b. Nội dung và kết quả của kế hoạch tự động hoá lần thứ ba
2.1.5 Chính sách đào tạo nhân lực
Tuy trong “Kế hoạch tự động hoá sản xuất Đài Loan” năm 1982 đã liệt kê chi phí đầu tư trang thiết bị cho các trường học để đào tạo lý luận và thao tác cơ bản về tự động hoá, nhưng bước sang đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, kỹ thuật tự động hoá cũng như nhân lực trong ngành này của Đài Loan vẫn còn thiếu và yếu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cấp nền sản xuất của Đài Loan. Trước tình trạng như vậy, các doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch riêng để đào tạo nhân lực, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vẫn còn là một vấn đề nan giải và cần sự hỗ trợ của chính quyền. Bởi vậy, một trong những yếu tố then chốt của việc nâng cấp nền sản xuất của Đài Loan là kiện toàn kế hoạch và hệ thống đào tạo nhân lực tự động hoá.
Chính sách đào tạo nhân lực căn cứ theo “Kế hoạch 5 năm (từ 1993 đến 1997) đào tạo nhân lực tự động hoá” và “Kế hoạch bồi dưỡng nhân lực thiết kế phần mềm ứng dụng và quy hoạch tự động hoá sản xuất”. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, các trường đại học, trường nghề đào tạo cũng chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trọng điểm như quy hoạch, thiết kế, chế tạo, bảo trì hệ thống tự động hoá. Cục công nghiệp giao cho các đơn vị nghiên cứu chỉ đạo cơ cấu, quy hoạch, đồng thời mở một loạt khoá học cơ bản và nâng cao về tự động hoá, chính quyền Đài Loan đầu tư chi phí cho các khoá học này. Nhân viên trong các doanh nghiệp muốn tham gia học tập đều có thể đăng ký mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Các đơn vị thực hiện “Kế hoạch 5 năm đào tạo nhân lực tự động hoá công nghiệp” mỗi năm đều uỷ thác cho các đơn vị học thuật điều tra tình hình nhân lực để đưa ra phương án cho năm tiếp theo, đồng thời đưa ra kế hoạch huấn luyện nhân lực tự động hoá, sau đó lại giao cho các đơn vị học thuật mở lớp đào tạo, cuối cùng, đánh giá rút kinh nghiệm cho việc đào tạo bồi dưỡng nhân
lực sau này. Nội dung của kế hoạch này được chia ra thành năm phần chính:
Thứ nhất, quản lý và quy hoạch chương trình đào tạo nhân lực tự động hoá.
Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tự động hoá sản xuất, và nhân rộng đào tạo bằng hệ thống tài liệu được chuẩn hoá.
Thứ ba, mở lớp đào tạo nhân lực tự động hoá công trình.
Thứ tư, tiến hành tham quan, thảo luận rút kinh nghiệm tại các cơ sở sản xuất điển hình.
Thứ năm tổ chức thảo luận nghiên cứu việc kinh doanh của các doanh nghiệp quốc tế về tự động hoá.
Nội dung trên cho thấy sự quan tâm của chính quyền Đài Loan đến tất cả các phương diện của hệ thống đào tạo. Từ việc đào tạo kỹ thuật tự động hoá cơ bản cho công nhân, đến các kỹ sư và cả việc đào tạo kiến thức tự động hoá cho các doanh nghiệp, tất cả các chương trình đào tạo đều được chuẩn hoá. Sau mỗi đợt đào tạo, Đài Loan còn tổ chức rút kinh nghiệm từ những doanh nghiệp phát triển tự động hoá điển hình, sau đó tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp xúc với kỹ thuật tự động hoá trên thế giới. Ngoài ra, tính chất đào tạo của “Kế hoạch 5 năm đào tạo nhân lực tự động hoá công nghiệp” thuộc loại hình đào tạo tại chức được kết hợp giữa các trường học và các đơn vị pháp nhân, do các Viện khoa học kỹ thuật của Đài Loan chịu trách nhiệm hệ thống hoá, quy hoạch, điều tiết, cụ thể là:
Các trường học: Bao gồm Học viện kỹ thuật công nghiệp Đài Loan, Đại học Giao thông, Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Khánh Linh, Viện khoa học công nghiệp Viễn Trí, Trường cao đẳng công thương Cao Uyên và đại học Thành Công chịu trách nhiệm đào tạo
những kiến thức tự động hoá cơ bản và nâng cao các kiến thức cơ bản của học viên.
Các cơ quan hữu quan: Bao gồm Trung tâm sức sản xuất, Trung tâm Trung Vi, Cục Cơ Khí và Trung tâm kim loại Viện công nghiệp, căn cứ vào nội dung của kế hoạch, mở các lớp đào tạo cao cấp Từ 1992 đến 1997, Đài Loan đã đào tạo được 54.909 người (xem bảng 2.5). Tuy nhiên, số người tham gia đào tạo trong các năm có xu hướng giảm dần.
Bảng 2.5: Số người được đào tạo trong kế hoạch đào tạo nhân lực
Đơn vị: Người
Năm 1992 1993 1994 1995 1996 1997 Tổng cộng Kế hoạch đào tạo nhân
lực tự động hóa công nghiệp
6835 5965 5102 5245 5035 4992 33165
Kế hoạch đào tạo nhân lực thiết kế phần mềm ứng dụng và quy hoạch vi tính hóa công nghiệp 3597 5338 4160 3520 3135 1994 21744 Tổng cộng 10432 11294 9267 8765 8170 6986 54909
Nguồn: Cục công nghiệp Bộ Kinh tế- Niên giám phát triển công nghiệp năm 1997- tr: 1029.
Từ năm 2000 đến năm 2005, trong “Kế hoạch tự động hoá và điện tử hoá nền sản xuất”, chính quyền Đài Loan tiếp tục chú trọng đến đào tạo nhân lực tự động hoá bằng cách phân chia ra từng ngành nghề để tiến hành đào tạo tại một số doanh nghiệp trọng điểm và đã đào tạo được 500 doanh nghiệp ứng dụng tự động hoá trong ngành chế tạo và huấn luyện được 36.550 lượt người lao động trong lĩnh vực tự động hoá.
Như vậy, chính sách đào tạo nhân lực cho ngành tự động hoá luôn được chính quyền Đài Loan coi là mối quan tâm thiết yếu trong kế hoạch thúc đẩy tự động hoá qua các thời kỳ. Chính quyền Đài Loan chú trọng đào tạo nhân lực tự động hoá trong mọi cấp bậc, từ các chuyên gia đầu ngành, các kỹ sư thiết kế quy hoạch cho đến công nhân kỹ thuật, vận hành máy móc trong các nhà máy. Sau mỗi một giai đoạn, Ban tự động hoá đều báo cáo kết quả thực hiện, rút kinh nghiệm đồng thời lập kế hoạch cho các giai đoạn tiếp theo. Như vậy, việc đào tạo nhân lực tự động hoá luôn bám sát được nhu cầu thực tế của nhà sản xuất cũng như thị trường, tránh tình trạng thầy nhiều hơn thợ, hay thiết hụt kỹ sư đầu ngành...Đồng thời qua các thời kỳ phát triển, các trường học, viện nghiên cứu luôn được đặt gần với các khu công nghệ, khu công nghiệp. Đào tạo luôn đi cùng với thực hành tại các khu vực sản xuất. Đây chính là một thành công lớn trong việc đào tạo nhân lực của chính quyền Đài Loan mà chúng ta cần học tập, để khi sinh viên hay người thợ sau khi được đào tạo cũng không quá bỡ ngỡ với thực tế sản xuất tại nhà máy.