Chƣơng 3 : NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.1.2.2. Miêu tả thông qua đối thoại, độc thoại
Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, các nhân vật được xây dựng tâm lí qua rất nhiều lần đối thoại và độc thoại, đặc biệt là độc thoại. Điều độc đáo là các khoảng cách sử thi của sự kiện lịch sử và nhân vật đã được thu hẹp nhờ lớp ngôn ngữ đối thoại, độc thoại đời thường tự nhiên, sống động.
a.Đối thoại
Hồ Quý Ly là một kẻ quyền biến, cả gan, dám nghĩ dám làm. Trong những lời tranh luận về chính sự, thời cuộc, ông luôn bộc lộ cá tính ngang tàng, bướng bỉnh, quyết đoán. Khi vua hỏi về người có thể cầm quân đánh Chiêm Thành, ông đã chỉ rõ tướng Khát Chân, dù lúc đó Khát Chân chỉ là tướng nhỏ. Khi nói với vua về việc nước, Quý Ly mạnh dạn nhận xét về sự cũ kĩ, bế tắc của đất nước, từ đó mạnh dạn đề cập giải pháp: “Thần liều chết xin tâu: Có thể nói, cái giếng cũ toàn một thứ nước tanh tưởi, những nguồn sinh thuỷ, những mạch nước ngầm trong và mát đều đã bị bịt kín. Vừa qua, bệ hạ lên ngôi, đó là trận mưa rào. Nước dâng cao trong lòng giếng. Hiện nay thứ nước mới vừa thơm vừa lành là chính. Thứ nước cũ chở đầy xú khí, nó nặng nề và khôn ngoan nép mình dưới đáy, nhưng rồi đây, mưa rào qua đi, mặt nước phẳng lặng sẽ là dịp cho thứ nước tanh hôi len lén bò lên và hoà vào nước mới. Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm... cuối cùng nước mới cũng thành nước cũ...”.[14, tr. 69]
Khi giận dữ ông dùng cả những lời nói báng bổ: “Chu Hi là cái đếch gì! Trình Di cũng là cái đếch gì! Thuần một lũ ăn cắp văn mà thôi…” [14, tr. 90]. Khi đối thoại với con, ông trở thành một người cha gần gũi, hiền lành. Ông nói với con bằng những lời thân mật, dịu dàng: “Anh Trừng! Đã đến lúc cha phải vào Tây Đô” [14, tr. 189], “Anh Trừng đấy hả? Cha biết là anh sẽ đến.” [14, tr. 189].
Nhân vật Sử Văn Hoa lại được miêu tả với những lời nói thật, dù có làm mất lòng. Đây là lời nói trước Nghệ Hoàng: “Tiểu nhân nghĩ: Sử là hồn núi hồn sông. Sử là tinh tuý của đất nước. Dân tộc nào biết chép sử càng sớm, càng có nhiều cơ hội văn hiến. Dân tộc nào càng biết quý trọng đến sử càng có nhiều cơ hội trường tồn. Thịnh đấy? Suy đấy! Chẳng vì thịnh mà kiêu, chẳng vì suy mà nản. Cứ bền lòng nhìn vào sử như tự ngắm mình trong một tấm gương. Ngắm để vẽ, để tô, để sửa, ắt khuôn mặt càng dễ ưa, dễ coi. Hồn núi ở đó, hồn sông cũng ở đó. Chẳng thế mà kẻ ngoại bang sang xâm lấn nước ta, lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm xoá bỏ sử sách của ta.”. [14, tr. 46]. Còn khi nói với vua Duệ Tông, Hoa dám chỉ ra sự thất bại của Nghệ Tông. Việc Nghệ Tông mong muốn đem giấc mơ ra làm niềm tin chiến thắng đã bị Hoa “tát cho một gáo nước lạnh” với lí giải: khi Nghệ Tông ngẩng mặt lên trời, thì bầu trời tối tăm u ám. Điềm hung chính ở chỗ đó. Mầu đen thuộc về âm, âm thuộc về đất. Vậy, nhìn lên trời khác gì nhìn xuống đất. Chế Bồng Nga nhìn xuống đất, cả bệ hạ cũng nhìn xuống đất. Điều đó chỉ ra rằng cả hai bên đều tan nát đau khổ...Với Hồ Quý Ly, Văn Hoa cũng rất chân thật, dù án chém đang đè cổ.
Trong khi đó, lời đối thoại của bà hoàng Thánh Ngẫu tuy ít song câu nào cũng mang đầy bi kịch của kẻ là nạn nhân của các âm mưu chính trị, của người đàn bà mất mát hạnh phúc gia đình: “Tôi không ốm! Tôi cần biết sự thật. Tôi muốn gặp chồng tôi. Thằng An muốn gặp cha nó. Hay là... Phải. Hay là cha chúng ta đã có âm mưu gì?... Hay là cả huynh nữa... các người đã có âm mưu gì?...” Bà hoàng hậu như nổi cơn điên rồ. Nàng đứng lên, mắt long lanh, đôi mắt đau khổ hầu như đã cạn khô nước mắt.” [14, tr. 183]
b. Độc thoại
Nhiều nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly thường sống trong dòng độc thoại nội tâm. Đó chính là lúc họ đối diện với chính mình, bày tỏ những suy nghĩ thật của mình về cuộc đời và con người.
