.2 Sự vô thường của cái đẹp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 62 - 76)

thoáng qua, trong khoảnh khắc dù ngắn ngủi nhưng đã toả sáng, cũng như chính bản chất của bông hoa anh đào sớm khoe sắc trong gió xuân rồi ra đi khi đang độ viên mãn nhất, để lại sự nuối tiếc về cánh hoa mỏng manh, đẹp lung linh giữa đất trời. Cái đẹp không chỉ thể hiện sự hoàn hảo của một con người hay sự vật mà còn có tính gợi buồn. Bởi cái đẹp đi qua ngắn ngủi, phù du như ảo ảnh. Vậy nên cái đẹp bếp bênh như chính cuộc đời vậy. Nhìn ngắm, chứng kiến cái đẹp ra đi, con người không khỏi lo âu, buồn bã thậm chí bất lực.

Theo quan niệm của người Phương Đông, cái đẹp cũng thật đáng sợ. Bởi nó dự cảm một điều không tốt xảy ra trong tương lai. Cho nên “Trông thấy vẻ mặt khôi ngô tuấn tú của Genji trong buổi triều tập hôm qua, tâm trí nhà vua tràn ngập những điều linh cảm bất thường”[10,180]

Số phận các mỹ nhân trong tác phẩm là một minh chứng cho cái đẹp tồn tại trên cõi đời này bị tàn phá bởi thời gian. Họ tàn lụi đi như bông hoa mới nở bị cơn gió xuân vùi, như cánh hoa sen bị gió dập, hoặc như cánh hoa bướm bị nặng trĩu những hạt sương. Họ như con thuyền mỏng manh trôi vô định, phù du giữa biển đau thương, chốn bụi trần, bị kéo theo bởi bánh xe sinh tử của trần tục. Có lẽ tất cả cũng đều nằm trong sự chi phối của thời gian, cho nên con người cảm nhận sâu sắc hơn về bản chất vô thường của tạo hoá:

“Trong mơ màng sâu thẳm

Về nỗi thời gian dập vùi hết thảy Ta nghe những tiếng động rơi

Trên một cái chuông chùa…kéo dài ra mãi” Saigyo

Đặt mình trong đội ngũ các nhân vật trẻ tuổi của tác phẩm, nhà văn Murasaki đã khai thác triệt để những nhiệt huyết của họ với cuộc đời. Là

nhà văn nữ, vốn có sự nhạy bén với cuộc sống, với trình độ uyên thâm của những con người chốn hậu cung, nàng đã hiểu hết những cuộc đời ngắn ngủi của các mỹ nữ và sự đời oan trái của họ. Hơn thế, do chịu sự cho phối của cảm quan thẫm mĩ người Nhật về cái đẹp, nhà văn đã khéo léo đưa vào tác phẩm những người phụ nữ đẹp, tinh tế, trẻ trung, sôi động có thể sớm bước vào cõi chết khi trên mình còn nồng vị son trẻ hay sớm lui vào chốn cửa Phật để chôn vùi tuổi thanh xuân và thời gian cuộc đời. Nhà văn đã để cho nhân vật của mình lựa chọn hai con đường từ giã cuộc đời một cách khắc nghiệt. “Trần thế này quả là quá bấp bênh, và trước đây bây giờ cũng đã là thế, đặc biệt đối với phụ nữ. Họ là những cánh bèo trôi dạt.”

Hầu hết các nhân vật nữ của Truyện Genji đều có một vẻ đẹp riêng. Nếu Fujitsubo đẹp dịu hiền đầy nữ tính, rất nhu mì thì Aoi vợ Genji đẹp đài các nhưng lạnh lùng đến khó hiểu. Nếu Rokujo đẹp với kinh nghiệm đầy mình thì Murasaki đẹp một cách ngây thơ, trong trắng. Nếu Oborozukiyo đẹp đầy nhục thể thì Akashi đẹp một cách cao đạo. Còn Asagao đẹp lại đa tài…Nhiều phụ nữ xung quanh Genji nhưng không phải ai cũng xinh đẹp, trẻ trung. Có cô mũi khoặm, có bà gần sáu mươi…Nhưng tất cả họ đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hào hoa, phong nhã, cách cư xử tinh tế, dịu dàng cũng có lúc mạnh bạo của một trái tim biết nói, một tâm hồn luôn khát khao yêu đương, luyến ái của Genji. Họ xuất hiện trong cuộc đời Genji khi đang độ xuân tràn, khoảng thời gian đẹp nhất của người con gái.

