Đối với Singapore

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 37 - 40)

1.3. Chính sách của Ấn Độ đối với khu vực và Singapore

1.3.2. Đối với Singapore

Hai nước thiết lập quan hệ chính thức ngay sau khi Singapore giành được độc lập. Tuy nhiên, bối cảnh của Chiến tranh Lạnh đã làm cho quan hệ giữa hai nước tồn tại những cách trở nhất định. Nhận thấy được vai trò của Singapore trong chính sách hướng Đông của mình, Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều để xóa bỏ quan ngại về mối đe dọa quân sự của mình đối với ASEAN, đồng thời Ấn Độ cũng tăng cường các chuyến thăm viếng cấp cao giữa hai nước nhằm đưa quan hệ hai bên ngày càng phát triển.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Singapore dựa trên sự hội tụ về quan điểm, giá trị và vai trò “cửa ngõ” Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) của Singapore ngày càng được mở rộng và trở nên mạnh mẽ. Quan hệ giữa Ấn Độ và Singapore bao gồm sự hiểu biết chính trị mạnh mẽ, sự hợp tác chặt chẽ trong quốc phòng, an ninh và những

bổ sung ngày càng gia tăng trong hợp tác kinh tế, liên kết văn hóa, văn minh và những lợi ích cùng chia sẻ trong các diễn đàn song phương và đa phương.

Từ đầu những năm 1990, Ấn Độ đưa ra chính sách hướng Đông cùng với quyết định tự do hóa nền kinh tế và các chương trình thúc đẩy xuất khẩu đã được sự ủng hộ nhanh chóng của Singapore với việc quốc đảo này nhanh chóng thực thi một chính sách "hướng ngoại". Bộ trưởng Tài chính, Madhavsingh Solanki và Tiến sĩ Manmohan Singh sau khi đến thăm một số nước ASEAN năm 1991-1992 đã nói như sau "chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi tìm kiếm thị trường mới của Ấn Độ, chúng tôi phải bắt đầu với Singapore". Còn Thủ tướng Singapore Goh Tok Chong trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của ông năm 1994 và khi trở về ông đã nói: "Tôi nhận ra tiềm năng của đất nước. Tôi quay trở lại Singapore và xác định sẽ làm cho mọi người ngạc nhiên về một Ấn Độ. Mặc dù nhiều người nghi ngờ cam kết về nền kinh tế mở cửa của Ấn Độ, tôi không bao giờ mất niềm tin ở Ấn Độ" [55].

Về an ninh - chính trị: Singapore được coi là bàn đạp cho mục tiêu mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vào đầu những năm 90 của thế kỉ XX, Ấn Độ thực hiện chính sách “hướng Đông” - một trong những cơ sở quan trọng nhất tạo nên vị thế và vai trò của Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á. Tăng cường quan hệ với Singapore không chỉ mang lại những lợi ích trực tiếp về kinh tế và an ninh mà còn giúp Ấn Độ tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia này cho vị trí Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà nước này đang tích cực theo đuổi, kiềm chế ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực. Với lý do đó, Singapore là đất nước được Ấn Độ lựa chọn nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng và tăng cường vị thế trong khu vực Đông Nam Á thông qua chính sách hướng Đông và hành động hướng Đông.

Về kinh tế: được mệnh danh là một trong bốn “con rồng” kinh tế của châu Á, Singapore đẩy mạnh chính sách kích thích đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm... vốn là lĩnh vực thuộc ưu thế của Ấn Độ. Các nhà hoạch định kinh tế của Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ có

thể bảo đảm không bị cô lập khi mà các thỏa thuận mậu dịch mang tính khu vực đang trở thành xu thế chung. Ấn Độ hy vọng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Singapore sẽ làm cầu nối giúp nước này hòa nhập vào một cộng đồng kinh tế khu vực ASEAN. Quan hệ Singapore - Ấn Độ vẫn tiếp tục phát triển nhanh chóng. Năm 2005, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện, đó là hiệp định mậu dịch tự do đầu tiên của Ấn Độ ký với nước ngoài [2 - tr.7].

Về thương mại - đầu tư: Quan hệ song phương Singapore và Ấn Độ ngày càng phát triển trong những năm qua, đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực thương mại - đầu tư đã tăng trưởng nhanh chóng kể từ khi hai nước ký kết Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện vào năm 2005. Singapore hiện là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Ấn Độ, với tổng giá trị lên tới 7,7 tỷ SGD (khoảng 5,7 tỷ USD) [54]. Quân đội Singapore cũng đạt được thỏa thuận huấn luyện ở Ấn Độ và tiến hành các cuộc diễn tập chung với quân đội Ấn Độ. Dưới nỗ lực của Singapore, Ấn Độ đã trở thành một đối tác đối thoại của ASEAN, đồng thời trở thành một thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng hai nước đã ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược. Hai nước cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, quản lý đô thị, xây dựng thành phố thông minh, quản lý nguồn nước và đào tạo.

Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee cũng nhấn mạnh việc Ấn Độ coi Singapore là cánh cửa lớn để đi vào ASEAN và mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, làm thế nào để đảm bảo Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ duy trì sự tương tác tích cực với khu vực không chỉ vì lợi ích của khu vực, mà còn là chìa khóa cho sự sống còn của đất nước nhỏ bé Singapore. Việc tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược Singapore - Ấn Độ sẽ giúp cho Singapore phát huy vai trò ngày càng lớn đối với sự ổn định trong khu vực, qua đó mở rộng không gian ngoại giao của Singapore.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan hệ kinh tế và quốc phòng ấn độ singapore giai đoạn 1991 2015 (Trang 37 - 40)