5 Mẫu quyền là hình thức tổ chức xã hội trỏng đó người đàn bà giữ vai trò quyết định trong nền kinh tế, trong đời sống xã hội và gia đình.
4.1.4. Sự tính toán lợ i hại và hiện tượng mua bán trong hôn nhân
a. Khi hôn nhân bắt đầu có sự can thiệp của những tính toán lợi - hại, được - mất, hơn - thua thì đó quyết không thể tồn tại trong thời kì chế độ quần hôn. Bởi lẽ, sự tính toán lợi - hại ấy đồng nghĩa với việc loài người khi đó đã biết căn cứ vào các điều kiện kinh tế, đã bắt đầu đưa lên bàn cân sự được - mất, hơn - thiệt về mặt vật chất để đong, đo, đếm. Chính cái tâm trạng băn khoăn, trăn trở, lưỡng lự của Dăm Săn trước quyết định cưới nàng Hơ Nhí làm vợ là một minh chứng cho “sự tính toán lợi - hại” ấy. Thoạt đầu, Dăm Săn không hề thích Hơ Nhí, chàng thẳng thừng từ chối việc cưới Hơ Nhí làm vợ chỉ đơn giản bởi vì chàng đã phải lòng một người con gái khác. Nhưng sau đó, không ít lần ông Trời đã báo mộng cho Dăm Săn rằng: “Cháu hãy lấy Hơ Nhí làm vợ, sau này cháu sẽ là người giàu có đấy, Dăm Săn ạ! Cháu sẽ đi mua voi, bàn tay sẽ đổi cồng chiêng, cháu sẽ là người giàu nhất xứ. Còn cháu cứ muốn lấy con gái ở buôn tây thì cháu phải đi bắt ngựa lúc trời mưa, bắt voi lúc trời nắng.” Với sự vun vén của gia đình, với sự can thiệp của thần linh, Dăm Săn đã bắt đầu mềm lòng, từ chỗ khăng khăng, nhất định từ chối, Dăm Săn đã bắt đầu dùng dằng, lưỡng lự, tính toán để
cuối cùng đi đến quyết định làm chồng nuê của Hơ Nhí. Rồi với việc tự
khám phá ra hoa đa, hoa sung nằm ngay trong túi áo của Hơ Nhí (đồng nghĩa với sự giàu có đã và sẽ hiện hữu trong gia đình vợ), Dăm Săn đã ngày càng mặn mà và gần gũi với vợ hơn, ngày càng yên tâm với cuộc hôn nhân mà Dăm Săn đã quyết định lựa chọn. Như vậy, giữa một bên là người tình và một bên là cuộc sống giàu có, sung túc, cuối cùng, Dăm Săn đã chọn cái thứ hai. Chàng sẽ chỉ cưới người phụ nữ nào mang đến cho chàng sự giàu có
và hùng mạnh - thứ mà bất kì người anh hùng nào cũng ước mơ vươn tới và khao khát giành lấy.
Chàng Dăm Tiông (trong sử thi cùng tên) được cha mẹ sắp đặt sẵn một cuộc hôn nhân với Hbia Điêt Kluôc. Nhưng Dăm Tiông đã đi ngược lại ý muốn của gia đình, không tuân theo phong tục, chàng chê người con gái ấy đen, xấu và dứt khoát không chịu lấy làm vợ. Thay vào đó, Dăm Tiông đã lấy hai nàng Hbia Dăng Guê và Kbuê H’rah xinh đẹp nhất buôn mặc kệ việc Hbia Điêt Kluôc rất đau buồn, dời bỏ buôn làng đến một vùng đất xa xôi để sống. Nhưng trong một lần được ông Trời báo mộng: “Nếu cháu cứ lấy Hbia Dăng Guê, Hbia Kbuê H’rah thì sau này cháu trở thành đầy tớ, nô lệ, suốt ngày đi hốt phân bò, phân trâu cho người giàu. Nếu cháu lấy Hbia Điêt Kluôc làm vợ thì bộ chiêng cháu chỉ mua trong một buổi, bộ cồng cháu chỉ mua trong một ngày, nô lệ, con trai, con gái nhiều vô kể,” Dăm Tiông đã quyết định đi cướp người con gái ấy về làm vợ.
