Cảm quan văn hóa về thiên nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Văn xuôi Thạch Lam dưới góc nhìn văn hóa (Trang 28 - 32)

Chƣơng 1 : KHÁI LƢỢC VỀ TIẾP CẬN VĂN HÓA HỌC

2.1. Cảm quan văn hóa về thiên nhiên và cuộc sống

2.1.1. Cảm quan văn hóa về thiên nhiên

Trong đời sống tinh thần của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, thiên nhiên giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Triết học phương Đông đã xác định, trong bộ ba Thiên - Địa - Nhân, con người là một bộ phận hữu cơ của thế giới, là dấu nối của trời và đất. Hòa chung vào ngôi nhà chung của thiên nhiên vũ trụ, con người được sống bằng bản ngã đích thực của mình. Đó là lí do lí giải sự trở về với thiên nhiên trong sạch, khoáng đạt, thuần khiết lại là hành vi ứng xử văn hóa của nhiều nho sĩ và phần lớn tri thức phương Đông xưa nay.

Có thể nói, mọi hoạt động của con người không thể tách rời môi trường thiên nhiên. Thiên nhiên là người bạn, là chứng nhân cho bao nỗi vui buồn của con người. Thiên nhiên nào cũng vậy, vẫn là gió, mưa, nắng, gió, trăng, hàng cây, góc phố, con đường … nhưng thiên nhiên đậm chất văn hóa là bởi con người đã văn hóa hóa thiên nhiên. Tiếp cận văn xuôi Thạch Lam dưới góc nhìn văn hóa, chúng tôi xin mạnh dạn cắt nghĩa cách cảm, cách nghĩ của Thạch Lam trước thiên nhiên. Nói đúng hơn, phát hiện ra Thạch Lam đã văn hóa hóa thiên nhiên qua ngòi bút của mình. Nhìn nhận và cảm xúc trước thiên nhiên cũng là cách thể hiện thái độ ứng xử văn hóa của Thạch Lam. Qua tác phẩm, chúng tôi nhận thấy vẻ đẹp thiên nhiên dưới ngòi bút Thạch Lam mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Hà Nội - Hải Dương với ba điểm sáng sau đây. 1/ Thiên nhiên hòa quyện với con người trong sự tồn tại hiện hữu theo quy luật tự nhiên của nó. 2/ Thiên nhiên bao trùm lên cảnh vật tràn đầy sinh sắc. 3/ Thiên nhiên nhuốm tâm hồn, tình cảm của con người.

Trước hết, Thạch Lam đã khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên trong sự hòa quyện với con người trong sự tồn tại hiện hữu theo quy luật tự nhiên của nó. Trong những trang văn của nhà văn ta thấy bức tranh thiên nhiên phong phú, muôn màu, muôn vẻ mang đến vẻ đẹp nguyên sơ và tinh khiết. Đó là vẻ đẹp của ngày - đêm, mưa - nắng, mây - mù, sông - nước, mặt trời - trăng sao, cây - cỏ, hoa - lá … là những vẻ đẹp còn nguyên khôi trong vũ trụ ở quanh ta. Một áng mây bay,

một làn gió thổi, một tia nắng vàng, một cơn mưa đầu mùa, một làn sương trong suốt, một đêm trăng sao, những hàng cây bãi cỏ, hoa lá muôn màu cũng đưa lại cho người đọc một cảm quan về cái đẹp. Đây là khung cảnh một đêm trăng trong truyện Tình xưa: “Trăng rằm vằng vặc, tường vôi sáng trắng lên chói lọi. Hai dãy chậu lan cắt bỏ xuống mặt sân, và các lá lan đen sẫm lấp lánh ánh trăng cong. Thời khắc êm dịu và thú vị”. Còn đây là hình ảnh “Con đường lát gạch Bát Tràng rêu phủ”. “những vòng ánh sáng lọt qua vòm câu xuống nhảy múa theo chiều gió”, vẻ yên tĩnh tuyệt đối “tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngưng lại trên bực cửa”và mùi hương thoang thoảng mát lành của cây hoàng lan … tất cả cộng hưởng với nhau tạo nên một thế giới cổ tích yên bình và thanh sạch. Ở Tối ba mươi đó là cảnh “mưa buồn rầu và âm thầm trong bóng tối”, hè phố “ướt át và nhớp nháp bùn không một bóng người qua lại”. Trong

