Chƣơng 3 : NGÔN NGỮ TỰ SỰ
3.2. Các thành phần của ngôn ngữ tự sự
3.2.1. Ngôn ngữ kể
Chúng ta đã biết lời kể chính là phần lời độc thoại thể hiện quan điểm tác giả hay quan điểm người kể chuyện đối với cuộc sống được miêu tả. Đó
được coi là phần lời gián tiếp trong tác phẩm. Lời kể này thường xuất hiện ở phần đầu của mỗi phần trong các chương của tiểu thuyết: “Ngân Thành cố sự” (đã khảo sát ở chương 1, mục 1.2). Trong phần này, chúng tôi không có ý định khảo sát lại ngôn ngữ kể của người kể chuyện trong trường hợp trên.
Chúng tôi chú ý đến một trường hợp: “sự nhập vai giữa lời thoại của nhân vật và người kể chuyện” (Nguyễn Thái Hoà), đặc biệt là những phát ngôn có tính chất tự thú của nhân vật (độc thoại nội tâm). Những phát ngôn độc thoại nội tâm đó có dụng ý hướng vào người khác, để tranh luận, đối thoại ngầm. Và theo Bakhtin: “lời kể chuyện trong trường hợp này không tái hiện lời nói của nhân vật nói chung… mà chớp lấy tiếng nói, lời nói của nhân vật để miêu tả tiếp hành vi, cử chỉ, động tác của nhân vật” [3, 213]. Trường hợp này tạo ra dạng lời nửa trực tiếp với ngôn ngữ độc thoại không thuần khiết. Có khi là lời nhân vật, có khi là lời người kể chuyện, có khi cả hai nhập làm một.
Trong “Ngân Thành cố sự”, ngôn ngữ người kể chuyện chiếm tỉ lệ lớn hơn so với ngôn ngữ của các nhân vật khác. Lời thoại của nhân vật chiếm dung lượng ít ỏi. Do đó độc thoại nội tâm không thuần khiết (dạng lời nửa trực tiếp) xuất hiện nhiều. Đặc điểm này của ngôn ngữ kể có liên quan mật thiết đến điểm nhìn nghệ thuật trong tác phẩm: sự di chuyển điểm nhìn từ người kể chuyện sang nhân vật.
Viết “Ngân Thành cố sự” điều mà Lý Nhuệ quan tâm không phải là các sự kiện đơn thuần, các biến cố kịch tính mà là suy nghĩ tâm lí của con người trước mỗi tình huống được đề cập. Nhà văn muốn khám phá “con người trong con người”, phát hiện mọi bình diện, chiều sâu và mọi chuyển biến trong thế giới tâm hồn nhân vật. Các nhân vật trong tiểu thuyết “Ngân Thành cố sự” đều có một đời sống nội tâm phong phú của riêng mình, với những nỗi niềm sâu kín. Các cuộc tranh luận luôn diễn ra trong tâm tưởng nhân vật. Người kể chuyện chính là người lắng nghe và tiếp nhận những cuộc tranh luận đó.
Ta hãy khảo sát trường hợp độc thoại nội tâm của Lưu Lan Đình khi quyết định huỷ bỏ bạo động cách mạng:
“ (1) Lưu Lan Đình ngoảnh lại nhìn cái bóng vừa đen vừa dài chập chờn trên tường, trong bụng vẫn băn khoăn. (2) Mình hành động như vậy để làm gì? (3) Vì để bảo vệ ngôi trường này mà phải huỷ bỏ cuộc bạo động, bỏ luôn Âu Dương Lang Vân hay sao?. (4) Mình có thể tự thanh minh sao đây?. (5) Từ khi Tôn tiên sinh khởi xướng Cách mạng cho tới nay, vô số cuộc bạo động thất bại, nhiều anh em, đồng chí đã hi sinh. (6) Nhưng, ở một số nơi khác các đồng chí khác không hề huỷ cuộc bạo động dù thấy trước thất bại. (7) Chẳng lẽ bỏ rơi Ngân Thành?. (8) Chẳng lẽ mình lại làm như vậy?. (9) Không còn nghi ngờ gì nữa, căn cứ vào tình hình trước mắt thì có đợi thêm nữa cũng chỉ là hành động tự sát… (10) Nhưng không thể đợi thêm có nghĩa là huỷ bỏ bạo động… (11) Cứ nghĩ tới Âu Dương Lang Vân, Lưu Lan Đình lại có cảm giác ăn năn hối lỗi, dày vò cắn rứt mãi không thôi… (12) So với cậu ta mình chỉ là chiếc bóng bẩn thỉu, nhớ nhớp dính trên tường kia, vừa đen vừa dài ” [29, 185 - 186]
