5 Mẫu quyền là hình thức tổ chức xã hội trỏng đó người đàn bà giữ vai trò quyết định trong nền kinh tế, trong đời sống xã hội và gia đình.
4.1.2. Sự sở hữu và tính ghen tuông
a. Khi loài người đã biết đến tình yêu dù ở dạng nguyên thủy, thô phác nhất thì cũng là lúc họ bắt đầu ý thức sâu sắc hơn về sự sở hữu trong tình yêu và hôn nhân. Sự sở hữu ấy thể hiện ở việc con người biết mình thích ai, biết mình muốn gì và hành động để có được người mình thích, giành lấy cái mình muốn, và bảo vệ đến cùng thành quả mình đạt được một cách có ý thức. Sự sở hữu ấy khó lòng tồn tại trong thời kì chế độ quần hôn, hay nói cách khác, đó là thứ sản phẩm xa lạ trong một xã hội mà một nhóm đàn ông/đàn bà này có thể và sẵn sàng làm chồng hay làm vợ với một nhóm đàn bà/đàn ông khác. Sự sở hữu ấy sẽ chỉ được đón nhận và không còn trở nên xa lạ nữa trong một xã hội đã bắt đầu tồn tại hôn nhân cặp đôi - dù có thể chỉ trong một khoảng thời gian không dài. Trong sử thi Tây Nguyên, sự sở hữu trước hết thể hiện ở những cuộc chiến cướp vợ, giữ vợ và giành vợ. Hầu hết các cuộc chiến ác liệt trong sử thi Tây Nguyên đều bắt nguồn sâu xa từ những “bóng hồng” và lòng ham muốn, thèm khát có được những bóng
hồng ấy. Những cuộc chiến tàn khốc, máu, chết chóc, hận thù… là cái giá
không rẻ, nhưng với người anh hùng thì đó là việc cần làm, phải làm và đáng làm để sở hữu kho tài sản vô giá là những người phụ nữ xinh đẹp và giàu có.
Sự sở hữu trong tình yêu - hôn nhân cũng được thể hiện qua những cử chỉ, hành động, thái độ của nhân vật trong cuộc sống đời thường. Lo lắng, sợ
hãi Tiăng, Tang sẽ đi cưới vợ khác, Ngo, Nge (trong sử thi Tiăng cướp Djăn,
Dje) đã làm ngải để chài, giữ hai chàng cho riêng mình. Đến lượt Tiăng,
Tang, dù được giao trọng trách đi dạm hỏi Djăn, Dje cho hai người anh vợ, nhưng đứng trước hai cô gái xinh đẹp ấy, Tiăng, Tang đã không thể cầm lòng, không thể kiềm chế được những ham muốn sở hữu họ:
“Tiăng suy nghĩ trong đầu vẩn vơ Em Djăn, Dje đẹp gái thế kia Em Djăn, Dje vợ ta mới xuống Ở với nàng không nỡ to tiếng Sống với nàng không nỡ ngoại tình Ngồi bên nàng không bao giờ chán”.
Và suy nghĩ đã dẫn đến hành động. Tiăng, Tang đã thổi ngải khiến Djăn, Dje xiêu lòng dù trước đó hai nàng đã khăng khăng chối từ lời cầu hôn của Tiăng, Tang.
Tâm lí muốn sở hữu người mình yêu thương hẳn không phải là đặc quyền của phái mạnh mà còn là tâm lí của những người phụ nữ trong thời đại sử thi. Điều đó cho thấy tâm lí sở hữu ấy đã trở nên phổ quát cho cả hai
giới trong thời đại này. Bing, Jông trong sử thi Bing con Măch xin làm vợ
Yang sau khi gặp Yơng, Yang đã mong muốn sở hữu hai chàng đến nỗi họ
van xin anh trai mình đi cướp Yơng, Yang về làm chồng. Dù bị anh trai phản đối, hai nàng vẫn không hề chùn bước. Họ chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để lên đường tìm Yơng, Yang. Họ đã dám đứng trước vợ của Yơng, Yang, đã vượt qua bao khó khăn, thử thách để trả đủ lễ vật mà vợ của Yơng, Yang đã thách cưới. Cuối cùng, họ đã sở hữu những người đàn ông mà họ thích - những người đàn ông vốn không phải của họ.
Sự sở hữu trong tình yêu - hôn nhân cũng biểu hiện qua những lễ vật, qua những lời thề ước, hứa hẹn mà đôi trai gái đã trao gửi cho nhau. Trong sử thi Mdong Dăm, sau khi nghe Mdong Dăm thề thốt, Hbia Sun đã trả lời:
“- Anh nói thật không, hở anh Mdong Dăm? Nếu vào nhà em, ta cùng ăn một miếng trầu làm môi đỏ, nếu có chuyện gái trai mà lưng bị cong, đầu vú em đen, bụng em có thai với anh thì anh có trọn đời sống
với em không? (…) Em sợ anh như cây đậu có nhiều nhành, nhiều lá,
anh là chàng trai khỏe đẹp nên có nhiều bạn tình. Mdong Dăm:
- Không đâu, em Hbia Sun ơi! Nếu anh là kẻ trăng hoa thì em cứ giết
anh đi, ché tuk, ché tang của cha mẹ anh, em cứ lấy mà đem về.
