Quan điểm về tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Việt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu đối chiếu phép tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Anh và tiếng Việt (Trang 38 - 43)

f. Đồng vị ngữ (Apposition)

1.3 Tỉnh lược hồi chỉ là gì?

1.3.2 Quan điểm về tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Việt

Như đã trình bày ở trên, tỉnh lược hồi chỉ là một trong những dạng phương thức liên kết đem lại hiệu quả cao trong liên kết văn bản. Do tính chất và chức năng liên kết đặc biệt của nó, phương thức tỉnh lược hồi chỉ đóng một vai trò quan trọng trong việc diễn đạt ngữ nghĩa của người nói người viết theo các ý đồ thông báo khác nhau. Ta có thể bắt gặp tỉnh lược hồi chỉ trong rất nhiều ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt. Đây là một hiện tượng khá phức tạp và do vậy cũng có nhiều ý kiến khác biệt nhau liên quan đến vấn đề này trong giới Việt ngữ học. Trong tiếng Việt, hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ còn được sử dụng với nhiều thuật ngữ khác nhau như: tỉnh lược, hồi chỉ zê rô, tỉnh lược hồi quy, tỉnh lược thay thế... Chúng ta có thể thống kê một số nhà Việt ngữ học đã đề cập đến vấn đề này như: Cao Xuân Hạo, Diệp Quang Ban, Nguyễn Thiện Giáp, Nguyễn Thượng Hùng, Trần Ngọc Thêm, Phạm Văn Tình, Phan Mậu Cảnh...Trong số đó, các nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp ... đã nhất trí cho rằng hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ chính là “hồi chỉ zê rô”, nghĩa là đồng nhất hai hiện tượng này. Trong cuốn “Sơ

thảo Ngữ pháp chức năng (quyển 1) - Câu trong tiếng Việt” do Cao Xuân Hạo chủ biên, đã đưa ra khái niệm về hiện tượng tỉnh lược như sau:

Tỉnh lược là bỏ đi một thành phần chức năng trong câu. Nguyên tắc của tỉnh lược là không được làm phương hại đến sự trọn vẹn của thông báo, sự chính xác của sở chỉ. Tác dụng của tỉnh lược có thể là tiết kiệm lời, là tránh lặp lại gây nặng nề, nhưng tác dụng chủ yếu của nó là thể hiện sự liên kết tạo mạch lạc cho câu và tổ hợp câu. Khi đề, nhất là chủ đề của câu chưa thay đổi trong các câu tiếp theo, nó rất dễ bị tỉnh lược. Khi tỉnh lược được nghĩa là khi người nghe (đọc) tự phục hồi được các sở chỉ đã bị tỉnh lược. Vì vậy, tỉnh lược cũng được xem là hồi chỉ- hồi chỉ zê rô ()". [7, 96]

Theo quan điểm của ngữ pháp chức năng, tác giả Cao Xuân Hạo coi cấu trúc câu chính là cấu trúc thông báo với hai thành phần chính là Đề và Thuyết. Theo quan điểm này, Thuyết là thành phần bắt buộc phải có mặt nên không bao giờ xảy ra hiện tượng tỉnh lược Thuyết. Hiện tượng tỉnh lược xảy ra ở phần Đề, nhất là chủ đề của câu chưa thay đổi trong các câu tiếp theo thì rất dễ bị tỉnh lược.

Trong khi đó, Diệp Quang Ban coi tỉnh lược hồi chỉ chính là phép thế = zê rô (). Hay nói cách khác ông cho rằng phép tỉnh lược có liên quan chặt chẽ tới phép thế:

"Thế là đặt thay vào vị trí của danh từ hay động từ hay mệnh đề rõ nghĩa những yếu tố không rõ nghĩa có tư cách tương đương với danh từ, động từ, mệnh đề được thay thế đó. Nếu những vị trí nói trên không được thay thế bằng các từ ngữ khác không rõ nghĩa, mà được bỏ trống thì sẽ là trường hợp của tỉnh lược. Tỉnh lược được coi là thế bằng zê rô”. [1, 186]

Từ quan điểm trên, căn cứ vào từ loại của lược tố, Diệp Quang Ban đã phân chia các trường hợp của tỉnh lược tương đương như các trường hợp của phép thế như sau:

(44) Quyên mò thắt lưng Ngạn lấy bi đông. Cô lắc nhẹ .

