Nguyên nhân do sinh vật và vi sinh vật:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo quản tài liệu giấy tại các trung tâm lưu trữ quốc gia (Trang 37 - 38)

2.2 Nguyên nhân gây hư hại tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia

2.2.3 Nguyên nhân do sinh vật và vi sinh vật:

Không phải tất cả các loại sinh vật đều gây hại cho tài liệu. Trong hàng trăm nghìn loại sinh vật trong thế giới thiên nhiên, chỉ có một số loài gây hại cho tài liệu lưu trữ. Theo kết quả điều tra của đề tài “Bước đầu nghiên cứu côn trùng hại kho lưu trữ” cho thấy trong kho lưu trữ của nước ta có 36 loài thuộc 20 họ của 8 bộ côn trùng. Những kết quả nghiên cứu về sinh học cho thấy rằng trong một vòng đời côn trùng thường đẻ rất nhiều trứng và côn trùng ở miền nhiệt đới có vòng đời ngắn hơn côn trùng ở miền ôn đới khoảng 5 lần 31, 24 Như vậy trong cùng một thời gian số côn trùng ở những vùng nhiệt đới sẽ tăng nhanh hơn rất nhiều so với vùng ôn đới. Điều đó cho thấy rằng những tác hại do sự phá hoại của côn trùng ở miền nhiệt đới như ở nước ta là rất nghiêm trọng.

Trong kho bảo quản tài liệu của các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia thường gặp các sinh vật và vi sinh vật gây hại như sau:

- Con ba đuôi: còn gọi là con nhậy sách, chúng thường sống tập trung một số cá thể trong các hồ sơ tài liệu, không có tổ và phát triển nhanh nên việc phòng và diệt sinh vật này rất khó khăn. Nhậy ba đuôi thuộc loài côn trùng sợ ánh sáng nên chúng thường chỉ hoạt động ở nơi tối và về đêm. Chúng phá hại tài liệu bằng cách gặm các trang tài liệu thành các đường rách nham nhở.

- Gián: thường sống trong các khe hốc tối, góc tường, nhưng chúng di chuyển rất nhanh (chạy hoặc bay) nên việc phòng trừ chúng rất khó khăn, phức tạp. Ở trong kho tài liệu chúng thường phá hại tài liệu ở nhiều vị trí cùng một lúc. Là côn trùng ăn tạp nên ngoài tài liệu, gián còn gặm nhấm gáy sách, bìa hồ sơ, cặp hộp bảo quản tài liệu, đặc biệt là những chỗ có hồ hoặc dính dầu mỡ, mồ hôi. Mặt khác dán còn là côn trùng truyền bệnh cho người qua con đường tiếp xúc.

- Mọt: chủ yếu đục phá gỗ như giá bảo quản tài liệu hoặc phần gỗ kiến trúc của nhà kho như cửa, nhưng có loại đục phá cả tài liệu lưu trữ. Chúng đục phá trong tài liệu tạo thành các đường rãnh ngoằn ngoèo rộng 1 - 2mm trên bề mặt tài liệu và xuyên dày cả tập tài liệu, hoặc sau khi đục phá tạo ra trên bề mặt tài liệu nhiều lỗ nhỏ li ti. Mọt sống sâu bên trong giá gỗ nên việc phát hiện chúng rất khó khăn, phần lớn khi phát hiện ra dấu hiệu của mọt thì giá tủ tài liệu đã trải qua một thời kỳ bị phá hoại rồi.

- Mối: là sinh vật phá hại nhà kho và tài liệu với tốc độ rất nhanh, tác hại do chúng gây ra không thể lường hết được. Chúng đục phá làm rỗng bên trong các cột xà và các tập tài liệu. Ngoài việc đục phá chúng để lại các vết bẩn trên tài liệu mà việc khắc phục hâu quả là rất khó khăn.

- Mạt: thường xuất hiện khi kho tàng, tài liệu ít được vệ sinh và độ ẩm trong môi trường bảo quản tăng cao. Mạt không làm hại tài liệu bằng cách cắn phá, mà xác chết của chúng để lại những vết đen trên tài liệu rất khó tẩy rửa. Mối hiểm họa chủ yếu từ loài mạt là chúng gây bệnh cho người làm việc trong kho lưu trữ.

- Chuột: thường cắn phá và làm tổ ngay trong tài liệu. Chúng phá hoại tài liệu với tốc độ rất nhanh nên tác hại do chuột gây ra là rất lớn. Ngoài cắn phá tài liệu và các phương tiện bảo quản, chuột còn gây bệnh cho người. Chuột sinh sản nhanh nên việc phòng chống chuột là rất quan trọng và phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt là vào thời điểm sinh sản của chuột.

- Nấm mốc: là vi sinh vật gây hại tài liệu rất nguy hiểm. Các bào tử nấm mốc có mặt khắp nơi trong không khí. Cho tới nay người ta đã phát hiện được hơn 400 loài nấm mốc. Các loài thường gặp nhất là: Aspergillus và Penicilin… Chúng thường phát triển ở nơi có độ ẩm cao hơn 70% và kho tàng, tài liệu không được vệ sinh thường xuyên. Chúng phá hoại tài liệu bằng cách thải ra các enzim (men) trong quá trình trao đổi chất, các ezim này phân hủy các chất hữu cơ trong tài liệu làm cho tài liệu mủn, mục nát, dính bết thành cục. Ngoài ra nấm mốc còn để lại nhiều vết ố trên tài liệu. Bên cạnh việc gây hại tài liệu, nấm mốc còn là nguồn truyền bệnh cho người tiếp xúc với tài liệu.

Tóm lại: sinh vật và vi sinh vật hại tài liệu lưu trữ ở nước ta gồm nhiều loại, vì điều kiện khí hậu nước ta rất thuận lợi cho việc phát triển của chúng, vì vậy phòng chống những sinh vât này có tầm quan trọng rất lớn trong lĩnh vực bảo quản tài liệu.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo quản tài liệu giấy tại các trung tâm lưu trữ quốc gia (Trang 37 - 38)