2.1. Hoạt động NC&TK trong SME Việt Nam
2.1.2. Khái quát hoạt động NC&TK trong các SME
Trong khu vực doanh nghiệp, công nghệ giữ một vai trò quan trọng, là trung tâm của nhiều thay đổi trong doanh nghiệp. Theo Luật KH&CN (2000) thì công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ là sản phẩm do con người tạo ra và có chu trình sống của nó, tức là công nghệ được sinh ra, phát triển và cuối cùng là suy vong. Chính vì vậy, đổi mới công nghệ là một hoạt động tất yếu của doanh nghiệp. Về lợi ích, thông qua đổi mới công nghệ, doanh nghiệp sẽ nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm cũng như việc tạo ra được những sản phẩm và việc làm mới. Như vậy, bất kỳ một doanh nghiệp nào mà không có những hoạt động đổi mới thì chắc chắn công nghệ của họ sẽ đến lúc bị lạc hậu và bị đào thải, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được. Đổi mới nói chung, đổi mới công nghệ nói riêng trong doanh nghiệp là một quy trình tất yếu và phù hợp với quy luật phát triển.
Hoạt động KH&CN nói chung, NC&TK nói riêng trong các doanh nghiệp không chỉ phục vụ cho công tác đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp mà còn nâng cao năng lực tiếp thu tri thức, nâng cao năng lực tiếp thu, thích nghi, làm chủ công nghệ nhập và tiến tới phát triển công nghệ. Trong nhiều trường hợp, việc bán kết quả NC&TK do doanh nghiệp tạo ra cũng là một trong những hình thức tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Ở nước ta, trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hoạt động
NC&TK chưa được coi trọng đúng mức. Điều này được thể hiện ở một số khía cạnh sau đây:
- Các doanh nghiệp ở nước ta hiện nay sẵn sàng bỏ tiền để mua công nghệ khi cần, hoặc đơn thuần chỉ là việc mua các thiết bị, máy móc mới và học cách vận hành máy móc thiết bị đó, mà không chú trọng vào nghiên cứu để tạo ra công nghệ hoặc chí ít cũng là để làm chủ, vận hành công nghệ nhập. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu chủ động trong việc có được các công nghệ cần thiết mà rất bị động trong việc nhập công nghệ, thường là theo sức ép cạnh tranh của thị trường. Hơn nữa, khi tham gia vào tiến trình hội nhập thì vấn đề làm thế nào để có những bí quyết về công nghệ thì việc đi mua công nghệ đã không thực sự phù hợp. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần phải tiến hành ngay từ giai đoạn NC&TK để có thể tạo ra những công nghệ mới, để từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp. Việc tiến hành NC&TK cũng giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực trong việc tiếp thu, vận hành, làm chủ công nghệ nhập, từ đó tiến tới phát triển công nghệ.
- Một thực tế khác cũng thể hiện các doanh nghiệp không chú ý nhiều tới đầu tư cho NC&TK qua số liệu Sách trắng KH&CN năm 2004 do Bộ KH&CN xuất bản: “Trong tổng số vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN của các doanh nghiệp chỉ có 8% cho nghiên cứu khoa học, phần dành cho đổi mới công nghệ chiếm tỉ lệ rất cao 92% chủ yếu là đổi mới trang thiết bị kỹ thuật với phần không nhỏ là nhập máy móc, thiết bị từ nước ngoài. Còn việc nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ và sản phẩm chưa được coi trọng”9
.
Bảng 1: Cơ cấu đầu tư cho hoạt động KH&CN của doanh nghiệp
Nội dung đầu tƣ Tỷ lệ %
Nghiên cứu và triển khai 8%
Đổi mới công nghệ 92%
Tổng 100%
Nguồn: KH&CN Việt Nam 2004, Hà Nội 2005, tr.72.
Bảng 2: Cơ cấu nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN khu vực doanh nghiệp
Nguồn kinh phí Tỷ lệ %
Từ ngân sách nhà nước 5,4%
Từ doanh nghiệp 30,2%
Từ nguồn nước ngoài 0,01%
Từ các nguồn khác 64,39%
Tổng 100%
Nguồn: KH&CN Việt Nam 2004, Hà Nội 2005, tr.71.
Nhìn vào bảng 2, trong tổng nguồn kinh phí dành cho hoạt động KH&CN khu vực doanh nghiệp, thì nguồn vốn tự có của doanh nghiệp chiếm tỉ lệ thấp 30% (một số nước như Đức, Thuỵ Điển, Hàn Quốc… con số này tới 70%), còn lại là từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác. Không những thế, chỉ có 8% kinh phí đầu tư cho KH&CN của doanh nghiệp là dành cho hoạt động NC&TK (bảng 1). Điều đó cho thấy các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của hoạt động KH&CN nói chung, hoạt động NC&TK nói riêng. Rõ ràng, mặc dù các doanh nghiệp ngày càng mạnh dạn hơn trong việc đầu tư cho hoạt động KH&CN, nhưng nguồn kinh phí dành cho hoạt động NC&TK vẫn là rất nhỏ.
- Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp gặp phải những khó khăn nhất định khi tiến hành các hoạt động NC&TK, hoạt động đổi mới. Đó
chính là trình độ của đội ngũ lao động của doanh nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thực tế. Đội ngũ lao động KH&CN chuyên sâu rất ít. Thêm nữa, đội ngũ lãnh đạo SME nhiều khi tầm nhìn còn hạn hẹp, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh còn thấp nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động NC&TK, hoạt động đổi mới của doanh nghiệp.
- Sự thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp và tổ chức NC&TK cũng làm cho hoạt động NC&TK trong doanh nghiệp không phát triển được.
- Sự liên kết lỏng lẻo giữa các SME với doanh nghiệp lớn cũng tạo nên những khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp loại này.
- Khó khăn lớn nhất của SME có lẽ vẫn là vốn hoạt động. Đây là khó khăn còn lâu dài của các SME, mặc dù đã được đề cập ở nhiều diễn đàn, song hầu như vẫn chưa có lối thoát. Các SME hiện nay rất thiếu vốn để hoạt động. Việc tiếp cận được với các nguồn vốn là vô cùng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp sau vài năm hoạt động đã bị phá sản. Các chính sách của Nhà nước dường như chưa thực sự mang lại lợi ích đối với loại hình SME. Đây là một bài toán hóc búa không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn đối với các nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách trong quá trình phát triển SME ở Việt Nam.