Nhân vật Hồ Nguyên Trừng là nhân vật đa sầu đa cảm nhất. Ông nhạy cảm trước tất cả mọi thứ. Ngay cả câu nói của người cha cũng làm ông trăn trở. Tựu trung, đó là cái trăn trở vì bị o ép giữa một cuộc tranh chấp quyền lực, là nỗi buồn của kẻ chán thời thế. Ông luôn cảm nhận cung đình là nơi đầy phức tạp và bất ổn. Ông nhận ra ở cái sân khấu quyền quý, hoa lệ này, đó là sự giành giật, sự vật lộn không khoan nhượng, nó thường hằng rộng khắp, một nụ cười, một vái chào, một khoé mắt cũng phải coi chừng. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có nhiều đoạn văn miêu tả tâm lí của Nguyên Trừng bằng ngôn ngữ khá gợi cảm khi nói về hai mối tình đẹp của ông. Ông và người vợ cũ chỉ nói với nhau bằng cách nói nửa lời như vậy, nhưng dường như họ cảm thấy hình như đã hiểu nhau. Cho đến lúc họ giao hoà cùng nhau thì họ đã hoàn toàn hiểu nhau. Khi một người nam và một người nữ đã hoàn toàn hiểu nhau thì đó là một sự thái hoà. Khi triều đình xảy ra nội biến, Nguyên Trừng bị ốm song bằng sự nhạy cảm chính trị chàng vẫn cảm thấy sự bất ổn: “Riêng tôi lại trơ trơ nằm đấy, sốt nóng như hòn than, đầu óc hoang tưởng lạc vào những cơn ác mộng. Tôi nằm đấy, nhưng tai vẫn nghe thấy những bước chân, những tiếng thì thầm. Không hiểu bộ óc ốm đau của tôi có tưởng tượng ra không, nhưng tôi cảm thấy một bóng ma vô hình đang lù lù đi tới.” [14, tr. 205]
Nhà văn cũng tái hiện nhiều độc thoại của Nghệ Hoàng. Có lẽ bởi đây là nhân vật đã đi hết quãng đời dài của mình, thấu hiểu nhiều điều nhưng vẫn ẩn chứa bao điều chưa lí giải được. Vì thế, Nguyễn Xuân Khánh đã dành cho Nghệ Hoàng nhiều câu hỏi tự vấn vừa để nhân vật tự phơi bày dòng ý thức của mình, vừa tạo điều kiện cho người đọc tự suy ngẫm, kiến giải: “Mâu thuẫn đến thế, sự giằng xé đến thế vậy mà ông lại muốn ra đi một cách nhẹ nhàng sao? Ông muốn mặc đồ lụa vàng; lụa dù nhẹ nhưng cất sao nổi gánh nặng trong lòng ông. Trong tâm tưởng, chợt nghe một tiếng ai đó thét lên : “Ngươi làm đổ cơ nghiệp nhà Trần” “Không!” “Chẳng phải tại tôi. Đó là vận
nước!” “Tội lỗi do người quá nhân từ.”Sách chẳng nói chữ nhân là cái đức đầu tiên của ông vua sáng đó sao?” [14, tr. 29]. Từ đầu đến cuối truyện, chỗ nào cũng thấy tác giả miêu tả ông lo lắng: “Ông vua già Nghệ Tông lo lắng là phải. Ông phải nhớ đến hội thề. Ông phải nhờ đến thần hộ quốc. Ông muốn tiếng chuông vàng, tiếng trống Đồng Cổ sẽ vang động làm thức tỉnh trăm quan. thức tỉnh thần dân trong nước. Các cụ tổ nhà Trần. lúc giặc Nguyên xâm lấn, trong cơn nguy cấp, đã gióng trống thần, đã khua chuông thiêng, gọi thần linh hộ quốc về giúp sức. Và tổ tiên của nhà Trần đã thành công phá tan giặc nước. Đến đời ông, phút này đây, chẳng là cơn nguy cấp sao. Vậy thì ông cũng phải dùng đến chuông thiêng, trống thiêng.” [14, tr. 9]
Trần Thuận Tông cũng được tái hiện nội tâm sâu sắc. Thuận Tông hay lại ngồi tĩnh toạ. Thông thường lúc bóng tối phủ hẳn xuống, lúc không gian khu vườn bao la hoàn toàn tịch mịch, cũng là lúc Thuận Tông sợ hãi nhất. Thuận Tôn luôn cho rằng cái triều đình đã thành rồ dại. Thiên hạ như một bầy người điên. Họ tranh nhau từ màu áo cho đến lọng che, cho đến kiệu đi, ngựa cưỡi. Thèm áo đỏ, áo tía. Thèm nhiều tàn, nhiều lọng, thèm kẻ hầu người hạ, tì thiếp đông đúc... Thuận Tông cũng biết những mưu tính của Quý Ly. Ông biết Quý Ly đã vất vả vì cái ngôi vua từ hơn hai chục năm nay. Nhưng trái lại với sự tranh giành, Thuận Tông lại dễ dàng xin biếu Quý Ly cái ngai vàng. Ông thừa hiểu ngôi báu tiếng là của ông nhưng có thực là của ông đâu. Bên ông, còn biết bao nhiều người giữ tay ông lại, bịt miệng ông lại, không cho phép ông trao nó cho Quý Ly. Nhưng ông cũng không để ý. Ông bỏ lại cả triều chính để đi lên Yên Tử tu hành. “Thế là ta đã đồng ý để mọi việc triều chính rơi hết vào tay ông. Như vậy ông đã thoả chưa? Tại sao ông vẫn chẳng buông tha, trả ta về với sự bình an tịch mịch?” [14, tr. 92]. Đó là lời độc thoại của người chẳng ham địa vị danh lợi, do vậy ông ta đau khổ khi bị lôi kéo vào guồng máy chính trị, vào âm mưu của Quý Ly.
