Hình thức xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và nghiên cứu một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 27 - 30)

1.3. Khái quát pháp luật về xử lý VPHC trong lĩnh vực đất đai hiện hành.16

1.3.5. Hình thức xử phạt VPHC trong lĩnh vực đất đai

Nghị định 105/2009/NĐ-CP quy định các hình thức xử phạt VPHC trên cơ sở các hình thức xử phạt được quy định trong Pháp lệnh xử lý VPHC, bao gồm: hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả.

1.3.5.1. Hình thức xử phạt chính

Theo quy định tại chương II của Pháp lệnh xử lý VPHC hiện hành và Điều 5 của Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, đối với mỗi VPHC, chủ thể vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính đó là: phạt cảnh cáo và phạt tiền.

Phạt cảnh cáo được áp dụng đối với chủ thể: “VPHC nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi VPHC do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện”[9], phạt cảnh cáo phải được quyết định bằng văn bản.

Phạt tiền được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm VPHC trong lĩnh vực đất đai có đầy đủ các yếu tố cấu thành trách nhiệm hành chính và không thuộc các trường hợp phạt cảnh cáo. Người bị phạt tiền do VPHC trong lĩnh vực đất đai sẽ phải nộp tiền phạt vào “tài khoản tạm thu, tạm giữ do cơ

quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước” [9] được ghi trong quyết định xử phạt VPHC.

1.3.5.2. Hình thức xử phạt bổ sung

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP quy định chủ thể VPHC trong lĩnh vực đất đai còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC; tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá đất; cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Pháp lệnh xử lý VPHC hiện hành chỉ quy định hai hình thức xử phạt bổ sung đó là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Nghị định số 182/2004/NĐ-CP chỉ quy định một hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Như vậy, Nghị định số 105/2009/NĐ-CP đã bổ sung thêm hai hình thức xử phạt bổ sung đó là tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề định giá và cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Mặc dù, pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định về trình tự thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề định giá đất. Nhưng nhà làm luật đã dự liệu trước các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực định giá đất để điều chỉnh.

Tuy nhiên, đối với hình thức xử phạt bổ sung là cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo chúng tôi là không phù hợp với quy định của Pháp lệnh xử lý VPHC hiện hành và Bộ Luật Hình sự năm 1999. Bởi vì, Pháp lệnh xử lý VPHC hiện hành không quy định về hình thức xử phạt bổ sung này. Ngoài ra, hình thức xử phạt này chưa được bất cứ Nghị định về xử phạt VPHC nào áp dụng. Hơn nữa, hình thức xử phạt cấm hành nghề [23] là một trong những hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 28 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 và chỉ có Bộ Luật Hình sự mới được quy định về tội phạm và hình phạt.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính đối với những hành vi VPHC có quy định hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, hình thức xử phạt tịch thu tang vật VPHC chỉ được quy định tại khoản 3 Điều 10, điểm a khoản 3 Điều 11, khoản 5 Điều 13, khoản 3 Điều 18; hình thức xử phạt bổ xung là tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề chỉ được áp dụng đối với khoản 3 Điều 22; hình thức xử phạt bổ sung cấm hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ được áp dụng tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP.

1.3.5.3. Các biện pháp khắc phục hậu quả

Khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh xử lý VPHC quy định ngoài các hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung, chủ thể VPHC còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do VPHC gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do VPHC gây ra; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại; biện pháp khắc phục hậu quả khác do người có thẩm quyền quyết định áp dụng theo quy định của Chính phủ [34].

Là lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước chuyên ngành nên không phải biện pháp khắc phục hậu quả nào nêu trên cũng phù hợp với lĩnh vực đất đai. Trước đây, Nghị định số 182/2004/NĐ-CP chỉ quy định một biện pháp khắc phục hậu quả duy nhất là buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP quy định 06 biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng trong xử phạt VPHC về đất đai bao gồm:

Thứ nhất, buộc khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm (chỉ được áp dụng theo quy định tại: khoản 6 Điều 8, khoản 4 Điều 9, khoản 3 Điều 10, điểm b khoản 3 Điều 11, khoản 5 Điều 13);

Thứ hai, buộc khắc phục tình trạng làm suy giảm đất, khắc phục việc thải chất độc hại vào đất (chỉ được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 10);

Thứ ba, buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (chỉ được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 14);

Thứ tư, tịch thu lợi ích có được do vi phạm (chỉ được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 13);

Thứ năm, buộc phải thực hiện đúng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về đất đai (chỉ được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 15);

Thứ sáu, buộc phải cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu và chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra (chỉ được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 21).

Cũng giống như việc áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính đối với những hành vi VPHC có quy định biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong Nghị định số 105/2009/NĐ-CP, trừ trường hợp hết thời hiệu xử phạt VPHC mà hành vi VPHC chưa bị xử phạt thì người có thẩm quyền không thực hiện xử phạt VPHC mà áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 4 Điều 6 Nghị định số 105/2009/NĐ-CP).

Một phần của tài liệu đánh giá thực trạng và nghiên cứu một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại tỉnh vĩnh phúc (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(88 trang)
w