Khi nói những lời này, xung quanh Lưu Lan Đình chỉ là căn phòng kĩ thuật của trường học Dục Nhân, yên ắng và đen ngòm. Nhưng việc đưa ra quyết định huỷ bỏ cuộc bạo động ở Ngân Thành khiến Lưu Lan Đình hoài nghi chính bản thân mình. Tại sao anh lại quyết định như vậy có phải vì muốn cứu vãn trường học? Lưu Lan Đình tự hỏi, tự vấn chính mình (câu 2, 3), rồi tự lí luận thanh minh cho bản thân (câu 9, 10). Nhưng văng vẳng đâu đây, Lưu Lan Đình nghe thấy “tiếng nói thứ hai” vọng về - tiếng nói của những người chiến sĩ cách mạng, những người đã ngã xuống (câu 5, 6 , 7) . Trong phát ngôn của Lưu Lan Đình về quyết định của bản thân luôn có lời lẽ của người khác thâm nhập vào. Ý thức về lời lẽ của người khác, khiến cho nhân vật phải phản biện, tự thanh minh cho bản thân. Tranh luận để rồi Lưu Lan
Đình tự thấy xấu hổ khi nghĩ tới Âu Dương Lang Vân (câu 11, 12). Và phải sau nhiều khúc quanh co, gián đoạn, những chỗ ngắt giọng Lưu Lan Đình mới tự thú tại sao mình lại huỷ bỏ bạo động cách mạng ở Ngân Thành:
“Có lẽ việc bảo vệ lấy trường học, bảo vệ lấy các đồng chí khác đều không phải là lí do thực chất. Có lẽ mình cũng chỉ là một thằng hèn tới khi lâm trận thì chạy trốn mà thôi. Có lẽ chỉ tại mình không nỡ lìa xa em Chín, chỉ là một kẻ ham sống sợ chết mà thôi” [29, 186]
Đằng sau những lời nói ngập ngừng ấy, ta thấy con người thật “bên trong” của Lưu Lan Đình. Anh là một chiến sĩ cách mạng nhưng cũng giống như bao con người bình thường khác anh tham sống sợ chết, sợ mất gia đình, người thân. Khía cạnh người anh hùng truyền thống bị đẩy lùi. Con người được trả về với dáng vẻ chân thật nhất.
Nhiếp Cần Hiên là nhân vật với nhiều suy tư ưu thời mẫn thế, buồn thay cho triều đại, cho số phận của bản thân. Trong suy nghĩ của Nhiếp Cần Hiên luôn có sự đối sánh giữa đám tân quân và bản thân. Ông tự ý thức được vai trò và vị trí của mình trong buổi thời cùng thế tận: chỉ là một quần thần còn sót lại của một triều đại đã tàn, đã già, có thể cáo lão hoàn hương được rồi. Nhưng tại sao:
“ (1) Một thằng nhãi kém mình hơn hai chục tuổi, chỉ đáng tuổi con trai mình, một lần đi Tây mà làm quan đến tứ phẩm, cầm đầu bộ binh trong tân quân. (2) Một tháng lương và bổng của nó hơn hai trăm bốn mươi lạng bạc, nhiều hơn bảy mươi hai lạng so với lương và bổng cả một năm của mình là một trăm sáu mươi tám lạng… (3)Thế mà triều Đại Thanh vẫn không tin vào đám tân quân sặc mùi Tây đó, vẫn bắt bọn ăn mày bảo vệ giang sơn cho họ, vẫn bắt bọn ăn mày giúp họ giám sát đám tân quân sài sang và Tây hoá này. (4) Biết thế này thì thành lập tân quân để làm gì? (5) Chẳng lẽ nhà Đại Thanh vì muốn xúi kẻ khác chống lại mình nên bỏ ra cả một đống tiền gửi con cháu
sang Tây du học? (6) Chẳng lẽ nhà Đại Thanh bỏ ra bao nhiêu là tiền mua súng tây, đại bác tây về để tự phá huỷ giang sơn của mình? (7)… Đúng là chuyện dở hơi!” [29, 256]
Dòng độc thoại nội tâm của Nhiếp Cần Hiên mang tính tranh luận với chính sách của triều Đại Thanh. Những lời nói của ông hướng về người tiếp chuyện tưởng tượng với phong cách nói kháy, nói mỉa, đầy ấm ức. Cách tính toán chi li của Nhiếp Cần Hiên cho thấy rõ sự “bất công” như thế nào trong chính sách lương bổng giữa một thằng nhãi tập toẹ mới vào nghề với một lão làng tận trung với triều đại (câu 1, 2). Thật nực cười! Giọng mỉa mai có phần ngoa ngoắt hơn ở những lời nói tiếp theo. Các hình ảnh đối lập: bọn ăn mày >< đám tân quân sài sang, tây hoá, các câu hỏi tranh luận với các giả thiết mang ngụ ý phủ định: chẳng nhẽ nhà Đại Thanh… được lặp lại ( câu 4, 5) vừa tô đậm sự “dở hơi” trong đối sách chính trị đương thời, vừa tô đậm tình trạng dở cười dở khóc của bản thân Nhiếp Cần Hiên. Tận trung, vất vả với triều đình để làm gì? Chỉ là thân ngựa già! Câu văn cuối (7) vừa là lời của nhân vật với cái “cười ruồi” ngán ngẩm cho thế thái nhân tình, vừa là lời tiếp chuyện của người kể chuyện.
