Nhân tố Trung Quốc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 29 - 34)

1.2. Nhân tố Mỹ và nhân tố Trung Quốc

1.2.2. Nhân tố Trung Quốc

Trung Quốc là một nước lớn tại khu vực châu Á cả về diện tích lãnh thổ cũng như sức mạnh kinh tế, quân sự. Sau gần 40 năm tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã “trỗi dậy” mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường, ảnh hưởng và vị thế trên trường quốc tế không ngừng gia tăng, được đánh giá là nước có tiềm năng nhất trở thành “siêu cường” thay thế Mỹ trong những thập kỷ tới. Chính sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng

cường vừa là động lực, vừa là nền tảng sức mạnh hỗ trợ Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các chiến lược lớn đối với thế giới, khu vực, nhằm phục vụ cho thực hiện “giấc mộng Trung Hoa” - phục hưng dân tộc Trung Hoa.

Theo Đặng Tiểu Bình, điều kiện để đạt được mục tiêu hiện đại hoá đất nước là Trung Quốc cần có một không gian chiến lược - gồm lãnh thổ và tài nguyên, lớn hơn không gian địa lý hiện nay... Lợi ích chiến lược của Trung Quốc không đóng khung trong lãnh thổ mà mở rộng ra khu vực và toàn cầu, điều này Trung Quốc sẽ phải làm từng bước. Kể từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, Trung Quốc công khai ý định mở rộng ảnh hưởng xuống Nam Á và Ấn Độ Dương, những khu vực Ấn Độ coi là phạm vi ảnh hưởng truyền thống của mình. Năm 1986, chỉ huy tàu khu trục 132 của Trung Quốc phát biểu tại cảng Chittagong (Bangladesh) rằng “Ấn Độ Dương không duy nhất thuộc về Ấn Độ”. Myanmar là con đường ngắn nhất mà Trung Quốc phải đi qua để tiến xuống Ấn Độ Dương bên cạnh một hướng đi tương tự mà quốc gia Đông Bắc Á này đang thiết lập ở Pakistan.

Trong khi Pakistan ở phía Tây đã xây dựng “quan hệ đặc biệt với Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh” thì Myanmar ở phía Đông kể từ năm 1989 cũng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc ở các lĩnh vực là an ninh - chính trị và kinh tế. Kể từ khi phải đối mặt với sự cô lập của Mỹ và phương Tây sau sự kiện giới quân sự bắt giam Aung San Suu Kyi vào năm 1989, “Myanmar đã có nhiều thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của mình đối với Trung Quốc, chuyển từ thái độ trung lập chiến lược sang “liên minh chiến lược”. Nhờ mối quan hệ đặc biệt với Myanmar, Trung Quốc đã từng bước thâm nhập sâu hơn vào khu vực vịnh Bengal thuộc Ấn Độ Dương. Năm 1992, Myanmar đồng ý cho Trung Quốc đặt các trang thiết bị do thám ở quần đảo Coco trong vịnh Bengal và năm 1994, Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các trang thiết bị giám sát điện tử và rada trên quần đảo này. Năm 1999 Trung Quốc xây dựng một cơ sở hải quân trên đảo Hainggyi, ngay cửa sông Irawaddy. Đánh giá về vai trò của Myanmar đối với Trung Quốc, giáo sư Brama Chellany, thành viên Nhóm tư vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho rằng: “Đối với Trung Quốc, Miến Điện là cửa ngõ dẫn tới vịnh Bengal, Ấn Độ Dương và các trục giao thông sống còn ở eo biển

Malacca”. “Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Á và Ấn Độ Dương buộc Ấn Độ phải có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại để thích ứng với tình hình, trong đó không loại trừ việc Ấn Độ cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc ở những khu vực chiến lược khác như Đông Nam Á” [60 – tr.28].

Giới chiến lược Trung Quốc còn chỉ rõ: trong tình hình hiện nay, chiến lược địa duyên của Trung Quốc là “ổn định tuyến phía tây, dựa vào tuyến phía bắc, tranh tuyến đông nam”. Có nghĩa là, Trung Quốc cần giữ ổn định quan hệ với các nước Trung Á và Nam Á, dựa vào Nga, giành ảnh hưởng ở phía Đông và phía Nam (cạnh tranh với Nhật Bản; kiểm soát Đài Loan; khống chế các nước Đông Nam Á và Biển Đông). Đây vừa là hướng mở, vừa là hướng phòng thủ, vừa là hướng có điều kiện thuận lợi đối với Trung Quốc và cũng là hướng có ảnh hưởng quan trọng đến an ninh của Trung Quốc về lâu dài.

Napoleon từng nói: “Trung Quốc là một con sư tử đang ngủ. Hãy để nó nằm ngủ, bởi khi nó thức dậy nó sẽ làm rung chuyển cả thế giới”. Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng từ sau khi tiến hành cải cách mở cửa năm 1978, nhất là những năm 90 của thế kỷ XX và tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển tới nay. “Bất chấp ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng bình quân của Trung Quốc vẫn đạt mức gần 10%. Từ năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và được dự báo sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030” [80].

Cuối năm 2014, theo cách tính dựa trên phương pháp tỷ giá hối đoái hiện hành và sức mua tương đương (PPP) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Trung Quốc đã có những điều chỉnh lớn về mặt quốc phòng - an ninh thông qua các chương trình hiện đại hóa quân đội, tập trung đầu tư phát triển hiện đại cho lực lượng hải quân và không quân với quy mô và tốc độ mạnh chưa từng có. Để làm được điều đó, Trung Quốc đã phải điều chỉnh ngân sách quốc phòng từ hai con số lên ba con số. Theo thống kê, ngân sách quốc phòng

của Trung Quốc lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. “Năm 2014, khoản ngân sách này đạt mức 130 tỉ USD, năm 2015 là 141 tỉ USD, mới nhất năm 2016, con số này tăng thêm 0,7% lên mức 147 tỉ USD” [30].

