2.2. Đánh giá chất lượng định hướng dư luận xã hội của Đài Phát thanh,
2.2.2.3. Thông tin định hướng lĩnhvực văn hóa, y tế, giáo dục
- Văn hóa:
Mùa xuân, mùa của lễ hội, do vậy bên cạnh việc thông tin về những lễ hội truyền thống với nhiều trò dân gian, báo HNM và đài PT-TH HN còn tích cực tuyên truyền phê phán những phong tục tập quán cổ hủ, lạc hậu, những thói mê tín dị đoan… Nhằm giúp cho nhân dân có những cái nhìn đúng đắn hơn về thế giới tâm linh, về những chiêu lừa đảo, kiếm lời của những thành phần lợi dụng tâm linh để làm tiền.
Nổi bật trong năm 2007, sự kiện “Thánh vật sông Tô Lịch” và “Đàn xã Tắc” trên một số báo của Trung ương đã thật sự gây hoang mang cho người dân xung quanh khu vực này. Song, với vai trò là báo, đài của Thủ đô, nơi có sông Tô Lịch và Đàn xã tắc, báo HNM, HNM điện tử và đài PT-TH HN đã có những bài thông tin, trong đó có phân tích, nêu lên ý kiến của các nhà khoa học, góp phần định hướng tư tưởng, tâm lý cho người dân Hà Nội, nhất là
những người dân sống quanh khu vực này. Báo HNM ngày 23/4/2007 đã có bài “Chuyện Thánh vật ở sông Tô Lịch”.
Trong lĩnh vực văn hóa, từ năm 2005, các báo HNM, đài PT-TH HN có những chuyên mục, chương trình tuyên truyền, cổ vũ nhân dân xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trong đó, các chuyên mục của báo HNM và đài PT-TH HN như “Hà Nội của chúng ta”, “Xứng danh Thủ đô anh hùng”, “Hà Nội phố”, “Hà Nội ngàn năm văn hiến”… thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thanh lịch của người Tràng An, nhằm giáo dục nhận thức và phát huy những giá trị đó trong đời sống hiện đại.
Qua đó, giúp công chúng – là những người dân sống trên địa bàn Hà Nội hiểu hơn và sẽ có ý thức hơn trong việc phấn đấu với những giá trị văn hóa tốt đẹp vốn có của người Hà Nội. Bài “Trao đổi về nét văn hóa Hà Nội thanh lịch, văn minh” phát trên sóng truyền hình Hà Nội (tháng 8/2006) được xem là một trong những bài có tác dụng tuyên truyền, định hướng tốt về giá trị văn hóa này.
Công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của di tích lịch sử, nổi bật từ năm 2004 đến nay là sự kiện phát hiện di tích Hoàng thành Thăng Long trên đường Hoàng Diệu. Có nhiều bài viết, giới thiệu với công chúng về lịch sử của di tích này và nêu lên những trăn trở của nhân dân trong việc bảo vệ phần lộ thiên của Hoàng Thành. Bên cạnh đó, báo HNM và đài PT-TH HN trong các chuyên mục về Thăng Long – Hà Nội, còn có nhiều bài viết, chương trình về việc bảo tồn giá trị khu phố cổ Hà Nội.
- Y tế:
Trong lĩnh vực y tế, nổi bật lên là vấn đề y đức. Bên cạnh những bài viết, biểu dương gương tập thể, cá nhân cán bộ, y bác sĩ tiêu biểu trong việc chăm sóc bệnh cho nhân dân. Đặc biệt, qua các đại dịch lớn, có nhiều y, bác
sĩ, tập thể bệnh viện được biểu dương về tinh thần dũng cảm, không quản ngại khó khăn, tận tình cứu chữa bệnh nhân mắc dịch; phản ánh sự quan tâm và những nỗ lực của ngành y tế Thủ đô trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những tiêu cực trong ngành y được phản ánh thẳng thắn.
Trong những năm gần đây, sự xuất hiện và lây lan của nhiều loại dịch bệnh ở người và gia cầm hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý và cuộc sống của cả cộng đồng, như H5N1, cúm gia cầm, tiêu chảy cấp, các dịch cúm, sốt theo mùa… Báo HNM và đài PT-TH HN đã tích cực tuyên truyền về tình hình diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Qua đó, giúp cho nhân dân có nhận thức đúng đắn về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và có ý thức hơn trong chủ động phòng chống dịch bệnh.
