời xanh.

Trong mùa xuân, vạn vật sinh sôi và sum họp. Không khí xuân thật rộn rã vui tươi. Nhưng xuân của kỉ niệm lại về khiến lòng người thêm nôn

nao. Bởi lẽ bây giờ họ đang hội ngộ trong sắc xuân, nhưng không còn hương nồng của một thời nông nổi. Oborozukiyo và Genji gặp nhau để hàn huyên sau bao ngày tháng xa cách vì dính vào chuyện tình ái. Họ ngồi bên nhau cho đến khi trời sáng dần. “Tiếng chim hót vang lên trong ánh bình minh, trong bầu trời trong vắt. Hoa anh đào vẫn nở rộ. Nhìn những lùm cây cành lá xanh tươi mờ mờ trong sương sớm, ông chợt nhớ rằng mối tình xa xưa của hai người trong “bữa tiệc bên vườn hoa đậu tía” cũng nảy nở vào mùa này.”[11,51]. Chính mối tình này đã mang lại những ngày tháng khổ sở ở Suma. Tình cảm ấy bây giờ vẫn còn luyến lưu nhưng mỗi người an bài một số phận khác nhau có thể nào trở lại như ngày xưa cũ. Khi năm mới bắt đầu, cây anh đào lác đác nở hoa, không khí mùa xuân ấm dịu xua tan những ngày đông lạnh giá thì chàng lại nhớ về người tình bé nhỏ của mình Murasaki - bông hoa anh đào rực rỡ.

Nếu mùa xuân của đất trời rộn rã gợi về bao kỉ niệm buồn man mác thì mùa xuân của lòng người thật úa tàn, tan tác:

“Mùa này hoa ở khắp nơi

Riêng anh đào ở nhà tôi úa tàn” [11,160]

Đó là tâm trạng của Yugiri khi chứng kiến cảnh Kashiwagi mất để lại đứa con riêng với công chúa Ba. Dù cho ngoài kia hoa anh đào nở rộ nhưng hoa trong vườn nhà bạn chàng hoa vẫn rơi rụng tả tơi:

“Mùa xuân hoa nở trong vườn

Khi hoa rụng xuống bâng khuâng nỗi lòng”[11,160]

Nỗi buồn của sự mất mát chi phối cả không gian xuân và sắc xuân. Không còn sự dịu ngọt của chúa xuân mang lại, mà chỉ còn nỗi buồn gặm nhấm.

Dù cho mùa xuân cây cối ra hoa, sương bao phủ lấy vườn cây, chim hót líu lo trên cây mận đỏ của Murasaki ngày trước, ngắm cây mận Genji ngâm thơ:

“Nhà đây hoa đấy người đâu

Hoạ mi chim hót âu sầu lòng ta”[11,240]

Genji thấy cảnh vật trong vườn vẫn không thay đổi cho dù mùa thì đã sang. Ông không quên nỗi sầu thảm trong lòng, luôn tự dằn vặt và muốn từ bỏ thế giới này, đến một nơi thật xa không còn tiếng chim ca. Với nỗi buồn không sao xua tan được, Genji nói: “Không có phụ nữ thì hoa cũng không còn đẹp với ta nữa”[11,241].

Không chỉ ở Genji mà những nhân vật khác cũng có sự khơi gợi từ hình ảnh thiên nhiên của đất trời để đến với lòng người. Khi mùa xuân lại trở về với ngôi làng bên núi. Ukifune nhìn thấy cây hồng mận nở hoa bên mái hiên, màu sắc và hương thơm lại giống như hôm nào. Một thời chinh chiến với yêu đương đã qua được gợi về. Cô lại nhớ đến Niou ngày xưa. Viết một bài thơ và cài vào đó một cành non cây hồng mận, Ukifune như thoả nỗi lòng, xoa dịu đi nỗi đau trong tâm hồn cô những ngày tháng qua. Thiên nhiên gợi về biết bao cảm xúc thầm kín. Quyết định quên đi cuộc đời này nhưng làm sao quên được khi mọi vật như buổi ban đầu…Cảnh vật như mở cánh cửa lòng rồi khép lại trong nỗi nhớ thương mênh mông.

