Chân dung học sinh L.T.H

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu hiện tượng bị bắt nạt ở học sinh phổ thông (Trang 80 - 102)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.4. Chân dung học sinh bị bắt nạt

3.4.2. Chân dung học sinh L.T.H

3.4.2.1. Một số thông tin cá nhân

- Họ và tên học sinh: L.T.H - Lớp: 5

- Trường tiểu học Tiền Tiến - Thanh Hà - Hải Dương

- Học sinh có lực học Khá, dáng người cao song hơi gầy so với tuổi. Em có 2 người bạn cùng lớp mà em hay chơi cùng.

- Nhà em tương đối gần trường. Bố mẹ em đều làm nông nghiệp. Những lúc rảnh rỗi bố em thường đi phụ xây tại xã.

3.4.2.2. Thực trạng hiện tượng bị bắt nạt của học sinh L.T.H

Qua kết quả thang đo bắt nạt, chúng tôi nhận thấy rằng học sinh bị bắt nạt ở cả năm hình thức là: bị bắt nạt về thể chất, bị bắt nạt về quan hệ, bị bắt nạt về sở hữu, bị bắt nạt về giá trị và bị bắt nạt về truyền thông. Như vậy, đối với học sinh H, em bị bắt nạt cả về mặt cơ thể, tinh thần cũng như tài sản. Tuy nhiên, như trên chúng tôi đã trình bày, một học sinh bị bắt nạt ở một hình thức nào đó khi học sinh bị một hành vi bắt nạt ở mức độ thường xuyên. Ví dụ, nếu một học sinh bị “nói xấu sau lưng với người khác” ở mức độ thường xuyên trở lên thì đó là một biểu hiện của hình thức bị bắt nạt quan hệ. Nhưng với học sinh H, em không chỉ bị bắt nạt ở cả năm hình thức, mà trong mỗi hình thức, học sinh còn bị nhiều hành vi bắt nạt. (Bị bắt nạt về thể chất: 8/9 hành vi; bị bắt nạt về quan hệ: 9/9 hành vi; bị bắt nạt về giá trị: 8/10 hành vi; bị bắt nạt về sở hữu: 5/6 và bị bắt nạt về truyền thông là: 1/8). Tìm hiểu cụ thể về thực trạng bị bắt nạt ở những hình thức này, kết quả thu được như sau:

Đối với hình thức bị bắt nạt về thể chất, kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh bị bắt nạt 8 trên tổng số 9 hành vi ở mức độ rất thường xuyên. Cụ thể là: học sinh rất thường xuyên bị dọa đánh, bị cố tình ngáng chân, bị đấm, bị đá, bị làm bị thương bằng cách nào đó, bị đánh đập, bị đánh và bị ném một cái gì đó. Như vậy, ở hình thức bị bắt nạt này, học sinh không chỉ bị một hành vi

mà bị rất nhiều hành vi khác nhau gây tổn thương về mặt cơ thể. Đáng lưu ý là những hành vi này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Điều này cho thấy, học sinh bị tổn thương khá nhiều về mặt thể chất. Dù những hành vi này không gây ra hậu quả nghiêm trọng để bố mẹ, người thân của học sinh cũng như các thầy cô giáo có thể nhận ra. Song những hành vi này được lặp lại nhiều lần cũng làm cho học sinh cảm thấy bị tổn thương và phần nào không coi trọng giá trị của bản thân.

Thứ hai, với hình thức bị bắt nạt về quan hệ, học sinh bị bắt nạt cả 9/9 hành vi trong đó chỉ có một hành vi ở mức độ “thường xuyên” còn những hành vi còn lại đều ở mức độ “rất thường xuyên”. Tìm hiểu cụ thể, chúng tôi nhận thấy học sinh rất thường xuyên bị các bạn “cố tình làm cho em gặp rắc rối với bạn bè, cố tình làm cho em gặp rắc rối với các thầy cô giáo, bảo các bạn không chơi với em nữa, nói xấu sau lưng em với người khác, cố tình làm bạn bè em chống đối em, ngăn không cho em tham gia vào việc gì đó, khiến cho người khác không nói chuyện với em và làm cho em hoảng sợ đến mức em phải tránh xa”. Bên cạnh đó, học sinh thường xuyên bị các bạn “ nói rằng em không thể chơi với họ”. Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh bị ngăn cản rất nhiều trong việc thiết lập các mối bạn quan hệ bạn bè cũng như tham gia và duy trì các mối quan hệ đó. Điều đó có thể là nguyên nhân dẫn tới việc học sinh chỉ có hai người bạn chơi cùng mình. Trên thực tế chúng tôi nhận thấy rằng độ tuổi học sinh lớp 5 là thời điểm mà học sinh thiết lập và tham gia vào nhiều mối quan hệ khác nhau. Tuy nhiên, với học sinh H, em thường xuyên bị hạn chế điều này. Điều đó sẽ làm cho học sinh cảm thấy mình bị cô lập và ảnh hưởng nhiều đến sự hình thành, phát triển tâm lý nhân cách của học sinh H.

