3.1. Thành tựu, hạn chế và những vấn đề nảy sinh
3.1.3. Những vấn đề nảy sinh
Để thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch CCKT của tỉnh theo hướng tích cực tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nội ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong quá trình chỉ đạo, thực hiện của Đảng bộ tỉnh đã nảy sinh những vấn đề cơ bản sau:
Về phát triển công nghiệp xây dựng:
- Tiến độ quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (đặc biệt là các khu công nghiệp Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên, Điềm Thụy - Phú Bình, Khu công nghiệp Yên Bình), quá trình điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư còn chậm.
- Công tác kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động như Nhà máy xi măng Thái Nguyên, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 còn lơi lỏng, chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cho dự án đi vào sản xuất theo đúng tiến độ đề ra.
- Khó khăn vướng mắc đối với doanh nghiệp còn nhiều, đặc biệt là các thủ tục về đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp có công nghệ tiên tiến; ngành nghề thu hút nhiều lao động để thực hiện giải quyết việc làm cho người dân mất đất sản xuất tại các vùng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp.
Về phát triển ngành dịch vụ:
- Tiến độ quy hoạch các khu du lịch Hồ Núi Cốc, quy hoạch khu du lịch liên hoàn ATK Định Hóa – Bắc Cạn – Tuyên Quang; mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống chợ trên địa bàn để quản lý còn chậm và chưa có định hướng thu hút đầu tư.
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vốn, mặt bằng kinh doanh, cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa trên thị trường; tăng cường công tác quản lý thị trường.
- Các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn ổn định sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của Chính phủ và địa phương còn chưa được tạo điều kiện, trên để giữ vững thị trường hiện có và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, sản phẩm xuất khẩu mới.
- Trong quy hoạch kinh tế vùng, quy hoạch xây dựng đô thị thực hiện phân khu chức năng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng, bảo hiểm, tạo điều kiện thuận lợi để ngành dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển còn chưa được ưu tiên.
Về phát triển nông nghiệp nông thôn
- Huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững; tiếp tục phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống khu vực nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch CCKT nội ngành còn chưa được tăng cường.
- Khẩn trương xây dựng và thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trong đó, cần xác định cơ cấu lao động, nhu cầu học nghề, danh mục nghề cần dạy, kế hoạch ngân sách địa phương hỗ trợ cho công tác này.
- Tiếp tục củng cố hệ thống các trung tâm, trạm trại, củng cố bộ máy, cán bộ kỹ thuật, nâng cao chất lượng trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; mở rộng quyền tự chủ về tài chính cho các trạm trại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để nâng cao tính cạnh tranh.
- Rà soát lại toàn bộ các cơ chế chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn do tỉnh ban hành, đánh giá lại hiệu quả, tính thực thi của chính sách để bổ sung sửa đổi, xây dựng mới cho phù hợp với tình hình mới như: điều chỉnh bổ sung Quyết định số 1667/2007/QĐ-UB ngày 24/4/2001 về ban hành quy chế quản lý và chính sách đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh; tổng kết đánh giá các chương trình, đề án, đề xuất giải pháp thực hiện và nhân rộng các mô hình đã được khảo nghiệm có hiệu quả kinh tế cao.
Môi trường đầu tư chưa được cải thiện, xúc tiến thu hút đầu tư chưa được tăng cường, cải cách hành chính cải thiện chưa nhiều
Các cơ chế chính sách chưa phù hợp, đặc biệt là việc ban hành các quy định về suất đầu tư, ngành nghề lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, đồng thời thực hiện quảng bá rộng rãi các cơ chế chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực về chuyên môn, năng lực tài chính tham gia đầu tư vào các dự án trên địa bàn.
Tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; Ban chỉ đạo bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng của các huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là đối với các huyện Phú Bình, huyện Phổ Yên, thành phố Thái Nguyên
để kịp thời tham mưu đề xuất với tỉnh tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm.
Tăng cường phân cấp cho các huyện, thành phố, thị xã trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản, bồi thường giải phóng mặt bằng. Phân công trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển dịch CCKT của từng ngành, từng địa phương.
Phát triển nguồn nhân lực và tổ chức thực hiện:
- Rà soát các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như: chuyên gia tư vấn, tuyển dụng công chức, viên chức đáp ứng cho yêu cầu về nguồn nhân lực trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên phát triển.
- Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kiến thức quản lý, hội nhập kinh tế quốc tế cho doanh nghiệp, đăc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề tại các trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó lưu ý nhân dân vùng đầu tư phát triển các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động chuyển đổi ngành nghề lao động có hiệu quả kinh tế cao.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương phân rõ trách nhiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp để chuyển dịch CCKT.