Mùa xuân dù cho thiên nhiên tụ họp vui vầy nhưng cũng không thể nào xoá đi được dấu chân của thời gian và kỉ niệm, vậy nên thiên nhiên trong niềm hoài cổ càng đối lập với thiên nhiên thực tại đang diễn ra. Thiên nhiên bị khúc xạ qua tâm trạng khiến nó trở nên ngắn ngủi, lụi tàn. Đành rằng mùa thu là mùa của tàn tạ nhưng mùa xuân cũng lụi tàn không kém. Cuộc đời vốn phù du dâu bể.

Không chỉ có mùa thu của sự tàn phai hay mùa đông của sự mất mát mà mùa hạ cũng gợi sầu. Âm thanh tiếng than của mùa hạ đến trong lòng người chứa chất sầu bi, ảo mộng.

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”[11,245]

Âm thanh của ve rôm rả giữa ngày hè cũng không khuấy động được không gian. Mà tiếng ve kêu gợi nên bao niềm sầu thảm. Genji ngắm sen mùa hạ nở mà thẩn thờ đứng đợi hoàng hôn buông xuống. Cô đơn trống vắng rợn ngợp đất trời. Nỗi buồn mất đi người vợ yêu quý đã làm Genji suy sụp. Sự ra đi của Murasaki như là vết thương cuối cùng trên cuộc đời này làm ông gục ngã. Mấy năm sau thì ông mất. Quả là thiên nhiên và lòng người tương giao tương hợp đồng cảm với nhau trong luống đoạn trường. Cái tâm bao trùm lấy cảnh vật khiến cho cảnh sắc thiên nhiên cũng mang cái hồn phách của con người mà khôn xiết sầu bi, thương nhớ. Giờ đây, khi những người ông yêu thương dần dần ra đi, Genji một mình quạnh vắng:

“Trông mây lại nhớ đến mình

Vườn hoang vắng lạnh ta đành ngắm sương”[11,246]

Thiên nhiên gợi mở lòng người trong nỗi niềm trắc ẩn. Cuộc đời chỉ là những tháng ngày của nỗi nhớ triền miên về miền quá khứ. Mây bây giờ không phải là “khói hoả thiêu” nữa mà chỉ gợi nhắc về những kỉ niệm xưa cũ. Thiên nhiên là cái duyên cớ trực tiếp làm nên những kỉ niệm vui buồn:

“Hoa ngày xưa hai ta cùng ngắm

Hoa ngày nay ta chỉ một mình”[11,246]

Cái ngày xưa ấy gợi về còn bởi nguyên nhân sâu xa của lòng người thổn thức với tình đã xa. Hình ảnh bông hoa chúm chím nở gợi nên cho Genji bao nhiêu điều. Đến lúc nỗi sầu khôn tả xiết, ông gửi hồn mình vào ngỗng trời tung cánh bay trong mây kia. Thời gian - cuộc đời là chuỗi ngày lo âu và buồn tẻ. Và cũng có khi ông lại ước gì thời gian quay trở lại để được hưởng giây phút yêu đương như các cô gái trẻ đang nô đùa:

“Hôm nay ai nấy đều vui

Rồi sau đó ông lại thất vọng với chính cuộc đời mình, sầu não, bi ai: “Người buồn cảnh vật không vui

Hôm nay có phải cuối đời ta chăng”[11,249] Mượn thiên nhiên để gửi gắm niềm tâm sự, vậy nên thiên nhiên luôn là tấm gương phản chiếu tâm trạng của con người. Trong tâm trạng hoài cổ, thiên nhiên cũng góp phần không nhỏ vào việc khơi gợi tình cảm. Mỗi bước đi của thiên nhiên ghi lại bao dấu ấn của biến cố cuộc đời nên khi bắt gặp lại hình ảnh thiên nhiên ở hiện tại con người lại càng thêm suy tư với thời cuộc, tìm kiếm thời gian đã mất trong niềm hoài vọng ấy. Thiên nhiên cũng thấm đẫm nỗi bi ai, sầu muộn trước vòng quay của thời gian. Và thiên nhiên cũng có số phận như chính con người. Sự phù du của cuộc đời là không tránh khỏi.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 86 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)