Chủ trương của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên thực hiện chuyển

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh thái nguyên lãnh đạo thực hiện chuyển cơ cấu kinh tế từ năm 1997 đến năm 2006 (Trang 64 - 69)

2.1. Đảng bộ Thái Nguyên vận dụng chủ trương của Đảng lãnh đạo

2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ Tỉnh Thái Nguyên thực hiện chuyển

cơ cấu kinh tế

Trên cơ sở những quan điểm, đường lối của Đảng về chuyển dịch CCKT, về CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn, đồng thời trên tinh thần đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, những tồn tại hạn chế trong chuyển dịch CCKT (1997-2000), Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVI (2001) tập trung chỉ đạo chuyển dịch CCKT được thể hiện ở những nội dung cơ bản như sau.

Đảng bộ xác định đẩy mạnh chuyển dịch CCKT, phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. “Đẩy mạnh chuyển dịch CCKT theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chuyển dịch mạnh CCKT theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, trên cơ sở xây dựng một nền kinh tế đa dạng, nhiều thành phần; đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo sức bật lớn cho nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ trong suốt nhiệm kỳ. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ trọng công nghiệp chiếm 45%; dịch vụ 38,5%; nông, lâm nghiệp 16,5%.” [19, tr. 17].

Đối với phát triển công nghiệp, Đảng bộ chỉ đạo: Phát triển công nghiệp phải gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tập trung phát triển và mở rộng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bao gồm: khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên với công nghiệp luyện kim giữ vai trò chủ đạo, khu công nghiệp Sông Công với mục tiêu chuyên môn hoá cao về sản xuất cơ khí và phát triển công nghiệp nhẹ; phát triển các cụm công nghiệp ở các huyện, thành phố, thị xã để khai thác lợi thế của các địa phương. Ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm truyền thống có thị trường và thế mạnh của địa phương như luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản, chế tạo máy và gia công kim loại, chế biến nông lâm

sản, dệt may, hoá chất. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn bình quân hằng năm tăng trên 22%. Phối hợp giữa công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương cùng phát triển. Đối với công nghiệp Trung ương, tiếp tục triển khai Dự án đầu tư giai đoạn II Công ty Gang thép Thái Nguyên và cùng với các đơn vị cán thép trên địa bàn tỉnh, phấn đấu nâng sản lượng thép cán đến năm 2010 đạt 1 triệu tấn. Chủ động kêu gọi đầu tư để phát triển sản xuất thép tấm, thép hình, thép hợp kim dùng cho công nghiệp cơ khí chế tạo. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xi măng Thái Nguyên sớm đưa vào hoạt động. Phấn đấu đến năm 2010 sản lượng xi măng trên địa bàn đạt 2 triệu tấn/năm. Đối với công nghiệp địa phương, tiếp tục đổi mới và phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, trên cơ sở chú trọng phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, đi đôi với phát triển tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đối với phát triển mạnh thương mại, dịch vụ: Thái nguyên tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và từng bước hiện đại hoá các loại hình dịch vụ. Mở rộng các loại thị trường đã có, quan tâm phát triển một số thị trường mới như tài chính, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản. Nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Hình thành và phát triển các siêu thị, các trung tâm thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của nhân dân. Tiếp tục phát triển mạng lưới chợ, xây dựng một số chợ đầu mối để thu mua và cung ứng sản phẩm nông, lâm nghiệp tại những vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Cải tạo và nâng cấp chợ thành phố Thái Nguyên. Thực hiện trợ giá, trợ cước đối với một số mặt hàng chính sách phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên cho miền

núi, vùng sâu, vùng xa. Làm tốt công tác quản lý thị trường, hạn chế gian lận thương mại, đảm bảo hoạt động thương mại cạnh tranh lành mạnh.

Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng truyền thống có thế mạnh của địa phương, chú trọng xuất khẩu những mặt hàng đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng thô; tiếp thị và tìm kiếm mở rộng thị trường mới, sản phẩm mới. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị trên địa bàn tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Phấn đấu giá trị xuất khẩu bình quân tăng 15%/năm.

