Tỉnh lược có chức năng rút gọn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu đối chiếu phép tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Anh và tiếng Việt (Trang 26 - 33)

f. Đồng vị ngữ (Apposition)

1.2 Tỉnh lược và các chức năng của Tỉnh lược

1.2.2.1 Tỉnh lược có chức năng rút gọn

Có lẽ không ai có thể phủ nhận một điều rằng, chức năng dễ nhận thấy nhất của tỉnh lược chính là tiết kiệm ngôn từ, hay nói cách khác là rút gọn câu trong văn bản. Tỉnh lược chính là phương pháp rút gọn hữu hiệu nhất để làm cho câu văn đỡ rườm rà, phức tạp bằng cách lược bỏ những từ, ngữ không cần thiết trong câu hoặc trong một tổ hợp câu mà không làm ảnh hưởng đến nội dung. Dĩ nhiên, điều này chỉ có thể thực hiện khi ngữ cảnh cho phép. Cuốn

“Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt” của tác giả Phạm Văn Tình đã nêu rõ: “Xét ở bình diện tiết kiệm đơn thuần, tức là khả năng giảm thiểu tối đa độ dài, thông báo để đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thông báo và chuyển tải thông báo, một số nhà nghiên cứu đi trước đã chỉ ra 4 phương thức cơ bản dùng cho việc rút gọn ngôn ngữ là: Thay thế bằng đại từ, rút gọn, viết tắt và tỉnh lược. Bốn phương thức trên thực chất có thể quy về 2 phương thức chính, đó là sự rút gọn (reduction) và sự tỉnh lược hay còn gọi là phép tỉnh lược (ellipsis)” [21]. Xét ví dụ sau:

(20) A: Ai gõ cửa thế? B: Tôi !

A: "Tôi" là ai?

B: Là người mà anh đang thiếu nợ đây!

Trong đoạn hội thoại trên, có hai câu xuất hiện hiện tượng tỉnh lược hai thành phần khác nhau. Phát ngôn thứ nhất “Tôi!” có thành phần vị ngữ "gõ cửa" đó được rút gọn. Người ta dễ dàng khôi phục thành phần này dựa vào ngữ cảnh của nó, và phát ngôn đầy đủ sẽ là “Tôi gõ cửa.”. Phát ngôn thứ hai

Là người mà anh thiếu nợ đây.” lại có thành phần chủ ngữ “Tôi” được rút gọn. Thành phần chủ ngữ này cũng dễ dàng được khôi phục nhờ vào hoàn cảnh giao tiếp.

Như vậy, qua ví dụ trên ta thấy phương thức tỉnh lược đã góp phần rút gọn phát ngôn nhằm tránh sự lặp lại những yếu tố không cần thiết trong quá trình giao tiếp. Thông thường những trường hợp rút gọn này chỉ áp dụng với các nhân vật có mối quan hệ thân thiết và ngang bằng nhau về tuổi tác. Còn khi phải đảm bảo tính lịch sự, nghiêm túc trong ngoại giao, công việc, hoặc giao tiếp với người lớn hơn, cấp cao hơn, chúng ta thường nói cả câu đầy đủ. Ví dụ:

(21) Chị kia cứ thong thả! Hãy ngồi đấy! Để người ta ăn xong cái đã!

Đừng quấy rầy.

(Ngô Tất Tố) Đây cũng là một trường hợp của phép tỉnh lược có tác dụng rút gọn mà không hề làm phương hại đến nội dung của phát ngôn. ở đây, chỉ một một phát ngôn đầu tiên đóng vai trò là câu chủ ngôn, còn những câu sau đều là lược ngôn. Những phát ngôn đằng sau chủ ngôn đều bị lược bỏ thành phần chủ ngữ "Chị" và thành phần này được người nghe và người nói hiểu ngầm với nhau.

