3.1.1. Quan hệ hai nước mang tính thực dụng cao và khá linh hoạt
Tính thực dụng của Ấn Độ được thể hiện trong chính sách hướng Đông. Chính sách này được triển khai trong một quá trình, bổ sung những yếu tố mới do yêu cầu của chính bản thân Ấn Độ trước những thay đổi của bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước. Qua bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng như việc triển khai chính sách này trên thực tế, có thể khẳng định, chính sách hướng Đông được triển khai với mục tiêu duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế Ấn Độ thông qua các mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là trao đổi thương mại. Đồng thời, hội nhập kinh tế với khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung là mục tiêu quan trọng của chính sách hướng Đông. Ấn Độ xác định rằng xây dựng FTA, CECA/CEPA với ASEAN là con đường để nước này hiện thực hóa việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế châu Á, một hình thức liên kết kinh tế nhằm đối trọng với khối EU và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) nhưng quan trọng hơn là để Ấn Độ không đứng ngoài các khối kinh tế chủ đạo của thế giới và khẳng định vị thế cường quốc của mình, trước hết là ở khu vực châu Á [60- tr.198]. Trong bối cảnh của chính sách hướng Đông và sau này là chính sách hành động phía Đông, Singapore đóng vai trò quan trọng bởi vị thế kinh tế cũng như vị trí địa - chiến lược của quốc gia này không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Với mục tiêu đó, Ấn Độ xác định được những bước đi đúng đắn để thực hiện được mục tiêu của mình và thực tế chứng minh, những kế hoạch, chiến lược được Ấn Độ vạch ra được thực hiện thành công.
Về phần mình, Singapore nhìn nhận Ấn Độ là đối tác chiến lược ở khu vực Nam Á. Ấn Độ có thể đáp ứng các điều kiện để Singapore đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế tại khu vực Nam Á. Đồng thời, hợp tác với Ấn Độ giúp Singapore học tập, phát triển lĩnh vực an ninh – quân sự, đảm bảo vấn đề an ninh biển của Singapore
tại khu vực Đông Nam Á. Khi chính sách hướng Đông được thực hiện, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ chính sách này. Đây chính là cơ sở để hai nước củng cố, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao có được từ trước. Sự hợp tác về kinh tế và quốc phòng - an ninh đã thể hiện cho sự hợp tác bền vững này. Đồng thời, hợp tác với Singapore giúp Ấn Độ mở rộng quan hệ và khẳng định vị thế của mình trong khu vực Đông Nam Á. Có thể nói, Singapore chính là “cửa ngõ” để giúp Ấn Độ thực hiện được mục tiêu của mình trong chính sách hướng Đông tại khu vực ASEAN.
Tính thực dụng quan hệ hai nước Ấn Độ - Singapore còn được thể hiện ở lợi thế bổ sung cho nhau. Trong quan hệ kinh tế, Ấn Độ và Singapore có những lợi thế và bất lợi nhất định. Lợi thế của Ấn Độ là bất lợi của Singapore và ngược lại. Singapore có nền kinh tế phát triển, là một trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á, nguồn vốn đầu tư lớn, có kinh nghiệm quản lý, quy hoạch và kinh doanh, trình độ khoa học kĩ thuật phát triển nhưng diện tích nhỏ bé, thiếu nguồn lao động. Ấn Độ có diện tích lãnh thổ rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, ngành công nghệ phần mềm phát triển là những điều kiện mà Singapore rất cần trong quá trình phát triển kinh tế. Sự bù đắp của hai nước là điều kiện cần và đủ để quan hệ kinh tế hai quốc gia đạt được kết quả tốt.
Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, hợp tác giữa Ấn Độ - Singapore được thể hiện qua các đợt tập trận trên biển nơi hai nước có lợi ích quốc gia. Kinh nghiệm quốc phòng hai nước có được là cơ hội để hai bên trao đổi, học tập trình độ kĩ thuật, thành tựu, kinh nghiệm và phô diễn tiềm lực quân sự của mình. Trong những năm qua, Ấn Độ đẩy tăng cường hợp tác quốc phòng, từ các chuyến thăm quân sự, tập trận đến đào tạo và chia sẻ công nghệ với Singapore. Thông qua sự hợp tác đó, Ấn Độ và Singapore vừa bổ sung, hỗ trợ bảo vệ an ninh cho nhau, vừa góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
3.1.2. Quan hệ hai nước chịu ảnh hưởng của tình hình quốc tế, khu vực
Tình hình thế giới nói chung và các khu vực luôn biến đổi không ngừng, đó cũng chính là quy luật phát triển của lịch sử. Từ năm 1991, tình hình thế giới có
nhiều thay đổi phức tạp, sự thay đổi này chính là thời cơ, đồng thời cũng là thách thức cho các quốc gia trên thế giới. Bản thân mỗi quốc gia cần có chiến lược đúng đắn, phù hợp để thích ứng được sự thay đổi của môi trường quốc tế. Ấn Độ, Singapore cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Hai nước đã linh hoạt “ứng xử” trước những thay đổi, biến động của tình hình quốc tế và khu vực. Hiệu ứng về hợp tác kinh tế, an ninh - quốc phòng là biểu hiện rõ nét nhất cho kết quả của mối quan hệ này.
