Nâng cao năng lực của cán bộ thư viện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đổi mới hoạt động thông tin thư viện đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ tại đại học quốc gia hà nội (Trang 97 - 101)

3.3.1 Nâng cao kỹ năng tổ chức và quản lý nguồn tin hiện đại

Có thể nói trình độ và năng lực của cán bộ thông tin- thư viện là những yếu tố vô cùng quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các dịch vụ được

cung cấp cho người dùng tin. Do đó việc xây dựng hệ thống thông tin- thư viện hiện đại đòi hỏi người cán bộ thông tin- thư viện ngoài các kiến thức chuyên môn phải được cập nhật, phát triển và hoàn thiện các năng lực mới như có kiến thức về tin học văn phòng, phần mềm và các thiết bị tin học, biết sử dụng thành thạo máy tính để xử lý, quản lý, bảo trì và khai thác các nguồn tài liệu, trong đó có nguồn tài liệu điện tử, biết cách cung cấp tài liệu điện tử qua mạng, biết cách phổ biến kiến thức và kỹ năng cho đồng nghiệp và người dùng tin và đội ngũ cán bộ giảng dạy và sinh viên. Người cán bộ thông tin thư viện ngày nay không chỉ đơn thuần là người lưu giữ và cho mượn tài liệu, mà là những cán bộ đa năng có khả năng xử lý, phổ biến, dẫn dắt người đọc đến với nguồn thông tin cần thiết.

Cán bộ thư viện, với vai trò là người hỗ trợ cho giảng viên, cần tư vấn cho sinh viên trong việc xác định nhu cầu thông tin của mình, lập danh sách từ khóa, xác định các nguồn tin liên quan đến môn học, hướng dẫn nguồn tin cần truy cập để thu thập thông tin cần thiết (truyền thống + điện tử), xây dựng các chiến lược tìm tin đơn giản sử dụng toán tử AND; OR; NOT, áp dụng các chiến lược tìm tin này vào việc tìm kiếm thông tin trong OPAC và các CSDL thư mục, các trang Web, báo, tạp chí. Cán bộ thư viện cần tư vấn cho sinh viên cách thức phân tích, tổng hợp thông tin, nhận xét đánh giá một cách có phê phán về chất lượng, tầm quan trọng của thông tin và sự phù hợp với nhu cầu/chủ đề đang theo học, suy nghĩ một cách có phê phán các thông tin thu thập được trong các tình huống khác nhau. Cán bộ thư viện cần hướng dẫn sinh viên rèn luyện các kỹ năng cần có khi tự học, tự nghiên cứu như: kỹ năng thu thập thông tin, kỹ năng lọc tin phù hợp với nhu cầu trên cơ sở đánh giá sự phù hợp, kỹ năng suy xét có phê phán.

Việc xây dựng các trung tâm thông tin – thư viện hiện đại, có nguồn tài nguyên thông tin đa dạng và phong phú được cập nhật thường xuyên theo chương trình đào tạo để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của học chế tín chỉ tại các trường đại học đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ thư viện theo hướng chuẩn nghề nghiệp, được đào tạo họ thật sự trở thành những hoa tiêu trên đại dương tri thức và thông tin. Các chuyên gia thông tin này chính là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của việc đổi mới hoạt động thông tin-thư viện theo phương thức đào

tạo tín chỉ. Họ sẽ góp phần đào tạo ra những con người có khả năng suy nghĩ độc lập, tự tin, tự định hướng, tự kiểm soát tốt hơn quá trình học tập của mình, tạo thói quen sử dụng nguồn tài nguyên thông tin trong các thư viện để có thể học tập suốt đời, tiếp thu kiến thức một cách chủ động và trau dồi khả năng nghiên cứu, biết cách xác định và sử dụng các nguồn tin một cách có hiệu quả.

Thứ nhất: Trang bị và tập huấn các kiến thức về các tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn: Chuẩn nhập liệu, chuẩn tìm kiếm liên thông, chuẩn mượn liên thông. Sử dụng Z39.50 tiêu chuẩn quốc tế về nhập dữ liệu với mục đích: Các thư viện có thể sử dụng tài nguyên của thư viện khác bằng cách nhập dữ liệu như các biểu ghi đã được biên mục từ các thư viện khác về thư viện mình. Dùng Z39.50 sẽ tiết kiệm thời gian và công sức của cán bộ thư viện trong việc xử lí thông tin và tài liệu.