Trong tiếng Anh cũng vậy, tỉnh lược được sử dụng khá phổ biến với mục đích làm cho câu văn được gọn gàng, tránh sự lặp lại không cần thiết. Ví dụ:

(22) New York is as distant from San Francisco as Boston is from London. (a)

Music is as important to Cora as literature is to her brother. (b)

Trong ví dụ (a), khoảng cách từ San Francisco đến New York được so sánh với khoảng cách từ London đến Boston. Trong ví dụ (b), sự quan trọng

của âm nhạc đối với Cora được so sánh với tầm quan trọng của văn học đối với anh trai cô ấy. Hai câu này có cấu trúc ngữ pháp giống nhau và đều là những trường hợp minh chứng cho chức năng rút gọn của hiện tượng tỉnh lược. Hai câu trên đã được rút gọn, lược bỏ đi những từ không cần thiết phải lặp lại mà không làm ảnh hưởng đến nội dung so sánh của câu. Cụ thể, trong câu (a), thành phần được lược bỏ là “as distant” và trong câu (b) là “as important”. Ta có thể dễ dàng phục hồi câu đầy đủ cho hai ví dụ trên như sau:

-New York is as distant from San Francisco as Boston is distant from London

-Music is as important to Cora as literature is important to her brother.

Tỉnh lược với mục đích rút gọn cũng thường được sử dụng trong những cấu trúc so sánh khác như ví dụ sau:

(23) He is as tall as his brother

I am as good a swimmer as her sister .

Những câu trên hoàn toàn có thể được viết dưới dạng đầy đủ như sau: - He is as tall as his mother is.

- I am as good a swimmer as her sister are.

1.2.2.2 Tỉnh lược có chức năng thay thế

Trong số các tác giả nghiên cứu về hiện tượng tỉnh lược, có khá nhiều ý kiến cho rằng tỉnh lược chính là một dạng của phép thế, từ đó sử dụng tỉnh lược như một phương thức liên kết có chức năng giống như phép thế. Điển hình cho quan điểm này là tác giả Halliday&Hasan, Diệp Quang Ban, Cao Xuân Hạo... Theo tác giả Cao Xuân Hạo: “Cũng như hồi chỉ, tỉnh lược không phải chỉ có tác dụng tiết kiệm, và có lẽ không phải có mục đích tiết kiệm. Tác dụng chủ yếu của hai biện pháp này là thực hiện tính mạch lạc trong câu và trong một tổ hợp câu. Tác dụng thứ hai của nó là tránh sự lặp lại nặng nề của các ngữ đoạn cùng một sở chỉ thường có hại cho tính mạch lạc của văn bản: một câu không có yếu tố hồi chỉ thì tính độc lập của nó cao hơn...”. [7, 198]

Ví dụ sau đây thể hiện rõ chức năng thay thế của hiện tượng tỉnh lược: (24) I've lost my voice (Mình bị mất giọng)

Get a new one (Thế thì kiếm cái khác)

Đây là một trường hợp tỉnh lược có chức năng thay thế. Trong ví dụ trên, yếu tố thay thế “one” được dùng như là một phương tiện chiếm chỗ, chỉ ra một thành phần nào đó bị lược bỏ ở chỗ nào và chức năng ngữ pháp của nó là gì? Tương tự như thế, ta có thể chỉ ra các trường hợp:

(25) She might sing, but I don't think she will do so.

(Cô ấy có thể hát, nhưng tôi không nghĩ là cô ấy sẽ làm như vậy)

Trong ví dụ trên, cụm từ “do so” thay thế cho động từ có chức năng vị ngữ đã hiện diện trong câu trước “sing”. Ta cũng có thể thấy hiện tượng tỉnh lược có chức năng thay thế trong tiếng Việt trong ví dụ sau:

(26) Số đông đảng viên, đoàn viên và cán bộ ta làm đúng như thế. Nhưng cũng có một số không làm đúng.

(Bác Hồ nói về đạo đức cách mạng đối với đảng viên, đoàn viên) Xét ví dụ trên, “một số”có chức năng thay thế cho cả cụm từ bị lược bỏ

“đảng viên, đoàn viên và cán bộ ta”, tránh sự lặp lại dài dòng, không cần thiết.