Cô hàng xén, Tâm lại bước đi trên con đường quen thuộc đầy sương mù và gió

lạnh “Cái vòng đen của rặng tre làm giằng bỗng vụt hiện lên trước mắt, tối tăm và dày đặc”. Thiên nhiên của những ngõ nhỏ, phố nhỏ, của hương cốm làng Vòng … tất cả đã để lại một ấn tượng đặc biệt trong lòng của người đọc. Thiên nhiên trong những trang văn của Thạch Lam mang cái dư âm của không gian địa văn hóa. Cho nên, cỏ cây, hoa lá, núi sông, đất trời ở mỗi vùng khác nhau nhưng cũng đều là vẻ đẹp của quê hương xứ sở của đất nước Việt Nam dấu yêu? Song ta vẫn thấy con tim yêu của tác giả nghiêng về Cẩm Giàng - Hải Dương. Có lẽ đó nên hầu hết tác phẩm của ông ta đều thấy hình ảnh quê hương của một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ , đặc biệt là hình ảnh thiên nhiên phố huyện. Quả đúng là cái đẹp ấy man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tang ở mọi vật tầm thường.

Thạch Lam không chỉ mang đến cho người đọc về một cảm quan về cái đẹp của thiên nhiên nguyên sơ mà ta còn thấy nhà văn hướng đến cảm quan về thiên nhiên bao trùm lên cảnh vật, hòa gắn với cảnh vật tạo nên một bức tranh thiên nhiên muôn hình vạn trạng, tràn đầy sinh sắc: Đó là cảnh “vừa mới ngày ngày hôm qua giời vẫn còn nắng ấm và hanh, cái nắng về cuối tháng muời làm nứt nẻ đất ruộng và làm giòn khô những chiếc lá rơi” thế mà chỉ qua một đêm mưa rào ta đã thấy “trời bỗng đổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt”. Những biến chuyển vi diệu của đất trời ấy, ta đã thấy cảnh vật thiên nhiên hiện lên muôn hình, muôn vẻ, đa màu sắc và tràn đầy cảm quan của con người. Hay những đêm trăng lóng lánh như dát

vàng trên đường đã thắm đượm tình quê hương "những đêm sáng trăng mùa hạ, cả phố bắc chõng ngoài đường, vì nhà nào cũng nóng như một cái lò và hàng vạn con muỗi vo ve. Dưới bóng trăng những đá rải đường trắng đen và lấp lánh sáng. Đất hãy còn giữ cái nóng buổi trưa và bốc lên một cái mùi riêng lẫn mùi rác bẩn và mùi cát” (Nhà mẹ Lê). Cảnh vật đẹp đến mê hồn: “Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi song. Cảnh thơ mộng “Ngoài khung cửa sổ, trời xanh ngắt ánh sáng; lá cây rung động dưới làn gió nhẹ. Một thân cây vút cao lên trước mặt. Cùng một lúc, chàng lẩm bẩm: “Cây hoàng lan !””. và “Ngoài vườn, trời vẫn nắng. Giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga. Những chiếc búp hoa lý non và thơm rủ liền trong giàn, lẫn vào đám lá” (Dưới bóng hoàng lan).Tất cả tạo nên một thế giới cổ tích yên bình và thanh sạch. Đó là khung cảnh dịu ngọt chăng tơ trong lòng người.