Thứ hai: nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện (có thể sử dụng được các phần mềm cơ bản như Words, Exel, Photoshop.. và các phần mềm chuyên dụng cho thư viện). Hiện nay Trung tâm đã và đang triển khai phần mềm thư viện điện tử Virtua với các tính năng hiện đại, đòi hỏi cán bộ thư viện phải cập nhật để đáp ứng nhu cầu công việc trong giai đoạn mới.

Thứ ba: Nâng cao khả năng sử dụng các trang thiết bị hiện đại để khai thác các nguồn tin, đặc biệt là nguồn tin điện tử bao gồm các CSDL thư mục và CSDL toàn văn…

3.3.2. Nâng cao kỹ năng tổ chức các sản phẩm và dịch vụ TT-TV

Xây dựng và phát triển thư viện điện tử hiện đại đòi hỏi người cán bộ thư viện phải biết tổ chức, vận hành, khai thác các sản phẩm CNTT một cách thông thạo; chấp hành nghiêm túc các yêu cầu có tính chất bắt buộc của thao tác CNTT; phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu của quy trình CNTT về xử lý tài liệu của thư viện; phải chủ động tìm cách xử lý mọi công việc bằng máy tính, không sử dụng các thao tác thủ công.

Năng lực của người thực hiện dịch vụ hay các kỹ năng người cung cấp dịch vụ thông tin phải có:

- Được đào tạo đúng chuyên môn nghiệp vụ.

- Kỹ năng giao tiếp với NDT (khả năng hiểu đầy đủ và chính xác nhu cầu của người dùng tin)

- Có khả năng sắp xếp, trình bày các nguồn tài liệu sao cho mỗi khi độc giả cần tìm đến nguồn tài liệu nào là phải sẵn sàng đáp ứng, nhất là các dịch vụ thông tin- thư viện.

- Người cán bộ thư viện phải hỗ trợ tích cực cho người sử dụng trong việc tra tìm tài liệu, cung cấp thông tin cho người sử dụng, hướng dẫn người sử dụng trong từng bước tra tìm thông tin và trình bày cho người sử dụng các nguồn tài liệu để có thể thỏa mãn cho việc tìm hiểu, nghiên cứu một đề tài nào đó. Ở đây, người cán bộ thư viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong trong việc xây dựng nguồn học liệu điện tử phục vụ đào tạo của nhà trường.

3.3.3 Nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ

- Cán bộ thư viện cần có khả năng sử dụng ngoại ngữ để có thể tổng hợp tin từ nhiều nguồn tài liệu và hiểu rõ tâm lý NDT, giúp NDT vượt qua rào cản ngôn ngữ để họ tiếp cận được với thông tin. Khả năng ngoại ngữ còn để giúp cán bộ xử lý nghiệp vụ các thông tin và tài liệu ngoại văn. Giúp cán bộ truy cập nguồn tài liệu điện tử online…chủ yếu là các tài liệu được download về từ các CSDL thư viện mua hoặc tự khai thác trên mạng internet, đối với các tài liệu này đòi hỏi cán bộ phải có trình độ ngoại ngữ tốt, biết chọn lọc về nội dung sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế của người sử dụng. Ngoại ngữ giúp cán bộ thư viện có thể giao lưu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các thư viện khác.

- Trung tâm cần có kế hoạch đào tạo ngoại ngữ chuyên ngành cho cán bộ thông tin- thư viện. Sau khóa học bồi dưỡng cán bộ thư viện phải chứng minh được khả năng ngoại ngữ của họ qua phần thi kiểm tra đánh giá chất lượng.

- Tận dụng sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để bồi dưỡng giáo cán bộ thư viện và khả năng ngoại ngữ ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Có sự phối hợp với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới để cử cán bộ TT-TV tham gia các khóa học nâng cao khả năng ngoại ngữ theo thời gian 3 tháng, 6 tháng…

- Khuyến khích động viên cán bộ thư viện tự nâng cao trình độ ngoại ngữ bằng nhiều hình thức: học qua mạng Internet, học qua giáo trình, đào tạo trực tuyến…

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đổi mới hoạt động thông tin thư viện đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ tại đại học quốc gia hà nội (Trang 97 - 101)