Trong tiếng Anh, chúng ta có thể sử dụng hình thức tỉnh lược bằng cách thay thế khi ta muốn chỉ ra rằng mình đồng ý với một điều gì đó đã được nói tới ở trước đó hoặc điều đó cũng giống hệt với hoặc áp dụng với ai đó hay điều gì khác. Các ví dụ sau sẽ minh hoạ cho điều này:

(27) He would not want the trouble. And nor would I. (Anh ấy không muốn rắc rối. Và tôi cũng vậy)

(28) I can’t do anything about this problem and neither can you. (Tôi không thể làm điều gì về vấn đề này và bạn cũng không thể)

1.2.2.3 Tỉnh lược có chức năng trực chỉ

Bên cạnh đó, tỉnh lược còn có chức năng trực chỉ. Điều này được nhắc đến trong chương 9 của cuốn sách “Adjuncts, disjuncts, conjuncts” của Randolph Quirk & Sidney Greenbaum. Trong hoạt động giao tiếp, các yếu tố trực chỉ tham gia vào việc chỉ ra các nhân vật, các chủ thể của hoạt động tương tác liên nhân có thể bị lược bỏ đi khi mà ngữ cảnh giao tiếp đã trở nên rõ ràng và góp phần hiện thực hoá ý nghĩa của các phát ngôn. Đó là một trường hợp của tỉnh lược có chức năng trực chỉ, ta thấy hiện tượng này xảy ra rất nhiều trong các đoạn hội thoại. Sau đây là một trường hợp tỉnh lược có chức năng khứ chỉ:

(27) Vào hàng kia được không?

- Không, anh cho em ăn phở cho nhanh.

- Vậy lấy xe đi!

- Cần gì anh, chúng mình đi bộ được mà.

-Ừ thì đi.

- Cái túi đâu? Đưa em cất cho!

(Ngô Tất Tố) Trên đây là một đoạn hội thoại có những bốn phát ngôn bị tỉnh lược xen kẽ với các phát ngôn không bị tỉnh lược. Ta có thể xác định dễ dàng đoạn hội thoại trên là của hai chủ thể đối thoại trực tiếp với nhau. Qua cách đối đáp ta thấy việc tỉnh lược liên quan đến vị thế giữa hai người tham gia giao tiếp. Người có vị thế thấp hơn so với người kia thường phải đối đáp đầy đủ theo nghi thức tôn trọng người có vị thế cao hơn. Trong khi đó, người kia có thể lược bỏ những yếu tố trực chỉ về ngôi (nhân xưng) khi đối thoại trực tiếp với người đang nói chuyện với mình mà không gây ra hiểu nhầm. Ví dụ: Vào hàng kia được không?”, “Vậy lấy xe đi”, “Ừ thì đi”... Ta dễ dàng khôi

phục những yếu tố trực chỉ đã được lược bỏ trong các phát ngôn trên như "mình", "em", "Chúng mình"...

Chính những điều kiện phi ngôn ngữ cho phép người đọc có thể dễ dàng hình dung ra các nhân vật tham gia giao tiếp và nội dung cuộc hội thoại mà không cần đến những yếu tố trực chỉ về nhân xưng hay một phát ngôn tự nghĩa làm câu đề. Tỉnh lược có chức năng trực chỉ xuất hiện nhiều trong các đoạn hội thoại trực tiếp, đặc biệt trong giao tiếp thân mật. Bởi vì khi ngữ cảnh giao tiếp trực tiếp có những điều kiện phi ngôn ngữ như: không gian, thời gian, địa điểm, ...cho phép tỉnh lược những thông tin thừa, lặp không cần thiết mà chỉ tập trung vào các thông tin mới, bổ sung...Bởi vì những điều kiện như vậy đã được bản thân những người tham gia giao tiếp ngầm xác định như những dữ kiện mặc nhiên được thừa nhận. Chúng ngầm định trong mỗi phát ngôn và tạo nên logic của các phát ngôn trong hội thoại. Trong tiếng Anh ta cũng thấy hiện tượng tỉnh lược có chức năng trực chỉ xuất hiện tương tự như vậy, ví dụ:

(28) (I'm) Sorry I couldn't be there

(Tôi) Xin lỗi tôi đã không đến đấy được.

(29) (You) Had a good time? (Mày) nghỉ thú vị chứ?

(30) (It's) Nice to meet you! Rất vui khi gặp anh.

(31) (Are you ) looking anybody? (Bạn) đang tìm ai à?