(Anh Đức) + Tỉnh lược động từ:

(45) Chị trò chuyện giảng giải, khuyên anh phản cung. Cuối cùng, anh bằng lòng .

+ Tỉnh lược mệnh đề:

(46) Chị Dậu ngẩn ngơ ra bộ không hiểu như có ý ngờ người ta ăn hiếp nhà mình.

Thưa ông, người chết đã gần năm tháng nay, sao lại còn phải đóng sưu?

- Lí trưởng quát:

Mày đi mà hỏi ông Tây, tao không biết .

(Tắt đèn, Ngô Tất Tố) Một quan điểm nữa về hiện tượng này là của tác giả Phạm Văn Tình, ông chỉ nhất trí dùng thuật ngữ “phép tỉnh lược” trong khi nghiên cứu. Là tác giả đã đi nghiên cứu rất kĩ về hiện tượng này, ông quan niệm về tỉnh lược như sau:

Phép tỉnh lược văn bản là một dạng tỉnh lược xảy ra giữa các phát ngôn, là sự lược bỏ các yếu tố mà người đọc có thể hiểu được nhờ mối liên hệ giữa các phát ngô trong một phạm vi một ngữ cảnh xác định" (ngữ cảnh cần và đủ). [18, 31]

Từ quan niệm về tỉnh lược và xem xét phép tỉnh lược trong cả chuỗi phát ngôn như vậy, ông cho rằng có các nhân tố điều kiện của tỉnh lược như sau: “Ngoại trừ các yếu tố thuộc lĩnh vực văn hoá giao tiếp (không thể tỉnh lược hoặc phải nói đầy đủ, nếu không sẽ bị coi là xách mé, thiếu lễ phép..) thì có thể chỉ ra một số điều kiện cho phép thực hiện phép tỉnh lược trên văn bản

như: 1. Ngữ cảnh giao tiếp; 2. Có mối quan hệ logic - ngữ nghĩa (mạch lạc trong văn bản); 3. Ý đồ và chiến lược giao tiếp”.

Đồng thời, Phạm Văn Tình cũng đưa ra khái niệm về “ô trống cú pháp”. Đó là hiện tượng các thành phần chính của cấu trúc cú pháp bị lược bỏ theo các quy cách khác nhau. Nhiệm vụ của người nghe khi khôi phục các phát ngôn tỉnh lược là lấp đầy các yếu tố lâm thời vắng mặt (tức các ô trống cú pháp). Người ta phải thể hiện một phép quy chiếu tái xác lập lại cấu trúc phát ngôn để suy luận ra ngữ nghĩa thông báo. Với quan điểm nhất quán là khi nghiên cứu phép tỉnh lược phải dựa trên ngữ cảnh cần và đủ, Phạm Văn Tình chủ yếu miêu tả các dạng của phép tỉnh lược mạnh được gọi là “ngữ trực thuộc”. Trong khi Diệp Quang Ban phân loại tỉnh lược căn cứ vào từ loại của lược tố, Cao Xuân Hạo dựa vào cấu trúc Đề - Thuyết thì ông đưa ra sự phân loại căn cứ vào cấu trúc chủ - vị như sau:

+) Ngữ trực thuộc tỉnh lược chủ ngữ +) Ngữ trực thuộc tỉnh lược vị ngữ

+) Ngữ trực thuộc tỉnh lược chủ ngữ và vị ngữ.