Tập trung phát triển du lịch theo hướng khai thác cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hoá. Đổi mới và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch; nâng cấp các cơ sở du lịch trọng điểm: Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, ATK Định Hoá để thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, liên kết với các tỉnh lân cận và thành phố Hà Nội, các đơn vị kinh doanh du lịch để hình thành các tua, tuyến, các chương trình du lịch.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hàng hoá, hành khách theo hướng bảo đảm an toàn và cạnh tranh lành mạnh. Phát triển các tuyến xe khách công cộng trên một số trục đường và quốc lộ chính. Tiếp tục phát triển nhanh và hiện đại hoá dịch vụ bưu chính - viễn thông, mở thêm nhiều dịch vụ mới, phấn đấu đến năm 2010, mật độ điện thoại cố định đạt 12 máy/100 dân.

Đối với phát triển nông nghiệp: Tỉnh lãnh đạo xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững, đa dạng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; gắn tăng trưởng với xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, lựa chọn các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đạt giá trị cao đưa vào sản xuất, phù hợp với điều kiện sinh thái của địa

phương, nhu cầu thị trường, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hoá lớn. Tập trung đầu tư phát triển vùng lúa thâm canh có năng suất, chất lượng cao, sử dụng các giống mới, giống lúa đặc sản địa phương tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị và đảm bảo an ninh lương thực. Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt tăng bình quân hàng năm 4%. Hình thành các vùng thực phẩm an toàn cung cấp cho các khu đô thị và các khu công nghiệp. Thực hiện quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến. Tập trung trồng mới, thâm canh, cải tạo phát triển cây chè, chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trong đó quan tâm phát triển đàn trâu, bò thịt ở các huyện miền núi, phát triển chăn nuôi bò sữa ở các vùng có điều kiện. Khai thác các lợi thế về ao, hồ, mặt nước để phát triển, nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp tục phát triển trồng rừng mới, khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng, phấn đấu độ che phủ của rừng đến năm 2010 đạt 50%. Đẩy mạnh hoạt động dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân. Phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân hàng năm từ 6,5 - 7%.

Quan tâm đầu tư cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu. Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học và sản xuất thuốc thú y theo chương trình đầu tư trọng điểm quốc gia. Nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác và hợp tác xã, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.

Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo hướng hiện đại. Chú trọng các công trình trọng điểm, thiết yếu, phát huy nhanh tác dụng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải,

hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Hoàn chỉnh cơ bản một bước về mạng lưới giao thông. Nâng cấp và cải tạo hệ thống giao thông hiện có. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp và làm mới các công trình giao thông như: Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, đường tránh thành phố Thái Nguyên, Quốc lộ 3 mới. Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, huyện và từng bước cứng hoá mạng lưới giao thông nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hoá và đi lại của nhân dân.

Tiếp tục đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi hiện có. Hoàn thiện kiên cố kênh mương. Xây dựng mới các hồ chứa nước vừa và nhỏ đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục cải tạo và nâng cấp hệ thống công trình đầu mối kênh chính, kênh cấp 1 của công trình thuỷ lợi Hồ Núi Cốc, đê và kè Sông Cầu, xây dựng hồ điều hoà Xương Rồng. Xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho phát triển kinh tế vườn đồi.

Nâng cao chất lượng mạng lưới cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, đến năm 2010 cơ bản các hộ nông thôn trong tỉnh được sử dụng điện.

Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị. Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị thành phố Thái Nguyên đồng bộ và hiện đại, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phát triển quỹ nhà ở bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các khu chung cư và các khu đô thị mới. Cung cấp đủ nước sạch cho dân cư đô thị và 90% dân cư nông thôn. Giải quyết một bước vấn đề nước thải và chất thải đô thị. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng văn hoá - xã hội: y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài

nguyên môi trường, văn hoá thông tin, thể dục thể thao, nhất là đối với khu vực nông thôn miền núi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn, sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế [19, tr. 18-19].

Với những chủ trương trên, Đảng bộ tỉnh Thái nguyên đã có những bước hoàn thiện tương đối toàn diện trong nhận thức những quan điểm, đường lối của Đảng cống sản Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội nói chung và chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch CCKT nói riêng. Là cơ sở để chính quyền, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch CCKT trong những năm tiếp theo, giai đoạn 2001-2006.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh thái nguyên lãnh đạo thực hiện chuyển cơ cấu kinh tế từ năm 1997 đến năm 2006 (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)