Như vậy, học sinh không chỉ thường xuyên bị bắt nạt về mặt cơ thể mà học sinh còn bị bắt nạt về mặt quan hệ và giá trị. Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh H bị bắt nạt 8/10 hành vi thuộc hình thức bị bắt nạt giá trị. Trong đó có 7 hành vi bị bắt nạt ở mức độ rất thường xuyên là: gọi

em bằng biệt danh xấu, nói với em rằng em ngu ngốc, nhổ nước bọt vào em, làm bẩn quần áo của em bằng cách nào đó, cố ý làm em xấu hổ, trêu em là “mọt sách” và chửi thề em. Bên cạnh đó, chỉ có một hành vi mà học sinh bị bắt nạt ở mức độ “thường xuyên là: chế nhạo em vì lý do gì đó. Những hành vi trên được lặp đi lặp lại sẽ làm cho học sinh cảm thấy bản thân mình thiếu giá trị và không được tôn trọng. Từ đó, học sinh sẽ cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân mình.

Hình thức thứ tư mà học sinh bị bắt nạt là bị bắt nạt về mặt sở hữu. Với hình thức này học sinh bị bắt nạt 5/6 hành vi. Cụ thể là có 4 hành vi ở mức độ rất thường xuyên, gồm có: cố tình làm hỏng đồ của em, lấy trộm đồ của em, bắt em lấy trộm đồ, lấy cái gì của em mà em không cho và có 1 hành vi ở mức độ “thường xuyên” là: lấy trộm tiền của em. Điều đó cho thấy, học sinh không chỉ bị bắt nạt làm tổn thương về mặt cơ thể, quạn hệ, giá trị mà học sinh còn bị xâm phạm đến mặt sở hữu, quyền riêng tư. Hơn nữa, với những học sinh bị yêu cầu “lấy trộm đồ của người khác” còn có thể tạo ra thói quen dẫn đến việc vi phạm pháp luật.

Cuối cùng, với hình thức bị bắt nạt về truyền thông, học sinh H chỉ bị duy nhất 1/8 hành vi ở mức độ “rất thường xuyên” là: nháy máy hoặc gọi điện để làm phiền hoặc trêu trọc em. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự phát triển lứa tuổi và vùng miền. Bởi lẽ, ở một huyện nông thôn, một học sinh lớp 5 như H chưa được tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông, mà chỉ được sử dụng điện thoại của bố mẹ, anh chị hoặc ít gia đình cho con điện thoại riêng. Có lẽ vì thế mà H bị ít những hành vi bắt nạt về mặt truyền thông.

Qua phân tích ở trên, chúng tôi nhận thấy rằng học sinh H đang chịu đựng những tổn thương rất lớn, toàn diện từ cơ thể cho đến quan hệ, giá trị sở hữu…Chia sẻ thêm với H, em cho biết “ngày nào đi học em cũng bị các bạn trêu mình. Các bạn không đấm em thì đá em, rồi gõ vào đầu em, rồi các ban trêu em là cò hương. Khi bị như thế em tức lắm nhưng không làm gì được”.

Như vậy, có thể thấy những điều này chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tâm sinh lý của em. Bởi lẽ, năm nay H mới đang học lớp 5 - độ tuổi mà các em đang hình thành và phát triển nhân cách, khẳng định cái tôi của bản thân. Vì vậy, việc trợ giúp H, trang bị cho em những kĩ năng cơ bản, cần thiết là điều hết sức quan trọng. Hơn nữa, gia đình, nhà trường cần có sự phối hợp để đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ H trước hiện tượng bị bắt nạt.

