1.2. An ninh nông thôn và đảm bảo an ninh nông thôn
1.2.1. An ninh nông thôn
An ninh nông thôn là vấn đề trật tự xã hội, sự bình yên của thôn xóm, mọi người tương thân, tương ái, tượng trợ lẫn nhau đảm bảo mọi gia đình, mọi người không ai xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm và tính mạng; tài sản của Nhà nước và của công dân được mọi người tôn trọng và bảo vệ. Cũng có ý kiến cho rằng, an ninh nông thôn là sự an toàn xã hội, để mọi nhà “đi ngủ không cần đóng cửa”, đi làm không cần khóa cửa, không cần người trông nom nhà.
Quan niệm về an ninh nông thôn như trên, theo nghĩa hẹp chỉ thuần túy về an ninh, trật tự; nếu hiểu theo nghĩa rộng thì bao gồm hai mặt: chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân và những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ở nông thôn.
Như vậy, an ninh nông thôn không phải là một cụm từ nghiệp vụ Công an mà nó bao gồm sự an toàn và ổn định ở nông thôn. Mỗi giai đoạn cách mạng và sự chuyển biến của xã hội, nhận thức về an ninh nông thôn có sự khác nhau. Trong kháng chiến chống Mỹ, an ninh nông thôn đồng nghĩa với chống gián điệp, biệt kích, phản động; trong thời kỳ hợp tác hóa thì an ninh nông thôn gắn liền với việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện nghiêm Điều lệ Hợp tác xã. Trong thời kỳ đổi mới hiện nay, an ninh nông thôn cần bao hàm đầy đủ các yếu tố cho phù hợp với tình hình thức tế trước mắt và cả giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
An ninh nông thôn là sự ổn định, an toàn và phát triển vững chắc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… đảm bảo sự hoạt động bình thường có hiệu quả của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng, không để xảy ra các vụ việc phức tạp gây mất ổn định ở nông thôn.
Với khái niệm về an ninh nông thôn này, thì thuật ngữ “ổn định” hàm nghĩa tính xác định, giới hạn của một sự vật, hiện tượng, độ bền vững của một cấu trúc trong các yếu tố hợp thành. Theo nghĩa thông thường, thì ổn định trái nghĩa với trạng thái rối loạn, khủng hoảng, đổ vỡ. Với nghĩa đó thì “ổn định” trong an ninh nông thôn có nghĩa là một trạng thái an toàn trong cấu trúc xã hội, thiết chế chính trị….mà những cấu trúc, thiết chế này đã được xây dựng theo mô hình nhất định, được vận hành, thử nghiệm trên thực tế, hoạt động bình thường, có hiệu quả; kỷ cương xã hội được mọi người chấp nhận, tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện. Ổn định không phải là trạng thái bất biến, mà theo phép biện chứng thì có thể có sự thay đổi một cái đang ổn định bằng cái khác đạt ổn định cao hơn và nhất là phải trực tiếp phục vụ quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ổn định trong an ninh nông thôn vừa là mục tiêu cần đạt được của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, vừa là điều kiện đảm bảo cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công.
Từ những nghiên cứu về các quan điểm an ninh nông thôn qua các thời kỳ, chúng ta có thể hiểu về an ninh nông thôn như sau, “ An ninh nông thôn là sự ổn định và phát triển vững chắc về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp; là một bộ phận quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Bảo vệ an ninh nông thôn bao gồm các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm hại hoặc làm sai lệch đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông thôn, nông nghiệp, nông dân và sự vứng mạnh của hệ thống chính trị; bảo vệ tài sản nhà nước ; tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của nhân dân” [5].
Với khái niệm trên thì an ninh nông thôn có các đặc trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, an ninh nông thôn là bộ phận của an ninh quốc gia.