Tình hình thế giới từ năm 1991 có rất nhiều biến động như Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ, thế giới được cho là đơn cực do Mỹ đứng đầu; cách mạng khoa học công nghệ bùng nổ và phát triển mạnh mẽ làm thay đổi căn bản đời sống của con người; xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa phát triển, đòi hỏi các quốc gia cần phải liên kết với nhau, trong đó, hợp tác kinh tế đóng vai trò trọng tâm...Những thay đổi này của tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến quan hệ Ấn Độ - Singapore. Chính phủ hai nước đã rất nỗ lực nắm bắt tình hình và từng bước điều chỉnh mối quan hệ để đi đến kết quả tốt nhất. Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa chính là nhân tố tác động tích cực nhất cho cả hai chính phủ Ấn Độ - Singapore. Xu thế này đã thôi thúc các quốc gia đẩy mạnh liên kết với nhau, trong đó lấy yếu tố kinh tế làm trọng tâm. Chính phủ Ấn Độ đã chủ động thực hiện Chính sách hướng Đông để tìm kiếm những quan hệ mới, và Singapore là quốc gia ủng hộ rất nhiệt tình chính sách này.
Có thế nói, sự thay đổi của tình hình quốc tế đã đem lại nhiều yếu tố tích cực cho quan hệ Ấn Độ - Singapore. Chính phủ hai nước đã vận dụng rất linh hoạt sự tác động của tình hình quốc tế, biến thách thức thành thời cơ, biến thời cơ thành cơ hội.
Bên cạnh những tác động của tình hình thế giới, tình hình khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã tác động rất lớn đến quan hệ của hai nước. Sự thuận lợi và khó khăn của hai nước trong khu vực chính là động lực thôi thúc hai nước tìm kiếm những giải pháp để củng cố mối quan hệ hữu nghị này.
Khu vực Nam Á luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, chủ yếu là do tình hình bất ổn ở các quốc gia và hạn chế trong các cơ chế hợp tác của khu vực này. Có thể nói, tình hình khu vực Nam Á không phải là môi trưởng lý tưởng cho Ấn Độ
phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của mình. Thêm vào đó, sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này khiến cho ảnh hưởng Ấn Độ bị suy giảm nhất định. Sự tác động tiêu cực này chính là động lực thôi thúc chính phủ Ấn Độ cần phải mở rộng tìm kiếm thị trường và những quan hệ mới. Chính sách hướng Đông vào năm 1992 được thực hiện đã giúp Ấn Độ mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước Đông Nam Á.
Vào những năm 60 của thế kỉ XX, khu vực Đông Nam Á có môi trường chính trị ổn định và được biết đến là khu vực phát triển năng động trên thế giới, nhất là tổ chức ASEAN được thành lập, hoạt động chặt chẽ và có vai trò quan trọng trong khu vực. Đây là chính điểm thu hút đầu tư, hợp tác của các nước trên thế giới. Singapore là quốc gia có nền kinh tế phát triển, được mệnh danh là một trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á đã ủng hộ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, đặt cơ sở cho Ấn Độ mở rộng đối tác quan hệ với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự hiện diện của nhân tố Mĩ trong khu vực Đông Nam Á là yếu tố mà Ấn Độ đã phải cân nhắc tính toán kĩ càng cho chiến lược phát triển tại khu vực Đông Nam Á.
3.1.3. Quan hệ hai nước khá cân bằng giữa kinh tế và quốc phòng
Ngày nay, khi quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia không còn là các ốc đảo riêng biệt, mà gắn bó với nhau ngày càng chặt chẽ thông qua vô vàn các mối liên kết khác nhau, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục và an ninh - quốc phòng.
Trong các lĩnh vực hợp tác, hợp tác kinh tế và quốc phòng là hai lĩnh vực trọng tâm, chi phối đến nhiều lĩnh vực khác. Đó là bước đệm tạo đà cho sự hợp tác ổn định, lâu dài, bền vững giữa các quốc gia. Quan hệ Ấn Độ - Singapore là minh chứng rõ nét nhất cho sự hợp tác này.
Trong lĩnh vực kinh tế, Singapore sẵn vốn nhưng thiếu không gian phát triển kinh tế, có kinh nghiệm, có trình độ, nhưng lại thiếu nguyên liệu và nhân công, cần thị trường... Singapore có lợi thế là nền kinh tế mở, hiện đại, có mối liên kết chặt chẽ với các quốc gia công nghiệp phát triển, có thể đóng vai trò là cầu nối mở rộng hội nhập quốc tế, có thể chia sẻ với Ấn Độ những kinh nghiệm quý báu trong xây
dựng và phát triển, đặc biệt là những kinh nghiệm trong các lĩnh vực như kinh tế, quản lý, pháp quyền, xây dựng cộng đồng, hòa hợp xã hội và tôn giáo, môi trường…..Sự phát triển nhanh của hội nhập kinh tế quốc tế, mức độ cao của thương mại đối với hàng hóa sản xuất trong quan hệ thương mại Singapore - Ấn Độ đã làm cho cơ cấu hàng hóa thương mại hai nước được tối ưu hóa, phù hợp với sự phân công lao động trong dây chuyền sản xuất khiến thương mại giữa hai nước có tính bổ sung cao.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Ấn Độ luôn nằm trong top các nước có nền quốc phòng mạnh với các trang thiết bị được đầu tư hệ thống khoa học kĩ thuật máy móc hiện đại. Singapore là một trong những nước có quân đội tiên tiến nhất trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng một quân đội hùng mạnh, làm nền tảng cho việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền cũng như tạo môi trường chính trị ổn định để góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững luôn là chiến lược nhất quán, lâu dài của các thế hệ lãnh đạo Singapore. Hai bên đã có nhiều thỏa thuận về đào tạo, tập luyện quân sự song phương và hợp tác trong nhiều lĩnh vực để giải quyết những vấn đề chung, bao gồm công nghệ quốc phòng, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Như vậy, hợp tác giữa Ấn Độ - Singapore luôn ở thế cân bằng, mang tính bổ sung, hỗ trợ tạo đà cho sự hợp tác bền vững, ổn định và “nắm chặt tay nhau” hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.