Như vậy ta thấy trong các ví dụ trên đều có hiện tượng tỉnh lược chủ ngữ. Yếu tố bị tỉnh lược đều là trực chỉ ngôi thứ nhất và thứ hai: I (tôi) và you (bạn, mày...).Ta có thể dễ dàng khôi phục các chủ ngữ trong các phát ngôn như đã trình bày ở trên. Người nghe hiểu các phát ngôn trên là để là nói với

một hoặc nhiều người có mặt trực tiếp trong bối cảnh giao tiếp nên người hỏi không cần dùng chủ ngữ mà người hỏi vẫn hiểu là hỏi mình. Hoặc hiện tượng này có thể xuất hiện phổ biến trong các câu mệnh lệnh thức:

(32)  Go straight! (Đi thẳng!)

(33) Close the door! (Đóng cửa lại!)

1.2.2.4 Tỉnh lược có chức năng khứ chỉ

Như ta đã biết, khứ chỉ là dùng các phương tiện ngôn từ liên kết các yếu tố trong cùng một câu hoặc câu với văn cảnh tiếp theo sau. Tuy nhiên ta cũng có thể sử dụng chỗ trống để liên kết với yếu tố ngôn ngữ phía sau nếu như ngôn cảnh cho phép. Đó là hiện tượng tỉnh lược có chức năng khứ chỉ. Ví dụ:

(34) George will (take the course), and Bob might, take the course. (George sẽ, còn Bob thì có thể, tham gia khoá học này)

Trên đây là một câu ghép đẳng lập, vế đầu tiên của câu ghép bị lược mất thành phần vị ngữ và người đọc có thể khôi phục thành phần này dựa vào câu xuất hiện phía sau. Do đây là câu ghép đẳng lập, hai vế của nó có thành phần chủ ngữ khác nhau nhưng thành phần vị ngữ thì lại đồng sở chỉ và đồng chức năng. Cách sử dụng linh hoạt phương thức tỉnh lược như vậy cho ta biết rằng hai chủ thể khác nhau “George” và “Bob” nhưng cùng liên quan đến một hành động là “take the course” (tham gia khoá học). Tương tự như vậy, ta có ví dụ sau:

(35) George was (angry), and Bob certainly seemed, angry (George thì giận dữ còn Bob thì dứt khoát có vẻ tức giận )

Như vậy ngôn cảnh của câu cho phép lược bỏ thành phần vị ngữ trong vế đầu tiên mà không làm ảnh hưởng đến nội dung thông báo của phát ngôn. Đồng thời cách sử dụng tỉnh lược để khứ chỉ như vậy vừa tiết kiệm ngôn từ lại vừa tránh lặp lại những yếu tố đồng sở chỉ hoặc đồng chức năng dễ gây nhàm chán. Tuy nhiên hiện tượng tỉnh lược như thế này,dù sao, vẫn ít xảy ra hơn. Ta chỉ có thể thấy nó xuất hiện trong một số trường hợp nhất định, ví dụ: (36) He is bored with (music), but Peter enjoys, music.

(Anh ta ghét nhưng Peter thì lại thích âm nhạc.)

Nhìn chung, ta có thể thấy rằng hiện tượng tỉnh lược khứ chỉ chỉ xảy ra khi yếu tố bị tỉnh lược trong câu đầu tiên đồng sở chỉ và đồng chức năng ngữ pháp với một yếu tố hiện diện trong câu tiếp theo. Trong các ví dụ trên đều là hiện tượng tỉnh lược có chức năng khứ chỉ thành phần bổ ngữ. Sự lược bỏ thành phần bổ ngữ trong câu thứ nhất vừa có ý nghĩa liên kết hai vế câu lại vừa thông báo cho ta biết rõ ràng rằng “he” “Peter” là hai đối tượng khác nhau và hai nhân vật này có những phản ứng tình cảm trái ngược nhau

“bored” (chán, ghét)“enjoy” (thích) đối với cùng một đối tượng là

“music” (nhạc). Ta có thể giả định trường hợp phát ngôn trên là đầy đủ thì có khi lại không làm toát lên được sự đối lập về thái độ giữa hai chủ thể với cùng một đối tượng như vậy. Đó là ưu thế của tỉnh lược khứ chỉ này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu đối chiếu phép tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Anh và tiếng Việt (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)