ĐỐI VỚI BÁO CHÍ KỂ TỪ ĐẠI HỘI IX CỦA ĐẢNG ĐẾN NAY
Đại hội lần thứ IX của Đảng chỉ ra nhiệm vụ của báo chí là “báo chí xuất bản… làm tốt chức năng tuyên truyền thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện những nhân tố mới, cái hay, cái đẹp trong xã hội, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những điển hình tiên tiến, phê phán các hiện tượng tiêu cực, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm sai trái; coi trọng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của thông tin… Khắc phục khuynh hướng “thương mại hoá” trong hoạt động báo chí, xuất bản. Nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, ý thức trách nhiệm, trình độ văn hoá và nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của đội ngũ báo chí, xuất bản”.
Ở nhiệm kỳ khóa IX, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết 16-NQ/TW “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, trong đó nhấn mạnh đến yêu cầu “nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền cổ động, báo chí – xuất bản, văn hóa – văn nghệ, thông tin đối ngoại”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành một số Chỉ thị, thông báo nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí. Trong đó, Thông báo 162 TB/TW (1/12/2004) của Bộ Chính trị “về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí trong tình hình mới” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với báo chí nước ta.
Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định “phát triển mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản và phát hành sách trên tất cả các vùng, chú ý nhiều hơn đến vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Do vậy, báo chí luôn được sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng.
Để nâng cao vai trò của các cấp uỷ Đảng trong cơ quan báo chí, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 165-QĐ/TW (21/4/2006) Về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí. Tại Quy định này có khẳng định “Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan báo chí là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng biên, biên tập viên, phóng viên và những người lao động khác trong cơ quan thực hiện đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tôn chỉ, mục đích của báo, đài, tạp chí…”.
Ngày 2-6/7/2007, Hội nghị lần thứ V, Ban chấp hành Trung ương khóa X đã thảo luận Đề án Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới và đã ra Nghị quyết về “Công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và hết sức cần thiết, kịp thời, đáp ứng những đòi hỏi mới của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Hội nghị đã khẳng định “Báo chí tuy chỉ là một bộ phận của công tác tư tưởng, nhưng lại là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong hoạt động tư tưởng”.
Ngày 21/8/2007, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quyết định số 75-QĐ/TW, “Về việc ban hành Quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”, khẳng định: “Đảng thống nhất và trực tiếp chỉ đạo công tác báo chí, đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với báo chí; Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí”. Tại Quyết định này, quy định rất cụ thể về trách
nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí và các tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm; quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm; miễn nhiệm đối với lãnh đạo của các cơ quan báo chí.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 219/2005/QĐ-TTg, phê duyệt “Chiến lược phát triển thông tin tuyên truyền đến năm 2010”. Trong chiến lược có khẳng định việc “Xây dựng chiến lược phát triển thông tin của mỗi quốc gia là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Thành công hay thất bại của một quốc gia tuỳ thuộc rất lớn vào khả năng làm chủ, chiếm được lợi thế thông tin. Để bảo vệ quyền lợi thiết thực của mình trong các hoạt động chung trên thế giới, các quốc gia hay tổ chức quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm những thông tin có giá trị nhất phục vụ cho mục tiêu hoạt động của mình. Trên thực tế, thông tin đã từng được coi là yếu tố quyết định sự thành bại của một tổ chức. V.I Lênin đã từng khẳng định: “Không có thông tin thì không có thắng lợi trong bất cứ lĩnh vực nào, cả khoa học, kỹ thuật và sản xuất””. Phạm vi thông tin được đề cập trong Chiến lược này chủ yếu là các loại hình thông tin thuộc chức năng quản lý của ngành văn hoá thông tin, được xếp theo phương thức thể hiện. Đó là: thông tin bằng chữ viết, thông tin bằng tiếng nói, thông tin bằng hình ảnh và thông tin trên mạng internet (đa phương tiện).
Những văn bản Chỉ thị, Quyết định trên thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng đối với báo chí. Đó chính là sự chỉ đạo về mặt lý luận đối với báo chí. Những lý luận đó được tổng kết từ thực tiễn hoạt động báo chí và cũng chính là động lực để báo chí ta phát triển, đúng hướng.
Về phía Thành phố, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII đã chỉ rõ: Phát triển hệ thống thông tin đại chúng, phục vụ tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội Thủ đô; nâng cao nhận thức tư tưởng, cập nhập thông tin, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá lành mạnh của nhân dân. Làm tốt công
tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản theo tinh thần Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 25 của Thành uỷ (khoá XII) bảo đảm cho báo chí, xuất bản thật sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Nối tiếp những quan điểm chỉ đạo có tính lý luận và thực tiễn của Thành uỷ từ các nhiệm kỳ trước, như Chỉ thị 25/CT/TU (năm 1997); Thông báo số 167-TB/TU (2000) về nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí Thủ đô vì sự nghiệp công nghiệp hóa; Thông báo số 186-TB/TU (2002) về một số biện pháp xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ phóng viên báo đài Hà Nội; Thông báo số 623-TB/TU (26/9/2005); Thông báo số 640 (14/11/2005). Gần đây, Thành ủy đã ban hành Chương trình 23-CTr/TU (24/10/2007), đây là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Khóa X “về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”. Các văn bản trên đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính chỉ đạo toàn diện hệ thống báo chí Hà Nội.
Xác định tầm quan trọng của việc định hướng dư luận xã hội, ngày 7/5/2001, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU “Về phát triển hệ thống mạng lưới nghiên cứu dư luận xã hội của Thành phố”, nhằm nghiên cứu, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên địa bàn Thành phố, trong đó có dư luận báo chí.