Hbia Sun:
- Thật vậy không, Mdong Dăm? Em cho anh chiếc vòng mây, khung
cửi, ngón tay em đây anh giữ. Ta đã trao vòng đồng cho nhau (…)
Nếu anh nói thật lời thì mình phải thề, mình cùng ngoắc tay với nhau. Nếu nay mai anh lật lại lời chúng ta đã thề thì em sẽ chém anh như người ta chém trâu, chém bò”.
b. Là kết quả của những rung động yêu thương, đến lượt nó - sự sở hữu lại trở thành cội nguồn của tính ghen tuông - một đặc điểm hầu như không bao giờ được tìm thấy trong thời kì chế độ hôn nhân tập thể. F. Ăng- ghen đã viết: “Ở chế độ quần hôn, một chế độ hôn nhân trong đó cả từng nhóm đàn ông và cả từng nhóm đàn bà đều là sở hữu của nhau thì tính ghen tuông khó lòng phát triển” [3, 50]. Là hệ quả tất yếu của tình yêu, của lòng ham muốn chiếm hữu, tính ghen tuông đã trở thành một tấm kính hội tụ và phản chiếu tính chất/hình thái hôn nhân và qua đó là trình độ phát triển của xã hội. Tính ghen tuông là một tình cảm phát triển tương đối chậm và không phải ngẫu nhiên mà có. Sự biểu hiện của nó trong sử thi Tây Nguyên là một
chứng cớ quan trọng để chúng ta có thể khẳng định rằng hôn nhân trong sử thi Tây Nguyên đã qua cái thời của chế độ quần hôn dẫu cho đâu đó vẫn còn lưu giữ vài kí ức lu mờ hay chút vết tích tàn dư của chế độ lắm vợ nhiều
chồng ấy…
Trong ot ndrong Bing con Măch xin làm vợ Yang, vì muốn sở hữu
Yơng, Yang; Bông, Jông con Măch đã đến nhà hai chàng để gặp người tình và vợ của họ. Trong lần gặp mặt “ba bên” ấy, Bing con Lông, Jông con Măng - vợ Yơng, Yang đã tức giận quay sang trách móc chồng đã có vợ rồi còn muốn lấy vợ hai:
“Bing đỏ mặt như quả cà chín
Bing đỏ mặt như quả rmăng glơng
Bing đỏ mặt như con chim glơng
Bing, Jông giận đến tím cả người
(…)
Dao có rồi, Yang còn kiếm sắt Cốm có rồi, Yơng còn kiếm lúa Cá đã có sao còn kiếm rớ
Vợ có rồi sao cưới vợ nữa”.
Ý thức ghen tuông cũng được thể hiện qua một chi tiết rất thú vị trong
hơmon Dăm Noi: “Thấy hai chị Bia Mơ Xét và Bia Kơ Văr cũng yêu mến
Xét, theo Xét miết, nàng Bia Răk (con gái út của ông Trời, vợ của Xét - VHH) cảm thấy không vui bụng và gìn giữ Xét không cho chàng đi lại”.
Nhưng sự ghen tuông còn thể hiện một cách quyết liệt hơn, dữ dội
hơn trong hơmon Giông đạp đổ núi đá cao ngất. Hiểu lầm chàng để ý đến
người phụ nữ khác, Bia Phu đã bật khóc rồi thét lên… Trong cơn tức giận,
Bia Phu đã mắng chửi, xúc phạm, sỉ nhục Giông. Nàng ghen tức vì cho rằng Giông không còn yêu mình nữa mà yêu nàng Đing Treng ở bên kia bờ biển.
Bỏ ngoài tai những lời phân trần, giải thích của chồng, Bia Phu đã lột hết áo khố và đuổi Giông ra khỏi nhà với lời nguyền: Không được ăn cơm cha mẹ ở thượng nguồn, hãy qua biển rộng mà ăn cơm với Đing Treng.
Như vậy, những nhân vật trong sử thi Tây Nguyên đã biết đến ghen tuông như một thứ gia vị không thể thiếu của tình yêu. Có thể nói, tình yêu, lòng ham muốn chiếm lĩnh, ý thức sở hữu và tính ghen tuông là những đặc điểm của hôn nhân đối ngẫu và sự xuất hiện của chúng trong sử thi Tây Nguyên là một cơ sở để chúng ta hiểu hơn về xã hội Tây Nguyên trong thời
đại sử thi…