Với sức mạnh vượt trội và ưu thế về tác chiến biển, Trung Quốc tập trung hiện đại hóa và nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng hải quân làm công cụ để Trung Quốc có thể “trỗi dậy”. Trung Quốc đã liên tục có các hành động gây hấn có tính toán đối với các quốc gia có tranh chấp trực tiếp và tạo ra những diễn biến làm leo thang căng thẳng tại biển Hoa Đông và biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và cấu trúc an ninh tại khu vực. “Theo Chiến lược Biển Đông, Trung Quốc đề ra nhiệm vụ cho lực lượng hải quân phải đảm bảo các con đường tiếp cận trên biển tới Đài Loan; tiến hành các chiến dịch ở phía Tây Thái Bình Dương không cho các lực lượng thù địch tự do hành động; bảo vệ các tuyến giao thông đường biển của Trung Quốc; chặn các tuyến giao thông của kẻ thù và cuối cùng là duy trì sức mạnh trên thế giới, sẵn sàng tấn công đối phương” [17]. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn thuyết phục thế giới rằng nước này đang “trỗi dậy hòa bình”, tuy nhiên các hành động trên thực tế của họ lại cho thấy điều ngược lại thông qua các sự kiện tại khu vực. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền toàn vẹn của các nước trong khu vực.

Các chính sách mở cửa của Trung Quốc, trong những năm 1980 đã đem lại sự thành công nhanh chóng cho quốc gia đang được mệnh danh là “người khổng lồ kinh tế” châu Á này. Hơn thế nữa, trong bối cảnh trật tự thế giới đa cực đang hình thành, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh với Ấn Độ trong hầu hết các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và quan trọng hơn, cạnh tranh về ảnh hưởng kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Trong một bài phát biểu của mình trước quốc hội, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng: dù đã có chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ mới dừng lại ở mức 3 tỉ USD vào những năm đầu thế kỉ XXI, tăng lên 5,5 tỉ USD vào năm 2005 - 2006 và 15,7 tỉ USD vào năm 2006-2007 [64]. So với 53 tỉ USD đầu tư nước ngoài chảy vào Trung Quốc trong những năm đầu thế kỉ XXI, 60,3 tỉ USD năm 2005-2006 và 63,02 tỉ USD vào năm

2006-2007 [64] thì đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Ấn Độ còn khá khiêm tốn. Do đó, Ấn Độ cần phải tìm kiếm những thị trường mới để tăng trưởng kinh tế và tìm kiếm một cách thức hữu hiệu để cạnh tranh với những chính sách kinh tế của Trung Quốc. Chính “nhân tố Trung Quốc” này đã khiến Ấn Độ phải gấp rút chuẩn bị cho mình một tư thế tốt nhất để bước vào cuộc cạnh tranh không những với Trung Quốc, mà với cả những thế lực kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương.

Với tiềm lực kinh tế, Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực ASEAN. Thông qua nhiều kế hoạch về kinh tế và quân sự, Trung Quốc đang dần được khẳng định vị trí của mình trong khu vực Đông Nam Á. Gần đây, Trung Quốc có nhiều hoạt động gây tranh chấp biển Đông làm cho nhiều nước ASEAN hết sức lo ngại. Trong đó, Singapore không phải là nước trực tiếp tham gia các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng lại là nước có hải cảng lớn nhất Đông Nam Á và từng khẳng định rõ ràng rằng nền kinh tế mở của họ phụ thuộc vào sự tự do hàng hải liên tục trong khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền tại khu vực Biển Đông, bao gồm cả những tuyến đường thương mại tấp nập nhất thế giới, muốn độc chiếm nguồn dự trữ dầu và khí đốt có giá trị tại khu vực này. Do đó, "mối quan hệ đặc biệt" giữa hai quốc gia đang dần phai nhạt do những ngờ vực trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc lo ngại việc Singapore có mối quan hệ an ninh - quốc phòng lâu dài với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, mặc dù Singapore nói rằng họ cũng thân thiết với Bắc Kinh.

Quan hệ Trung Quốc và Singapore đang có chiều hướng ngày càng căng thẳng và có sự nghi ngờ lẫn nhau. Để khẳng định vị thế của mình trong khu vực, Singapore cần có những liên minh vững chắc để có sức mạnh chống lại những hành động của Trung Quốc, nhất là về vấn đề Biển Đông. Ngoài những nước thành viên, khu vực Đông Nam Á có rất nhiều những nước lớn hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Ấn Độ cũng đang không ngừng mở rộng mối quan hệ, tầm ảnh hưởng và vị thế của mình với các nước thành viên ASEAN, trong đó, Singapore là đối tác chiến lược quan trọng mà giới lãnh đạo Ấn Độ đã xác định. Sự hợp tác song phương giữa Ấn

Độ và Singapore không chỉ thu được các chỉ số về kinh tế, an ninh - quốc phòng mà còn cân bằng được sự ảnh hưởng ở khu vực, trở thành đối trọng và hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Với tình hình thực tiễn hiện nay, nhu cầu đặt ra cho Ấn Độ và Singapore là cần phải tăng cường sự hợp tác về kinh tế, an ninh - quốc phòng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 29 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)