Những số phận người phụ nữ như những bông hoa sớm nở tối tàn, để lại sự tiếc nuối, sự bừng ngộ, rưng rưng cảm xúc về nỗi buồn của sự mất mát bi thương. Có hai cách trốn chạy khỏi cuộc đời là: lui vào cõi Phật, xa lánh cuộc đời hoặc tìm đến cái chết. Nhưng dù thế nào con người cũng xác định từ giã cuộc sống này để quên đi hỉ, nộ, ái, ố mà yên phận tại một nơi nào đó. Họ phản ứng lại với cuộc đời bằng sự ra đi, lạnh lùng và tàn nhẫn, sầu muộn và khổ hạnh khiến xã hội cũng héo hắt, rơi rụng như lá mùa thu

đang độ thu tàn. Con người cũng là một phần của tự nhiên chịu quy luật của sinh, lão, bệnh, tử để rồi vòng đời nối tiếp vòng đời như kiếp luân hồi như vòng nhân quả. Con người phải sống theo cái Nghiệp của họ, không một sự giải thoát, bí bách và bi ai.

Các mỹ nhân sinh ra trên cuộc đời như con phù du mong manh và vô định. Họ thoáng xuất hiện rồi ra đi như giọt sương ban mai trên đầu ngọn cỏ, sự tồn tại của họ như khoảnh khắc trong chớp mắt, vừa có sự hiện hữu của thời gian vừa có sự hiện hữu của tuổi trẻ, của cái đẹp. Tất cả đều tồn tại trong vô thường. Những nhân vật được xem là tài hoa bạc mệnh sống trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng để lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp, tuổi trẻ và cái chết.

Có lẽ số phận của người phụ nữ như thế không chỉ tồn tại trong

Truyện Genji mà trước đó đã xuất hiện rất nhiều. Đặc biệt trong bài bi ca nổi tiếng của Hitoma viết sau cái chết của vợ thể hiện rất rõ về cái chết của cuộc đời ngắn ngủi đó:

“Bên bờ sông ngày trước Chúng tôi cùng ngắm nhìn Cây du xanh lá

Khi mùa xuân sang Cây du tươi thắm Đẹp xinh cũng như nàng Và cả tâm hồn tôi Say đắm một tình yêu. Nhưng nàng đã chết Phù du cuộc đời Làm sao trốn tránh Khi phải tàn rơi?

…” (Bài 210-Manyosu)

Nhà thơ đã ý thức được quy luật của của sống, “phù du cuộc đời” không thể nào khác. Đó có thể là cách xử thế của con người Nhật vậy. Họ ý thức rất rõ về cái chết và sống hết mình khi còn trên nhân gian này. Đối mặt với cái chết một cách nhẹ nhàng và thanh thản hơn: “Làm sao trốn tránh, khi phải tàn rơi”. Là quy luật không thể khác được, vậy nên phải biết chấp nhận nó dù rất đau buồn.