Các vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc
Các khu công nghiệp và các công trình công cộng khác tăng nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp ngày càng nhiều.
Việc mở rộng các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy nhanh chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương,
tăng nhanh nguồi thu ngân sách cho tỉnh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên việc quy hoạch các khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong và ngoài nước không thể tránh khỏi việc giảm diện tích đất nông nghiệp. Đến cuối năm 2003, Thái Nguyên có gần 2.000 ha đất canh tác chuyển thành khu, cụm khu công nghiệp và đô thị mới. Việc chuyển đất trồng trọt sang phát triển công nghiệp sẽ ảnh hưởng tới sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh.
Thông thường, khi các khu công nghiệp được xây dựng sẽ dẫn tới giải quyết được nhiều lao động tại chỗ ở địa phương. Tuy nhiên do lao động ở những vùng nông thôn này không được chuẩn bị đào tạo trước nên không có trình độ tay nghề kỹ thuật để đủ tiêu chuẩn làm việc trong các khu công nghiệp. Nếu họ có được việc làm thì cũng chỉ là các công việc tạp vụ, thủ công… Một loạt vấn đề đặt ra gây tâm lý không tốt đối với nông dân địa phương. Vấn đề bức xúc nhất là việc làm của người dân khi không còn đất canh tác. Biện pháp quan trọng nhất là phải đào tạo nghề, tạo việc làm cho một bộ phận nông dân ở địa phương khi họ góp đất làm khu công nghiệp.
Chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm
Vấn đề hàng đầu là chế biến nông sản thật tốt và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là vấn đề gay cấn nhất mà Tỉnh ủy, chính quyền, các cấp các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều nhận thức rõ. Đó là giá trị nông sản, giá trị ngày công lao động thấp, chưa thu hút được lao động nhàn, chưa kích thích được nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn
Theo điều tra khảo sát của các cơ quan chức năng, tháng 6/2003, mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang có xu hướng gia tăng do các loại chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, nguồn nước và không khí ô nhiễm tăng nhanh. Tình trạng suy thoái về môi trường ở hầu hết
các huyện đang là sự cảnh báo không chỉ với cấp chính quyền mà ngay cả với mỗi người dân.
Huyện Đại Từ, hiện nay CCKT đã có bước chuyển biến tích cực. Nhiều xã từ sản xuất thuần nông, độc canh cây luá, nay đã chuyển đổi, mạnh dạn đưa các cây, con mới vào sản xuất và từng bước mở rộng. Ngay cả những xã nghèo như Yên Lãng, Lục Ba, Mỹ Yên, …, những năm gần đây nhiều dự án mới ứng dụng công nghệ vào sản xuất hàng hóa. Quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống… đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn huyện. Tuy nhiên mặt trái của quá trình chuyển dịch CCKT kéo theo sự gia tăng về ô nhiễm môi trường do nhiều nguyên nhân khác nhau đưa lại.
Vấn đề nổi lên khá bức xúc ở nông thôn Thị Xã Sông Công, Phú Lương, Phú Bình, thành phố Thái Nguyên hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn chủ yếu là khai thác đá vôi, sản xuất xi măng, gạch, ngói thủ công. Rác thải sinh hoạt các loại hiện nay là khá lớn mà chưa có biện pháp xử lý. Nhiều nơi không có khu đổ rác tập trung trong khi đời sống nhân dân cao hơn, rác thải sinh hoạt nhiều hơn so với trước đây. Thực trạng ở nông thôn hiện nay do tình trạng nước chảy ứ đọng nên hầu hết các ao, hồ, nhất là các ao tù ở nông thôn bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm ở các vùng nông thôn trở nên bức xúc, trong đó phải kể đến ô nhiễm hóa học do chất thải của nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty ximăng Lưu Xá, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, Xí nghiệp Proximăng ... Tình trạng ao, hồ bị san lấp, nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra cống, rãnh hai bên đường không có độ thấm, cửa thoát và nắp đậy làm cho môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra do việc đầu tư thâm canh tăng vụ, sử dụng nhiều hóa chất, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường sinh thái, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Giải pháp hàng đầu cần quan tâm là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường: tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường; đầu tư nhân lực, trang thiết bị cho việc kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa và kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường.
Khi chuyển dịch CCKT dẫn đến nhiều vấn đề về xã hội cấp bách. Sự chênh lệch về thu nhập dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo trong tỉnh tăng nhanh. Vấn đề nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp chưa được nhà nước và tỉnh có chính sách giải quyết thỏa đáng. Đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn. Các khó khăn về xã hội đi kèm cũng phát sinh theo…
Những vấn đề nảy sinh đó đã được Đảng bộ tỉnh Thái nguyên nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc và từng bước có những giải pháp cụ thể để khắc phục.