3.4.2.3. Những yếu tố liên quan và cách thức ứng xử của học sinh H khi bị bắt nạt

Những phân tích ở trên cho thấy học sinh H đã bị bắt nạt khá thường xuyên và trên mọi mặt từ thể chất đến tinh thần. Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi nhận thấy học sinh H thường xuyên bị các bạn nam khác nhóm nhưng cùng lớp bắt nạt. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vì học sinh H chỉ có hai người bạn chơi cùng. Ngoài ra, qua tìm hiểu chúng tôi cũng được biết H thường xuyên bị bắt nạt ở trên đường đến trường và về nhà, trong lớp học và ở ngoài sân trường. Như vậy, học sinh H bị bắt nạt cả ở khu vực trong và ngoài nhà trường. Điều đặc biệt quan trọng là sau khi bị bắt nạt, H thường xuyên trải qua những cảm xúc tiêu cực. Học sinh cảm thấy rất sợ hãi khi ở ngoài trường như: cổng trường, bến xe buýt, ngoài đường… và lúc tan học, trên đường trở về nhà. Đây là những địa điểm công cộng, học sinh ít được bảo vệ. Trong khi đó, học sinh lại thường xuyên bị bắt nạt ở những địa điểm này. Vì thế mà có thể học sinh có cảm giác thiếu an toàn và sợ hãi. Không chỉ có vậy, mỗi khi học sinh ra chơi hoặc ở sân trường, học sinh cũng có cảm giác sợ hãi, nhưng mức độ thấp hơn. Học sinh cho biết “mỗi khi tan học về nhà em thường bị một nhóm bạn nam hay đứng chặn đường em về. Chúng nó hay gọi em là cò hương, rồi lấy cái này cái kia của em. Nếu em không cho, chúng nó sẽ giằng cặp của em hoặc đánh vào đầu em, không thì chúng nó bắt em phải làm thế này thế kia cho chúng nó. Em mà không làm thì lại bị đánh tiếp. Vì thế mỗi khi tan học về, em sợ lắm

Không chỉ có cảm giác sợ hãi, mà học sinh H còn trải nghiệm rất nhiều cảm xúc khác nhau sau khi bị bắt nạt. Cụ thể là H thường xuyên cảm thấy buồn, tức giận, cảm thấy sợ hãi, hoang mang và cảm thấy như phát điên lên. Học sinh cho biết thêm “nhiều lúc em tức điên lên, tức đến mức muốn giết người”. Như vậy, ở học sinh H tồn tại hai xu hướng cảm giác: thứ nhất là học sinh cảm thấy tự ti về bản thân mình, cho rằng mình kém cỏi không làm được gì. Thứ hai là, học sinh có cảm giác muốn trả thù để khẳng định giá trị của bản thân và chấm dứt hiện tượng mình bị các bạn bắt nạt. Những cảm xúc này sẽ làm cho tình trạng của H trở lên khó khăn hơn. Nếu xu hướng cảm xúc thứ nhất tồn tại và lớn lên sẽ làm cho H đánh giá thấp bản thân mình và khó khăn trong việc thích nghi. Còn nếu H hành động theo xu hướng cảm xúc thứ hai thì học sinh sẽ rơi vào tình trạng giống một số học sinh đã được báo chí đưa tin “trả thù gây lên hậu quả nghiêm trọng”.

Không chỉ có vậy, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy dường như, sau khi bị bắt nạt, cảm xúc của học sinh có liên quan đến việc học sinh H đánh giá về nguyên nhân mình bị bắt nạt. Học sinh cho biết “em bị bắt nạt là do em hiền và nhút nhát quá. Hơn nữa, hình như do em cao mà lại gầy nên em khác biệt với các bạn trong lớp”. Ngoài ra, học sinh còn cho biết thêm “em bị các bạn bắt nạt là do em không phục tùng bọn nó bắt em làm nô lệ cho chúng nó”. Những chia sẻ của học sinh cho thấy học sinh đánh giá thấp về bản thân mình. Điều này có thể là nguyên nhân cũng có thể là hậu quả của việc bị bắt nạt. Bởi vì những học sinh hiền lành và nhút nhát quá đôi khi cũng bị bắt nạt. Tuy nhiên, sau khi bị bắt nạt, học sinh cũng có xu hướng thu mình lại và trở nên nhút nhát hơn.