Chỉ có thể đặt vị trí của an ninh nông thôn trong an ninh quốc gia thì mới thấy hết được đặc điểm, vai trò của an ninh nông thôn. An ninh quốc gia là cái bao trùm, là chìa khóa mở ra bảo đảm cho sự thịnh vượng của đất nước. An ninh nông thôn là bộ phận của an ninh quốc gia, bao gồm nhiều lĩnh vực: về chủ trương chính sách, bao gồm các chính sách về liên minh công nông, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, chính sách đối với tôn giáo, dân tộc…; về lĩnh vực an ninh trật tự, an ninh nông thôn bao gồm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn và vấn đề đặc biệt quan trọng là lòng dân có yên ổn, có tin và theo Đảng, có ủng hộ chính quyền hay không… Do vậy, đảm bảo an ninh nông thôn chính là đảm bảo an ninh quốc gia ở khu vực nông thôn.
Thứ hai, an ninh nông thôn là sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội hoạt động ở nông thôn.
Sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội hoạt động ở nông thôn, tổ chức được nông dân và những người đang sinh sống trên địa bàn nông thôn thực hiện thắng lợi và có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn. Đảm bảo đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội chính là đảm bảo kết cấu bền vững của liên minh công – nông – trí; là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo ổn định về mọi mặt ở nông thôn, và chỉ trên cơ sở ổn định về mọi mặt (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…) thì mới có thể phát triển sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế, mở ra sự thịnh vượng ở nông thôn, từng bước rút ngắn khoảng cách về đời sống giữa nông thôn và thành thị như các nghị quyết của Đảng đã khẳng định.
Thứ ba, an ninh nông thôn là sự thực hiện đúng đắn, sáng tạo, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nông thôn.
Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân, mong muốn cả nước nói chung và nông thôn nói riêng không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, có một xã hội tự do, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhưng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không cụ thể cho một địa phương nào, không thể thỏa mãn mọi đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội ở từng địa phương, từng khu vực vì vậy đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể xã hội đoàn kết, nhất trí trong suốt chủ trương chính sách và tổ chức toàn dân thực hiện thắng lợi, có hiệu quả chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa phương mình nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho nông dân nông thôn.
Thứ tư, an ninh nông thôn là sự bình yên của thôn xóm, mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, những nét đẹp văn hóa truyền thống được phát huy, các giá trị bản sắc văn hóa mới, lành mạnh được mọi người tôn trọng.
Đó là hệ thống các biểu tượng, ngôn ngữ, chuẩn mực, giá trị có ý nghĩa tạo thành một lối sống riêng được các thành viên trong cộng đồng tán thành và thực hiện. Nông thôn có nhiều nét văn hóa truyền thống như tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần lao động không mệt mỏi vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh; tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn.... nhất là những phong tục tập quán có ý nghãi duy trì lối sống đạo đức vì cộng đồng, tôn trọng pháp luật, lệ làng…Ở đây nhiệm vụ của an ninh nông thôn là giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp, phát huy nội lực giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện để mọi người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ năm, an ninh nông thôn là phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.
Những dấu hiệu phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác được sớm phát hiện và loại trừ; làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh không để xảy ra các vụ việc phức tạp mà kẻ địch và các loại đối tượng cơ hội, bất mãn khác có thể lợi dụng để chống phá cách mạng nước ta. Nhiệm vụ của an ninh nông thôn là phải chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh để không xảy ra các vụ việc phức tạp, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện để có kế hoạch giải quyết dứt điểm các vụ việc.
An ninh nông thôn có vai trò to lớn trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Ngay từ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định, đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, và “phát triển nông nghiệp, nông thôn đã, đang và sẽ là
mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định tình hình kinh tế, xã hội, tạo cơ sở cho phát triển công nghiệp” [14]. Như vậy, phát triển nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, ổn định xã hội, ổn định về an ninh trật tự trước hết phải đảm bảo cuộc sông đầy đủ cho người dân, nếu nông dân ổn định, nhân dân phấn khởi làm ăn thì dù khó khăn gì đi nữa, đất nước ta vẫn bảo đảm ổn định. Do đó, đảm bảo sự ổn định nông thôn là vấn đề có ý nghĩa then chốt đối với An ninh quốc gia. Như vậy, an ninh nông thôn có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh quốc gia và đảm bảo cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi.