Hậu quả của việc bị bắt nạt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu hiện tượng bị bắt nạt ở học sinh phổ thông (Trang 26 - 30)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.2. Một số vấn đề lý luận

1.2.5. Hậu quả của việc bị bắt nạt

Dễ dàng nhận thấy việc bị bắt nạt, đặc biệt là bị bắt nạt về mặt thể chất gây ra những hậu quả từ ít nghiêm trọng cho đến nghiêm trọng về mặt cơ thể như: đau đớn, bị trầy xước, bị thương, bị chảy máu…Có những trường hợp nghiêm trọng có thể phải đi viện như vỡ đầu, chấn thương nặng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Với những tổn thương về mặt thể chất thì nó biểu hiện

ngay và chúng ta dễ dàng quan sát và nhận biết được. Tuy nhiên, việc bị bắt nạt không chỉ để lại những hậu quả về mặt thể chất mà nó còn để lại những hậu quả nặng nề về mặt tâm lý. Thông thường, chúng ta nhận thấy, bị bắt nạt để lại hậu quả trên cả hai phương diện là hành vi và cảm xúc. Những trẻ bị bắt nạt nhiều thường có những biểu hiện về rối loạn hành vi: chống đối hoặc từ chối việc đi học, sử dụng những chất kích thích, có những hành vi gây hấn đối với người khác…Bên cạnh đó, những em này thường có những khó khăn cảm xúc kèm theo như: lo lắng, sợ hãi, trầm cảm hoặc các khó khăn tâm lý khác.

Có thể nhận thấy, bắt nạt ở trường học thường được coi là vấn đề nghiêm trọng về mặt cá nhân, xã hội và giáo dục, ảnh hưởng tới không ít học sinh. Bắt nạt cũng gây ảnh hưởng xấu ngay cả đối với người đi bắt nạt. Học sinh chuyên bắt nạt học sinh khác thường phát triển thành "thú vui" trong việc thể hiện sức mạnh và uy thế đối với nạn nhân và không thể phát triển sự đồng cảm với người khác. Cứ như vậy, những trẻ đó có thể sẽ dần hình thành những hành vi phạm pháp và tội ác (Ross W., 2006).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng bắt nạt liên quan tới giá trị bản thân nói chung, nhiều lĩnh vực của khả năng mà trẻ nhận thức về mình, cũng như kiểu gán ghép trầm cảm (depressive attributional style) (ví dụ như Andreou, 2001; Boulton & Smith, 1994; Callaghan & Joseph, 1995; Gibb, Abramson, & Alloy, 2004; Prinstein, Cheah, & Guyer, 2005). Những nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng đầu tiên cho mối liên hệ giữa bắt nạt và nhận thức bản thân, nhưng chúng cũng gợi ý các xu hướng cho các nghiên cứu sau này. Có rất ít nghiên cứu về nguồn gốc của những nhận thức trầm cảm có phân biệt giữa bắt nạt bên ngoài/cơ thể và bắt nạt ẩn/quan hệ. Hunter và Boyle (2002) đã tìm ra rằng bắt nạt ẩn/quan hệ, có tiềm năng bị cô lập cũng như khó chống lại, có thể nguy hại hơn kiểu bắt nạt ngoài/cơ thể. Những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng bị bắt nạt cả bên ngoài/cơ thể và ẩn/quan hệ sẽ để lại kết quả

nghiêm trọng hơn là bị một loại bắt nạt (Ladd & Ladd, 2001; Prinstein, Boerger, & Boerger, & Vernberg, 2001). Trong một nghiên cứu đa phân tích (meta-analysis) các nghiên cứu trong 20 năm về bắt nạt và kém thích nghi, Hawker và Boulton tìm ra rằng cả bắt nạt bên ngoài/cơ thể và bắt nạt ẩn/quan hệ đều liên quan tới trầm cảm nhiều hơn bất cứ rối loạn nào.

Gibb, Benas, Crossett, và Uhrlass (2007) đã thực hiện nghiên cứu hồi tưởng ở những người lớn trẻ tuổi, tập trung vào hậu quả của lịch sử bị bạn bè bắt nạt và ứng xử không tốt của bố mẹ vào các triệu chứng trầm cảm hiện tại. Họ cũng kiểm tra liệu nhận thức tích cực và tiêu cực có vai trò trong các mối quan hệ này hay không. Các tác giả tìm ra rằng mức độ cao của nhận thức tiêu cực và mức độ thấp của nhận thức tích cực giải thích đáng kể mối quan hệ giữa các báo cáo về bị bạn cùng lứa bắt nạt và các triệu chứng trầm cảm hiện tại. Trong nghiên cứu của Rosen, Milich, và Harris (2007) về mối quan hệ giữa bắt nạt mục tiêu và sự hình thành của nhận thức bản thân tiêu cực (liên quan tới bắt nạt), các tác giả tìm ra quan hệ cùng chiều của bắt nạt bạn tới quá trình nhận thức bản thân hoặc quá trình nhận thức có liên quan tới việc bị bắt nạt.

Nghiên cứu của NCS Trần Văn Công và cộng sự (2010) cũng đã chỉ ra rằng bắt nạt ẩn/quan hệ có hiệu ứng lớn hơn bắt nạt ngoài/cơ thể đối với trầm cảm. Ngoài ra, tác giả cũng cho biết hầu hết hiệu ứng của bắt nạt đối với trầm cảm là thông qua hiệu ứng của nhận thức bản thân. Có nghĩa là, sự khác nhau giữa các chủ thể về mức độ bị bắt nạt mà họ trải nghiệm có liên quan tới sự khác nhau giữa các chủ thể về trầm cảm, nhưng hầu hết mối quan hệ đó là do sự khác nhau về sơ đồ nhận thức của các chủ thể

Vấn đề cuối cùng liên quan đến giới. Bắt đầu từ khoảng lớp bảy, nữ giới phát triển trầm cảm nhiều hơn hai lần so với nam giới (Hankin & Abramson, 2001). Nolen-Hoeksema và Girgus (1994) cho rằng sự khác nhau này là do những yếu tố nguy cơ có ở nữ nhiều hơn nam. Đối với bắt nạt mục

tiêu, nam có thể bị bắt nạt bề ngoài/cơ thể, trong khi nữ thường bị bắt nạt ẩn/quan hệ (Crick, 1996; Crick & Bigbee, 1998; Crick & Grotpeter, 1995; French, Jansen, & Pidada, 2002; Galen & Underwood, 1997; Prinstein và cộng sự, 2001). Rose và Rudolph (2006) cho rằng bằng chứng khác biệt giới trong bắt nạt ẩn/quan hệ có thể khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi. Mặc dù bắt nạt về mặt quan hệ có liên quan tới những vấn đề hướng nội cho cả nam và nữ, một số bằng chứng đã gợi ý rằng mối quan hệ này mạnh hơn ở nữ (Prinstein và cộng sự, 2001).

Như ở trên đã trình bày, những hậu quả về mặt cơ thể có thể dễ dàng quan sát và nhận thấy. Nhưng những hậu quả về mặt tinh thần thì lâu biểu hiện, khó quan sát và nhận biết. Vì thế các bậc cha mẹ, giáo viên nên có sự quan tâm tới những biểu hiện khác lạ ở con mình, đặc biệt là những biểu hiện về mặt cảm xúc để có thể nhận biết trẻ có bị bắt nạt hay không. Từ đó, đưa ra những giải pháp để hỗ trợ cho con em mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu hiện tượng bị bắt nạt ở học sinh phổ thông (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)