Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.2. Một số đặc điểm sinh lý của chó
2.2.1. Thân nhiệt (°C)
Theo tác giả (Cù Xuân Dần và cs., 1996), thân nhiệt của cơ thể là chỉ số tương đối của hai quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt. Sự khằng định tương đối của thân nhiệt gia súc là nhờ có trung tâm điều tiết nhiệt nằm ở hành não.
Khi quá trình sinh nhiệt bằng quá trình thải nhiệt thì thân nhiệt sẽ không thay đổi, khi sinh nhiệt lớn hơn thải nhiệt thì thân nhiệt tăng, ngược lại sinh nhiệt nhỏ hơn thải nhiệt thì thân nhiệt giảm. Hai quá trình này hoạt động song song và đối lập nhau. Cơ chế điều hòa thân nhiệt thông qua các phản ứng hóa học vật lý và sự điều tiết của thần kinh và thể dịch.
Sự điều tiết hóa học là điều tiết cường độ trao đối chất. Mùa đông trao đổi chất tăng để sinh nhiệt. Mùa hè, trao đổi chất giảm để thải nhiệt. Bởi vậy thân nhiệt được điều tiết ổn định.
Sự điều tiết vật lý được biểu hiện bởi sự co giãn bề mặt da. Khi nhiệt độ môi trường tăng da giãn làm tăng quá trình bốc hơi nước dẫn đến sự tỏa nhiệt tăng. Khi nhiệt độ môi trường giảm thì da co lại, mạch máu ngoài da co lại dẫn
đến giảm lượng máu đến da làm giảm tỏa nhiệt. Ở gia súc điều tiết thân nhiệt có thể còn bằng nhiều cách khác như: Mùa hè một số loài gia súc phải thay lông để tăng tỏa nhiệt, mùa đông lông gia súc mọc dầy, rậm, dài hơn nhằm giữ nhiệt. Ngoài ra tăng tần số hô hấp sự bốc hơi nước của các tuyến mồ hôi cũng đóng vài trò quan trọng trong điều tiết thân nhiệt.
Ở chó, mùa hè khi nhiệt độ môi trường tăng cao chó thường lè lưỡi ra để thở và liếm lông để giúp cho sự tỏa nhiệt bởi chó không có tuyến mồ hôi (Đỗ Hiệp, 1994). Khi nhiệt độ môi trường giảm thì điều tiết vật lý trước: Chó tìm nơi ấm để nằm, nằm cuộn tròn hay tăng vận động để tăng cường thải nhiệt để giữ ấm cho cơ thể, sau mới đến điều tiết hóa học thông qua các quá trình chuyển hóa vật chất. Ngoài ra tuyến giáp, vỏ thượng thận cũng tham gia vào sự điều tiết thân nhiệt thông qua cơ chế điều tiết thần kinh thể dịch: Khi nhiệt độ môi trường thay đổi sẽ tác động đến trung khu điều tiết ở vùng dưới đồi, rồi truyền lên vỏ não. Từ vỏ não các hưng phấn truyền theo thần kinh vận động đến cơ làm tăng hay giảm cường độ trao đổi chất. Mặt khác, từ vùng dưới đồi hưng phấn tác động lên thần kinh trung ương và từ đó chi phối tuyến mồ hôi, sự co giãn da, ức chế hay kích thích tuyến giáp, tuyến trên thượng thận tiết hormone tham gia điều tiết thân nhiệt thông qua sự tăng hay giảm trao đổi chất.
Trạng thái sinh lý bình thường thân nhiệt của chó là 37,5 °C – 39 °C. Trong trạng thái bệnh lý thân nhiệt có sự thay đổi tùy vào tính chất và mức độ bệnh. Ngoài ra thân nhiệt của chó còn thay đổi phụ thuộc vào tính biệt, tuổi, sự vận động (Trần Minh Châu và cs.,1988). Chó cái thường có thân nhiệt cao hơn chó đực. Chó con có thân nhiệt cao hơn chó trưởng thành. Khi vận động thân nhiệt của chó cao hơn bình thường. Giống chó cao sản có thân nhiệt cao hơn chó thấp sản. Trong thời kì mang thai hoặc sau khi ăn thân nhiệt của chó cũng tăng hơn bình thường.
Khi bị rối loạn cơ thể điều tiết nhiệt dẫn tới sự biến đổi bất biến, hậu quả là bị mất cân bằng giữa hai quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt dẫn tới hai trạng thái khác nhau là giảm thân nhiệt hoặc tăng thân nhiệt (Tạ Thị Vinh, 1991).
Sự giảm thân nhiệt thường do mất máu, bị nhiễm lạnh, do một số hóa chất tác dụng, do giảm quá trình sinh nhiệt, sốc hoặc sau cơn kịch phát của bệnh nhiễm khuẩn làm hạ huyết áp, trụy tim mạch, gặp trong các bệnh thần kinh bị ức chế nặng như thủy thũng não.
Sự tăng nhiệt độ thường gặp khi nhiệt độ môi trường quá cao, gặp trong các trường hợp như bệnh cảm nắng, cảm nóng, các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus, bệnh ký sinh trùng, gây trạng thái sốt cao.
Ý nghĩa: Sự thay đổi thân nhiệt có thể biết con vật có sốt hay không. Nếu thân nhiệt tăng 1-2°C là sốt nhẹ. Nếu thân nhiệt tăng 2-3°C là hiện tượng sốt cao. Qua đó có thể sơ chẩn được nguyên nhân, tính chất và mức độ tiên lượng, đánh giá được hiệu quả điều trị tốt hay xấu (Hồ Văn Nam và cs., 1997).