Những dòng độc thoại của Quý Ly làm ta bất ngờ hơn cả. Những lúc một mình quỳ dưới bàn thờ của công chúa Huy Ninh, Hồ Quý Ly lại trở thành một con người khác: cô đơn, trầm lắng đến tội nghiệp. Lời người kể chuyện đan cài trong lời nhân vật làm cho hiện tại, quá khứ đan quện vào nhau càng làm rõ cái phần yếu đuối trong con người tưởng như chỉ biết có âm mưu, toan tính: “Sự dịu hiền của bà ám vào trong không gian, trên cái gối, cái chăn luôn luôn thơm tho mời đón, trên mâm cơm giản dị ngon lành tự tay bà nấu. Có bận ông ốm, bà nấu cho ông bát canh sâm cầm nóng. Ông chậm rãi nhai những mẩu hành như nhai những đốm hoa màu ngà xanh bơi trong thứ nước sóng sánh… Ông nhai chậm rãi. Ô kìa! Sao lại thế? Hành mà có vị thơm đến thế ư? Lần đầu tiên trong đời ông cảm nhận được hương thơm của một nhánh hành hoa. Có lẽ cuộc sống chính trường vội vã, hối hả và bạo liệt đã làm cho tất cả giác quan của ông bị thui chột… Và chỉ có bàn tay người đàn bà mới có thể làm thức dậy những cảm xúc tinh tế mà con người đã đánh mất…” [14, tr. 199]. Có lúc, Quý Ly lại rơi vào sự mâu thuẫn khi nghĩ về một loạt sự việc xảy ra trước mắt mình thời gian qua. Nội tâm biểu hiện một con người có suy xét, có cảm xúc song vô cùng cứng rắn khi không bao giờ thay đổi quyết định. Có lúc ông đã mơ gặp lại Nghệ Tông. Giấc mơ ấy làm Hồ Quý Ly tỉnh giấc, và sau đó không tài nào ngủ lại được. Ông hầu như thức suốt đêm. Ông miên man nghĩ: nghĩ tới Thuận Tông, ông vua con rể đang tu đạo trong vườn uyển; nghĩ tới Nguyên Trừng người con trai tài hoa với nhiều ý tưởng ngông cuồng lắm lúc ngược với ông nhưng không phải không có lý; nghĩ tới Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng, những con người đối địch với ông mà ông ra sức kéo níu, rồi cả tới Đoàn Xuân Lôi, Nguyễn Cẩn, Nguyễn Phi Khanh, Sử Văn Hoa... Đêm qua, ông vừa đọc xong thiên Minh Đạo Luận của Sử. Ông trằn trọc, ông thở dài, ông suy ngẫm, ông ngồi dậy đốt nến và viết, rồi đứng lên ra khu sân rộng trước cung, đứng cạnh đôi rồng đá, vuốt ve chúng, rồi đi lại ngắm sao trên trời. Người đời bảo ông táo bạo, cương nghị, sắc sảo, cả gan làm đất trời rung chuyển. Có kẻ chê ông tàn nhẫn, gian hùng, xảo quyệt và lắm tham vọng. Những kẻ thô thiển thì nói ông mưu cầu hạnh phúc cho mình. Ông chợt cười trong lòng: Hạnh phúc ư? Ta sung sướng hay ta không sung sướng? Ông
không nén được nụ cười thầm bật ra thành tiếng. “Những tiếng cười giòn mà chỉ có mình ông nghe, chỉ có những ngôi sao tinh quái trên trời nghe. Tiếng cười làm lũ gà chọi, trong cung cấm đang bắt đầu gáy sáng cũng đột nhiên sợ hãi ngừng bặt. Tiếng cười thoả mãn, hay tiếng cười buồn, hay tiếng cười cô đơn? Có ai biết được? Hoạ chăng có mình ông biết, vì chỉ có riêng ông nghe thấy nó mà thôi. Lũ lính canh đêm đi vòng ngoài cung điện, vừa đi thỉnh thoảng lại gõ lên một tiếng mõ, cũng chỉ nghe thấy tiếng cười ấy một cách mơ hồ...” [14, tr. 186]