Trong Truyện Genji, nhà văn không nằm ngoài quan niệm của mình về cái đẹp hiện hữu vô thường. Bởi vậy cái đẹp luôn sớm mất đi chỉ còn là nhân ảnh. Mẹ Genji là ái phi của nhà vua, sống tại hoàng cung Paulownia. Khi sinh hạ với nhà vua một hoàng tử xinh đẹp là chàng Genji hào quang thì bà bị bệnh nặng, rời hoàng cung về nhà. Là phu nhân đẹp kiều diễm, bây giờ nàng võ vàng, tàn úa vì nỗi buồn đau. Sự dèm pha, ghen ghét ở chốn hậu cung làm nàng chìm sâu vào những ý nghĩ sầu não, nhưng khi nàng cố gắng để thốt nên lời thì hầu như không ai nghe được tiếng nàng. Rồi nàng rời bỏ người, đi con đường mọi chúng sinh phải đi. Nàng chết qua nửa đêm, đám tang thật đau buồn. Ngày nối tiếp ngày buồn thảm, các cung nữ cảm thấy như đang bị chìm trong mùa thu sương móc đầm đìa. Nhà vua, trong thời gian này, tưởng như đi lang thang vật vờ trong một cơn ác mộng, và khi sự xúc động lắng xuống thì người nhận ra rằng cơn ác mộng vẫn triền miên. Cô đơn và đau buồn đến xé gan xé ruột , người thấy không tài nào đương đầu với thiên hạ. Khi đó Genji đang còn quá nhỏ để nhận biết điều gì đang xảy ra. Mẹ nàng là một kiếp hoa vùi, đã ra đi trong độ xuân sắc. Cuộc sống thật ngắn ngủi.

Khi Genji lớn lên, mở đầu cho những chuỗi ngày dài u ám, có lẽ là khi chàng đụng chạm đến Nàng Hoa Phấn. Tâm hồn chàng bị quyến rũ của

những bông hoa phấn, chiếc quạt và bài thơ làm cho Genji không còn kiềm chế được sự đa tình nữa và tìm mọi cách tiếp cận nàng. Nàng dịu dàng và thầm lặng, người bé nhỏ, xinh đẹp, mảnh mai.Sau này Genji nghĩ đến nàng và nói: “những phụ nữ trầm tĩnh, ngây thơ lại có cái đẹp riêng của họ”[11,160]. Nàng không có bất cứ nét nào đặc biệt xinh đẹp, nhưng với dáng thong thả mảnh khảnh, nom nàng xinh đẹp yếu ớt đến nỗi chàng gần như sợ phải nghe tiếng nàng. Khi chinh phục được nàng, hai người cùng nhau đi trong ánh trăng và bên nhau. Rồi Genji bỗng thấy người tình Rokujo xuất hiện bên gối và chàng thực sự hoảng sợ. Chàng thấy một bóng người bên gối nàng và nghĩ là người đàn bà trong giấc mơ, nó biến ngay như ma hiện hồn. Chàng gọi to và đánh thức nàng nhưng nàng đã ngừng thở. Bất ngờ và dường như chết lặng chàng ôm lấy nàng, thất vọng đắng cay. Sau cái chết của nàng hoa phấn, Genji ốm nặng và luôn dằn vặt tâm hồn, lòng nặng trĩu nối nhớ nhung.

Người đời chỉ nhớ đến nàng với vẻ đẹp nhỏ nhắn, nhẹ nhàng và yếu ớt. Nàng ra đi khi tuổi thanh xuân đang tràn trề, khi tình yêu đang còn sức trẻ. Trong nàng không có sự tàn lụi của tuổi thanh xuân mà nàng vẫn đẹp mãi với hình ảnh của mình. Sự ra đi của một người phụ nữ đã là quá đủ cho chàng trai sớm dấn thân vào con đường tình ái khi mới mười bảy tuổi. Sự tổn thương về tâm hồn không thể tránh khỏi.