Báo HNM và đài PT-TH HN có nhiều bài viết tuyên truyền về chủ trương của các cấp, các ngành từ Trung ương tới Thành phố về cấm vận chuyển, mua bán gia cầm; chủ trương kiểm soát kiểm dịch đối với gia súc gia cầm; kiểm soát về vệ sinh môi trường sống và vệ sinh an toàn thực phẩm… Có những bài có ý nghĩa thức tỉnh nhận thức của nhân dân và các ngành các cấp như: Bài “Tăng cường cảnh giác với các dịch bệnh là vấn đề cấp thiết” (đăng trên báo HNM ngày 8/8/2006). Qua sự tuyên truyền định hướng đó, nhân dân có phần nâng cao hơn ý thức bảo vệ sức khỏe bằng nhiều biện pháp, do vậy nhiều bệnh dịch trên địa bàn Hà Nội được ngăn chặn và đẩy lùi. Có những bài viết mang tính “mệnh lệnh”, nhưng lại có ý nghĩa thuyết phục nhận thức của nhân dân. Có rất nhiều bài viết tuyên truyền công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm tuýp A H5N1 ở người (năm 2005).
- Giáo dục:
Báo HNM và đài PT-TH HN thường xuyên thông tin định hướng về những chủ trương, chính sách của Nhà nước, của Thành phố trong lĩnh vực
giáo dục và đào tạo, như vấn đề học phí, cơ sở vật chất, các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thi cử, tổ chức học của các cấp… Đài PT-TH HN tháng 8/2006 có bài “Vấn đề phân ban Phổ thông trung học”, phân tích những ưu, hạn chế và những bất cập nảy sinh trong thực hiện phân ban ở cấp phổ thông trung học trên địa bàn Hà Nội;Vấn đề giáo dục được chú trọng tuyên truyền đậm nét vào các dịp năm học mới và các mùa thi, giúp phụ huynh và học sinh có thêm thông tin, như giới thiệu những nét mới trong các kỳ thi tuyển sinh, các địa điểm thi tuyển, chủ trương phân ban ở cấp Trung học cơ sở...
Bên cạnh việc biểu dương những cá nhân, tập thể giáo viên và nhà trường tốt, các báo đài trên còn phát hiện và phê phán những cá nhân, tập thể chưa tốt trong ngành giáo dục, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời giúp cho phụ huynh, học sinh có quyết định đúng đắn khi chọn trường. Có nhiều bài viết đề cập tới những tiêu cực, hạn chế trong giáo dục, có nhiều bài viết thẳng thắn phê phán về những sai phạm, chất lượng trong ngành giáo dục và quản lý giáo dục. Báo HNM (22/11/2007) có bài “Chất lượng giáo dục có phụ thuộc vào học phí?”, bàn về việc tăng học phí và học phí cao ở một số trường dân lập, song chất lượng giáo dục thực tế không phù hợp với học phí đó. Báo HNM ngày 2/8/2006 có đăng bài “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục – cần làm và có thể làm được”; ngày 23/8/2006, báo HNM có bài “Đổi mới công tác thi đua để nói không với bệnh thành tích trong giáo dục thật là mệnh lệnh của cuộc sống”. Có thể nói đây là một trong những “căn bệnh trầm kha” của ngành giáo dục nhiều năm nay. Việc chạy theo thành tích kéo theo nhiều tiêu cực trong giáo dục, thậm chí để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nhiều thế hệ học sinh.
Dịch vụ giáo dục khi mùa thi đến gần luôn là chủ đề nóng trong những tháng hè, báo HNM và đài PT-TH HN có nhiều bài viết về vấn đề này. Tiêu biểu với những bài: “Nóng bỏng mùa luyện thi” đăng trên báo HNM ngày
15/3/2007, cho biết các địa điểm luyện thi đang khởi động, song không được kiểm soát, nên chất lượng luyện thi vẫn không như mong muốn của thí sinh và phụ huynh. Báo HNM ngày 13/4/2006 đăng bài “Ba giảm ở các lò luyện thi”…
Vấn đề tuyên truyền giáo dục cho học sinh trong thời đại hiện nay, không chỉ rèn chữ, mà còn cả rèn người, đặc biệt là giáo dục lối sống cho lớp trẻ. Có thể điểm trên báo HNM (6/1/2004), có các bài “Giáo dục cái tôi trong nhân cách trẻ”, bài “Các em cũng cần được lắng nghe”, đã đưa ra những phương pháp giáo dục hoàn thiện cả nhân cách và học vấn của học sinh; nhiều bài có tính giáo dục cho lứa tuổi học sinh, sinh viên về lối sống lành mạnh, như bài “Để tuổi trẻ học đường nói không với ma túy” đăng trên HNM 26/6/2005, bài “Ngăn chặn đại dịch lắc phải thắt chặt tam giác: Nhà trường – gia đình và xã hội” (HNM 25/6/2005)… những bài viết đã đưa ra nhiều giải pháp có giá trị giáo dục lối sống cho giới trẻ.