Về thương mại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 43 - 47)

2.1. Quan hệ kinh tế

2.1.1. Về thương mại

Để đạt được những kết quả tích cực, có hai lý do quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế Ấn Độ - Singapore. Một là sự nỗ lực của Ấn Độ nhằm hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu và sự chuyển hướng từ quốc tế hóa sang khu vực hóa của Singapore. Hai là chính sách thúc đẩy xuất khẩu, tự do hóa thị trường và khuyến khích đầu tư nước ngoài của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của giới doanh nghiệp tư nhân Singapore.

Singapore đã quan tâm đến Ấn Độ hàng thập kỉ trước. Singapore có thể đem lại cho Ấn Độ vốn và thị trường mở để hàng hóa Ấn Độ có thể thâm nhập các thị trường khác. Về phía Singapore, ngay từ năm 1993 - 1994, Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã nhận thức được tầm quan trọng của Ấn Độ và quyết định tìm cách hướng đến thị trường rộng lớn ở Ấn Độ.

Cuối thập kỷ 1980 đến đầu 1990, nền kinh tế Ấn Độ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, mức tăng GDP sụt mạnh xuống còn 1,1% năm 1991, lạm phát tăng cao, nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn, cán cân thanh toán thâm hụt lớn, tình hình xã hội căng thẳng, đời sống nhân dân giảm sút. Đến năm 2000, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức 7% và tiếp tục tăng trong những năm sau đó. Điều đó tạo điều kiện cho thương mại và đầu tư hai nước ngày càng phát triển.

Năm 1997, Singapore tổ chức "Hội nghị chủ doanh nghiệp Ấn Độ toàn cầu" nhằm tập hợp Ấn kiều và cộng đồng người gốc Ấn Độ trên thế giới. Mục tiêu hội nghị là nhằm biến Ấn kiều thành lực lượng trung gian thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ tài chính và tư vấn đối với những ai muốn kinh doanh ở Ấn Độ. Sức mạnh và quy mô của quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước trong những năm gần đây có thể được đo bằng thực tế là: (i) Singapore là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong số các nước ASEAN; (ii) Singapore là nước đầu tư lớn nhất trong ASEAN vào Ấn Độ; (iii) Singapore là nước đầu tư lớn thứ 8 vào Ấn Độ [51].

Thương mại giữa hai nước phát triển phần lớn nhờ Chính sách hướng Đông của Ấn Độ được triển khai từ năm 1992, cơ chế Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN bắt đầu diễn ra từ năm 2002 và Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ - Singapore (CECA) được ký năm 2005. Diễn đàn nghị viện Ấn Độ - Singapore được thành lập năm 2005 cũng góp phần thúc đẩy mối quan hệ này. Trong khi Chính sách hướng Đông giúp thúc đẩy thương mại Ấn Độ - Singapore thì CECA đã góp phần củng cố bản chất và quy mô của các mối quan hệ kinh tế song phương. Kim ngạch buôn bán Ấn Độ - Singapore đã tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2001 lên tới 9 tỷ USD năm 2006, tăng khoảng 400% trong vòng 5 năm. Singapore hoàn toàn loại bỏ thuế quan đối với tất cả các sản phẩm đến từ Ấn Độ trong khi Ấn Độ đưa ra mức giảm thuế đáng kể đối với 80% sản phẩm nhập khẩu từ Singapore. CECA Ấn Độ - Singapore cũng bao gồm các hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh trong các lĩnh vực quy định [6].

Nhờ chính sách tự do hóa thương mại và các cơ chế song phương cũng như các cơ chế trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN, quan hệ giữa Ấn Độ - Singapore đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Singapore và Ấn Độ trong năm 2013 đạt gần 26 tỷ đôla Singapore (SGD), tương đương hơn 20 tỷ USD, cao hơn gần 17 tỷ SGD (hơn 13 tỷ USD) của năm 2005. Kết quả trên có được là nhờ Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện (CECA) Ấn Độ - Singapore, thỏa thuận hợp tác kinh tế đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hai nước, có hiệu lực từ năm 2005. Ông Lim cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Ấn Độ đổ vào Singapore tăng từ 1,3 tỷ SGD (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2005 lên 20 tỷ SGD (16 tỷ USD) trong năm 2012. Chính phủ Singapore đã thông qua việc cấp ba giấy phép đặc biệt cho các ngân hàng Ấn Độ và chấp thuận hai ngân hàng khác Ngân hàng Ấn Độ và Ngân hàng ICICI đủ điều kiện hoạt động tại Singapore. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng cho phép ba ngân hàng DBS, OCBC và UOB của Singapore mở 15 chi nhánh tại Ấn Độ [6].