Không chỉ có thế, ta còn thấy cảnh sắc thiên nhiên nhuốm tâm hồn, tình cảm của con người, khiến cảnh - tình quyện chặt giàu săc màu, hương vị, âm thanh. Cảnh thiên nhiên đã đẹp, càng đẹp hơn, có hồn hơn khi tất cả gắn với cuộc sống, số phận, tình cảm … của con người. Ở truyện Tối ba mươi ta thấy cảnh “mưa buồn rầu và âm thầm trong bóng tối”, hè phố “ướt át và nhớp nháp

bùn không một bóng người qua lại”. Khung cảnh thiên nhiên ấy, tự thân nó như

đã chứa đựng nỗi đau thân phận của hai cô gái nhà săm Liên và Huệ. Thiên nhiên đã góp một phần quan trọng trong việc phủ lên câu chuyện cái màn mờ đục, u ám của tâm trạng con người. Trong nỗi chua xót của một Người lính cũ

và niềm thương cảm của nhân vật tôi, thiên nhiên được cảm nhận như có sự gia tăng của bóng tối: “Xung quanh chúng tôi, cái đen tối của đêm khuya dày dằng dặc”. “Nỗi đau đớn nghẹn ngào” của nhân vật Diên hình như đã tìm thấy sự đồng cảm với thiên nhiên “Trong bóng tối buổi chiều”. Có thể nói rằng thế giới thiên nhiên trong sáng tác của Thạch Lam là một thứ “ngôn ngữ” độc đáo. Nó có tiếng nói riêng và luôn có khả năng nói thay con người. Thiên nhiên mang trong nó những thông điệp nỗi niềm mà con người chưa nói hết. Nó lấp đầy những khoảng trống, những chỗ đứt đoạn trong dòng tâm tư của nhân vật và vì thế mà ẩn chứa bên trong mình một vẻ đẹp riêng.

Dấu ấn tâm trạng trên của thiên nhiên còn thể hiện ở sự cảm nhận theo diễn biến tâm trạng nhân vật. Vẫn là quang cảnh ngôi nhà ấy của gia đình mẹ Lê thôi nhưng ấm áp và đầy ánh sáng trong những ngày no ấm và hiu hắt, tối tăm

trong những ngày đói khổ. Con đường mà nhân vật Tâm “trở về” nó chỉ dịu mát, và trong lành khi nhân vật có một thoáng nhớ về quê cũ. Thiên nhiên đầy sương mù và gió lạnh “Cái vòng đen của rặng tre làm giằng bỗng vụt hiện lên trước mắt, tối tăm và dày đặc”. như cất lời, nó nói hộ nhân vật tâm trạng nặng nề, u ám. Đặc biệt là Thạch Lam tả bóng tối thời trước và cùng thời với ông, chưa có ai tả bóng tối sinh động, có hồn và đầy sinh thú đến thế. Cái bóng tối nơi làng quê đồng nội Việt Nam, thường được xem như một cái gì thù địch với cuộc sống, với con người lương thiện. Thế mà thú vị thay, trong tác phẩm của mình rất nhiều lần Thạch Lam miêu tả bóng tối như bạn bè tin cậy của con người “Loan trở lại cái mộng xinh đẹp của mình. Sung sướng nàng nhắm mắt để cho bóng tối đến, mát và rực rỡ bao bọc cả tâm hồn, thân thể nàng” (Bắt đầu). Còn bóng tối trong Bóng người xưa không chỉ là bạn bè mà còn như một thứ “phép màu” khi được pha hòa với một ít ánh sáng, làm: “Vân không trông thấy trước mắt mình nét mặt hàng ngày của vợ nữa, chàng chỉ thấy một người vợ trẻ hơn, đẹp hơn. Những nếp nhăn của người đàn bà luống tuổi đã mất đi trong bóng tối; khuôn mặt trở nên đều đặn, cái miệng hơi hé trên hàm răng nhỏ trắng muốt, đôi mắt long lanh sáng”. Bóng tối trên phố huyện, ai bảo nó chỉ quẩn quanh, hiện thân cho những cảnh đời tăm tối: “Trời đã bắt đầu vào đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con chứa đầy bóng tốí” (Hai đứa trẻ).

