Nhân tố Mỹ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 27 - 29)

1.2. Nhân tố Mỹ và nhân tố Trung Quốc

1.2.1. Nhân tố Mỹ

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có lợi ích sống còn và lâu dài của Mỹ, vì thế mục tiêu của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hỗ trợ các nước dịch chuyển theo xu hướng “dân chủ kiểu Mỹ” tiến tới chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, can dự chuyển hóa và lật đổ chính quyền các nước

không theo Mỹ; kiềm chế, ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga đối với khu vực, lôi kéo các nước đi theo Mỹ; bảo vệ và mở rộng lợi ích của Mỹ. Để đạt được điều này, Mỹ đã tập trung củng cố các liên minh an ninh song phương như phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Thái Lan, Philippines để bảo đảm về lợi ích kinh tế, đồng thuận về chính trị, làm cho quan hệ đồng minh linh hoạt hơn, thích nghi cao để đối phó với những thách thức mới. Do đó, vào năm 2011, lần đầu tiên “chính sách xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương được Mỹ tuyên bố với thế giới “tương lai của chính trị sẽ được quyết định ở châu Á chứ không phải là Afghanistan hay Iraq và Mỹ sẽ ở ngay trung tâm của cuộc chơi” [66]. Tới Hội nghị An ninh Châu Á Shangri-La 11 (2012), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tiếp tục chỉ ra mục tiêu trở lại châu Á của Mỹ là “Mỹ sẽ đảm nhiệm vai trò của mình không phải như một quốc gia ở xa mà là một phần của gia đình các quốc gia Thái Bình Dương. Mục tiêu là phối hợp chặt chẽ với tất cả các nước trong khu vực để đương đầu với các thách thức và thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho tất cả các quốc gia trong vùng”. Theo đó, việc điều chỉnh lực lượng “đến năm 2020, hải quân sẽ tái bố trí lực lượng từ mức 50-50% giữa Thái Bình Dương-Đại Tây Dương sang mức 60-40% giữa hai vùng biển này, bao gồm 06 tàu sân bay, phần lớn các tàu tuần dương, các tàu khu trục, tàu chiến tuần duyên và tàu ngầm” [70].

Có thể nói, việc Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” là vấn đề thiết yếu khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq, đồng thời vị thế siêu cường của Mỹ cũng đang bị đe dọa bởi sự “trỗi dậy” mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ gia tăng quan hệ đồng minh và lợi ích kinh tế ở khu vực này sao cho Trung Quốc “trỗi dậy một cách hòa bình nhất có thể”. Chính nhờ những diễn biến căng thẳng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ có thể thực hiện được việc xoay trục, tái cân bằng lực lượng quân đội Mỹ tại các vị trí chiến lược.

Việc dịch chuyển cán cân lực lượng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương góp phần làm cho các đồng minh quan trọng của Mỹ tại đây thấy yên tâm trước sự trỗi

dậy của Trung Quốc, nhưng cũng buộc các nước trong khu vực phải điều chỉnh lại chính sách đối nội và đối ngoại. Đây cũng là sức ép lớn với các nước trong khu vực khi phải đứng giữa lựa chọn cách thức hợp tác với hai cường quốc hùng mạnh là Mỹ và Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, Mỹ xác định Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức lớn và có vị trí rất quan trọng trong chiến lược toàn cầu cũng như khu vực Trung và Nam Á của Mỹ. Tại cuộc họp báo giữa lãnh đạo hai nước (ngày 08/11/2010), cựu Tổng thống Mỹ B. Obama đã khẳng định “Mỹ và Ấn Độ là hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, hai nền kinh tế thị trường lớn và đang nổi, hai xã hội đa dạng và đa sắc tộc, hai nước không chỉ có cơ hội mà còn có trách nhiệm đi đầu” và “mối quan hệ Mỹ - Ấn Độ sẽ là một trong những quan hệ định hình thế kỷ XXI”. Do đó, Mỹ đã đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chiến lược Mỹ - Nhật – Australia - Ấn Độ, tạo thành vòng cung bao vây Trung Quốc, chia rẽ quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc, Ấn Độ - Liên Bang Nga, đồng thời lợi dụng sự ủng hộ của Ấn Độ trong giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ở Trung Á, Nam Á và Trung Đông.

Đối với Singapore, Mỹ xác định Singapore là nước có vai trò rất quan trọng đối với việc bảo đảm lợi ích và ảnh hưởng của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biêt là trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo đảm an ninh eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của Trung Quốc. Mỹ luôn coi Singapore là đối tác đáng tin cậy và “có ích nhất” ở Đông Nam Á, do đó chú trọng phát triển quan hệ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó nổi lên là quan hệ kinh tế, quân sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)