Dường như nhà văn cố tình để cho những người phụ nữ bên cạnh Genji xuất hiện và ra đi trong khoảng thời gian đẹp nhất của họ. Tất cả mang lại cho chàng những nỗi đau khác nhau. Mười hai tuổi, chàng đã cưới vợ hơn tuổi mình, lúc đó Aoi đang độ xuân thì. Không tình yêu và sự quan tâm thích đáng, Genji hầu như quên đi người vợ xinh đẹp, quyền quý mà thảnh thơi với các cô gái khác để rồi một ngày, cái ngày định mệnh đó lại đến quá bất ngờ khiến chàng suy sụp, hối hận. Lúc đó, chàng vừa mới hai

mươi hai tuổi, Aoi đang đứng trước cái chết cận kề. Nàng là một người phụ nữ khá lạnh lùng. Genji nghĩ: “Đôi khi ta nghĩ, giá như nàng tỏ ra là một người vợ hơn một chút thì sẽ hay biết mấy. Ta đã đau ốm, ta thấy bị xúc phạm chứ không ngạc nhiên, vì nàng chẳng hỏi han đoái hoài đến sức khoẻ của ta!”… “vẻ đẹp lạnh lùng của nàng quả là đáng sợ”. Ngay cả khi nằm đó nàng vẫn còn rất xinh đẹp. “Genji kéo rèm ra và nhìn xuống vợ. Với đứa con trong bụng, nàng nom nặng nề nhưng rất đẹp…Đám tóc dài, trĩu nặng, vén sang một bên, in đậm trên những chiếc áo trắng, và chàng thấy nàng còn đáng yêu hơn là lúc ăn mặc chải chuốt hồi còn là cô dâu”[11,224], “nàng gầy mòn tiều tuỵ và như đang nằm kề cái chết nom thảm thương nhưng vẫn còn xinh đẹp. Tóc nàng bóng láng vẫn mượt mà. Những bím tóc dày tuôn xuống gối càng đẹp bội phần không gì sánh nổi.” Aoi ra đi vào nửa đêm, khi sắc đẹp ấy vẫn còn nguyên vẹn. Nàng đã vò võ, tàn úa theo ngày tháng trong nỗi sầu muộn, ma quái của linh hồn nào đó đã dày vò nhưng ở nàng sắc đẹp không hề tàn phai. Sự mất mát này làm cho cả hoàng cung buồn thê thảm. Cảnh tượng Aoi mất khiến Genji ngơ ngẩn hơn bất cứ lúc nào, đến mức nhìn bầu trời ban mai Genji lẩm bẩm:

“Là mây hay khói hoả thiêu? Lòng ta xúc động khó chiều nói ra” Hay:

“áo ta màu sắc nhạt tênh lệ tuôn tay áo biến thành vực sâu” Chàng tin vào số mệnh. ”[10,229]

Số mệnh của người phụ nữ là gì? Tài hoa bạc mệnh chăng? Vậy con người sinh ra trên cõi đời này nếu được xem là có sắc có tài thì bị chịu chung quy luật của nó? Tất cả đều nằm trong hai chữ “định mệnh”! Cách đây mấy thế kỷ nhà thơ Nguyễn Du của chúng ta cũng đã xây dựng hình

tượng nhân vật Thuý Kiều sắc tài vẹn toàn nhưng nàng bị chi phối bởi “định mệnh”. Âu cũng là “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” hay cũng là “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Sắc đẹp ra đi không định đoạt được với thời gian, bởi cái đẹp là vô thường. Con người chỉ biết rằng nó sẽ sớm ra đi nhưng cũng chính là cách để lưu lại trên cõi đời trong thời khắc đẹp đẽ nhất, không có dấu hiệu tàn phai.

Vẻ đẹp trong cuộc sống hiển hiện ở khắp nơi. Quan trọng là con người có thể tìm thấy nó và nắm bắt được hay không. Bằng một tâm hồn đa cảm, dễ rung động trước cái đẹp, cùng với một kí ức không rõ ràng về người mẹ thân yêu, Genji đã tìm thấy Fujitsubo trong hoàng cung. Đối với chàng, Fujitubo là một ảo ảnh của “vẻ đẹp thần tiên”. Chàng ao ước giá như chàng có thể có được ai đó giống nàng nhưng không ai thực sự được như thế. Vợ chàng cũng đẹp nhưng khao khát cháy bỏng trong trái tim chàng đối với người phụ nữ kia như ngọn lửa, cũng là nỗi thống khổ đã bắt đầu từ đấy. Genji thầm nghĩ giá như chàng có thể ở bên người thứ phi mà chàng khao khát. Nỗi xúc động dày vò thân xác và tâm hồn khiến Genji ngày đêm quấn quýt bên cạnh vua cha bởi vì khi đó có nàng.