Với Vượng Tài, một khách trâu ở xứ Ngân Thành có cuộc sống hồn nhiên như cây cỏ. Anh không quan tâm tới gì khác ngoài những bánh phân trâu của mình. Đó là nguồn thu nhập, nguồn sống của anh. Bản chất của Vượng Tài là không thích tranh luận. Anh tạo cho mình dáng vẻ bề ngoài ngờ nghệch đần độn như trong tưởng tượng của mọi người để khỏi phải giải thích về số phận của bản thân. Nhưng trước nguy cơ những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình có thể bị biến mất, Vượng Tài đã tranh luận với ông chủ quán trà Hội Hiền, với bà chủ, giãi bày tình cảnh với những người xung quanh để không nguôi hi vọng về việc thu lại được tiền của bản thân:
“Ông chủ Trần, chính ông đã yêu cầu đưa đủ một trăm cân. Vậy tôi cho ông thoả mãn luôn. Chỉ có thừa chứ không thiếu, Vượng Tài tôi đây không
thèm lấy thừa một xu để lương tâm khỏi day dứt. Cầu trời phù hộ cho ông vẫn còn sống trong cũi, phù hộ cho ông bình an mà trở về nhà, phù hộ cho Vượng Tài không mất một xu kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Ông chủ không còn thì bà chủ. Không còn sư vẫn còn chùa! Không thể cướp không tiền mồ hôi nước mắt của người khác được” [29, 213 - 214]
Trên cơ sở lời độc thoại nội tâm của Vượng Tài, chúng ta có thể phục chế đoạn đối thoại giữa Vượng Tài với những “người khác”:
- Ông chủ Trần: Phải đưa đủ một trăm cân phân bánh khô mới trả tiền. - Vượng Tài: Vậy tôi cho ông thoả mãn luôn chỉ có thừa chứ không thiếu. - Ông chủ Trần: Thừa chứ không thiếu?
- Vượng Tài: Tôi đây không thèm lấy thừa một xu để lương tâm khỏi day dứt.
- Người xung quanh: ông chủ Trần bị nhốt giam trong cũi, có lẽ sắp bị chặt đầu rồi.
- Vượng Tài: Cầu trời phù hộ cho ông vẫn còn sống trong cũi, phù hộ cho ông bình an mà trở về nhà, phù hộ cho Vượng Tài không mất một xu kiếm bằng mồ hôi nước mắt.
- Người xung quanh: Ông chủ không còn thì sao?
- Vượng Tài: thì còn bà chủ. Không còn sư vẫn còn chùa! Không thể cướp không tiền mồ hôi nước mắt của người khác được!
Cuộc đối thoại tưởng tượng này chính là nội dung ý thức của Vượng Tài. Anh ta rà soát tất cả các trường hợp có thể xảy ra với món tiền của mình. Trong lời độc thoại của nhân vật có sự đối đáp hoà trộn với lời của “người khác”. Các lời đó ăn sâu vào tư tưởng và lời nói của nhân vật Vượng Tài khiến ta không thể triển khai thành một cuộc đối thoại nhãn tiền và thô lỗ như chúng ta vừa làm.
Mong muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Lịch sử là gì? Đối diện với lịch sử, con người là gì?, Lý Nhuệ luôn có ý thức đi sâu tìm tòi, khai thác chiều sâu của hiện thực, của thế giới nội tâm sâu kín của nhân vật, “phát giác sự vật ở những bề chưa thấy, ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa” (Chế Lan Viên)
Nhà văn Nam Cao trong tiểu thuyết “Sống mòn” có viết: “Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng có nghĩa là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao”. Như vậy phần “con người trong con người” với những cảm giác, tư tưởng là phần quan trọng, là nguyên nhân của những hành động. Lý Nhuệ cũng chú ý đến phần “hành động bên trong” của nhân vật, đi sâu khám phá thế giới tâm hồn phức tạp và bí ẩn của con người. Điều đó khiến cho những dòng độc thoại nội tâm trở thành một thành phần không thể thiếu trong ngôn ngữ kể của “Ngân Thành cố sự”.