Xuất khẩu của Ấn Độ sang Singapore tăng mạnh từ năm 2000 đến năm 2013. Trong giai đoạn 2000 - 2005, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Singapore tăng từ 877 triệu USD lên trên 4 tỷ USD trong tổng giá trị xuất khẩu 8,3 tỷ USD của Ấn Độ vào năm 2005. Đây chính là bước đầu khẳng định lại mối quan hệ giữa hai nước và chứng minh rằng Singapore là một thị trường nhiều tiềm năng mà Ấn Độ có thể khai thác được. Bước tạo đà này là cơ sở để xuất khẩu từ Ấn Độ sang Singapore có những bước tiến xa hơn nữa. Từ năm 2006 đến 2010, xuất khẩu từ Ấn Độ sang Singapore tăng gấp đôi so với giai đoạn 2000 - 2005. Cụ thể, năm 2006, Ấn Độ xuất khẩu sang Singapore tăng từ 5,4 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD, năm 2009 lên tới 8,4 tỷ USD. Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu tăng vọt so với các năm trước, từ 13,59% lên 23,41% vào năm 2009. Sự gia tăng này đã tái khẳng định tiềm năng của hai nước trong quan hệ thương mại, dù thị trường thế giới có nhiều biến động. Từ năm 2011 – 2013, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Năm 2011, giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang Singapore đạt 9,8 tỷ USD, đặc biệt năm

2012 tăng lên 16,8 tỷ USD. Thành tựu này đã chứng minh quan hệ bền vững giữa hai nhà nước. Singapore thực sự trở thành bạn hàng, thị trường vững chắc của Ấn Độ trong quan hệ thương mại.

Nhập khẩu từ Singapore của Ấn Độ có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua. Được mệnh danh là một trong bốn “con rồng châu Á”, Singapore có nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, hàm lượng chất xám cao, được nhiều nước trong khu vực và thế giới tin tưởng lựa chọn, trong đó có thị trường rộng lớn Ấn Độ. Từ năm 2000 - 2005, giá trị nhập khẩu của Ấn Độ từ Singapore từ tăng từ 1,463 tỷ USD lên 2,6 tỷ USD trong tổng giá trị nhập khẩu của Ấn Độ năm 2005 là 111,5 tỷ USD. Năm 2006, nhập khẩu của Ấn Độ từ Singapore đạt giá trị 3,3 tỷ USD và đạt 6,4 tỷ USD vào năm 2010, thậm chí, năm 2008 nhập khẩu từ Singapore đạt 8,1 tỷ USD. Từ năm 2011 - 2013, nhập khẩu từ Singapore đạt mức khá cao so với giai đoạn trước, đạt 8,6 tỷ USD năm 2012 trong tổng giá trị nhập khẩu là 489,3 triệu USD [6].

Ngày 24/11/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã ký tuyên bố chung nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược nhằm mở rộng hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực quan trọng như kết nối và hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác về quốc phòng và an ninh, thúc đẩy thương mại và đầu tư cũng như hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Đây được coi là động thái quan trọng và thiết thực nhân dịp cả hai nước kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Ấn Độ tới Singapore (23 - 24/11/2015). Theo đó, hai nước mong muốn tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương trong 20 năm tới, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Năm 2014, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 12 của Singapore với kim ngạch song phương đạt gần 24,6 tỷ USD Singapore (khoảng 17,6 tỷ USD). Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015, tổng giá trị đầu tư chứng khoán của Ấn Độ tại Singapore tăng gần một trăm lần, từ 264 triệu USD Singapore lên 26 tỷ USD Singapore [75].

Bên cạnh đó, hai bên cam kết mở rộng phối hợp trong các lĩnh vực trọng điểm khác như thành phố thông minh, giải pháp đô thị cũng như tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và khu vực, trong đó có việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hàng không nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư, giao lưu văn hóa và nhân dân giữa hai nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước Ấn Độ - Singapore đạt được những kết quả tích cực, phản ánh quan hệ thương mại hai chiều hiệu quả. Đây là cơ sở để củng cố mối quan hệ bền vững giữa hai quốc gia lớn trong khu vực châu Á.

Được coi là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới với tốc độ tăng GDP 7,6% trong năm tài khóa 2015 - 2016, Ấn Độ đã trở thành một “điểm sáng” trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang ảm đạm và nhiều bất ổn. Những dấu hiệu lạc quan gần đây của kinh tế Ấn Độ cho thấy kết quả nỗ lực của chính phủ mới do Thủ tướng Narendra Modi đứng đầu dựa trên nền tảng của quá trình công nghiệp hóa cùng với cuộc cải cách tự do hóa kinh tế mạnh mẽ do cựu Thủ tướng Narasimha Rao phát động từ tháng 7/1991 [2]. Cùng với việc tiến hành cải cách lớn và toàn diện trên lĩnh vực kinh tế là chính sách hướng Đông của Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước, các trung tâm kinh tế lớn, các đối tác và bạn hàng truyền thống. Điều này đã đưa Ấn Độ thoát khỏi tình trạng khủng hoảng đang bên bờ sụp đổ của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)