.Vài nét sơ lược về tuyến phố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diện mạo phố phường hà nội giai đoạn 1873 1945 ( trường hợp tuyến phố tràng tiền hàng khay tràng thi ) (Trang 25 - 27)

Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi ngày nay là một tuyến phố đẹp và náo nhiệt thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Theo trục đông – tây, bắt đầu từ đường Trần Quang Khải đến phố Hàng Khay là phố Tràng Tiền dài 708m. Tiếp đó là phố Hàng Khay - con phố nối liền phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi, dài 160m. Bắt đầu từ phố Hàng Khay đến đầu phố Nguyễn Thái Học – đường Điện Biên Phủ (cuối) là phố Tràng Thi dài 860m.

Trước thời Pháp thuộc, tuyến phố chỉ là sự ghép nối của những đoạn đường mòn thuộc đất các thôn làng ở huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.

Tên gọi mỗi phố do dân chúng tự đặt ra và đã quen gọi từ lâu gắn với những đặc điểm nổi bật trên con phố: gọi là phố Tràng Thi vì phố đi qua khu vực Trường Thi Hà Nội thế kỷ XIX; gọi là Hàng Khay vì có lẽ lúc đầu việc khảm trai – nghề chính của cư dân sống trên phố chủ yếu làm trên khay; gọi là Tràng Tiền vì có một xưởng đúc tiền lớn được mở tại đây vào năm 1803 và hoạt động cho đến khi bị bắt bỏ vào năm 1887.

Sau khi Hà Nội trở thành nhượng địa của Pháp (1888), tuyến phố bắt đầu có tên chính thức. Thời kỳ đầu thuộc Pháp, phố Tràng Thi được gọi là Rue Camp des Lettrés; phố Hàng Khay và Tràng Tiền (đoạn từ quảng trường Nhà hát lớn đến hết phố Hàng Khay ngày nay) được gọi Rue Incrusteurs3; một đoạn phố Tràng Tiền (đoạn từ quảng trường Nhà hát lớn đến đường Trần Quang Khải) được gọi là Rue de France. Sau đó, phố Camp des Lettrés được đổi lại là Rue Borgnis Desbordes còn phố Incrusteurs được đặt tên là Rue Paul Bert4. Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Nội từ trung tâm đầu não của thực dân Pháp đã trở thành trung tâm cách mạng của cả nước, thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ngày 1-12-1945, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Trần Duy Hưng đã ký duyệt tờ trình về việc đặt tên cho các phố ở Hà Nội. Lần đầu tiên, việc đặt tên phố được quy định theo những nguyên tắc thống nhất của Nhà nước Việt Nam mới, trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải giữ nguyên tên cũ của Hà Nội 36 phố phường. Chính vì vậy, một loạt tên phố gần gũi, thân thương với người dân thủ đô như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Thiếc, Hàng Mắm, Hàng Đường... đã được trở lại với tên gọi từ

3 Có nghĩa là phố Thợ Khảm. Nguồn gốc của tên gọi bắt nguồn từ nghề truyền thống của các cư dân sinh sống trên khu phố này, đó là nghề khảm xà cừ. Công nghệ khảm trai được đưa vào Bắc Kỳ khoảng năm 1820, ít lâu sau thì vào Hà Nội và có những tiến bộ rất nhanh. Các thợ thủ công Hà Nội, đặc biệt khéo tay, tranh với thợ Nam Định ưu thế trong nghệ thuật khảm xà cừ. Cho tới năm 1873, việc sản xuất mặt hàng này còn rất nhỏ bé nhưng chất lượng rất tinh tế, tập trung ở phố bên cạnh hồ Gươm. Vì thế phố này mới có tên gọi như vậy.

4 Tên phố này đặt theo tên của Tổng trú sứ Trung - Bắc kỳ Paul Bert - Người đã có những đóng góp lớn trong việc phối hợp với chính quyền Hà Nội hoàn thành công việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị, tạo nên một khu phố Âu kiểu mẫu đầu tiên ở phía đông và nam hồ Hoàn Kiếm. Paul Bert qua đời ngày 11-11-1886 ở tuổi 53 vì bệnh tật.

ngàn xưa, gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội. Cũng theo văn bản này, phố Borgnis Desbordes được đổi là phố Tràng Thi, phố Paul Bert được tách ra làm hai phố gọi là phố Tràng Tiền và Hàng Khay, đoạn phố Rue de France được đổi là phố Đồn Thủy.

Thời tạm chiếm, theo Nghị định ngày 28-2-1951 của Thị trưởng thành phố Hà Nội Thẩm Hoàng Tín về việc đặt tên mới cho các phố, phố Tràng Thi được đổi là phố Mỹ quốc; một đoạn phố Paul Bert và phố Đồn Thủy được đổi là phố Pháp quốc; một đoạn phố Paul Bert (đoạn từ ngã tư Đồng Khánh – phố Hàng Bài đến Ty Cảnh binh – Công an quận Hoàn Kiếm, tức phố Hàng Khay cũ) được đổi là phố Anh quốc. Từ ngày giải phóng thủ đô, ta xóa bỏ các tên này, khôi phục lại các tên cũ. Phố Mỹ quốc được đổi là phố Tràng Thi, phố Anh quốc được gọi là phố Hàng Khay, phố Pháp quốc đổi là phố Tràng Tiền. Các tên gọi này được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diện mạo phố phường hà nội giai đoạn 1873 1945 ( trường hợp tuyến phố tràng tiền hàng khay tràng thi ) (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)