Bản chất giai cấp của nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm của chủ nghĩa mác lênin về nhà nước với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam (Trang 37 - 40)

1.2. Quan điểm của V.I Lênin về nhà nƣớc

1.2.1. Bản chất giai cấp của nhà nước

Lênin tiếp tục quan điểm của Mác và Ăngghen để khẳng định rằng, nhà nước là một hiện tượng lịch sử, sự tồn tại và tiêu vong của nhà nước là có điều kiện và tuỳ thuộc vào những điều kiện đó. Nói một cách cụ thể, chỉ có trong xã hội có giai cấp, nhà nước mới tồn tại và phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội bằng cách trở thành một công cụ trấn áp trong tay một giai cấp nhất định. Lênin viết: “nhà nước chỉ là một tổ chức thống trị của một giai cấp”[46, tr. 303], và nhấn mạnh: “bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác, rằng nền cộng hoà tư sản dân chủ nhất cũng là một bộ máy để giai cấp tư sản áp bức giai cấp vô sản”[49, tr. 122]. Rõ ràng, Lênin đã tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh quan điểm của Mác và Ăngghen về bản chất giai cấp của nhà nước, của dân chủ.

Tiếp tục phát triển quan điểm của Mác và Ăngghen về đặc trưng của nhà nước là quyền lực công cộng thoát ly xã hội, trở thành cái đối lập với xã hội, song Lênin không phân biệt hai lớp nghĩa của khái niệm nhà nước, nghĩa là không phân biệt nhà nước chính trị và nhà nước với tư cách là xã hội được tổ chức theo cách xác định, mà chỉ sử dụng khái niệm “nhà nước” để chỉ bộ máy nhà nước trong xã hội có giai cấp. Lênin viết: “đặc trưng của nhà nước là sự tồn tại của một giai cấp đặc biệt, tập trung quyền lực trong tay. Dĩ nhiên, không ai có thể dùng hai tiếng nhà nước để gọi một cộng đồng, trong đó tất cả mọi thành viên đều thay phiên nhau quản lý „tổ chức của trật tự‟”[42, tr. 550]. Chính đặc trưng: sự tập trung quyền lực chính trị trong tay một giai cấp đặc biệt là cái phân biệt nhà nước với mọi hình thức tổ chức xã hội khác. Vì thế, theo Lênin: “trong mọi cộng đồng của loài người, trong chế độ thị tộc cũng như trong gia đình, đều có quyền lực cưỡng bức, nhưng đấy chưa phải là nhà nước”[42, tr. 549]. Sự tập trung quyền lực chính trị vào tay một giai cấp đặc biệt cũng là một phương diện thể hiện bản chất giai cấp của nhà nước.

Sự tập trung quyền lực chính trị vào trong tay một giai cấp đặc biệt đã đưa loài người đến một sự lựa chọn:

“Nếu quyền lực chính trị trong nước nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi phù hợp với quyền lợi của đa số, thì mới có thể thực hiện

việc điều khiển công việc quốc gia thực sự theo đúng nguyện vọng của đa số. Nhưng nếu quyền lực chính trị nằm trong tay một giai cấp có quyền lợi khác với quyền lợi của đa số, thì việc điều khiển công việc của quốc gia theo nguyện vọng của đa số không khỏi trở thành một sự lừa gạt, hoặc đưa đến chỗ đàn áp đa số ấy”[48, tr. 52].

Sự lựa chọn mà Lênin nói tới ở đây chính là sự lựa chọn giữa hai hình thức nhà nước khác nhau về bản chất, một hình thức là nhà nước mà trong đó quyền lực chính trị thuộc về đa số, và một hình thức khác là quyền lực chính trị thuộc về thiểu số.

Theo Lênin: “Quyền chính trị là gì, nếu không phải là cách diễn đạt, là việc ghi nhận so sánh lực lượng”[44, tr. 150]. Đây chính là sự phát triển quan điểm của Mác và Ăngghen về quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác.

Quan điểm về bản chất giai cấp của nhà nước thể hiện tập trung trong định nghĩa của Lênin về nhà nước:

“Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Bất cứ đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn không thể điều hoà được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hoà được”[47, tr. 9].

Tóm lại, trong xã hội phân chia thành giai cấp đối kháng, nhà nước luôn mang trong mình bản chất giai cấp, nghĩa là công cụ của giai cấp nắm giữ tư liệu sản xuất, nắm giữa quyền lực kinh tế trong nền sản xuất xã hội.

Quan điểm của Lênin về bản chất giai cấp của nhà nước còn thể hiện rõ hơn trong những luận giải của ông về các đặc trưng của nhà nước. Tiếp nối quan điểm của Ăngghen về hai đặc trưng cơ bản của nhà nước là “phân chia thần dân của nó theo địa vực”, và “thiết lập một quyền lực công cộng”[67, tr. 253], Lênin đã đi sâu phân tích đặc trưng về “quyền lực công cộng” của nhà nước. Ông chỉ ra rằng, chính do nắm được quyền lực công cộng và các quyền lực kinh tế khác gắn với quyền sở

hữu tư liệu sản xuất, giai cấp thống trị đã được đặt “lên trên” xã hội, được bảo đảm bằng những đạo luật đặc biệt, khiến cho họ trở thành “đặc biệt thần thánh và đặc biệt bất khả xâm phạm”. Tính chất tự nguyện và tôn kính của người lãnh đạo xã hội trước khi nhà nước xuất hiện đã bị thay thế bởi tính chất ép buộc và những công cụ ép buộc đầy sức mạnh. Lênin đã chỉ ra những công cụ chủ yếu của quyền lực công cộng lúc này đã nắm trong tay một bộ phận xã hội, đó là “quân đội thường trực” và “cảnh sát”. Ông vạch trần bản chất giai cấp của nhà nước vốn thể hiện sâu sắc ở sự ra đời và chức năng của các công cụ nói trên song lại luôn bị các lý luận gia tư sản che đậy:

