3.1. Thành tựu, hạn chế và những vấn đề nảy sinh
3.1.2. Những hạn chế chính
Từ các kết quả phân tích chuyển dịch CCKT trên, có thể đánh giá như sau: CCKT của tỉnh Thái Nguyên đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tuy nhiên tốc độ và chất lượng chuyển dịch CCKT, cơ cấu sản phẩm chưa đạt mục tiêu đề ra.
Công nghiệp xây dựng tốc độ chuyển dịch còn chậm, về cơ cấu sản phẩm, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm truyền thống như sản phẩm luyện kim, vật liệu xây dựng, may mặc, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động, sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao,
tạo điều kiện để phát huy lợi thế của tỉnh còn nhỏ bé. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong GDP song mức thu hút lao động từ khu vực nông nghiệp còn thấp. Từ năm 2005-2006 thu hút được khoảng 10.800 lao động, nâng cơ cấu lao động trong công nghiệp – xây dựng tăng từ 14,6% năm 2005 lên 15,8% năm 2006.
Thiết bị công nghệ một số doanh nghiệp đã được đổi mới nhưng phần lớn là doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp địa phương còn chậm đổi mới. Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, một số doanh nghiệp liên tục bị thua lỗ. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề sản xuất phân tán, quy mô nhỏ, manh mún, chậm đổi mới, sản xuất theo lối truyền thống, chưa có sản phẩm mũi nhọn, sản phẩm xuất khẩu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp, tỉnh chưa có chính sách hữu hiệu để sản xuất tập trung theo quy mô lớn đáp ứng kịp thời cho sự nghiệp CNH, HĐH.
Công nghiệp chế biến đã phát triển khá nhanh nhưng chế biến nông, lâm sản chậm, sự gắn bó giữa công nghiệp chế biến thực phẩm, lâm sản với vùng nguyên liệu chưa chặt chẽ. Khả năng nắm bắt thông tin kinh tế nhất là tiến bộ về khoa học, công nghệ, giá cả thị trường, nhu cầu thị trường…của các doanh nghiệp còn hạn chế. Việc xác định hướng đi, xác định ngành hàng, mặt hàng quan trọng cần đầu tư phát triển chậm được khẳng định, mặt khác vốn đầu tư không thiếu nhưng thủ tục phức tạp, xuất hiện mẫu thuẫn giữa đầu tư theo diện rộng, dàn trải hay đầu tư tập trung, trọng điểm.
Ngành dịch vụ: mức tăng trưởng sấp sỉ mục tiêu đề ra, do vậy tỷ trọng trong CCKT tăng gần đạt mục tiêu đề ra. Trong 3 năm cuối giai đoạn đã phát triển thêm một số loại hình dịch vụ mới như vận tải hành khách bằng xe buýt đến tất cả các huyện trên địa bàn toàn tỉnh, lĩnh vực dịch vụ tài chính, bảo hiểm đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu cho sản phẩm và đời sống; các trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư, song
mức tăng trưởng và mức đóng góp trong CCKT còn thấp, chỉ chiếm khoảng 1,3% GDP, xu hướng chuyển dịch chậm.
Cơ cấu lao động của ngành dịch vụ, qua các năm có mức tăng nhanh, từ 16,9% năm 2005 lên 19,2% năm 2006, chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ lưu trú, ăn uống, tạo điều kiện thu hút và chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Ngành Nông - Lâm nghiệp – Thủy sản: tốc độ tăng trưởng trong ngành nông lâm nghiệp chưa đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; giá cả các nhóm mặt hàng thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp tăng nhanh tạo ra lợi thế cho ngành nông lâm nghiệp song tốc độ chuyển dịch trong nội ngành còn chậm, mô hình kinh tế tập trung, kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp chưa được nhân rộng; các dịch vụ về cung ứng giống, vật tư phân bón, tiến bộ kỹ thuật đã được quan tâm, song hiệu quả đem lại chưa rõ nét, nhiều trại giống vật nuôi, cây trồng đã được đầu tư xong phát huy hiệu quả thấp; lĩnh vực lâm nghiệp mặc dù có lợi thế về điều kiện đất đai, song mức đóng góp trong CCKT còn thấp, chưa đảm bảo cho người dân có thể ổn định cuộc sống bằng nghề rừng.
Lao động trong ngành Nông – Lâm nghiệp- Thuỷ sản còn chiếm tỷ trọng lớn, mặc dù đã có mức giảm cả về số tuyệt đối và cơ cấu lao động, song mức giảm còn thấp. Năm 2005 chiếm 68,5% trong tổng số lao động của tỉnh, đến năm 2006 giảm xuống còn 65,1% ( giảm trên 4000 lao động).
Sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính tự phát, một số cây trồng, vật nuôi được định hướng phát triển nhưng chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, hợp đồng tiêu thụ và hợp tác sản xuất nên khi sản phẩm làm ra thường tiêu thụ khó, gây tác động bất lợi không nhỏ đến sản xuất, thu nhập của nông dân. Trên các lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch CCKT diễn ra chưa đồng bộ, mới chỉ tập trung vào cơ cấu giống là chính. Năng xuất chất lượng sản phẩm nông,
lâm sản nhìn chung còn thấp, giá thành cao, khối lượng hoàng hoá chưa nhiều, sức cạnh tranh thấp. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiến thị trường chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vai trò của doanh nghiệp nhà nước, HTX nông nghiệp trong lĩnh vực này còn hạn chế
* Nguyên nhân tác động đến chuyển dịch CCKT chậm, do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm còn chậm, chưa đồng bộ, chất lượng quy hoạch còn thấp, chưa có định hướng rõ nét trong chuyển dịch CCKT của từng ngành, lĩnh vực.
- Cơ chế chính sách để thực hiện chuyển dịch CCKT còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đảm bảo cân đối nguồn lực đáp ứng yêu cầu thực hiện.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là khu vực nông nghiệp, nông thôn tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp dẫn tới không có cơ hội để tìm việc làm tại các ngành công nghiệp – dịch vụ, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động chậm.
- Các chương trình chuyển dịch CCKT nông, lâm nghiệp, thủy sản; chương trình phát triển thương mại và du lịch; chương trình phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2001-2006 đã được phê duyệt, xong việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa thường xuyên, các cơ chế chính sách đề xuất trong nội dung của chương trình chưa được khẩn trương xây dựng để ban hành thực hiện; việc đề xuất nguồn lực thực hiện chương trình chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực còn hạn chế nên chưa đạt được mục tiêu đề ra.
- Việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, mặc dù đã có chuyển biến rõ nét song vẫn còn bất cập, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư song chậm triển khai thực hiện; trên địa bàn chưa tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Do
vậy đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, dịch vụ, tốc độ chuyển dịch CCKT chưa đạt mục tiêu đề ra.
- Công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương còn chưa đồng bộ, chưa quyết liệt làm ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện các chính sách chuyển dịch CCKT.
- Ngoài các nguyên nhân chủ quan trên, còn có những nguyên nhân khách quan đó là do tác động của tình hình lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2006 nhiều dự án đầu tư phải đình hoãn, dãn tiến độ do khó khăn về vốn. Một số ngành sản xuất, sản phẩm chủ yếu của tỉnh và một số doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, đơn hàng và thị trường tiêu thụ thu hẹp do vậy phải giảm sản lượng, giảm quy mô sản xuất.