b. Qua những ví dụ vừa dẫn ở trên, có thể thấy rằng, trong sử thi Tây Nguyên đã ít nhiều có sự tham gia, can thiệp của những tính toán hơn - thiệt,
lợi - hại, được - mất… Bên cạnh những tính toán ấy, hôn nhân trong sử thi
Tây Nguyên còn mang tính chất mua bán - mà nói theo cách của F. Ăngghen thì đó là một triệu chứng phổ biến của chế độ hôn nhân đối ngẫu [3, 68]. Tính chất mua bán ấy được thể hiện qua những lễ vật – những lễ vật được xem như là để “mua” một người về làm chồng hoặc làm vợ. Chàng rể Tiăng,
Tang (trong sử thi Tiăng cướp Djăn, Dje) đã đem cau trầu và những lễ vật
khác đến biếu họ hàng thị tộc của Ngo, Nge để xin cưới hai nàng về làm vợ. Thú vị hơn, nàng dâu Hơ Nhí cũng đã phải “trả cưới” bằng trâu bò, ngựa voi, chiêng quý, ché quý theo đúng tập tục mẫu hệ để “mua” Dăm Săn về làm chồng. Thậm chí, nàng Bing con Măng vì quá say mê chàng Yang mà chấp nhận lặn lội đi tìm những lễ vật quý hiếm để cống nộp cho vợ của
Yang. Chưa hết, Bing con Măch còn phải dâng nạp một đầy tớ phục dịch và một đầy tớ bảo vệ cho vợ Yang mới được lấy Yang làm chồng. Tóm lại, những cuộc hôn nhân ấy - ở một chừng mực nào đó - cũng “giống như một
món hàng”, được quy đổi, được “trả” theo những đơn vị giá trị riêng…
Với những điều kiện trên, có thể nói rằng, hôn nhân được phản ánh trong sử thi Tây Nguyên, về cơ bản, là hôn nhân đối ngẫu. Đây thực chất là hình thức kết hôn từng cặp tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, dài hoặc ngắn. Hôn nhân đối ngẫu ra đời, thay thế chế độ quần hôn “là sự thu hẹp không ngừng các phạm vi vốn xưa kia bao gồm toàn thể bộ lạc và trong đó có tình trạng cộng đồng hôn nhân giữa nam nữ” [3, 68]. Vì lẽ đó, trong hôn nhân đối ngẫu, con người đã có ý thức cao hơn về vai trò và trách nhiệm
đối với người vợ hoặc người chồng của mình. Djăn, Dje (trong sử thi Tiăng
cướp Djăn, Dje) dù rất mến Tiăng, Tang nhưng đã nhất quyết cự tuyệt lời tỏ tình và cầu hôn của hai chàng trai khỏe đẹp ấy vì họ đã là người có chồng. Dăm Noi (trong sử thi cùng tên) dù được rất nhiều cô gái xinh đẹp, tốt bụng yêu thương và sẵn sàng về ở cùng nhưng Noi chỉ lấy một người về làm vợ là Bia Kơ Nhí, còn các cô gái khác, chàng nhường cho các anh, các chú. Cũng trong sử thi này, việc thực hiện chế độ hôn nhân đối ngẫu đã được thể hiện rõ qua lời của bok Kei Đei: “Trước kia ta đã nói ai muốn lấy Xét thì xuống ở dưới đất, các con không chịu xuống. Bây giờ, Xét đã là của Bia Răk, các con muốn giành lấy sao được. Không nên thế. Mỗi người chỉ được một vợ, một chồng thôi. Các con không nghe, bố sẽ đánh!”. Còn Mdrong Dăm (trong tác phẩm khan cùng tên) thì thề thốt với người vợ tương lai rằng: “Em Hbia Sun ơi! Nếu anh là kẻ trăng hoa thì em cứ giết anh đi, em chém anh rồi vứt xác trong bãi trâu bò. Ché tuk, ché tang của cha mẹ anh, em cứ lấy mà đem về!” Những điều vừa dẫn trên khiến chúng tôi nhớ đến Bacôphen khi ông này cho rằng: “Bước chuyển từ chế độ quần hôn sang chế độ hôn nhân đối
ngẫu được đánh dấu bằng một sự hiến thân có giới hạn, nghĩa là sự hiến thân cho tất cả mọi người không phân biệt gì, nay được kế tục bằng sự hiến thân
cho những người nhất định nào đó thôi” (Bàn về mẫu quyền, tr. XIX, chuyển
dẫn theo [3,73]).