“Nhà nước hình thành, một lực lượng đặc biệt, tức là những đội vũ trang đặc biệt được tạo ra, và mỗi cuộc cách mạng, khi phá hủy bộ máy nhà nước, đã chỉ ra cho ta thấy cuộc đấu tranh giai cấp lộ liễu, đã chỉ ra hết sức rõ ràng cho ta thấy giai cấp thống trị cố dựng lại những đội vũ trang đặc biệt phục vụ , còn giai cấp bị áp bức cố tạo ra một tổ chức mới, cùng một loại như thế, có thể phục vụ những người bị bóc lột, chứ không phục vụ giai cấp bóc lột”[47, tr. 13].

Có một vấn đề cần lưu ý rằng, chính vì xuất phát từ cách tiếp cận duy vật biện chứng về lịch sử đối với vấn đề nhà nước, nên Lênin đã đi tới nhấn mạnh về bản chất giai cấp của nhà nước. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ cách tiếp cận này, thì không thể không đi tới quan điểm về nhà nước tiêu vong.

Nếu như xã hội đã từng tồn tại và không cần sự có mặt của nhà nước, thì cùng với sự phát triển của sản xuất, xã hội loài người sớm muộn cũng sẽ đạt tới trình độ loại bỏ nhà nước như một vật thừa. Lênin quan niệm rằng, mục đích cuối cùng mà chúng ta theo đuổi, là thủ tiêu nhà nước, nghĩa là thủ tiêu mọi bạo lực có tổ chức và có hệ thống, mọi bạo lực, nói chung, đối với con người. Chúng ta không mong có một chế độ xã hội mà trong đó nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số sẽ không được tuân theo. Nhưng khi hướng đến chủ nghĩa xã hội, chúng ta tin chắc rằng chủ nghĩa xã hội sẽ chuyển thành chủ nghĩa cộng sản, và do đó, nói chung sẽ không còn cần thiết phải dùng bạo lực đối với con người, không cần thiết phải buộc

người này phục tùng người khác, bộ phận dân cư này phục tùng bộ phận dân cư khác, vì người ta quen tuân theo những điều kiện thông thường của đời sống tập thể, mà không cần có bạo lực không cần có sự phục tùng [47, tr. 102]. Khi đó nhà nước sẽ tự tiêu vong!

Đóng góp của Lênin trong vấn đề này chính là ở chỗ, ông đã có những luận giải cụ thể hơn, vì thế đã chỉ rõ rằng, không phải nhà nước nào cũng có thể tiêu vong. Chỉ có nhà nước vô sản mới có thể đi tới kết quả này. Và sự tiêu vong của nhà nước vô sản là “tự tiêu vong”. Cơ sở quan trong nhất để nhà nước vô sản có thể tự tiêu vong là cơ sở kinh tế, và “cơ sở kinh tế làm cho nhà nước tiêu vong hoàn toàn là chủ nghĩa cộng sản đạt tới một trình độ phát triển cao”, tức là khi xã hội đã thực hiện được nguyên tắc “làm hết năng lực, hưởng theo nhu cầu”, nghĩa là khi con người ta đã rất quen tôn trọng những quy tắc cơ bản của đời sống chung trong xã hội, và năng suất lao động của người ta đã lên cao đến mức người ta sẽ “tự nguyện làm hết năng lực”[47, tr. 118]. Quá trình đi tới giai đoạn nhà nước tự tiêu vong là một quá trình rất lâu dài, tùy thuộc vào tốc độ phát triển của nền sản xuất xã hội. Về mặt xã hội, nhà nước tự tiêu vong là sự phản ánh “tập trung” đặc trưng nhân đạo chủ nghĩa trong quan hệ xã hội. Nếu nhà nước trong chế độ tư bản của nghĩa và các chế độ xã hội dựa trên đối kháng giai cấp trước kia là công cụ trấn áp nhằm giữ cho

thiểu số có thể thống trị được đa số, thì một khi chính quyền đã về tay nhân dân, với sức mạnh vốn có của mình, nhu cầu phải tạo ra và sử dụng những công cụ đặc biệt để trấn áp thiểu số của đa số sẽ giảm dần, tiến tới tiêu vong. Thay vào đó là nhu cầu về những cơ quan tổ chức nền sản xuất xã hội, tổ chức đời sống xã hội để phát huy cao độ năng lực của tất cả mọi người. Đây vừa là một biểu hiện, vừa là một cơ sở quan trọng góp phần làm cho nhà nước vô sản tự tiêu vong.

Tất nhiên, nhà nước vô sản không phải tự tiêu vong ngay lập tức, mà sẽ còn phải trải qua giai đoạn nhà nước chuyên chính vô sản.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan điểm của chủ nghĩa mác lênin về nhà nước với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa việt nam (Trang 37 - 40)