.Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diện mạo phố phường hà nội giai đoạn 1873 1945 ( trường hợp tuyến phố tràng tiền hàng khay tràng thi ) (Trang 82 - 84)

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi lưu giữ những hiện vật, phản ánh các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3 tháng 9 năm 1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot do người Pháp xây dựng. Đây là Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ10.

Công trình được khởi công năm 1926 trên khu đất phía sau Nhà hát lớn, chạy dọc theo bờ đê sông Hồng theo sáng kiến và đề nghị của giám đốc trường Viễn Đông Bác Cổ. Trước khi được xây dựng thành bảo tàng, khu đất này đã có một dãy nhà xây dựng từ năm 1875-1876, làm trụ sở của tòa lãnh sự Pháp lúc đó gọi là “khu nhượng địa”. Tại cửa ngõ khu này chúng xây tòa lãnh sự và ngày 15-10-1876 tên lãnh sự Pháp đầu tiên đã rời khu Tràng Thi về đóng ở đây. Từ đó, theo đà phát triển của sự xâm lược của chúng, các lãnh sự rồi tổng công sứ và cuối cùng là toàn quyền đều đóng ở đây. Năm 1910, sau khi phủ toàn quyền mới (tức Phủ Chủ tịch ngày nay) được xây xong chỗ này được chuyển cho trường Viễn Đông Bác Cổ làm nhà bảo tàng. Ngày 17-3-1932 lễ khánh thành bảo tàng đã được tổ chức trọng thể và bảo tàng được đặt tên là bảo tàng Louis Finot để ghi nhận công lao của nhà bác học, vị giám đốc đầu tiên của trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp tại Việt Nam.

9

Theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ngày 26/09/2011 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam được sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

10 Ngày 20/1/1900, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký nghị định thành lập “Học viện Viễn Đông Bác Cổ” (École francaise d’Extrême-Orient) trên cơ sở “Phái đoàn Khảo cổ Thường trực tại Đông Dương” thành lập từ cuối năm 1898. Viện được đặt dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương và chịu sự kiểm soát khoa học của Viện Hàn Lâm Cổ tự và Văn học Pháp. Mục tiêu của Viện là “tiến hành khảo sát khảo cổ học và văn tự học trên bán đảo Đông Dương, tạo mọi biện pháp để tìm hiểu lịch sử, di tích, tục ngữ, thành ngữ của nó”. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, Viện đã thành lập những tổ chức phổ biến kiến thức như thư viện, xuất bản và cả bảo tàng.

Các thông tin từ tài liệu địa chính cho biết tổng diện tích của bảo tàng Louis Finot là 12.850m2. Bảo tàng gồm ba tầng với diện tích mỗi tầng lần lượt là: gác 1: 300m2; gác 2: 956m2; gác 3: 370m2. Phần diện tích xây dựng11 trên tổng diện tích đất đai của bảo tàng rất ít, chỉ chiếm 2,33%, chủ yếu đất là để dành cho sân. Sân bảo tàng rất rộng, khoảng 11.026m2, chiếm 85,81%. Trong bảo tàng, tuy diện tích dành làm vườn không có nhưng diện mạo bảo tàng vẫn đầy sức sống nhờ hệ thống cây xanh được lưu ý thấu đáo. Hệ thống cây xanh từ vườn hoa phía trước được kéo vào sâu trong sân bảo tàng làm cho công trình dường như mọc lên từ khối cây xanh nhiệt đới.

Bảo tàng Louis Finot do các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương12

, một phong cách nỗ lực kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.

Kiến trúc công trình gây ấn tượng bởi hệ thống mái che khối sảnh hình bát giác nhô cao. Đây là một hệ ba lớp mái bao gồm mái trên có độ dốc lớn và được ngăn cách với các mái dưới bởi hệ thống cửa lấy ánh sáng, phía dưới là hai lớp mái có độ dốc nhỏ hơn. Mặc dù hình khối theo kiểu bát giác mang nhiều nét của kiến trúc Trung Hoa cổ, nhưng nhìn toàn bộ khối mái này lại gợi cho chúng ta hình ảnh của tháp chuông chùa Keo (Thái Bình) do cách xử lý khéo léo của các kiến trúc sư. Toàn bộ hệ mái cho các khu trưng bày được cấu tạo theo kiểu mái chồng diêm hai lớp thường thấy ở các công trình tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam truyền thống. Lớp mái phía dưới đua rộng ra khỏi

11 Diện tích đất xây dựng chỉ được tính các công trình xây dựng ở tầng trệt, cụ thể trong mỗi bằng khoán là diện tích gác 1 + diện tích nhà tạm (nếu có).

12 Phong cách kiến trúc Đông Dương là một phong cách kiến trúc mới kết hợp thành tựu công nghệ và văn hóa Pháp với truyền thống văn hóa và kiến trúc bản địa. Sự xuất hiện phong cách kiến trúc này có căn nguyên từ việc sau một thời gian khai thác, các công trình mang phong cách thuần túy châu Âu cho thấy nó hoàn toàn không phù hợp về mặt khí hậu cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mĩ và cảnh quan Việt Nam. Không nhữngthế, bản thân giới trí thức Pháp ở thuộc địa cũng thấy được sự áp đặt những giá trị văn hóa từ chính quốc vào một đất nước cũng vốn có truyền thống văn hóa lâu đời là một điều rất khó khăn. Vì vậy, từ giữa thập kỷ 20 của thế kỷ XX, một loạt các công trình kiến trúc theo phong cách kiến trúc Đông Dương đã được khởi công xây dựng.

hệ thống tường ngoài, có tác dụng che nắng và chống mưa hắt cho hệ thống cửa mở rộng phía dưới, đồng thời tạo bóng đổ trên mặt đứng làm tăng vẻ duyên dáng cho toà nhà.

Mặt bằng bảo tàng được kiến tạo theo yêu cầu của không gian kiến trúc trưng bày. Không gian chính sảnh hình bát giác có kích thước mỗi cạnh lớn lên đến 11m. Không gian trưng bày chính nằm ngay sau đại sảnh có hình chữ nhật kéo dài và được tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp được tổ chức khéo léo. Ngoài ra còn có các không gian trưng bày chuyên đề nằm ở hai phía của đại sảnh tạo thành một tổng thể trưng bày khoáng đạt. Phía dưới tầng trưng bày là một tầng trệt cao 2,5m nơi tổ chức các phòng phục chế, lưu trữ, kho và bộ phận hành chính. Tầng này cũng mang ý nghĩa của một tầng cách ẩm làm cho không gian trưng bày phía trên luôn khô ráo trong điều kiện độ ẩm cao ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, các kiến trúc sư cũng đã thiết kế một hệ thống cửa sổ mở rộng trên các tầng nhà, kết hợp với các cửa thoát gió trên mái khiến cho khối không khí trong nhà luôn được lưu thông. Đây là một giải pháp thông gió tự nhiên rất hữu hiệu [5, tr.99-101]

Với phong cách kiến trúc độc đáo, bảo tàng Louis Finot xứng đáng được coi là một di sản văn hóa thời Pháp thuộc tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) diện mạo phố phường hà nội giai đoạn 1873 1945 ( trường hợp tuyến phố tràng tiền hàng khay tràng thi ) (Trang 82 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)