Trong mỗi loại ngữ trực thuộc trên, ông lại đưa ra các tiểu loại tương ứng dựa vào các dạng thức thể hiện khác nhau của ngữ trực thuộc. Về vấn đề này, tác giả Trần Ngọc Thêm lại có ý kiến khác và được Trần Công Minh Hùng đồng ý và bổ sung. Trong giới nghiên cứu Việt ngữ học, Trần Ngọc Thêm được đánh giá là một trong những người nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề tỉnh lược. Trước hết, ông dùng thuật ngữ “tỉnh lược liên kết” và cho rằng nó có chức năng cơ bản nhất là liên kết: “Tỉnh lược chính là một trong những biện pháp tránh lặp từ vựng, đồng thời nó cũng có thể thay cho thế đồng nghĩa và thế đại từ..." [15, 161]. Tuy nhiên Trần Ngọc Thêm lại không tán thành với quan điểm của Cao Xuân Hạo khi cho rằng tỉnh lược là một hiện tượng thay thế bằng zê rô. Theo ông, "đó là cách gọi ít nhiều mang tính hình tượng. Không nên từ đó mà suy ra rằng tỉnh lược là một dạng của phép thế,

bởi lẽ thay thế và tỉnh lược là những phương thức mang những đặc điểm hoàn toàn khác nhau” [15, 162]. Ông cũng chủ trương chia phép tỉnh lược, căn cứ vào nòng cốt câu, thành hai cấp độ: tỉnh lược yếu và tỉnh lược mạnh, từ đó các phát ngôn tỉnh lược được ông chia thành ba loại như sau :

+) Tỉnh lược chủ ngữ +) Tỉnh lược vị ngữ

+) Tỉnh lược phức (tỉnh lược nhiều thành phần )

Những luận điểm trên cho ta thấy, vấn đề về tỉnh lược hồi chỉ là một vấn đề khá thú vị, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu ngữ pháp không chỉ của tiếng Anh mà còn của tiếng Việt. Trong giới nghiên cứu Việt ngữ học, vấn đề này cũng được các tác giả đề cập đến khá nhiều, tuy nhiên chưa có công trình nào nghiên cứu kỹ càng và sâu sắc về vấn đề này. Đặc biệt, việc nghiên cứu hiện tượng này trong mối quan hệ đối chiếu giữa hai ngôn ngữ Anh - Việt hầu như còn bỏ trống, chưa được các nhà nghiên cứu Việt ngữ học đề cập đến. Phần lớn các nhà ngôn ngữ học bàn nhiều về vấn đề tỉnh lược hoặc hồi chỉ một cách tách biệt, cá biệt có nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thượng Hùng về vấn đề đối chiếu hiện tượng tỉnh lược chủ đề trong tiếng Anh và tiếng Việt, chứ không đi sâu nghiên cứu về mối quan hệ mật thiết giữa tỉnh lược và hồi chỉ và đối chiếu hiện tượng này trong hai ngôn ngữ.

Như vậy, chúng tôi đã điểm qua sơ bộ về tình hình nghiên cứu liên quan đến hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Việt. Tiếp thu những quan điểm và những kết quả nghiên cứu cụ thể của các tác giả đi trước, chúng tôi sẽ rút ra những kinh nghiệm và cơ sở lí luận cơ bản giúp ích cho việc định hướng nghiên cứu của luận văn này. Nhận thấy tầm quan trọng và phạm vi ứng dụng rộng rãi của tỉnh lược hồi chỉ trong cả tiếng Anh và tiếng Việt, chúng tôi cho rằng việc đi sâu nghiên cứu, đối chiếu để xác định những đặc điểm tương đồng và khác biệt của hiện tượng này giữa hai ngôn ngữ là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, để có thể tìm hiểu kỹ và sâu sắc về hiện tượng tỉnh

lược hồi chỉ chủ ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt cũng như nghiên cứu những đặc điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, sẽ cần rất nhiều thời gian và công sức. Trong khuôn khổ thời gian và khả năng có hạn, chúng tôi sẽ đi sâu nghiên cứu, đối chiếu hiện tượng tỉnh lược hồi chỉ của 2 thành phần nòng cốt trong câu, đó là: chủ ngữ, vị ngữ trên ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nghiên cứu đối chiếu phép tỉnh lược hồi chỉ trong tiếng Anh và tiếng Việt (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)