Tuy nhiên, hôn nhân đối ngẫu, về cơ bản và thực chất vẫn là hình thái quá độ từ chế độ quần hôn đến chế độ hôn nhân cá thể. Dẫu hôn nhân đối ngẫu mang trong mình những dấu hiệu, “triệu chứng” sơ khai của chế độ một vợ một chồng nhưng những vết tích, tàn dư của chế độ quần hôn chưa hẳn và chưa thể phai mờ hết. Thay thế chế độ quần hôn, những đặc điểm của hôn nhân đối ngẫu đã được bổ sung bằng chính các tàn dư của chế độ “lắm vợ, nhiều chồng”. Và, cái kí ức lờ mờ về chế độ quần hôn trong quá khứ đã được thể hiện, được phản ánh qua các quan hệ tính giao trước và ngoài hôn nhân, qua những cuộc ngoại tình, hoặc bên cạnh các vợ, chồng “chính” còn có các vợ chồng “bổ sung”, mà để minh chứng, khẳng định cho điều này thì có thể dẫn ra đây những nhân vật trong sử thi Tây Nguyên - chính họ là những “người trong cuộc”. Từ Dăm Săn cho đến Mdrong Dăm, trong những lần sục sôi đi giành lại vợ, đều chưa bao giờ bỏ lỡ các cơ hội tình tự, ân ái với nhiều cô gái trẻ đẹp ở những nơi họ đã đi qua. Dù có vợ là những người phụ nữ nức tiếng xinh đẹp, giàu sang, nhưng với người anh hùng, thế vẫn là chưa đủ. Đã hơn một lần, Dăm Săn nói đến việc phải đi bắt nữ thần mặt trời về làm vợ, và cũng đã hơn một lần, Dăm Săn - trước thần mặt trời - đã dũng cảm thổ lộ ước nguyện của mình: “Tôi muốn có hai vợ lẽ, tôi muốn cả ba vợ
tôi đều là những nàng tiên xinh đẹp”. Chàng Giông (trong sử thi Giông đi
tìm vợ) dù đã có vợ là nàng Tang Năr nhưng vẫn muốn đi tìm thêm một người vợ nữa để cuối cùng ba vợ chồng Giông sống chung dưới một mái
nhà. Còn Tiăng, Tang (trong ot ndrong Tiăng cướp Djăn, Dje) mới lần đầu
chăm muốn cướp hai cô gái xinh đẹp kia về làm vợ bất chấp việc họ là chị dâu tương lai của mình. Phải chăng, những người đàn ông trong sử thi Tây Nguyên đều là những “kẻ tham lam” khi luôn muốn nhiều-hơn-thật-nhiều những gì mình đã có và cần có. Đó là lí do vì sao mà chuỗi cườm - vật đính ước tượng trưng cho sự gắn kết nam nữ - đã dứt khoát không chịu rơi vào cổ Giông để chứng tỏ lòng chung thủy trước sau như một của chàng, mà lại vướng vào tóc, vào tai để nói lên rằng “đàn ông vốn là như thế”, đâu dễ gì
một lòng, một dạ… Sự mong manh của gia đình đối ngẫu ấy được cắt nghĩa
từ chính những tàn dư ít nhiều còn sót lại của chế độ quần hôn, và sự thật này khiến cho hôn nhân đối ngẫu chỉ là một hình thái sơ khai của chế độ một vợ một chồng. Trong khi đó, quan hệ vợ chồng trong gia đình cá thể chặt chẽ hơn nhiều, hai bên không còn có thể tùy ý bỏ nhau được nữa. Khác với chế độ hôn nhân cá thể sau này, gia đình đối ngẫu không phải và chưa thể là một đơn vị kinh tế cơ sở cho nên không bền vững, chóng rạn vỡ; mà điều này chỉ có thể xảy ra khi đã hoàn toàn xóa bỏ được nền kinh tế cộng sản do lịch sử để lại.
Có thể nói rằng, hôn nhân trong sử thi Tây Nguyên, về cơ bản, là hôn nhân đối ngẫu. Là một bước chuyển quá độ, nó vừa mang trong mình những tín hiệu của thì tương lai, lại vừa không thể khỏa lấp hết được những tàn dư
của thời quá vãng…