Cấu trúc của luận văn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vốn xã hội với sự phát triển nguồn nhân lực trẻ thành phố hà nội (nghiên cứu trường hợp phường đại kim, quận hoàng mai, thành phố hà nội) (Trang 32)

Luận văn gồm 3 phần:

Mở đầu

Nội dung chính

Chương 1: Cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn

Chương 2: Thực trạng nguồn nhân lực trẻ phường Đại Kim

Chương 3: Tác động của vốn xã hội tới sự phát triển nguồn nhân lực trẻ phường Đại Kim

NỘI DUNG Chƣơng 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN 1.1. Các khái niệm

1.1.1. Vốn xã hội

Khái niệm vốn xã hội thường gắn với sự tham gia xã hội và công dân, với các mạng hợp tác và đoàn kết, gắn với sự cố kết xã hội, sự tin cậy, sự có đi có lại và tính hiệu quả thể chế.

Vốn xã hội (Social Capital) là một thuật ngữ đã được sử dụng từ đầu thế kỷ XX, nhưng nó chỉ được sử dụng một cách rộng rãi sau công trình của Coleman, Bourdieu và Putnam vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Thuật ngữ này liên quan đến mạng lưới xã hội, các chuẩn mực và sự tán thành/ thừa nhận khiến cho hành động hợp tác giữa các cá nhân và các cộng đồng được dễ dàng.

Pierre Bourdieu định nghĩa vốn xã hội: “Là tổng hợp các nguồn lực, hữu hình hay vô hình hoặc sự tích lũy của một cá nhân hay một nhóm bởi một mạng lưới bền vững của các mối quan hệ qua lại có mức độ thể chế hóa nhiều hay ít đã được thừa nhận. Phải thừa nhận rằng vốn có thể mang đến một sự khác biệt về các hình thức mà không thể thiếu được trong việc giải thích cấu trúc và những động lực về sự khác biệt giữa các xã hội” [60].

Nhà xã hội học người Mỹ Jame Coleman cho rằng: “Vốn xã hội được định nghĩa bằng chức năng của nó. Nó không phải là những thực thể riêng lẻ mà là những thực thể đa dạng, với hai thành tố chung: chúng bao gồm một số khía cạnh của cấu trúc xã hội và tất nhiên là chúng linh hoạt trong các hành động của các tác nhân – dù các cá nhân hoặc liên kết các tác nhân – trong cấu trúc đó. Cũng giống như các hình thức khác của vốn, nhờ vốn xã hội có thể đạt được những mục tiêu cụ thể mà nếu không có vốn xã hội thì không thể đạt được” [64, tr. 39].

Ngân hàng Thế giới đưa ra định nghĩa về vốn xã hội bao hàm cả các thể chế xã hội: “Vốn xã hội liên quan đến những thể chế, những mối quan hệ, những chuẩn mực làm định hình chất lượng và số lượng của các tương tác xã hội trong xã hội. Có nhiều bằng chứng cho thấy tính gắn kết xã hội là rất quan trọng đối với các xã hội có thể trở nên phồn thịnh về kinh tế và phát triển một cách bền vững. Vốn xã hội không chỉ là tổng số đơn thuần các thể chế tạo nên một xã hội – nó còn là chất keo dính gắn kết chúng lại với nhau” [64, tr.16].

Putnam đưa ra định nghĩa vốn xã hội: “Những mối liên hệ trong mạng kết nối giữa các cá thể từng con người với nhau, giữa cá thể con người và xã hội, về những mối quan hệ tạo ra sự có đi có lại, sự tin cậy nhau, về những chuẩn mực hình thành từ những mối quan hệ này. Với nghĩa như vậy, vốn xã hội liên quan mật thiết đến phẩm chất công dân” [55].

Fukuyama quan niệm: “Vốn xã hội là những chuẩn mực không chính thức có tác dụng thúc đẩy sự hợp tác giữa hai hay nhiều các cá nhân” [62].

Trong một bài viết khác, ông đưa ra một định nghĩa khác về vốn xã hội: “Vốn xã hội là các chuẩn mực, giá trị được chia sẻ để thúc đẩy sự hợp tác xã hội, điều này được chứng minh bằng các mối quan hệ xã hội thực sự” [63].