Có thể nói, khuynh hướng cởi mở tâm hồn để tạo cảnh, hòa đồng tình yêu với thiên nhiên của Tự lực văn đoàn, được Thạch Lam thể hiện tinh tế về màu săc và dồi dào về cảm giác. “Tôi trèo lên đỉnh đồi, ngồi trên những tảng đá quay nhìn khắp bốn phương. Khi nắng bắt đầu gay gắt và cỏ đã nóng dưới gót chân, tôi thong thả đi xuống, đi len lỏi vào các vườn chè, sắn rồi đến bờ sông Cống, tìm một chỗ bóng mát ngồi nghỉ. Tôi ngả mình trên cỏ nằm mơ màng đếm cái tiếng kêu của chim gáy ở tận đâu xa xa. Tất cả buổi, tôi chỉ quanh quẩn ở ngoài đồi, trông và nghe không biết mỏi. Chiều đến, tôi lắng nghe luồng gió thì thào trong cành lá, hay đứng trên đồi nhìn sương mù từ từ bốc lên mặt sông. Tôi lần theo những con đường bằng cỏ ướt đó tìm trong bờ giậu cái điểm sáng của con sâu đêm. Tôi ngẩng nhìn vì sao lấp lánh trên không, dải Ngân hà mờ sáng và tìm ông Thần Nông …”. Tâm trạng lo lắng về hàng quán không gạt bỏ khỏi Liên những cảm xúc trước thiên nhiên. “Qua khe lá của cành bàng ngôi sao vẫn lấp lánh, một con đom đóm bám vào dưới mặt lá vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy, rồi

hoa rụng xuống vai Liên khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một. Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu” (Hai đứa trẻ).

Dường như thiên nhiên, cảnh trí, bầu không khí bao quanh nhân vật với đủ màu sắc mùi vị, âm thanh đã tạo nên sự êm đềm, hài hòa trong tác phẩm. Sự hài hòa ấy là điểm tựa của con người, giữa nó với thế giới được nối với nhau bởi sợi dây bền chặt của mối giao hòa tuyệt vời, vô hình đấy mà hiện hữu đấy. Có khi chỉ trong một hình ảnh thoáng qua, một cảnh nhỏ ở sáng tác của Thạch Lam cũng mang một nét riêng ý vị về cảnh sắc thiên nhiên và con người của dân tộc: “Thanh bước dưới giàn thiên lý. Có tiếng người đi và bà chàng mái bạc phơ, chống gậy trúc ở ngoài vườn vào…” (Dưới bóng hoàng lan) hoặc cảnh một buổi sáng thôn quê: “Qua giậu thưa thấp thoáng người đi chợ sớm, tiếng cười nói vang lên với tiếng đòn gánh kĩu kịt vì những bao gạo nặng” (Buổi sớm).

Có thể nói, cái đẹp trong tác phẩm Thạch Lam là cái đẹp trinh nguyên của thiên nhiên, của bầu không khí bao quanh nhân vật - cái bầu không khí đặc biệt mà thiếu nó con người có nguy cơ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Ta có thể nhắm mắt mà hình dung theo cảm giác của Thạch Lam tới những vẻ đẹp tự nhiên, gần gũi xung quanh. Không có gì to tát nhưng đằm sâu sự hài hòa tuyệt vời giữa con người và thiên nhiên. Một bức tranh thiên nhiên giàu chất thơ êm ả, đượm buồn, thấm đẫm cảm xúc trìu mến, nâng niu mà nhà văn luôn luôn nặng tình với những gì là biểu hiện linh hồn nông thôn Việt Nam, hồn xưa dân tộc.

Đó là dưỡng khí tinh thần của con người mà Thạch Lam đã “chắt chiu cái đẹp” (Bùi Việt Thắng) cho đương thời và hậu thế.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Văn xuôi Thạch Lam dưới góc nhìn văn hóa (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)