Đối với học sinh H, điều đáng lo ngại là khi bị bắt nạt, học sinh có xu hướng lảng tránh nhiều hơn là nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Cụ thể là học sinh thường xuyên coi như không có chuyện gì xảy ra, tự trách

bản thân mình kém cỏi, tự nhủ với bản thân mình không có chuyện gì xảy ra, suy nghĩ xem tại sao mình lại bị bắt nạt, cố quên đi mọi thứ đang xảy ra và im lặng không nói với ai. Khi được hỏi điều gì khiến em lựa chọn cách ứng xử như vậy, học sinh chia sẻ “mỗi khi chúng nó bắt nạt em, em chỉ im lặng vì em không dám làm gì chúng nó. Nếu em mà mách giáo viên thì sẽ bị chúng nó đánh nhiều hơn. Bị bắt nạt em cũng khó chịu lắm nhưng vì chẳng làm gì được nên em coi như không có chuyện gì xảy ra”. Ngoài ra, H còn cho biết khi bị bắt nạt hầu như em không nói cho bố mẹ của mình. Em chia sẻ cụ thể “bố mẹ em rất ít khi nói chuyện cùng với em. Bố mẹ đi làm về mệt, ăn cơm xong là đi ngủ. Nếu có nói chuyện với em thì cũng chỉ nhắc nhở em phải học, hầu như bố mẹ không hỏi xem em học ở trường như thế nào”. Có lẽ những chia sẻ của H cũng giống nhiều bạn học sinh khác và đó cũng là lý do khiến bố mẹ thường là người sau cùng biết con mình bị bắt nạt.

Có thể thấy rằng học sinh H đang bị các bạn bắt nạt thường xuyên nhưng em lại chưa có cách thức ứng xử phù hợp. Trong trường hợp như thế này, em nên tìm sự trợ giúp của gia đình, các bạn và giáo viên. Hơn nữa, nhà trường cũng nên có những hình thức phòng ngừa và hình phạt đối với những nhóm học sinh thường xuyên đi bắt nạt những học sinh khác. Từ đó có thể giáo dục chính những nhóm học sinh này cũng như cảnh cáo những học sinh khác có ý định bắt nạt.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định giả thuyết ban đầu mà chúng tôi đưa ra, cụ thể là:

- Học sinh phổ thông bị bắt nạt chiếm tỷ lệ khá lớn với nhiều hình thức khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 56.21% học sinh bị bắt nạt ở các mức độ khác nhau, từ bị một hình thức bắt nạt cho đến bị cả năm hình thức bắt nạt: bị bắt nạt về thể chất, bị bắt nạt về quan hệ, bị bắt nạt về giá trị, bị bắt nạt về sở hữu và bị bắt nạt về truyền thông. Trong số 5 hình thức bị bắt nạt trên thì học sinh bị bắt nạt nhiều nhất về thể chất, thứ hai là bị bắt nạt về giá trị, thứ ba là bị bắt nạt về quan hệ, thứ tư là bị bắt nạt về sở hữu và cuối cùng là bị bắt nạt về truyền thông.

- Có sự khác nhau về mức độ, hình thức biểu hiện của hiện tượng bị bắt nạt theo cấp học, giới tính…của học sinh. Học sinh càng lớn càng ít bị bắt nạt hơn những học sinh nhỏ: học sinh tiểu học bị bắt nạt nhiều hơn học sinh THCS và nhiều hơn học sinh THPT. Học sinh nam bị bắt nạt nhiều hơn học sinh nữ. Học sinh THPT bị bắt nạt về truyền thông nhiều hơn học sinh THCS và Tiểu học.

- Những học sinh bị bắt nạt có nhiều cách ứng xử khác nhau, trong đó bao gồm cả những cách thức ứng xử này mang ý nghĩa tiêu cực. Kết quả điều tra cho thấy, khi bị bắt nạt học sinh có ba xu hướng ứng xử chính, gồm: lảng tránh, tìm sự trợ giúp và trả thù. Trong đó, học sinh có xu hướng tìm sự trợ giúp nhiều hơn. Tuy nhiên, các hình thức ứng xử này cũng có sự khác biệt với yếu tố cấp học và giới: học sinh Tiểu học có xu hướng tìm sự trợ giúp nhiều hơn trong khi đó học sinh THPT lại có xu hướng trả thù nhiều hơn. Học sinh nam có xu hướng trả thù nhiều hơn học sinh nữ.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy một số điều khá thú vị về

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tìm hiểu hiện tượng bị bắt nạt ở học sinh phổ thông (Trang 80 - 102)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)