James Coleman định nghĩa vốn xã hội là “các nguồn lực cấu trúc xã hội mà cá nhân có thể sử dụng như là nguồn vốn tài sản” [61].

Như vậy, vốn xã hội trong đề tài nghiên cứu sử dụng có những đặc trưng cơ bản sau đây: thứ nhất nó là một chiều cạnh của cấu trúc xã hội và thứ hai nó hỗ trợ cho hành động nhất định của cá nhân trong phạm vi cấu trúc đó. Một đặc trưng cơ bản của vốn xã hội là nơi trú ngụ của nó không phải ở trong cá nhân mà ở trong cấu trúc của các mối quan hệ giữa người này với người khác.

1.1.2. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay không thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc

gia. Do vậy, tất cả các nước trên thế giới đều quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực.

Thuật ngữ nguồn nhân lực (hurman resourses) xuất hiện vào thập niên 80 của thế kỷ XX khi có sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, sử dụng con người trong kinh tế lao động.

Về ý nghĩa sinh học, nguồn nhân lực là nguồn lực sống, là thực thể thống nhất của mặt sinh học và mặt xã hội. C.Mác đã khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Còn về ý nghĩa kinh tế, nguồn nhân lực là: “Tổng hợp các năng lực lao động trong mỗi con người của một quốc gia, một vùng lãnh thổ, địa phương, đã được chuẩn bị ở mức độ nhất định và có khả năng huy động vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước hoặc vùng địa phương” [24, tr.22].

Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về nguồn nhân lực:

Theo giáo trình nguồn nhân lực của trường Đại học Lao động – Xã hội do PGS. TS. Nguyễn Tiệp chủ biên (2005): “Nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động” [54, tr.7]. Cũng trong cuốn sách này: “Nguồn nhân lực được hiểu theo nghĩa hẹp hơn, bao gồm nhóm dân cư trong độ tuổi lao động có khả năng lao động” [54, tr. 7-8].

Theo giáo trình kinh tế nguồn nhân lực của trường Đại học Kinh tế Quốc dân do PGS. TS. Trần Xuân Cầu, PGS. TS. Mai Quốc Chánh chủ biên (2008): “Nguồn nhân lực là nguồn lực con người có khả năng sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội được biểu hiện ra là số lượng và chất lượng nhất định tại một thời điểm nhất định” [11, tr. 12].

“Nguồn nhân lực là một phạm trù dùng để chỉ sức mạnh tiềm ẩn của dân cư, khả năng huy động tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội trong hiện tại cũng như trong tương lai. Sức mạnh và khả năng đó được thể hiện thông qua số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số, nhất

là số lượng và chất lượng con người có đủ điều kiện tham gia vào nền sản xuất xã hội” [11, tr. 13].

“Nguồn nhân lực là nguồn lực con người của những tổ chức (với quy mô, loại hình, chức năng khác nhau) có khả năng và tiềm năng tham gia vào quá trình phát triển của tổ chức cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, khu vực, thế giới” [65, tr. 256].

Cách hiểu này xuất phát từ quan niệm coi nguồn nhân lực là nguồn lực với các yếu tố vật chất, tinh thần tạo nên năng lực, sức mạnh phục vụ cho sự phát triển nói chung của các tổ chức.

Liên Hợp Quốc đưa ra định nghĩa nguồn nhân lực: “Nguồn nhân lực là tổng thể các yếu tố bên trong và bên ngoài của mỗi cá nhân bảo đảm nguồn sáng tạo cùng các nội dung khác cho sự thành công, đạt được mục tiêu của tổ chức” [66, tr. 9].

Quan niệm về nguồn nhân lực theo hướng tiếp cận này có phần thiên về chất lượng của nguồn nhân lực. Cách định nghĩa này coi các tiềm năng của con người cũng là năng lực khả năng để từ đó có những cơ chế thích hợp trong quản lý, sử dụng.

Tùy theo giác độ tiếp cận nghiên cứu mà có những định nghĩa khác nhau về nguồn nhân lực. Có thể dễ dàng nhận thấy điểm chung qua các định nghĩa trên:

- Số lượng nhân lực: Nói đến nguồn nhân lực của bất kỳ một tổ chức, một địa phương hay một quốc gia nào câu hỏi đầu tiên đặt ra là có bao nhiêu người và sẽ có thêm bao nhiêu người nữa trong tương lai. Đó là những câu hỏi cho việc xác định số lượng nguồn nhân lực. Sự phát triển về số lượng nguồn nhân lực dựa trên hai nhóm yếu tố bên trong và bên ngoài;

- Chất lượng nhân lực: Là yếu tố tổng hợp của nhiều yếu tố bộ phận như trí tuệ, trình độ, sự hiểu biết, đạo đức, kỹ năng, sức khỏe, thẩm mỹ…của

người lao động. Trong các yếu tố trên thì trí lực và thể lực là hai yếu tố quan trọng trong việc xem xét đánh giá chất lượng nguồn nhân lực;

- Cơ cấu nhân lực: Là yếu tố không thể thiếu khi xem xét đánh giá về nguồn nhân lực. Cơ cấu nhân lực thể hiện trên các phương diện khác nhau như cơ cấu trình độ đào tạo, giới tính, độ tuổi…Cơ cấu nguồn nhân lực của một quốc gia nói chung được quyết định bởi cơ cấu đào tạo và cơ cấu kinh tế theo đó sẽ có một tỷ lệ nhất định nhân lực.

Tóm lại, nguồn nhân lực trong đề tài nghiên cứu được hiểu là khái niệm tổng hợp bao gồm các yếu tố số lượng, chất lượng và cơ cấu phát triển người lao động nói chung cả ở hiện tại cũng như trong tương lai tiềm năng của mỗi tổ chức, mỗi địa phương, mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.

1.1.3. Nguồn nhân lực trẻ

Về khái niệm nguồn nhân lực trẻ, Lê Ngọc Thắng cho rằng: Nguồn nhân lực trẻ là tập hợp người có độ tuổi từ 15 đến 34, những người này được đào tạo, có tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn có thể tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực kinh tế xã hội [35].Nguồn nhân lực trẻ là khái niệm chỉ nhóm đối tượng những nhân khẩu trẻ tuổi với tính chất là nguồn nhân lực hướng tới tương lai.

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu này, khái niệm nguồn nhân lực trẻ được hiểu là tổng số dân trong độ tuổi từ 15 đến 34, gồm cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài và chất lượng của nhóm xã hội này bao gồm cả thể chất, tinh thần; sức khỏe và trí tuệ; năng lực và phẩm chất đạo đức. Quan niệm nguồn nhân lực trẻ bao gồm những người trong độ tuổi từ 15 đến 34 phù hợp với nhiều tài liệu chính thức hiện nay, chẳng hạn như thống kê nguồn nhân lực của tổng cục thống kê hay chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 29/04/2003.

1.1.4. Phát triển nguồn nhân lực

Có nhiều định nghĩa khác nhau về phát triển nguồn nhân lực. Trong sách Phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục và đào tạo: Kinh nghiệm Đông Á của Viện Kinh tế thế giới (2003): “Phát triển nguồn nhân lực, xét từ góc độ một đất nước là quá trình tạo dựng lực lượng lao động năng động có kỹ năng và sử dụng chúng có hiệu quả, xét từ góc độ cá nhân là việc nâng cao kỹ năng, năng lực hành động và chất lượng cuộc sống nhằm nâng cao năng suất lao động và thu nhập. Phát triển nguồn nhân lực là các hoạt động nhằm nâng cao và khuyến khích đóng góp tốt hơn kiến thức và thể lực của người lao động, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất. Kiến thức có được nhờ quá trình đào tạo và tiếp thu kinh nghiệm, trong khi đó thể lực có được nhờ quá trình đào tạo và tiếp thu kinh nghiệm, trong khi đó thể lực có được nhờ chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể và chăm sóc y tế” [57, tr. 16-17].

Theo giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực, trường đại học Kinh tế Quốc dân do PGS. TS. Trần Xuân Cầu chủ biên (2008): “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức tay nghề, tính năng động xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hóa; truyền thống lịch sử…Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ xã hội, phát triển nguồn nhân lực là quá trình tăng lên về mặt số lượng (quy mô) nguồn nhân lực và nâng cao về mặt chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng hợp lý. Với cách tiếp cận phát triển từ góc độ cá nhân, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm cho con người trưởng thành, có năng lực xã hội (thể lực, trí lực, nhân cách) và tính năng động xã hội cao” [11, tr. 104].

Theo giáo trình Quản trị nhân lực, trường Đại học Kinh tế quốc dân (2004): “Phát triển nguồn nhân lực (theo nghĩa rộng) là tổng thể các hoạt động học tập có tổ chức được tiến hành trong những khoảng thời gian nhất định để nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi nghề nghiệp của người lao động” [23, tr. 161].

Theo khái niệm này, nội dung phát triển nguồn nhân lực bao gồm ba loại hoạt động là: giáo dục, đào tạo và phát triển. Trong đó, giáo dục được hiểu là các hoạt động học tập để chuẩn bị cho con người bước vào một nghề nghiệp hoặc chuyển sang một nghề mới, thích hợp hơn trong tương lai. Đào tạo được hiểu là các hoạt động học tập nhằm giúp cho người lao động có thể thực hiện có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó chính là quá trình học tập làm cho người lao động nắm vững hơn về công việc của mình, là những hoạt động học tập để nâng cao trình độ, kỹ năng của người lao động để thực hiện nhiệm vụ lao động có hiệu quả hơn. Phát triển là các hoạt động học tập vượt ra khỏi phạm vi công việc trước mắt của người lao động, nhằm mở ra cho họ những công việc mới dựa trên cơ sở những định hướng tương lai của tổ chức [23, tr.161].

Trong giáo trình Quản lý nguồn nhân lực xã hội, Học viện Hành chính (2008), tác giả có nêu khái niệm phát triển nguồn nhân lực. Cũng tương tự như trong các thuật ngữ tăng trưởng và phát triển kinh tế, thuật ngữ phát triển nguồn nhân lực gắn liền với sự hoàn thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, được biểu hiện ở việc nâng cao trình độ giáo dục quốc dân, trình độ kỹ thuật, chuyên môn, sức khỏe và thể lực cũng như ý thức, đạo đức của nguồn nhân lực. Còn sự tăng trưởng nguồn nhân lực gắn với việc tăng về số lượng sức lao động xã hội, kết quả của quá trình tái sản xuất mở rộng của dân số.

Có thể hiểu phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực (trí tuệ, thể chất và phẩm chất tâm lý – xã hội) nhằm đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển.

- Thể lực của nguồn nhân lực: Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực về mặt thể lực, có nhiều chỉ tiêu được áp dụng, trong đó các chỉ tiêu cơ bản sau đây thường được sử dụng:

+ Chiều cao trung bình của thanh niên từ 18 đến 35 tuổi (đơn vị cm). + Cân nặng trung bình của thanh niên (đơn vị kg).

- Trí lực của nguồn nhân lực: Nhân tố trí lực của nguồn nhân lực thường được xem xét đánh giá trên hai giác độ: trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật và kỹ năng lao động thực hành của người lao động.

- Về phẩm chất tâm lý – xã hội của nguồn nhân lực: Phương pháp đánh giá chất lượng nguồn nhân lực về yếu tố phẩm chất tâm lý xã hội thường được tiến hành bằng các cuộc điều tra tâm lý và xã hội học, được đánh giá chủ yếu bằng các chỉ tiêu định tính.

- Chỉ tiêu tổng hợp: Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã khuyến nghị và đưa ra áp dụng nhiều phương pháp để đánh giá sự phát triển con người, trong đó có phương pháp xác định chỉ số phát triển con người HDI được sử dụng phổ biến. Theo phương pháp này thì sự phát triển con người được xác định theo ba yếu tố cơ bản nhất và tổng hợp nhất: sức khỏe, trình độ học vấn, thu nhập.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vốn xã hội với sự phát triển nguồn nhân lực trẻ thành phố hà nội (nghiên cứu trường hợp phường đại kim, quận hoàng mai, thành phố hà nội) (Trang 32)