Yếu tố môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá thực hiện quy trình quản lý đề tài nghiên cứu khoa học (Nghiên cứu trường hợp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.3. Đánh giá thực hiện quy trình quản lý đề tài NCKH

1.2.1.3. Yếu tố môi trường

Hoạt động NCKH luôn diễn ra trong một môi trường nhất định và chịu ảnh hưởng tác động qua lại của môi trường. Môi trường hoạt động NCKH là tổng hợp các điều kiện bên ngoài mà ở đó các hoạt động NCKH được thực hiện. Môi trường NCKH thuận lợi sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động NCKH phát triển. Ngược lại môi trường không thuận lợi sẽ hạn chế, cản trở

kết quả của hoạt động NCKH. Những yếu tố cơ bản cấu thành môi trường hoạt động NCKH là:

a. Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ

Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ là một bộ phận hữu cơ cấu thành chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của chiến lược khoa học và công nghệ phải hướng vào thực hiện các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải hướng vào việc tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước. Chiến lược khoa học và công nghệ có đúng thì mới tạo điều kiện cho việc NCKH đúng hướng, tránh đi đường vòng hoặc lặp lại các sai lầm của người khác. Nếu một đất nước hay một doanh nghiệp, một tổ chức có chiến lược đúng đắn trong phát triển khoa học và công nghệ thông qua các chính sách, cơ chế khuyến khích năng lực sáng tạo, khả năng đổi mới và tiếp cận cái mới, tiêu chuẩn hóa và phổ biến rộng rãi tri thức thì không có gì cản được sự phát triển của quốc gia hay doanh nghiệp, tổ chức đó.

b. Môi trường tâm lý - xã hội

Môi trường tâm lý - xã hội cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả hoạt động NCKH. Khoa học là sự sáng tạo, vì thế việc tạo ra môi trường văn hóa cho hoạt động khoa học là rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng các ý tưởng và tạo nguồn cảm hứng sáng tạo trong hoạt động NCKH. Một xã hội coi trọng trí thức, nuôi dưỡng trí thức, trọng dụng người hiền tài, thực sự coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một xã hội có nền văn hóa phát triển. Vì vậy để tạo yếu tố tâm lý - xã hội thuận lợi cho hoạt động NCKH, các nhà quản lý phải tạo dựng được môi trường khuyến khích các thành viên trong công việc, có khả năng hợp tác, chia sẻ những suy nghĩ và ứng xử của người xung quanh, có thái độ trân trọng khi tiếp cận công việc và phong cách sống riêng biệt của đồng nghiệp, có tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì hiệu quả công

việc chung... Khả năng sáng tạo sẵn có trong tiềm năng con người, nhưng nó chỉ phát huy được trong những môi trường phù hợp, thuận lợi cho hoạt động sáng tạo. Nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý hoạt động khoa học là phải tạo lập được môi trường tâm lý - xã hội thuận lợi đó.

c. Hệ thống pháp luật và thể chế

Hệ thống pháp luật và thể chế đúng đắn sẽ tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho hoạt động NCKH phát triển lành mạnh, vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân hoặc tổ chức NCKH, vừa thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển. Hệ thống pháp luật và thể chế phải bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng quyền sở hữu trí tuệ của các tác giả sản phẩm khoa học, nghiêm cấm và trừng trị những cá nhân hoặc tổ chức ăn cắp bản quyền. Chỉ có như vậy mới khuyến khích lao động sáng tạo của những người hoạt động NCKH.

d. Môi trường hợp tác và cạnh tranh

Hợp tác và cạnh tranh trong NCKH vừa là nguyên nhân vừa là động lực thúc đẩy khoa học phát triển. Sự hợp tác trong NCKH tạo điều kiện thu hút được trí tuệ của nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức trong quá trình nghiên cứu, vì thế có thể đem lại kết quả nhanh chóng và hiệu quả hơn và điều này là có lợi cho toàn xã hội cả về thời gian và tiền bạc. Cạnh tranh trong NCKH một cách lành mạnh cũng tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của sản phẩm khoa học. Ngược lại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong NCKH có thể dẫn tới sự đố kỵ, bất hợp tác hoặc phá hoại thành quả nghiên cứu của người khác, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khoa học. Đây là điều cần được pháp luật ngăn cấm và dư luận xã hội lên án.

Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và toàn cầu hóa nền kinh tế như hiện nay, việc hợp tác và cạnh tranh trong NCKH không chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia mà còn diễn ra trong phạm vi quốc tế. Điều

này có ý nghĩa hết sức quan trọng thúc đẩy khoa học phát triển, đồng thời cũng làm cho sự cạnh tranh trong NCKH ngày càng trở lên gay gắt. Mặt khác sự phát triển của thế giới hiện nay cũng đòi hỏi trên nhiều lĩnh vực phải thực hiện hợp tác, liên kết khả năng NCKH của nhiều nước mới có thể giải quyết có hiệu quả như giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, phòng chống bệnh dịch, thiên tai.... trên toàn thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đánh giá thực hiện quy trình quản lý đề tài nghiên cứu khoa học (Nghiên cứu trường hợp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) (Trang 25 - 28)