Nàng là một công chúa thứ tư của một tiên vương. Nàng rất giống người mẹ quá cố và xuất hiện trong cung sau cái chết của Kiritsubo-mẹ chàng. Nàng còn rất trẻ chưa đến tuổi đôi mươi, khả ái và e ấp. Fujitsubo luôn được sự sủng ái của nhà vua nên ông thường hay quấn quýt bên nàng. Yêu say đắm Genji nhưng nàng không thể thoát xác với tình yêu của mình. Cả hai đều trong tình trạng phải kiềm chế tình cảm, nhưng rồi họ cũng không giữ được và có con.

Hình bóng nàng lúc nào cũng xinh đẹp. Nàng đẹp ngay cả khi bị ốm, ngồi nhìn ra vườn, dáng người nhìn nghiêng của nàng xinh đẹp khôn tả. Đối với Genji lúc này nàng là “cả một sự quyến rũ đê mê khi nàng ngồi lặng lẽ chìm đắm vào những trầm tư sâu xa và rối loạn. Đám tóc như suối

tuôn xuống đôi vai, đường nét khuôn mặt, nước da đỏ hây hây, sao mà xinh đẹp và lôi cuốn!”[10,261]. Hình ảnh một người đàn bà đẹp và buồn. Chính vẻ đẹp đó làm Genji đê mê và có những hành động đi trái ngược đạo lí của gia tộc, đạo đức của con người.

Ý thức về điều đó, nàng luôn tìm mọi cách để ngăn cản Genji. Nàng quyết định xuống tóc. Mọi cái đến bất ngờ như trong mộng. Genji có mặt lúc đó và nhìn vào thấy “thoáng ẩn hiện những tay áo nâu, vàng - tất cả chìm trong nỗi buồn u uất nhưng đồng thời lại đẹp một cách bình dị, bí ẩn”[10,275]. Chàng buồn bã vô cùng. Cái đẹp của người phụ nữ kia nay đã trở nên vô hồn với nhân gian. Một bức tường ngăn cách nào có thể bước qua được. Nàng chấm dứt hệ luỵ trần gian bằng cách của nàng. Nhưng rồi cũng không cưỡng lại được quy luật của tạo hoá. Ở tuổi ba mươi bảy nàng ra đi khi đang còn rất xinh đẹp. “Nàng đã qua tuổi ba mươi bảy nhưng vẫn giữ được nhan sắc lộng lẫy. Thậm chí như vậy lại đáng buồn hơn vì đang còn trẻ trung đến thế mà có thể nàng phải chết.”[10,434]. Cái chết đang dần đến, thời gian như buông xuôi: “chàng đang nói thì nàng mất, như một ngọn lửa vụt tắt. Tôi sẽ không nói gì thêm nỗi đau đớn của chàng”[10,436]. Genji đau khổ đến khốn cùng. Hình bóng nàng có lẽ đã chìm dần vào giấc ngủ ngàn thu để rồi “mỗi khi nằm xuống vẫn nghĩ đến Fujitsubo thì bỗng mơ thoáng thấy nàng”[10,462]. “Nỗi nhớ thương người phụ nữ quá cố thật không sao tả xiết. Tim chàng đập dồn dập và mặc dù cố hết sức, chàng oà khóc.”[10,462].

Trong Vạn diệp tập, Hitomaro cũng từng khóc thương cho mỹ nhân như “núi mùa xuân”, mềm mại “như cây tre non”, “Người con gái ấy đã

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Niềm bi cảm (Aware) trong Truyện Genjicủa Murasaki Shikibu (Trang 62 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)