2.2.2. Tần số hô hấp (số lần thở/phút)
Tần số hô hấp là số lần thở ra hít vào trong 1 phút, tần số hô hấp thể hiện quá trình trao đổi khí giữa phổi và môi trường bên ngoài.
Tần số hô hấp phụ thuộc vào cường độ trao đổi chất, tuổi, tầm vóc, trạng thái dinh dưỡng, trạng thái làm việc, trạng thái sinh lý, thời tiết, khí hậu và trạng thái bệnh lý…
Ở trạng thái sinh lý bình thường, chó con có tần số hô hấp từ 18 - 20 lần/phút. Chó trưởng thành: giống chó to có tần số hô hấp từ 10 - 20 lần/phút, giống chó nhỏ có tần số hô hấp 20 - 30 lần/phút (Hồ Văn Nam và cs., 1997).
Tần số hô hấp phụ thuộc vào những yếu tố sau
- Nhiệt độ bên ngoài môi trường: khi thời tiết quá nóng nên chó phải thở nhanh để tỏa nhiệt, ở chó nhịp thở có thể lên tới 100 - 160 lần/phút.
- Thời gian trong ngày: ban đêm và sáng sớm chó thở chậm hơn, buổi trưa và buổi chiều chó thở nhanh hơn.
- Tuổi: con vật càng lớn tuổi thì tần số hô hấp càng thấp.
- Những con mang thai, sự sợ hãi cũng làm cho tần số hô hấp tăng lên. Quá trình hô hấp tác động trực tiếp đến đời sống của con vật, mà tần số hô hấp là một đặc điểm biểu thị cho hoạt động bình thường hay không bình thường của quá trình hô hấp. Do đó, khi tần số hô hấp thay đổi đột ngột, quá tăng hay quá giảm so với trạng thái sinh lý thì chắc chắn con vật đang rơi vào tình trạng bệnh lý, trừ một số trường hợp như: khi gia súc hoạt động mạnh, gia súc sống trong bầu không khí nóng bức, ngột ngạt, gia súc đang mang thai, …
Tần số hô hấp thường tăng ở những gia súc mắc bệnh về đường hô hấp, làm mất đàn hồi của phổi, bệnh truyền nhiễm cấp, bệnh ký sinh trùng đường máu, … Tần số hô hấp giảm khi gia súc mắc các chứng bệnh như hẹp khí quản, bệnh gây
ức chế thần kinh (u não, viêm não, chảy máu não, tràn dịch não), khi con vật bị lạnh, bị rối loạn trao đổi chất, …
2.2.3. Tần số mạch đập (lần/ phút)
Tần số tim mạch là số lần co bóp của tim trong một phút (lần/phút). Khi tim đập thì mõm tim hoặc thân tim chạm vào thành ngực, vì vậy mà ta có thể dùng tay hoặc dùng tai nghe áp vào thành ngực vùng tim để nghe được tiếng tim. Khi tim có bóp sẽ đẩy một lượng máu vào động mạch làm mạch quản mở rộng, thành mạch quản căng phồng. Sau đó nhờ vào tính đàn hồi, mạch quản tự co bóp lại cho đến thời kỳ co tiếp theo tạo nên hiện tượng động mạch đập. Dựa vào tính chất này ta có thể tính được nhịp độ mạch sẽ tương đương với nhịp tim đập. Mỗi loài gia súc khác nhau thì tần số tim mạch cũng khác nhau. Sự khác nhau này cũng biểu hiện ơ từng lứa tuổi trong một loài động vật, tính biệt, thời điểm. Nhịp độ mạch đập tương ứng với nhịp tim. Tuy vậy tần số tim mạch của động vật chỉ dao động trong một phạm vi nhất định (Cù Xuân Dần và cs., 1996); (Trần Thanh Phong và Nguyễn Thị Thơ, 1996).
Ở trạng thái sinh lý bình thường: Chó non 200 – 220 lần/phút, chó trưởng thành 70 – 120 lần/phút, chó già 70 – 80 lần/phút (Nguyễn Phước Trung, 2002).
Nhịp tim thể hiện tần số trao đổi chất, trạng thái sinh lý, bệnh lý của tim cũng như của cơ thể. Tần số tim phụ thuộc vào tầm vóc của con vật, độ gầy béo, lứa tuổi, giống loài. Ở trạng thái sinh lý bình thường, có hai cơ chế điều hòa tim mạch bằng thần kinh và thể dịch. Con vật non có tần số tim đập lớn hơn con già, con vật lúc hoạt động nhiều thì tần số tim mạch đập tăng lên. Khi cơ thể bị một số bệnh về máu (thiếu máu, mất máu, viêm cơ tim, viêm bao tim) cũng làm tăng tần số tim mạch (Nguyễn Tài Lương, 1982).
Ý nghĩa chẩn đoán: Qua việc bắt mạch có thể khám tim và tình trạng toàn
thân của cơ thể. Tần số mạch tăng do các bệnh truyền nhiễm cấp tính, viêm cấp tính, các trường hợp thiếu máu, hạ huyết áp và các bệnh làm tăng áp lực xoang bụng (Nguyễn Tài Lương, 1982).
Tần số mạch giảm trong các trường hợp bệnh làm tăng áp lực sọ não, tăng hưng phấn thần kinh mê tẩu, hoặc trong tường hợp gia súc bị viêm thận cấp, huyết áp tăng hay do trúng độc.