Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.5. Kết quả thử nghiệm điều trị
Bệnh viêm ruột truyền nhiễm do Parvovirus là bệnh do virus gây nên, do đó chưa có thuốc đặc trị. Chúng tôi tiến hành sử dụng thuốc mang tính chất điều trị triệu chứng, hỗ trợ và nâng cao sức đề kháng cho con vật và phòng ngừa nhiễm trùng thứ cấp. Mục đích cuối cùng của điều trị bệnh này là giúp con vật có đủ khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch. Sự thành công trong điều trị bệnh này là do sức chống chọi với bệnh tật của con vật. Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm với 2 phác đồ điều trị (như đã được trình bày ở phần phương pháp nghiên cứu) và 1 phác đồi đối chứng. Thí nghiệm được tiến hành trên 50 con chó. Kết quả được trình bày ở bảng 4.9.
Bảng 4.9. Kết quả điều trị theo 2 phác đồ
Chỉ tiêu theo dõi
Phác đồ Số điều trị (con) Số khỏi (con) Tỷ lệ khỏi (%)
Thời gian khỏi trung bình
(ngày)
Phác đồ I 25 17 68,00 5,95 ± 0,48* Phác đồ II 25 21 84,00 4,65 ± 0,55*
Hình 4.9. Kết quả điều trị theo 2 phác đồ.
Qua bảng 4.9 và hình 4.9 cho thấy: Kết quả điều trị đạt khá cao. Với tổng 50 chó theo dõi điều trị có 38 con khỏi, đạt tỷ lệ 76%.
Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn và các tế bào ung thư. Interferon đóng vai trò quan trọng trong cửa ngõ miễn dịch, nó là hàng rào bảo vệ đầu tiên của cơ thể chống lại virus. Interferon là một loại cytokine, được tế bào sản xuất ra khi tế bào cảm thụ với virus, chất này có đặc tính bằng mọi con đường có thể ức chế sự hoạt động của mARN, dẫn đến ức chế sự sinh sản của virus, do vậy interferon được sử dụng như một chất điều trị không đặc hiệu cho mội nhiễm trùng do virus.
Khi chó mắc bệnh viêm ruột truyền nhiễm do Parvovirus thì việc dùng kháng sinh gentamicin, interferon đều cho kết quả điều trị tốt. Trong đó sử dụng kết hợp giữa kháng sinh gentamicin và interferon có kết quả điều trị tốt nhất (84%),còn sử dụng kháng sinh gentamicin (68%). Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh thì việc bổ sung nước và chất điện giải đóng vai trò quan trọng có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.
Trong đó:
Phác đồ I: Được thử nghiệm với 25 ca bệnh và có 17 ca khỏi với thời gian trung bình là 5 ngày/ 1 liệu trình điều trị. Trong quá trình điều trị chúng tôi thấy sau khi điều trị theo phác đồ I đến ngày thứ 3 con vật đã dừng nôn, ngày thứ 4 dừng ỉa chảy.
Phác đồ II: Được thử nghiệm với 25 ca chó bệnh thì có 21 ca khỏi bệnh, với thời gian khỏi trung bình là 4,5 ngày/1 liệu trình nhanh hơn một chút so với phác đồ I. Trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy ngày thứ 3 con vật đã dừng nôn, ngày thứ 4 dừng ỉa chảy và ngày thứ 4, thứ 5, con vật có biểu hiện thèm ăn.
Như vậy từ kết quả trên ta thấy, với 2 phác đồ khác nhau thì có tỷ lệ điều trị khỏi khác nhau, phác đồ II có tỷ lệ điều trị khỏi cao nhất 84 % thời gian điều trị ngắn. Phác đồ I có tỷ lệ điều trị thấp hơn lần lượt là 68 % thời gian khỏi lâu hơn.
Chúng tôi tiến hành sử dụng phép thử X2 để phân tích hiệu quả điều trị thì kết quả cho thấy phác đồ II cho hiệu quả điều trị cao hơn phác đồ I ( P<0,05).